Tính đãng trí của văn nghệ sĩ
Cái sự đãng trí của văn nghệ sĩ, xưa nay sách báo đã đăng tải nhiều; trong những cuộc trà dư tửu hậu, bạn bè văn nghệ cũng đã kể nhiều. Cứ nghĩ, họ - những văn nghệ sĩ đãng trí, chỉ là số ít, ai hay làm biên tập viên văn nghệ tôi mới thấy cái sự lơ mơ của họ khá phổ biến. Chuyện “hay quên” của các nhà văn nhà thơ khiến tôi lắm lúc lâm vào tình thế “bỏ thì thương vương thì tội”, bởi không ít tác phẩm có chất lượng tốt, nội dung phù hợp với trang văn nghệ của Quảng Nam cuối tuần nhưng đành xếp vào diện bài lai cảo.
Cộng tác với Quảng Nam cuối tuần (cũng như với các báo khác), dù muốn dù không cộng tác viên phải thực hiện “luật bất thành văn” là ngoài bút danh, còn phải ghi rõ họ tên thật, địa chỉ, e-mail và số điện thoại (nếu có) để tòa soạn tiện liên lạc trao đổi về bài vở khi cần. Rất tiếc, thực tế cho thấy không ít nhà văn nhà thơ không mấy chú ý tới “luật bất thành văn” kia… Họ cứ làm điều họ thích! Có nhà thơ bỏ công “trang trí” tác phẩm bằng cách viền khung xung quanh rồi tỉ mẩn gắn hoa lá ở bốn góc song lại quên ghi tên tác giả thành ra tác phẩm thơ “vô danh”! Có nhà thơ lại kỳ khu in đậm tên bài thơ, in nghiêng các câu thơ, ghi địa danh và ngày tháng sáng tác bài thơ rồi viết tắt tên tác giả khiến biên tập viên không biết đâu mà lần. Có cây bút văn xuôi gửi truyện ngắn thuộc loại khá nhưng không ghi bút danh, cũng chẳng ghi họ tên thật, chỉ cung cấp địa chỉ chung chung viết bằng tiếng Anh, tạm dịch là “đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nước Việt Nam”(!).
Làm biên tập viên văn nghệ, tôi có thói quen không quan tâm đến tác giả, chỉ quan tâm đến tác phẩm. Khi đọc xong các tác phẩm thơ, truyện ngắn, tản văn… của các cộng tác viên văn nghệ gửi về cộng tác, thấy được, tôi mới nhìn vào tên tác giả và nhận ra là... một khoảng trống! Không thể không sử dụng một tác phẩm có nội dung tốt, tôi nhờ bộ phận khai thác tin bài từ hộp thư điện tử của tòa soạn truy tìm e-mail tác giả nhưng hoài công vô ích. Bởi sau một thời gian, hộp thư tòa soạn đầy nhốc, bộ phận khai khác tin bài buộc phải xóa bớt. Tôi không còn cách nào khác hơn là gom những tác phẩm đó cho vào diện lai cảo. Có tác giả gửi thơ đăng trên Quảng Nam cuối tuần xong, có lẽ do không đọc báo hay do không nhớ, lại tiếp tục gửi bài thơ ấy cho tòa soạn lần... hai! Có tác giả với bút danh ít nhiều được bạn đọc “quen tên biết tiếng”, khi gửi bài cộng tác lại đề cái tên dân dã mà bà con hàng xóm hay gọi. Khi tôi truy tìm ra, hỏi, tác giả nói một câu xanh rờn: “Giọng thơ mình đâu có lẫn với ai, đề tên gì thì người ta cũng nhận ra ngay!”.
Vậy đấy, cái sự đãng trí và cái “tính ngông” của văn nghệ sĩ nhiều khi làm cho những tác phẩm có nội dung tốt nhưng buộc biên tập viên phải xếp vào diện “bài vở không sử dụng được”, tiếc thay!
LÂM BÌNH THÁI