Cổ tích về rừng
(VHQN) - Thêm một viên sỏi được ném xuống mặt nước phẳng lặng. Những con sóng chậm rãi nối nhau, Phượng nhìn khắp một lượt như cố thu lấy hình ảnh quen thuộc. Hồ nước mênh mông lấp lánh nắng long lanh như muôn ngàn giọt nước mắt nhòa đi. Những giọt nước mắt nàng Dung tụ lại đây, tụ lại từ ngày rất xưa, khi vùng này chỉ toàn người dân tộc ở. Họ đã theo vết những vùng đất màu mỡ đi sâu mãi vào bên trong. Lên hẳn phía núi cao. Hồ nước như chiếc gương khổng lồ ai đó bỏ quên lại. Thuở ấy chưa có một người Kinh nào đến đấy, thuở ấy núi rừng ngập tiếng hát, ngập tràn người già kể cho nhau nghe bên bếp lửa hồng.
Kể rằng…
Có chàng trai Cơ Tu ngực như quả núi. Tiếng hú của chàng vượt qua trăm con suối, ngàn cánh rừng. Aral Gươn phát một thôi hết năm cái rẫy rộng mênh mông, phát không nghỉ từ lúc ông mặt trời lấp ló đầu bản Mây đến khi ông dựa lưng ngủ thiếp sau dãy Cánh Diều hùng vĩ. Bọn trai làng nằm mơ cũng khó chạy theo kịp.
Đêm đêm, từ căn nhà cuối bản tiếng hát của chàng vút lên cao tận ngàn mây, xa thấu chân trời, len đến chân cầu thang nhà những cô gái, gõ cửa. Con gái cả mấy bản cứ úp mặt lên gối vì thầm thương trộm nhớ.
Nhưng, có một cô gái không thèm ghé mắt tới. Suốt chín dãy núi quanh cụm Cánh Diều này không ai đẹp bằng nàng. Mặt trăng ghen với nàng, mới đêm mùng hai đã lung linh sáng. Suối Lin trong veo như chưa từng được trong. Chim cơ tia hót hay hơn, ngọt ngào hơn. Nàng dệt.
Thôi thứ nhất, lụa đủ quấn bảy vòng quanh người nàng kín từ chân lên đầu, thôi thứ hai trải hết khắp sàn. Đến thôi thứ ba trải ra tận ngõ. Khác với giọng Aral Gươn rủ rê, nhức nhối giọng nàng Alăng Dung mềm mại, trong ngần. Nó lan sâu tận rừng, trải theo con suối. Con nai ngẩn ngơ quên cả uống nước. Con cọp trở nên hiền lành.
Nàng hát rằng: “Chân em gái thon đẹp như thân dong/ Chân em trắng xinh giống cây chuối rừng xanh/ Đôi môi em tươi tựa như đóa hoa lơ-lang/ Lấp lánh trong anh cánh hoa đờ - lôm.../ Ai cõng em qua sông, em biếu chiếc vòng vàng/ Ai dắt em qua sông, em sẽ trao chiếc vòng bạc” (*).
Tiếng hát đan quyện lấy tiếng thoi đưa, cần mẫn ngày này sang ngày khác. Mặc kệ những ánh mắt trao gởi, những lời đẩy đưa bóng gió, những câu hát hứa hẹn niềm hạnh phúc. Tiếng khèn bè đêm đêm cất lên từ chân cầu thang. Nàng Dung mải mê dệt như không biết, không nghe thấy gì.
Nàng cứ vui với cuộc sống tươi đẹp, với tuổi mười sáu tròn mọng như quả sim rừng. Có chàng thức trăm đêm đứng chôn chân dưới cầu thang nhà nàng, có chàng thất vọng bỏ đi biệt xứ.
Một chàng yêu điên cuồng đến độ căm thù. Chàng ta đón nàng bên suối Lin nơi mỗi sáng nàng vẫn đi lấy nước. Trời âm u, chàng trai rút gươm, trái tim bệnh hoạn của chàng đập loạn nhịp, chàng căm hận vung gươm, bầu trời trở nên rạng rỡ, nàng Dung mỉm cười, tưởng chàng đùa, nàng cứ ung dung bước tới, tay vung vẩy cành hoa mua tím trên tay. Chàng trai bất giác sững sờ. Thanh gươm treo lơ lửng giữa trời. Chàng buông gươm, quỳ mọp miệng líu ríu xin nàng tha tội, nàng Dung ngạc nhiên.
- Ôi, nào chàng có lỗi gì đâu?
- Đầu óc mông muội trái tim lú lẫn của ta xúi ta định cướp kỳ quan tuyệt diệu của núi rừng. May mà nàng còn thương xót cản kịp đường gươm tội lỗi!
