Áo dài ra phố

HỨA XUYÊN HUỲNH 14/07/2013 15:02

Buổi sáng ngồi uống cà phê ở góc đường Nguyễn Trường Tộ - Thái Phiên, khi đề cập câu chuyện phố cổ đang trở nên chật chội và náo nhiệt, một người Hội An luống tuổi kể về mẹ: “Ngày xưa, mẹ tôi đi chợ cũng mặc áo dài ra phố, dù chợ cách nhà chỉ vài chục mét. Đó là phong hóa”. Cảnh thanh bình khi người dân vừa đếm cá vừa… đệm bài vè cũng chỉ còn một thời vang bóng. Đã nghe nói nhiều đến mối lo văn hóa bản địa bị tác động, di tích bị chỉnh sửa, nhịp sống cũng chộn rộn theo.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, tác giả cuốn Phố cổ Hội An & việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, viếng thăm khu phố cổ từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và nhận ra Hội An lúc đó dường như bị “lãng quên” sau chiến tranh. Nhưng bù lại, khu phố yên tĩnh bởi không nhà hàng, không khách sạn, người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề dệt vải, nghề thủ công, lấy tổ yến, đánh bắt hải sản. Trong không gian bao quanh bởi những đường phố, hội quán, ngôi nhà, cầu cổ…, người phố Hội gồm cả người Việt và người Hoa sống bình dị, chan hòa. Nhân tình thuần hậu và khung cảnh quyến rũ ấy trở thành lý do chính để nhiều người khuyên nên chọn “du lịch chậm”, “du lịch đạo đức” ở di sản văn hóa thế giới Hội An.    

Trong các tham luận tại hội thảo quốc tế về bảo tồn văn hóa phi vật thể tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 vừa tổ chức, có một tiếng nói khá “lạc lõng” khi dẫn ra kinh nghiệm thỏa hiệp giữa bảo tồn với phát triển du lịch từ một làng nhỏ ở Trung Quốc. Lạc lõng, nhưng mang tính cảnh báo đặc biệt. PGS-TS. Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) khảo cứu di tích và lễ hội của người Kinh ở Quảng Tây (Trung Quốc) đã nhận ra: Người dân nhiều lần thỏa hiệp với chính quyền để đưa lễ hội đình Vạn Vĩ và một số di sản văn hóa ra khỏi không gian làng, trình diễn trong các hội chợ thương mại. Họ chủ động thỏa hiệp để có được sự đẹp đẽ, khang trang, bề thế cho di tích. Sự tấp nập của các nhà báo, nhà nghiên cứu trong lễ hội Vạn Vĩ một mặt tạo không khí thăng hoa, phấn chấn khác ngày thường; nhưng mặt khác cũng mang tới cho lễ hội sự thiếu tự nhiên, gượng ép, người dân có tâm lý “diễn” hoặc thay đổi ít nhiều cho khách xem.

Lãnh đạo TP.Hội An khẳng định rằng địa phương chỉ “lo” cho công tác quản lý, trùng tu chứ chưa đến mức “sợ” quá mà đóng cửa di tích, không cho người ta đến. Không sợ, tức là có cách để ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa. Vậy thì, giữa chộn rộn đời thường sau các kỳ lễ hội, những người yêu sự tĩnh lặng Hội An có lời khẩn cầu này: Phái nữ nên tiếp tục mặc áo dài mỗi khi ra phố!

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH