Hiên nhà có hoa
1. “Sẽ có một người nào đó luôn ở bên cạnh con, đồng hành với con. Vì vậy, con sẽ không phải một mình!”. Mẹ nói với Quỳnh như vậy từ khi còn bé, lúc ấy, Quỳnh không có ai chơi cùng. Các bạn đồng trang lứa với Quỳnh đều bận túi bụi. Đứa thì trông em, đứa ra đồng phụ mẹ, đứa đi cắt cỏ cho bò. Chỉ mình Quỳnh không phải làm những công việc ấy.
Nhà Quỳnh không giàu có gì, chỉ do đông anh chị. Họ làm hết những việc ấy cho Quỳnh. Quỳnh lại không có em để trông nên càng rảnh rỗi. Mẹ, khi ấy là người bạn duy nhất của Quỳnh. Những lúc mẹ bệnh là Quỳnh lo lắng nhất.
Ở một nguồn thông tin mà Quỳnh biết được, tất cả bà mẹ đến một lúc nào đó sẽ rời đi. Quỳnh từng chứng kiến những đám tang u ám trong khu nghĩa trang gần nhà. Chiếc quan tài đặt chìm xuống lòng đất thật sâu, vĩnh viễn mang đi người bà, người mẹ, người chị của những gương mặt đẫm nước mắt đứng chung quanh mộ huyệt. Quỳnh sợ một ngày nào đó mẹ sẽ rời xa Quỳnh.
Trong những giấc ngủ chập chờn, Quỳnh thảng thốt đưa tay lên chờ nhịp đập nơi lồng ngực của mẹ. Có những đêm, nhịp đập của mẹ sao mà nhẹ quá, khiến Quỳnh hốt hoảng bật dậy. Khi ấy, mẹ cũng giật mình thức giấc, còn tưởng có chuyện gì.
Sáng hôm sau, lúc ngớt việc, mẹ mới nói với Quỳnh đừng lo lắng gì cả, mẹ vẫn khỏe mạnh và sống thật lâu với Quỳnh. Khi ấy, Quỳnh mới nở nụ cười thật tươi rồi chạy đi chơi trong vườn nhà.
Nhưng rồi một lần, hôm ấy vào mùa nước lũ. Nước lên cao lênh láng, san bằng thẳng tắp chẳng phân biệt được nơi nào là sân, là ao hồ, là cánh đồng, là lối đi sau nhà. Mẹ lội nước đi hái rau cho bữa trưa.
Mớ rau muống chẳng ngoi lên kịp con nước ngày một cao. Mẹ tranh thủ cắt hết luống rau, để dành ăn cho bữa sau. Chẳng may trong lúc đang mải mê cắt rau, chân mẹ giẫm phải vỏ ốc từ đâu trôi dạt vào vườn nhà.
Mảnh vỏ ốc sắc lẹm hằn vào kẽ ngón chân út của mẹ, máu chảy loang thành vệt sau mỗi bước chân. Đêm đó, Quỳnh không ngủ được. Quỳnh để hẳn tay trên ngực trái của mẹ, để canh chừng nhịp tim. Trong ý nghĩ non nớt nhưng đầy ám ảnh về cái chết của một đứa trẻ, mẹ Quỳnh có thể rời đi bất cứ khi nào.
Mỗi tối, anh trai thay băng vết thương ở chân cho mẹ. Anh có chút kiến thức về y khoa nên làm rất tỉ mỉ, khẽ khàng. Quỳnh chưa thấy anh làm việc gì mà chăm chú đến như vậy. Quỳnh ngồi bên cạnh, nhìn từng động tác của anh không chớp mắt. Thay băng xong, anh nán lại trấn an Quỳnh: “Mai mốt là chân mẹ lành hẳn, không sao đâu Út”. Quỳnh gật đầu tin anh.
Nhưng “mai mốt” của anh sao dài quá. Thật lâu sau chân mẹ mới lành lại hẳn. Vết thương ngoác ra chảy máu hôm trước, hôm nay chỉ còn một vệt thẹo mờ, nhỏ bằng cọng chỉ. Quỳnh đưa ngón tay út nhỏ xíu của mình vào kẽ ngón chân của mẹ, nhích qua nhích lại kiểm tra, hỏi mẹ còn đau không. Mẹ cười nhìn Quỳnh, xác nhận không còn đau chút nào cả. Khi đó, Quỳnh mới yên tâm.
