"Thâm canh" tác phẩm
Tôi có anh bạn làm biên tập viên văn nghệ cho một tờ báo nọ. Vô công rồi nghề, thỉnh thoảng tôi ghé chỗ anh chơi, xem có sách báo gì hay,mượn về đọc. Một hôm, tôi thấy anh chọn bài vở cộng tác viên gửi tới rồi lên mạng, vào google.com.vn tra tên tác phẩm - tác giả trước khi biên tập. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Anh bạn tôi cười hiền: “Kiểm tra lại lần cuối cùng ấy mà!”. Tôi vẫn không hiểu, cứ nghệch mặt ra. Anh bạn tôi giải thích: “Thời đại internet kết nối toàn cầu, không ít cộng tác viên đâu có gửi bài cho một tòa soạn báo, họ “rải” cùng một lúc cho nhiều tòa soạn báo, tạp chí… Nếu không kiểm tra kỹ, dễ bị “hố” như chơi!”.
Công bằng mà nói, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo có lòng tự trọng, họ chỉ gửi tác phẩm của mình cho một tờ báo hay một tạp chí nào đó mà thôi. Theo “luật bất thành văn”, sau một tháng không thấy đăng, họ mới gửi chỗ khác. Tuy nhiên, cũng có không ít cộng tác viên “rải” sáng tác của mình khắp nơi theo kiểu “thâm canh” tác phẩm, khiến uy tín của tờ báo bị sụt giảm vì lỡ “xài lại lần hai, lần ba…” sáng tác mà các báo, tạp chí đã đăng. Anh bạn tôi kể thêm, có tác giả “thâm canh” tác phẩm độc chiêu theo kiểu “bình mới rượu cũ”: Gửi cho báo này, truyện ngắn có tên “Con Mực”; gửi cho báo nọ, đổi thành “Con Mun”; gửi cho báo kia đặt lại tựa đề “Con chó đen”; gửi cho tạp chí văn nghệ bằng cái tên ngộ nghĩnh “Con chó màu lông quạ”... Nếu kiểm tra “lớt phớt” trên google.com.vn thì biên tập viên phải “botay.com”, không tài nào phát hiện ra bốn cái truyện ngắn ấy chỉ là một!
“Nhấp chuột và enter, họ chỉ làm vài thao tác đơn giản nhưng lại gây bao khó khăn cho biên tập viên của các tòa soạn báo” - anh bạn tôi ngao ngán nói. Bởi bài vở biên tập xong, chuyển qua bộ phận kỹ thuật xuất bản lên ma két, bất ngờ phát hiện ra bài vở đó đã có báo khác đăng rồi, phải bóc gỡ ra và làm lại từ đầu. Mệt không thể tả. “Làm biên tập viên văn nghệ, không câu nệ về thời gian, gặp phải những trường hợp như vậy, xoay xở không đến nỗi quá vất vả. Nhưng làm biên tập viên báo ngày, rơi vào trường hợp ấy, chỉ có nước… khóc! Bóc bài “đụng hàng” xuống. Kiếm bài khác để biên tập, thay thế. Mọi việc phải thực hiện trong một khoảng thời gian hết sức eo hẹp. Chậm trễ, bộ phận kỹ thuật xuất bản hối thúc; bộ phận phụ trách in ấn của nhà in gọi điện réo... Bởi tất cả phải tuân theo một quy trình đã được “mặc định”, không thể rề rà…
“Quả là nhiêu khê khi tác giả “thâm canh” tác phẩm” - tôi nói. “Quá nhiêu khê! Vì thế, nhắc nhở nhiều lần mà tác giả vẫn “chứng nào tật ấy”, các tòa soạn báo buộc phải nói lời chia tay…” - anh bạn tôi nén tiếng thở dài. Bất chợt tôi nhớ đến “nhà báo tự do” có tên là X. Hồi chưa có internet, X. có bài đăng báo khắp nơi trong nam ngoài bắc. Chỉ một bài báo nhỏ mà có đến hai chục tờ báo cùng đăng. Khi cả nước được kết nối mạng, bài của X. cứ thưa vắng dần trên mặt báo. Và rồi mấy năm nay X. trở thành kẻ “bặt vô âm tín” vì không từ bỏ được thói quen “thâm canh” tác phẩm…
LÂM BÌNH THÁI