Lệch chuẩn
1. Năm 2013, luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan - Nhã Thuyên gây xôn xao văn đàn và các nhà phê bình văn học đã phải tốn không ít giấy mực. Nội dung của luận văn đó là gì? Tôi băn khoăn và lên mạng tìm đọc. Thì ra, tác giả luận văn đề cao “những tiếng nói ngầm” nhằm giễu nhại không trừ một ai và “tung hô” sự tục tĩu khiến người đọc, người nghe phải đỏ mặt quay đi.
Luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan - Nhã Thuyên được một PGS-TS. văn học, một hội đồng gồm các nhà văn, nhà phê bình tên tuổi, thẩm định đánh giá và cho “điểm 10 tuyệt đối”. Nội dung của luận văn lại ca ngợi những bộ phận duy trì nòi giống và hành vi thực hiện để duy trì nòi giống của con người với những mỹ từ “tinh tú”, “vật linh”, “năng lượng của cảm xúc hùng vĩ”… Vì tôn trọng bạn đọc, tôi không thể trích dẫn một vài đoạn ngắn của luận văn để làm minh chứng, bởi trong luận văn có nhiều đoạn viết y chang truyện sex, tục tĩu đến mức khó có thể chấp nhận được. “Những tiếng nói ngầm” còn thể hiện sự phản kháng bằng cách giễu nhại thơ của nhiều nhà thơ tên tuổi khiến nhà phê bình văn học Chu Giang - Nguyễn Văn Lưu phải lên tiếng. Ông viết: “Giễu nhại một con người như thế là một việc làm vô đạo, thất đức, bất nhân, bất nghĩa. Người dân thường ít chữ nghĩa cũng không bao giờ làm thế”. Rồi ông đặt câu hỏi: “...tôi không hiểu văn hóa của người hướng dẫn khoa học, của hội đồng chấm luận án, của những người đọc, trao đổi, giúp đỡ tài liệu, khích lệ việc làm này là văn hóa gì, thuộc về thứ văn hóa nào?”.
2. Xôn xao dư luận một thời gian rồi luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan - Nhã Thuyên cũng dần rơi vào quên lãng. Những tưởng đời sống văn học sẽ yên ắng, không ngờ vẫn có sự lệch chuẩn khiến cư dân mạng bất bình, “ném đá”. Đó là tập “Đồng dao 6” trong bộ sách tranh đồng dao gồm 6 tập do một nhà xuất bản liên kết với một nhà sách ấn hành. Sự bất cẩn (hay sự cẩu thả?) trong việc chọn lọc những bài đồng dao của những người làm sách đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Với tập “Đồng dao 6”, những người làm sách đã sưu tầm những bài đồng dao “đọc cho vui” của con trẻ mà không có sự chọn lọc kỹ càng nên có tác dụng ngược trong việc giáo dục con trẻ. “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro”. Đứa con bị tật nguyền, bà Nhăng chẳng hề thương xót, lại còn nhẫn tâm “đập chết đem vùi đống tro”. Đó là hành động phi nhân tính, làm sao giáo dục con trẻ hướng thiện được? Và đây là bài đồng dao “Chơi vỗ tay”: “Ở với ai?/ Với bà/ Bà gì? /Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng/... rồi là Hồ ao/ Ao gì?/ Ao cá / Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm”. Kho tàng đồng dao Việt Nam vô cùng phong phú, tại sao những người làm sách không chọn những bài đồng dao có tính giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc cho con trẻ, mà lại chọn những bài đồng dao phản cảm như vậy? Phải chăng, đấy cũng là một biểu hiện lệch chuẩn của những người làm sách giáo dục con trẻ?
HỮU LÂM QUÊ