Mỗi năm, mẹ đều đo chiều cao của Quỳnh trên cánh cửa gỗ đặt trong góc nhà. Lần nào đo xong, giọng mẹ cũng như reo lên: “Bé Út của mẹ cao hơn hẳn rồi nè, thấy không?”. Quỳnh nhìn những vết gạch chi chít là các số đo chiều cao của từng anh chị, dù chẳng phân biệt nổi đâu là vết gạch trước đó của mình, nhưng Quỳnh cũng gật đầu vui mừng theo niềm vui của mẹ.
Niềm vui của mẹ dường như nằm ở số đo chiều cao của Quỳnh thì phải. Vào đầu năm học, mẹ chọn những bộ đồ còn mới nhất của các anh chị, ướm vào người Quỳnh rồi lại reo lên: “Vừa rồi nè! Chẳng mấy chốc mà con cao bằng các chị gái”.
2. “Sẽ có một người nào đó luôn ở bên cạnh con” - Quỳnh nhẩm lại câu nói mà mẹ nói với mình nhiều lần, trong đám tang của mẹ.
Các anh chị bận rộn tiếp khách, nhưng thỉnh thoảng vẫn để mắt đến Quỳnh, đưa cho Quỳnh chai nước suối, hỏi xem Quỳnh có cần nghỉ ngơi một chút không, vị trí đó họ sẽ thay. Quỳnh tỉnh táo lắm, nói mình ổn và vẫn có thể giữ nguyên vị trí, dù gì Quỳnh cũng chỉ mới đi làm, có ít bạn đồng nghiệp đến chia buồn nên không quá bận rộn như các anh chị.
Khi ấy, có lẽ các anh chị cũng nhận ra đứa em Út bé bỏng ngày nào của họ nay đã trưởng thành, đi làm rồi, chứ đâu còn là đứa trẻ đêm nào cũng đặt tay lên ngực để canh nhịp thở của mẹ như trước.
Các anh chị còn hỏi xem, sau đám tang về lại căn hộ chung cư một mình, Quỳnh có cần ai đó đến ở cùng ít hôm cho khuây khỏa không, nhưng Quỳnh từ chối vì ngại làm phiền. Ai cũng có việc riêng của mình. Quỳnh nói rằng mình cũng đi làm ngay, chứ không được nghỉ lâu. Nghe vậy, mọi người cũng yên tâm.
“Sẽ có một người nào đó luôn ở bên cạnh con. Nhưng con cũng nhớ là đừng để ai một mình, khi mà họ cần đến sự có mặt của con”. Trở về căn hộ chung cư, Quỳnh vẫn lặp lại điều mẹ nói ở trong đầu.
Điều ấy như một liều thuốc có tác dụng như thần dược cho tinh thần. Quỳnh tin mọi điều mẹ nói với Quỳnh. Cái ý nghĩ “luôn có người đồng hành” ngày càng trở nên gần gũi, cảm giác như sẽ có người nào đó sắp xuất hiện trong cuộc đời Quỳnh, sánh bước bên Quỳnh trong mỗi sớm mai thức giấc.
Nhưng người đó là ai? Có thể là một trong những người đồng nghiệp rất tốt bụng với Quỳnh. Hay ai đó trong số người cùng tập luyện ở lớp yoga với Quỳnh? Cũng có thể là một người lạ, gặp nhau trong buổi chạy bộ sáng cuối tuần ở công viên, hay nơi quán cà phê có nhiều khóm hoa xinh, hoặc cũng có khi là một trong những người bạn cũ mà tình cờ tụi Quỳnh gặp lại…
À, cả những chuyến du lịch khám phá nữa, Quỳnh đã gặp không ít người dễ thương, cùng tần sóng năng lượng để có thể nói với nhau về một vấn đề, sở thích hay đam mê nào đó…
Mỗi lần nhìn lên bàn thờ có ảnh của bố mẹ, Quỳnh lại tin rằng mình đang không một mình. Mỗi ngày đi làm, rồi trở về nhà, Quỳnh dành thời gian còn lại cho những việc mình yêu thích: xem một bộ phim hay, đọc một quyển sách tâm đắc, cắm một bình hoa thật đẹp, dọn dẹp lại đồ đạc cho thật vừa mắt trong nhà… Quỳnh làm mọi thứ, với tâm thế đón đợi điều tốt đẹp dành cho mình đang ở phía trước.
