Phận người trong sương
Gom nốt chỗ rau nằm la liệt vào quang gánh, bà Hai tợp vội ca nước chè ấm, quơ chiếc nón đội lên đầu rồi tất tả bước. Sương đêm như những tảng mây đông kín, hạt to và dày, chúng múa may theo từng bước chuyển động của dáng người lúp xúp bé nhỏ. Sương vương lên hai hàng mi ngắn, sương đậu lên đôi quang gánh đang còn mãi nhấp nhô, sương xúm xít lên vành nón lá đã lốm đốm nốt đen.
Đèn đường khu nhà lưu niệm phát ra thứ ánh sáng nhờ nhờ, những bóng cây lặng im không chút gió. Làng xóm chìm trong giấc ngủ sâu, tiếng gà gáy sang canh văng vẳng, vài chú chó cắn đêm lạc lõng. Lại thêm một giọng tru dài ngắc ngoải khiến đêm như bị bao phủ bởi chiếc áo choàng của mụ phù thủy, vẫy vùng trong lặng lẽ.
Hôm hai mươi chín tết, bà tính, còn hơn một ngày chợ, với gần hai héc ta rau củ, nếu may mắn bán hết, nhất định có được một cái tết tinh tươm. Năm nào cũng tự nhủ lòng, thôi thì cố quây qua cho hết năm lận đận. Nhưng cái hạn nó vận vào thân, bà loay hoay chưa gỡ ra nổi, nào ốm đau, bệnh tật, nào mất mùa, sâu bệnh… Nhà chỉ hai mẹ con, thằng bé lại đến tuổi dựng vợ gả chồng rồi.
Bà chỉ biết ngửa mặt nhìn trời, thầm hỏi đến bao giờ ông mới thôi thử thách. Như cái kiểu người ta luôn bảo, ông trời chẳng lấy hết của ai thứ gì bao giờ. Bà sống âm thầm cam chịu như một con chiên ngoan đạo tin vào quyền năng và sự bao dung của đức chúa trời.
Đã ra tới đường lớn, người xe ken dày như đi hội. Tiếng ầm ào của mấy loại động cơ rượt đuổi lũ sương nép sát vào những khung cửa sắt nằm im lìm hai bên đường. Người ngủ cứ ngủ, chăn ấm nệm êm đưa giấc, kẻ nửa đêm còn bươn bả khắp các ngả đường. Cũng một kiếp người, nhưng phận số lại khác nhau trời vực.
Có người bảo do kiếp trước tu nhân tích đức, sống thiện lành nhân ái nên kiếp này gặt quả thơm. Bà tự vấn không biết trong vô lượng kiếp mình đã gây ra những lỗi lầm gì để kiếp này trả mãi chẳng xong. Rồi lại tặc lưỡi, chẳng phải ông bà mình dạy “đức năng thắng số”, lấy việc thiện làm căn duyên, rồi mọi thứ nhất định sẽ tốt đẹp.
Tiếng còi xe thét vào tai khiến bà như bừng tỉnh, người tài xế chiếc ba gác mắt trừng trừng, miệng quát xối xả:
- Cái bà già kia, đi với đứng!
Bà im ru không dám nói lại một lời, chân cun cút bước, tim nhảy lô tô thình thịch.
Khu chợ rặt người bán, ai cũng cố tranh một chỗ vừa ý để bày biện hàng. Những chiếc bao lác được rạch làm đôi trải la liệt, bốn viên đá đè bốn góc, vài món hàng đã được bày ra. Sương ken dày như bức tường mây không thể nhìn rõ mặt người, cảm giác như thể đưa tay xúc từng tảng sương mà ném đi nơi khác được vậy.
Còn khá lâu trời mới sáng, bà ngáp liền mấy cái, thèm được ngả lưng đâu đó. Bà nhìn quanh, vài chiếc ghế xếp lọt thỏm trong vũng sương, mấy miếng cạc tông đã rớt qua một bên lộ thân hình co quắp dưới tấm mền mỏng.
