Chuyến du hành cuối cùng

KHƯƠNG QUỲNH 13/03/2023 08:20

Một buổi chiều, nắng nhàn nhạt rớt qua kẽ lá, lấp loáng trên mặt con suối hiền hòa trong mùa khô, đám trẻ chẳng hẹn nhau mà cùng nhìn về phía một chiếc lá lộc vừng đang lững lờ trôi trên mặt nước. “Linh hồn ông Aristos ở đây hay là đi máy bay về Hy Lạp nhỉ?”, một đứa bất giác hỏi. “Hồn ông ấy bay lên trời, mà trời thì làm gì có ranh giới”, cô bé khác trả lời.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Chúng đều là những đứa trẻ sống ở thiền viện, cha mẹ cũng ở đây. Khuôn viên thiền viện nằm gọn trên một ngọn đồi còn hoang sơ, mở cửa cho mọi người vào tu tập. Nhiều người không tu mà chỉ xin một chỗ ngủ, một bữa cơm chay miễn phí. Có người ở từ ngày nọ qua tháng kia, mang theo cả người thân đến.

Vào một ngày mưa, cô gái trẻ đèo ông Aristos - ông già ngoại quốc, trên chiếc xe máy cà tàng từ phố núi xuống thiền viện. Gương mặt ông vừa mệt mỏi vừa cáu kỉnh. Ông già ngơ ngác nhìn quanh, đôi mắt xanh dừng lại trên bức tượng Phật, chắc đang thắc mắc nhân vật này là ai. Nghe cô gái trình bày, các sư đồng ý để ông tham gia tu tập ngắn hạn, dù biết ông chẳng có ý niệm gì về Phật giáo. Ông bối rối trong bộ pháp phục màu lam và cả câu hỏi của vị sư trẻ chuẩn bị cạo tóc cho ông, “Tại sao ông muốn xuất gia?”. Ông già thật thà chỉ tay về phía cô gái: “She said” (cô ấy bảo).

Ông Aristos được sắp xếp ở trong một căn phòng nhỏ tối giản, sát phòng của các sư để tiện chỉ dẫn. Ông vẫn còn hoang mang vì quá nhiều sự kiện bất ngờ, không tin trong một ngày mình đã chuyển đến ở một nơi heo hút, không có sóng điện thoại, không có tóc, trên người mặc pháp phục giống với rất nhiều người, không ai biết ông là ai. Đến cô gái - người quen biết duy nhất cũng đã rời đi.

Ngoài kia, một tiếng chuông ngân vang, mọi người rời các am nhỏ, rời nhà chung cùng đi về phía đại sảnh. Ông Aristos cũng bật dậy, hoang mang và tò mò đi theo dòng người. Mọi người thành thạo ngồi xuống, vắt chân xếp bằng, mắt nhắm hờ, gương mặt giãn ra nhẹ nhàng. Ông vụng về không biết phải bắt đầu ra sao. Vị sư trẻ ân cần đến giải thích và hướng dẫn. Ông cố gắng làm theo lời sư, kéo mọi ý nghĩ quay trở lại thân thể, nhưng không thành công vì tâm trí luôn chực chờ bỏ chạy, đuổi bắt những ký ức đã qua rất lâu.

Ông thấy cơn uất ức của mình căng tức trong lồng ngực khi người vợ mình yêu hết lòng nằm trọn trong vòng tay gã làm vườn. Tại sao cô có thể phản bội nhà khoa học được hàng ngàn người ngưỡng vọng để yêu một kẻ vai u thịt bắp được mình trả công theo giờ. Ông vẫn như sờ nắn được nỗi bất lực khi người vợ nhất quyết ra đi kể cả môi ông run rẩy, lặp đi lặp lại câu cầu xin ở lại. Lẽ ra, ông mới phải là người cần được cầu xin sự tha thứ. Ông nhớ mình đã buồn bã, chơi vơi trên những cuộc phiêu lưu, đi từ châu Mỹ sang Âu, Phi rồi đến Á.

Gần hai chục năm trong hành trình vô định, ông chỉ thấy thân thể ngày càng rệu rã, vầng trán đầy nếp nhăn. Thú vui yêu đương xác thịt, ăn ngon mặc đẹp, tiêu tiền xa xỉ… đã xẹp xuống, teo tóp như hàng tỉ tỉ tế bào già nua. Một ngày, ông quyết định dốc gần hết tài sản vào một quỹ từ thiện đang có đông người tham gia. Không vì lòng trắc ẩn nổi lên, chỉ là ông muốn thèm nhớ lại cảm giác người khác nhắc đến tên mình trong sự tôn trọng và biết ơn. Nhưng sự kiện ấy cũng chỉ làm ông hân hoan phút chốc rồi lại quay về cảm giác trống rỗng, ngơ ngác, tâm trí lao xao như gió bất tận thổi qua những miền đất.