Ngày cứ thế trôi.
3. “Mưa nha bà con!” - có tiếng người đàn ông vang lên giữa trưa vắng. Cơn mưa ập xuống đột ngột giữa lòng thành thị. Mọi người tranh thủ thu gom những thứ phơi ngoài cửa sổ, trên sân thượng.
Quỳnh cũng bật dậy, hôm qua trong lúc trở về nhà, cô không kịp tránh cơn mưa nên làm ướt ít giấy tờ, tài liệu cho công việc. Cũng may mà có người báo mưa để còn thức giấc kịp thời.
Nhưng mưa thành thị qua rất nhanh. Trời ửng nắng ngay sau đó, trong lúc Quỳnh còn thơ thẩn bên những khóm hồng cổ thụ trên sân thượng, mà không biết chủ nhân là ai. Nơi này thật thích, ban quản trị kê sẵn hàng ghế đá bên cạnh dọc khóm cây.
Chỉ cần pha thêm ly cà phê mang lên nữa, nơi đây sẽ là chỗ ngồi lý tưởng để đọc sách, ngắm hoa lá, trời mây, hay chỉ để hít thở không gian trong lành, tĩnh lặng hiếm hoi giữa lòng phố thị. Và cô muốn mình sẽ là chủ nhân của một gốc cây đi qua thời gian, như gốc hồng này.
Có tiếng bước chân, Quỳnh quay lại, người phụ nữ đứng tuổi mang thức ăn thừa lên cho đám mèo hoang. Nhìn Quỳnh, có lẽ nhận ra người mới đến, nhưng chị ta không hỏi điều đó mà hỏi Quỳnh: “Em thích trồng cây à?”. Quỳnh gật đầu, thoải mái chia sẻ: “Em thích trồng loại cây gì đó, như là cây hồng này, nhìn có vẻ lâu năm chị nhỉ?”.
Người phụ nữ cũng cởi mở như thể hai người họ đã biết nhau từ lâu: “Cây này hơn chục năm rồi. Giai đoạn bén rễ là quan trọng nhất. Nhưng không quá khó đâu, chỉ cần chút kiên nhẫn. Một khi cây đã bén rễ, rễ bám chặt vào lòng đất, yên ổn, khi đó cây sẽ chỉ thực hiện sứ mệnh của mình, đó là ra hoa”.
Sứ mệnh của cây là ra hoa. Quỳnh nhẩm câu nói đó trong đầu cho đến khi trở về phòng. Người chị khi nãy cũng đang mải mê đi vạch từng gốc cây để tìm chú mèo con. Nghe nói mới đẻ nhưng không biết mẹ nó tha đi đâu rồi.
4. Quỳnh trồng một gốc hồng. Đó là giống hồng leo cổ thụ được một người bạn chia sẻ là phù hợp với thời tiết nơi này. Cô dành vị trí ưu ái nhất ở ban công, có đủ nắng mưa, gió trời để cây phát triển tốt nhất.
Quỳnh dành cả buổi sáng chủ nhật để làm thật chậm, thật nâng niu cây với tình yêu thương chân thành. Cây cũng có năng lượng và hiểu được sự tận tụy của người chăm sóc. Quỳnh tin như vậy.
Cô vừa làm vừa nghĩ đến sự an ổn mà người chị Quỳnh gặp trên sân thượng có đề cập. Phải rồi, cây phải an ổn mới cắm rễ thật sâu vào đất để phát triển. Bản thân mình cũng cần phải an ổn, thay vì tìm kiếm một ai đó, một điều gì đó ở cõi vô thường này.
Quỳnh cũng muốn trở thành gốc hồng vững chãi. Mỗi ngày hân hoan đón nắng, mưa và thực hiện sứ mệnh của mình đó là bung ra những cánh hồng rạng rỡ. Hẳn là cây hồng hài lòng lắm với cuộc sống giản đơn nhưng ý nghĩa của mình.
Quỳnh cũng nhận ra rằng, dù có ai đi cùng với mình hay không cũng chẳng còn quan trọng nữa. Vì Quỳnh còn mải mê thực hiện sứ mệnh của riêng mình, đó là sống một cuộc đời thật đẹp, như cách mà mẹ vẫn nói với Quỳnh.
Buổi sáng, trời trong xanh không một gợn mây. Những ngọn gió vờn quanh gốc hồng như một lời chào người bạn mới thân thương!