Hoa nở muộn
Sống ở chung cư thành phố gần mười năm, My càng ước ao có mảnh vườn để thỏa sức trồng cây. Thậm chí My từng nghiêm túc nghĩ, đến độ tuổi nào đó, có thể là ngoài năm mươi, mình sẽ về vùng nông thôn để sống trong căn nhà lọt thỏm giữa mảnh vườn xanh mà nhìn thôi đã thấy mát mắt, dịu lòng.
Đó sẽ là căn nhà có hàng rào trắng bao bọc chung quanh. Ở đó, các loại dây leo ra hoa sẽ được My ưu tiên trồng. Phía trước nhà, My trồng hoa ngắn ngày như đồng tiền, cúc, thạch thảo, hồng…
Một số loại dài ngày như nguyệt quế, tường vi, ngũ sắc sẽ được My trồng vào nơi phù hợp để tô điểm hương sắc cho căn nhà. Ngoài ra còn có các loại cây lâu năm như ngọc lan, lộc vừng và hẳn không thiếu các loại rau xanh, cây gia vị, cây ăn trái được trồng phía sau nhà.
Ý nghĩ ấy như một liều thuốc bổ vực My dậy, giúp My vượt qua những gập ghềnh nơi cuộc sống nhiều áp lực của thành thị.
Nhưng Lam - cô bạn đồng nghiệp khá thân với My thì bảo: “Rồi về kết bạn với ông hàng xóm à? Sau đó thì mỗi ngày nói với nhau chuyện con sâu trong vườn nhà ai to hơn hay sao?”.
My hiểu ý Lam, rằng mình sẽ chẳng thể rời khỏi mảnh đất này, khi mà đã gắn bó với nó suốt thời thanh xuân với biết bao thăng trầm. Dù có yêu nơi này hay không thì mọi thứ cũng đã thân thuộc như chính bàn tay, đôi chân mình. Vả lại, Lam luôn hướng đến những giá trị lớn lao trong cuộc sống, hơn là tủn mủn chuyện nắng mưa, vườn tược.
Nhưng chẳng phải điều cốt lõi trong cuộc đời này chính là sự bình an đó sao? My lại nghĩ, vậy chẳng lẽ nếu ước mơ không thành hiện thực, mình sẽ không thể bình an?
Một lần về quê, My đem tâm sự với ba điều đó. Cả câu hỏi làm sao để có cuộc sống bình an khi luôn có những điều bất như ý xảy đến? My nói My quá thích một khu vườn, nhưng thành phố đất chật người đông, tấc đất tấc vàng, quá khó khăn để thực hiện giấc mơ đó.
Rồi My lấy điện thoại ra khoe một số chậu cây My trồng trong nhà. Khoe nhưng vẫn chẳng thể hiện là ưng lòng, vì đa số chỉ là loại cây cho ra lá như trầu bà, cỏ đồng tiền. Còn những loại ra hoa, vì không đủ đất, ánh nắng nên đa số My trồng đều chết yểu hoặc có sống cũng không trổ nổi hoa.
Ba lắng nghe My, xong chỉ cười mà chẳng nói gì. Người nhẩn nha uống cho xong tách trà đặc quéo rồi đi ra vườn làm việc như mọi ngày. Ba My kiệm lời với tất cả. Trong những cuộc nói chuyện của vợ con, chỉ cần ánh mắt ba dừng lại, ngưng công việc gì đó đang làm đã là thiện chí lắng nghe lắm rồi. Nếu không thích ai, họ nói gì ba cũng cứ làm công việc của ba.
Trong nhà, chỉ có My nói chuyện là vẻ mặt ba giãn ra thấy rõ. Tuy ba cũng chẳng đả động gì đến câu chuyện của My. Mẹ thì lúc nào cũng nói ba cưng con gái “rượu” nhất nhà. My cũng cảm nhận được điều đó nên dù biết ba rất nghiêm nhưng tuyệt nhiên My không sợ ba.
Từ ngày đi làm xa nhà, mọi chuyện vui buồn gì My cũng kể ba nghe. Có lần My gặp sự cố trong công việc, buồn quá liền đón xe về nhà, ra thẳng vườn ngồi bệt xuống chỗ ba đang làm. My không muốn khóc nhưng nỗi tủi hờn không cầm được nước mắt.
