Xuất xứ bài thơ "Qua cầu Chìm"...

PHAN CHÍ THANH 05/04/2014 14:36

Tôi vẫn nhớ, mùa đông năm 1988, em và hai cô bạn tên là Kim Anh và Hoa thường xuyên đến phòng ở của chúng tôi - những văn nghệ sĩ Quảng Nam -  Đà Nẵng cùng nhà thơ Trinh Đường, nhạc sĩ Từ Thịnh, về Duy Xuyên quê em sáng tác theo lời mời của lãnh đạo huyện. Bên kia cầu Chìm là Nhà văn hóa huyện, nơi chúng tôi tổ chức sinh hoạt văn nghệ và giới thiệu tác phẩm mới trong chuyến đi thực tế sáng tác ở Duy Xuyên.

Tối tối các em đến chơi, ngồi trên những chiếc giường đơn làm bằng gỗ tạp, lưng tựa vào tường, nói cười giòn tan. Gương mặt em nào cũng sáng. Riêng em với khuôn mặt hơi tròn, làn da trắng mịn, đặc biệt là đôi mắt luôn ánh lên niềm vui cùng sự hồn nhiên tinh nghịch thật đáng yêu. Có lẽ tôi đã “chết chìm” trong đôi mắt ấy để rồi trong một khoảnh khắc lóe sáng như là định mệnh tôi viết liền một mạch xong bài thơ “Qua cầu Chìm”. Tết năm ấy, đặc san xuân Duy Xuyên đăng một chùm thơ và tản văn của tôi, trong đó có bài thơ “Qua cầu Chìm”. Không ngờ chỉ một thời gian sau báo Thanh Niên đăng lại bài thơ ấy, bạn đọc nhiều nơi đón nhận và nâng niu. Một số bạn yêu thơ đã cắt bài thơ “Qua cầu Chìm” từ báo Thanh Niên dán vào sổ tay và sổ công tác của mình.

Điều ít ai biết được rằng, em là nguồn cảm hứng, giúp tôi có được những giây phút xuất thần để viết nên bài thơ “Qua cầu Chìm”. Và cũng ít ai biết được rằng, tác giả bài thơ bị một nhà báo lúc bấy giờ tấn phong là “vua quậy” nên cơ quan buộc phải cho nghỉ việc, ra đường đi bán cà rem kiếm sống... Chuyện xảy ra cũng đã mấy chục năm rồi. Nhiều lúc ngồi buồn, tôi lại nhớ đến em, nhớ “hoàn cảnh xuất xứ” của bài thơ “Qua cầu Chìm”. Xin chép tặng bạn đọc yêu thơ :

Qua cầu Chìm
Bao nhiêu người con gái
Chiều ấy qua cầu Chìm
Sao chỉ có mình em
Chìm vào anh lặng lẽ
Bao nhiêu người trai trẻ
Chiều ấy qua cầu Chìm
Sao chỉ có mình anh
Là người em chờ đợi
Nhưng anh ơi đừng để
Em như chiếc cầu kia
Suốt một đời cứ nổi
Lại mang tiếng cầu Chìm !

PHAN CHÍ THANH

PHAN CHÍ THANH