Chợ là khu đất trống giữa ngã ba, kỳ thực nó là hai cái ngã ba gần kề nhau trên một trục đường chính hướng Tam Kỳ dẫn lên hồ Phú Ninh. Những người buôn bán nhỏ lẻ tự phát không trả tiền thuê sạp thì cố gắng tranh lấy một chỗ ngồi, họ chen lấn sít sát vào nhau.
Góc chợ là một khu tam giác sầm uất, người bán thi nhau bày biện lấn hết lề đường. Những lúc cao điểm, giao thông ùn tắc, có nhiều người bức xúc gọi báo công an xã, một lát sau đã nghe còi hú inh ỏi, mấy chú áo xanh cầm còi tuýt vang, mặt đanh lại. Hàng hóa tao tác, người tao tác.
Đó là chuyện của ngày hôm qua hôm kia, còn bữa nay trời vẫn chưa kịp sáng. Phải soạn gánh hàng đúng nơi quy định thì may ra có thể ngồi qua trưa qua chiều mà không sợ ai đuổi. Nhà người ta đông thì chia quân tỏa ra các góc, miệng mồi chài, tay thoăn thoắt, chân nhanh nhẹn, hễ nghe tiếng còi tuýt là ôm hàng chạy vào lề đường, thế như đánh trận.
Mấy hôm trước có một chuyện náo loạn cả khu chợ nhỏ. Nhà mụ Tư thuê hẳn một sạp lớn, bán hầm bà lằng các thứ, vợ chồng con cái ở hẳn trên chợ, mười một giờ đêm còn bán, ba bốn giờ sáng đã dậy lấy hàng. Nhà họ ồn ào chí chóe suốt ngày. Gã chồng là một tên vô tích sự, không nhớ giá, không thối được tiền thừa, chỉ đi ra đi vào nguýt háy. Gã lườm mấy tên đàn ông đứng kì kèo ưỡm ờ, gã nói cạnh khóe mụ vợ chỉ giỏi cãi chồng, còn với thằng khách thì mồm mép ngọt ngào đưa đẩy.
Mụ vợ cũng ngoa ngoắt không kém, mặt hếch lên:
- Tui ngọt với ông tui được cái chi, có miếng cơm mô không, lợi lộc chi không?
Gã đưa tay định giáng thẳng bạt tai vào cái má đang nghênh nghênh thách thức, đứa con gái lớn vội can:
- Thôi tui lạy hai người, dẫn về nhà mà đánh đấm cãi cọ, để chỗ còn buôn bán.
Rượu đã phá hỏng con người, ăn mòn nhân cách và đẩy gã rơi vào những tình thế bi đát. Gã là tên nát rượu, ăn bám vợ con, đôi tay gã run rẩy, mắt gã lờ đờ khi chưa có rượu vào bụng. Mụ vợ hậm hực:
- Ông làm được cái chi cho nhà ni mà lớn tiếng, cái đồ vô tích sự!
Đến lúc này thì không ai cản kịp, một cú tát xé gió thẳng vào miệng, mụ vợ rống lên thống thiết, cái môi mỏng va vào hàm răng thiếu trật tự, máu tứa ra đỏ lòm.
Mụ gào lên ai oán:
- Cái thằng giết người, quân giết người!
Như được thức tỉnh, gã chồng có một quá khứ bất hảo nhớ lại mình đã từng là một tên giết người. Máu, máu, tự nhiên hắn nhớ máu. Hắn lia mắt về phía con dao nằm chỏng chơ, đằng nào cũng đã mang tiếng giết người, một mạng cũng là tội, mấy mạng cũng tội, hắn sẽ giết quách con vợ lắm mồm ngoa ngoắt. Những ai còn nhắc hắn là thằng giết người thì hắn sẽ giết sạch. Đằng nào cũng vô tù, bất quá hắn chết luôn cũng chẳng sao.
Thấy hắn trườn người về phía con dao, đứa con gái lớn nhanh tay chộp lấy rồi thẳng đà tống cho hắn một đạp ngã lăn quay. Mọi người ngỡ ngàng nhìn cô gái khóa trái tay cha:
- Ông còn muốn chi, giết người hả, ông đủ sức không? Ông có mấy mạng để đền tội, hay chỉ cái mạng còm ni, tôi mệt mỏi cho mấy người lắm rồi, có để yên cho tôi làm ăn không?