Ba đi hái cho My vài trái mận chín, ổi sẻ, quả vú sữa, lót tàu lá chuối bỏ lên cạnh chỗ My ngồi, rồi đi làm công việc của mình. Trưa đó, ba nói với mẹ, cơm nước xong thì hầm cho My con gà với mớ lá ngải.
Hôm đó mẹ cũng hốt hoảng, hỏi My bị sao à? My nói có bị gì đâu. Rồi mẹ chăm chăm nhìn khắp người My, vẫn chẳng tìm thấy nét xanh xao nào như mẹ nghĩ. Bởi trong nhà, chỉ khi nào ai đau ốm lắm, cần hồi phục sức mẹ mới làm món gà tiềm có lá ngải ăn cho bổ. Rồi mẹ cũng tự mỉm cười, đúng là “con gái rượu” của ba.
Hôm My về lại thành phố, sáng sớm ba ra vườn, chọn một số cây bon sai. Đó là những loại bon sai cho ra hoa như mai chiếu thủy, nguyệt quế, sen cổ thụ, linh sam, mai vàng... My nhận ra một trong số đó đã rất lâu đời, từ khi My chưa lên đại học đã thấy dáng ba cặm cụi tỉa tót cho cây. Ba chăm bẵm mớ bon sai này rất kỹ, rào hẳn lưới để bầy gà của mẹ không đi lạc vào phá vườn. Giờ cây ra dáng đẹp và bung hoa thơm ngát.
My cảm động nhìn ba cẩn thận gói từng nhánh vào giấy mềm. Nhẹ nhàng cho vào thùng xốp. Những ngón tay của người vừa to, vừa xù xì mà chẳng hiểu sao không bị thương bất cứ chiếc lá nào. Rồi ba nói ngắn gọn: “Để ở bàn cho đẹp!”.
*
* *
Từ ngày My chăm mấy chậu cây, hai cha con gọi điện nói chuyện với nhau nhiều hơn. Cũng chẳng nói gì ngoài chuyện liên quan đến mấy chậu bon sai. Ngày trước, mỗi lần My gọi cho mẹ, hỏi ba có nhà không cho con gặp ba. Mẹ liền chạy ra vườn, lần nào cũng vừa chạy vừa càu nhàu, rằng điện thoại xịn của thằng hai mua cho mà không chịu xài, chỉ giỏi hành mẹ. Nhưng ba cũng chỉ hỏi thăm My mấy câu cụt lủn, rồi đưa điện thoại cho mẹ, cũng nói cụt lủn: trả cho bà nè.
Một lần mẹ gọi báo với My, giọng mừng lộ rõ, bảo ba chịu xài điện thoại của anh hai con mua cho rồi. Việc ba chịu xài điện thoại đã là tin vui, mà chịu dùng chiếc điện thoại của anh hai nữa thì cả nhà vui như trúng số. Ba với anh hai không hợp tính, lại chẳng ai nhường ai.
Mấy lần ba nóng giận vác cuốc đuổi anh hai chạy khắp xóm. Anh hai ban đầu tủi thân vì không được ba thương, sau hận, đến khi đi làm mới bắt đầu thương cha mẹ, muốn kết nối làm lành nhưng ba vẫn lặng thinh.
Khi anh hai mua chiếc điện thoại đời xịn nhất gửi về tặng ba, nghe đâu gom tiền tiết kiệm để dành mấy tháng mới mua được. Nhưng ba vẫn chẳng đoái hoài. Giờ thì ba chịu dùng, coi như cũng kết nối với anh hai rồi. Người mừng nhất khi nghe thông tin này có lẽ là anh hai.
*
* *
Thành quen, mỗi cuối ngày My đều gọi điện cho ba. Gọi video để ba thấy mấy cây bon sai của ba phát triển như thế nào dưới bàn tay con gái rượu. Ba nhìn kỹ từng cành lá. Cây nào cần thêm nước, tỉa cành, phơi nắng, ba chỉ chi tiết để My làm theo. Cứ như vậy, loạt bon sai dần hợp khí hậu, phát triển thấy rõ từng ngày.
Cửa sổ nhà My để một hàng bon sai, ai đến cũng xuýt xoa khen đẹp, khéo chăm. My cười tít mắt vì hạnh phúc.
