Già rồi, vẫn ham vui...

LÂM BÌNH THÁI 01/06/2014 08:22

Trong đại hội Hội VH-NT Quảng Nam lần thứ VIII - 2014, có một cụ già mặc complet, thắt caravat hẳn hoi ngồi lẻ loi ở phòng lễ tân, vẻ mặt đăm chiêu tư lự. Hình như chẳng có mấy người biết cụ già là ai. Họ cứ thản nhiên tụm ba tụm bảy bàn tán về nhân sự Ban Chấp hành Hội VH-NT tỉnh nhiệm kỳ tới. Tôi mải lo tác nghiệp cho đến khi xong việc mới nhận ra cụ già ấy chính là A Tùng Vẽ - nghệ sĩ múa người Cơ Tu, vội sà lại bắt chuyện.

Nghệ sĩ A Tùng Vẽ (bìa phải) và tác giả.
Nghệ sĩ A Tùng Vẽ (bìa phải) và tác giả.

Lần đầu tiên tôi gặp nghệ sĩ múa A Tùng Vẽ cách đây tròm trèm hai chục năm. Lúc bấy giờ Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Tôi đi dự Đại hội Hội VH-NT Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV. Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu nghệ sĩ múa A Tùng Vẽ và trân trọng mời ông lên ngồi ở hàng ghế phía trên. Tái lập tỉnh Quảng Nam, qua 3 kỳ Đại hội Hội VH-NT tỉnh, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đều trân trọng giới thiệu nghệ sĩ múa A Tùng Vẽ với anh chị em hội viên. Đại hội Hội VH-NT tỉnh lần thứ VIII này, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã “nghỉ hưu từ đời tám hoánh”, lớp trẻ lên kế nhiệm không rõ do bận lo công tác nhân sự hay nghĩ đơn giản “ông già” cũng là hội viên như bao hội viên khác nên chỉ giới thiệu các quan chức đến dự đại hội mà thôi!

Trò chuyện với tôi, nghệ sĩ múa A Tùng Vẽ tâm sự: “Mình già rồi, cũng đã sống qua 90 mùa rẫy rồi. Mình ở tuốt trên làng Gừng, huyện Đông Giang, cách TP.Tam Kỳ cả trăm cây số, được mời về dự đại hội là vui lắm rồi. Mấy lần lên xuống xe khách, mình mới đến được đây”. Chợt A Tùng Vẽ trầm giọng: “Những lần trước, vợ mình còn khỏe, hai người cùng đi. Chừ vợ mình đi hết nổi, chỉ một mình mình đi, cũng buồn!”. Im lặng một lát rồi A Tùng Vẽ bảo với tôi: “Đại hội đông người quá! Không ai nhớ mình và mình cũng chẳng nhớ ai vì đã già…”. Câu nói của A Tùng Vẽ khiến lòng tôi se sắt lại. Tôi vội lái câu chuyện về thời kháng chiến. “Ông già Cơ Tu” vui hẳn lên. Ông bảo, ngày ấy ông là một trong những thành viên sáng lập Đoàn văn công Quảng Đà vào năm 1960. Ông đảm nhận ba “nhiệm vụ” là múa, hát và biểu diễn ảo thuật. A Tùng Vẽ cười: “Ngày ấy vui lắm! Mình tham gia cách mạng không biết mệt. Hết hát múa ở Phước Sơn lại lên hát múa ở Hiên, Giằng…”.

“Những năm tháng đem lời ca tiếng hát phục vụ cách mạng, phục vụ bà con các dân tộc Cơ Tu, Bhnoong, Giẻ Triêng… ở vùng rừng núi Quảng Nam, chắc cụ có nhiều kỷ niệm khó quên?” - tôi hỏi. Nghệ sĩ múa A Tùng Vẽ gật đầu: “Nhiều, nhiều lắm!”. Rồi A Tùng Vẽ kể cho tôi nghe chuyện ông cùng đồng đội áp sát đồn địch ở Phước Sơn, dùng loa ca hát vận động binh lính ngụy quay về với cách mạng với bà con bản làng. Kết quả là, sáng hôm sau một trung đội lính gồm 18 người bỏ đồn, mang súng ống quay về với bà con bản làng và tham gia công tác cách mạng. A Tùng Vẽ cười: “Chuyện xảy ra lâu quá rồi, mình không còn nhớ rõ năm nào nữa! Mà ngoài hát múa, biểu diễn ảo thuật, mình còn tham gia đóng kịch được người xem vỗ tay khen. Có nhiều tiết mục ảo thuật, bà con yêu cầu mình làm đi làm lại mấy lần”.

Hàn huyên với A Tùng Vẽ, tôi được biết thêm, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ông công tác ở Phòng Văn hóa - thông tin huyện Hiên. Năm 1980, ông nghỉ hưu, về tham gia công tác đoàn thể ở thị trấn P’rao. Ông cười bảo với tôi: “Mình tham gia văn nghệ vì vui. Già rồi, sống qua chín mươi mùa rẫy rồi, mình vẫn ham vui, vẫn lặn lội đi dự đại hội văn nghệ...”.

LÂM BÌNH THÁI

LÂM BÌNH THÁI