Ở Việt Nam, ông tình cờ gặp cô gái trẻ có gương mặt tròn trịa phúc hậu, đối xử với ông ân cần như một đứa cháu gái nhỏ. Chính cô khuyên ông đến thiền viện để thử nghiệm cảm giác yên định, coi như đó là cuộc du hành vào bên trong tâm hồn. Ông không có đức tin, nhưng ông tin cô gái và cũng muốn kiếm tìm cảm giác “chắc là sẽ phiêu lưu”.

Lại một tiếng chuông ngân vang, buổi thiền kết thúc, mọi người vẫn ngồi yên thêm ít phút, chỉ có đám trẻ nhấp nhổm muốn đứng dậy, rụt rè chạy đến chỗ ông già ngoại quốc. Một đứa lấy trong túi áo ra viên kẹo trái cây vừa được các sư cho, dúi vào tay ông. Cả đám háo hức chờ đợi thái độ của “người bạn mới”. Ông nhún vai: “Cám ơn nhé!”. Chúng lúng liếng cười, ánh mắt trong veo, có đứa toe toét khoe hàm răng sún.

Chiều hôm sau, bọn trẻ lại đợi ông ở đại sảnh. Như đã quen từ lâu, một đứa chìa bàn tay mềm mại non nớt dắt người bạn mới đi thăm mảnh rừng nhỏ phía sau thiền viện - nơi có khe suối nhỏ uốn lượn mềm mại. Nước suối trong veo, phản chiếu bóng khóm hoa mua mọc dại. Âm thanh của nhiều loài chim, côn trùng hòa vào nhau, rộn rã trong ánh hoàng hôn màu đỏ cam rực rỡ, lan tỏa cảm giác bình yên khôn tả. Ông hít một hơi thật sâu, lặng người tận hưởng khoảnh khắc đã rất lâu không có được.

Bằng cách nào đó, ông và bọn trẻ thân nhau rất nhanh dù ông già không biết tiếng Việt, còn chúng chỉ biết vài từ tiếng Anh bập bõm vỡ lòng. Một hôm, sau khi chúng thao thao kể chuyện trường lớp, một đứa nhìn vào mắt ông, hỏi ông có chuyện gì kể hay không? Ông suy nghĩ một lúc lâu, quyết định kể về biến cố và những chuyến đi trong đời mình. Ông biết thừa chúng chả hiểu gì, nhưng ông cứ nói. Dù sao, mấy mươi năm qua, sự đơn độc, tổn thương đã luôn bị lòng tự tôn và cái tôi to đùng bao bọc, vần vò thành sự cau có và những giận dữ vô cớ. Đám trẻ thỉnh thoảng gãi sồn sột vì muỗi đốt nhưng vẫn cố kiên nhẫn lắng nghe, như thể sợ người bạn của mình buồn. Ông Aristos ngạc nhiên, lòng dâng lên cảm giác biết ơn.

Ông không nhận ra mình đã ở thiền viện một tháng. Tưởng rằng phải học gì đó cao siêu để “sửa mình”, vậy mà cuộc sống chỉ giản đơn xoay quanh ăn, ngủ, thiền, chơi với đám trẻ và thỉnh thoảng giúp các phật tử nấu cơm chay. Một hôm, ông hỏi sư trẻ rằng bao giờ mình sẽ bắt đầu “tu tập”, sư trẻ cười hiền, đáp: “Ông đang tu tập đó thôi”.

Đại dịch ập tới, khóa tu ngắn hạn của ông vô tình kéo dài gần hai năm. Đám trẻ có đứa nhổ giò cao ngồng lên, đứa răng sún đã mọc lại nguyên một hàng thật đẹp, chúng đã nói tiếng Anh rất tốt. Cây lộc vừng bên suối tán đã rộng hơn sau vài lần thay lá. Ông cũng thấy tâm trí thôi bay nhảy và trái tim mình như mềm lại. So với ông già cáu kỉnh, ông bây giờ dịu dàng, yêu mến mọi thứ trên mặt đất huyền nhiệm. Aristos nhận ra, một người trải nghiệm thật nhiều, uyên bác và được ngưỡng vọng đến mấy rốt cục cũng cần được sống giản đơn như đứa trẻ dễ dàng kết bạn, đói thì ăn, mệt thì ngủ, buồn thì được lắng nghe.

Thêm một mùa lộc vừng thay lá. Một chiều trở gió, ông trút hơi thở cuối cùng, ra đi nhẹ nhàng trong một giấc ngủ, không trải qua bạo bệnh, đau đớn, chỉ như tất cả tế bào đã chết già. Thân thể ông được đưa về với đất mẹ. Khi dọn dẹp căn phòng, người ta tìm thấy một cuốn nhật ký đang mở trên bàn. Trang cuối cùng vẫn còn những dòng dang dở, kể về một ngày rất bình an.

Nhiều đêm dài, các sư đốt lên đống lửa giữa thiền viện. Trong ánh lửa bập bùng và ấm ấp, họ cùng đọc kinh cầu siêu, tiễn đưa một linh hồn bước vào cuộc du hành cuối cùng.

KHƯƠNG QUỲNH