Có cây cối, trong nhà như có thêm sinh khí. My cũng thấy yêu thích nơi này hơn. Mọi thứ trong công việc dường như cũng thuận lợi hơn. Những lúc bên ngoài có chuyện không vui, My trở về tưới cho cây, nói chuyện với cây vài ba câu, tự dưng thấy nhẹ lòng hẳn.
Những buổi tối My ở trong nhà nhiều hơn, nằm đọc sách. Thỉnh thoảng đưa mắt nhìn những cây bon sai, cảm giác như chúng cũng đang cùng My hưởng thụ một buổi tối yên bình. Giấc mơ về vườn của My cũng tan ra lúc nào không biết. Thì ra ở chung cư vẫn có thể thưởng thức cây cối, hoa lá cành. My mỉm cười nghĩ sẽ báo với Lam về giấc mơ đã vụt tan của mình. Tuổi trẻ mà, còn mơ nhiều lắm.
Nhưng một lần ba hỏi My: “Con biết cây hoa mai có mấy cánh không?”. My im lặng. Ba hỏi tiếp một câu khó hơn: “Con biết hoa mai nở bao nhiêu tiếng thì tàn không?”. My cũng im lặng. Vì mùa xuân đi qua rồi, muốn đợi có mai để quan sát phải đến mùa xuân sau. Ba hỏi gì mà khó. Chăm cây, chẳng phải chỉ cần cây tươi tốt là đủ thôi sao?
Nếu My kể với Lam, thể nào cô ấy cũng thốt lên bằng giọng miền Bắc đặc sệt: “Úi giời, rảnh quá!”. Nên My không dám kể, vì My sợ làm tổn thương ba. Hẳn ba có lý do nào đó để hỏi My như vậy.
*
* *
Ngày chủ nhật. Nắng trong veo trườn vào ban công, mơn man trên những khóm cây. My ghé từ sáng sớm. Trên tay cô ấy là chậu đồng tiền nở bông duy nhất, nhưng tươi hồng cả gian phòng.
My ngạc nhiên, giọng trêu chọc: “Không phải đi với trai hôm nay à?”. Lam vẫn giọng chua ngoa: “Chán rồi!”. Xong cô ấy dọn bữa sáng ra bàn cho hai đứa ngồi ăn. Vừa ăn vừa ngắm chậu bon sai trên bàn, Lam chép miệng: “Cứ như My mà thích. Vui buồn với cỏ cây hoa lá!”. Nói rồi Lam chăm chăm nhìn vào chậu mai còn duy nhất bông hoa vừa nở muộn. “Ngắm mai thật gần như vầy cũng có cái hay My ạ!”.
My cũng nhận ra, hồi ở quê có cả vườn, mà có thèm ngắm nghía gì đâu. Cùng lắm chỉ ngó ra xem cây hôm nay có nở hoa không. Hứng chí lên còn ngắt cả chùm đưa lên mũi ngửi, chứ không có cảm giác nâng niu như ngắm một chậu bon sai như bây giờ.
Từ lúc nào, đề tài của hai cô gái chỉ xoay quanh cây cối, hoa lá. “Vậy đi cho nó nhẹ nhàng!” - Lam nói vậy khi nhận ra có sự bẻ lái chuyển đề tài ngoạn mục.
Tối đó My gọi cho ba, nói rằng hôm nay con đã ngồi uống tách ca cao và chỉ ngắm hoa chứ không làm gì khác. Giọng My hồ hởi như vừa đạt được thành quả gì to tát lắm. Và My cũng thấy ba cười tươi hơn mọi ngày.
My còn nói với ba, nhất định mùa xuân năm sau, con sẽ trả lời được câu hỏi của ba về hoa mai. Nhưng My không chờ đợi gì ở ngày mai cả, vì mỗi ngày mới đều là món quà quý giá. Và chỉ có phút giây hiện tại khi ngắm một bông hoa, cảm nhận được từng cánh hoa khẽ rung lên, cùng sự bồi hồi biết ơn của nhịp đập trong lồng ngực mình, mới thấy sự kết nối kỳ diệu của hoa lá.
Đó cũng là thông điệp mà ba muốn con gái rượu hiểu, sống chậm lại, hài lòng với mọi thứ chung quanh để có cuộc đời an vui, phải không ba?
Trên bàn, cành bon sai khẽ rung rinh. Hẳn là đang cười!