Mỗi câu hỏi, mặt gã lại bị dúi xuống nền đất nham nhở bẩn thỉu, mắt gã trợn ngược, miệng há ra thở khó nhọc. Mụ vợ mặt tái mét, tay run run xua những người hiếu kỳ, ai đó bảo mọi người giải tán còn làm ăn, một điều nhịn chín điều lành.
Ai đó đưa gã chồng rời đi trong bộ dạng thảm hại. Cô gái “nhất đẳng huyền đai” trở thành vùng bất khả xâm phạm của bọn giang hồ vặt. Mọi người nhìn cái dáng người thanh gọn nhanh nhẹn ấy cũng hiểu được phần nào uy lực của cô trong cái gia đình bất ổn kia.
Cô lườm mẹ:
- Bà bớt nói lại một chút chết tui chịu cho.
Rồi ngẩng mặt lên nhìn mọi người, miệng chợt nở nụ cười như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hỏi có ai mua gì nói cô lấy.
Con trai bà Hai phải lòng cái cô gái mạnh mẽ kia, hắn tìm đủ mọi cách để có mối quan hệ qua lại thân tình. Vườn rau gần hai héc ta cũng một tay hắn vun xới, hắn bảo mẹ lên chỗ bà Tư bắt mối bỏ sỉ, rồi kêu họ xuống vườn xem, rồi hắn có cớ để nói chuyện trao đổi với cô gái.
Mọi chuyện suôn sẻ như dự kiến cho đến ngày bà thấy con dâu tương lai trói gô cha mình trong thế nằm nhếch nhác thảm bại, bà rùng mình nghĩ đến thằng con độc đinh. Con trai bà lại phá ra cười chẳng hề lung lay. Vừa gom mớ rau lại cho bà, hắn bảo:
- Cái mẹ nên lo lúc này là cô ấy có chịu làm dâu mẹ không kìa!
- Nhưng mẹ chỉ có mình mi con trai, lỡ tay… thôi không được đâu, mi kiếm đứa hiền lành tử tế mà ưng, bà nhắc.
- Ai nói với mẹ rằng cô ấy không hiền lành tử tế?
- Nhưng…
- Thôi mẹ không phải lo, cái ấy con tự biết. Nói rồi hắn rê chiếc xe có hai chiếc bội rau nặng ra ngõ, không quên ngoái lại dặn mẹ gánh ít thôi để lát hắn về chở.
*
* *
Nhìn con trai hối hả bê những kiện hàng lớn từ xe vào nhà cho mụ Tư, rồi lăng xăng cái nọ cái kia, mặt cười rạng rỡ, bà tặc lưỡi, thôi thì duyên tới đâu chiều tới đó, có muốn khác đi cũng không được.
Coi bộ con bé chịu thằng con nhà bà, thấy chúng cười nụ với nhau suốt. Chẳng mấy khi mà có cháu, rồi biết đâu chúng bỏ bà mẹ quê cun cút mà dắt díu nhau dời nhà lên chợ sống. Thằng con trai ngằn ngặt cười, bảo được thế thì vườn rau của mẹ đã được bao cấp rồi còn chi, không lo đắt ế. Chỉ mỗi việc làm vườn và trông cháu, những việc khác tụi con lo.
Kể ra, cứ phụ thuộc vào vui buồn trời đất mà định giá cuộc đời mình cũng bấp bênh quá. Phải làm gì đó khác hơn, mà nhà quê toàn đi làm công nhân, lương bèo bọt lại ràng buộc thời gian, con bà nó không chịu.
Bà mỉm cười một mình, ờ biết đâu cái khu chợ nhỏ này thay đổi được cuộc đời con bà. Ông bà vẫn có câu “phi thương bất phú” là gì. Còn cháu, nhất định bà sẽ giữ rịt nó dưới này, cho nó một cuộc sống yên bình, dạy nó những câu đẹp đẽ. Khi nào cứng cáp cho nó lên trường lên lớp mà học cái hay ho. Bà lâng lâng với niềm vui trong mơ ấy. Ngoài kia, sương đang tan trong nắng đầu ngày.