- Chàng đừng nghĩ dại. Nào chàng có tội lỗi gì đâu.
Tấm lòng nhân hậu của nàng Dung khiến chàng thêm xấu hổ. Chàng cúi gằm mặt.
- Ta không còn mặt mũi nào trở về bản Mây nữa. Nhờ nàng về nói lại với cha mẹ ta, bạn bè ta rằng ta đã chết, ta sẽ nhớ ơn nàng suốt đời.
Lần đầu tiên trái tim sắt nàng xúc động, nàng Dung ứa nước mắt nhìn theo bóng chàng khuất sau cánh rừng.
Từ đấy tiếng hát nàng thêm hơi thở nhuộm màu oan nghiệt, bớt dần đi vẻ hồn nhiên phơi phới, nhưng nàng vẫn chưa để ý đến ai. Nàng sẽ yêu chàng trai vì nàng mà bỏ làng đi biệt. Có tơ tưởng mỗi khi đêm về? Không! Nếu yêu nàng đã giữ chàng lại dù chỉ bằng một lời hứa hẹn đẩy đưa. Nàng chỉ thương như thương chính niềm oan nghiệt luôn bám lấy con người.
Trái tim nàng Dung chỉ thuộc về Aral Gươn khi chàng đuổi được con voi dữ thường kéo về phá làng phá rẫy. Khi Aral Gươn rũ người xuống vì kiệt sức bên con voi chúa đàn một mắt, một ngà dữ dằn, người ta thấy bóng một người con gái lao tới, ôm ghì chàng. Cả làng kinh ngạc khi nhận ra nàng Dung.
Nàng cứ ôm chàng trai, khóc sướt mướt. Lũ con gái quay mặt đi quệt nước mắt. Nàng Dung của họ từ đây đã chết. Một nửa núi rừng Bian đã thuộc về Aral Gươn. Họ sẵn sàng chấp nhận bởi họ hiểu không có ai xứng đáng hơn chàng nữa.
Nàng Dung vẫn khóc. Nước mắt ngập hồ, tràn xuống, tràn xuống mãi thành con suối, tuới mát cánh đồng màu mỡ. Kéo dài xa tít tắp. Không ai biết câu chuyện kết thúc ra sao. Trái hẳn với những bài khan thường được kể trong vùng. Chỉ còn lưu lại cái tên hồ Dung, đồi Dũng Sĩ như dấu vết của một câu chuyện tình đẹp và bi thảm.
Chuyện xa xưa lắm rồi nhưng mỗi lần nhớ tới Phượng không tránh khỏi xúc động. Ở đâu cũng mang hơi thở cuộc sống. Nhiều lúc dịu dàng nhưng lắm khi dữ dội, khắc nghiệt. Người đàn bà đưa tay khẽ vuốt mái tóc đã đổi màu. Năm tháng qua đi. Dằn vặt, trăn trở, toan tính dự định hạnh phúc, khổ đau…, rồi cũng qua đi. Chuyện mới ngày nào sẽ thành chuyện xưa. Lắng sâu mà dữ dội.
Rồi có một ngày chị sẽ rời trường và hoàn toàn hài lòng với những năm tháng mình đã sống. Lớp trẻ nơi đây đã lớn lên có sự chăm sóc của tấm lòng người phụ nữ nhân hậu. Mới ngày nào những cậu bé, cô bé còn ngơ ngác, tần ngần trước cổng trường, giờ như chim hải âu vượt ra giữa cuộc đời, đủ sức xác định cho mình một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa. Chị mới ngày nào còn nông nổi trước đám học trò tinh nghịch, rồi sẽ trở thành bà giáo điềm đạm.
Ở đó chẳng còn là những nét chấm phá của tính cách chị đang cố gắng thấu cảm cốt cách, nếp nghĩ, nếp làm. Có rất nhiều học sinh đã và sẽ trở về thăm chị, sẽ rất nhiều, chị không thể nào nhớ hết. Đó là hạnh phúc lớn của một đời dạy học. Từng lớp lớp trẻ đi qua, riêng chị dừng lại, mà không, chị như viên ngọc quý, qua ngày tháng thêm sáng ngời.
Chị sẽ như viên ngọc trai không ngừng sáng lên mãi trong lòng học trò, giữa lòng mọi người. Lúc đó, chắc khi ra đường mọi người đều ngả nón chào chị, chào cái phần đời trong sáng chị gửi lại nơi đây. Sẽ không ai hiểu hết những gì thầm kín từng đêm chị dằn vặt và những gì xảy ra với chị trong cái đêm xa xôi ấy. Nếu biết chắc họ sẽ thêm nhiều lần ngả nón với bao nhiêu kính trọng.
(*) Dân ca Cơ Tu do Nguyễn Huy Hùng sưu tầm.