Dưới bóng cây điệp vàng

HOÀNG KHÁNH DUY 18/12/2022 08:22

- Anh có thương em không?      Quỳnh hỏi khi Vũ đang guộn mấy bộ đồ trên sào bỏ vào trong bọc. Câu hỏi của Quỳnh khiến Vũ sững sờ, tay bóp chặt cái áo sơ mi cũ như thể ngấu nghiến cho đứt mấy đường chỉ Quỳnh vá lại trong những chiều ngồi dưới mé sông chờ chồng về, muỗi bay xèo xèo trong ụ lá. Thấy lạ cũng phải, từ nào tới giờ Quỳnh có biết nói tiếng thương tiếng yêu đâu. Không phải vì người xứ này ngại hay sởn gai ốc mỗi khi nói mấy câu thương thương nhớ nhớ, mà vì Quỳnh tưởng đâu cái cảm giác yêu đã nguội tắt trong mình tự đời nào, có nhen nhóm lửa lòng cũng chẳng thể nào bùng cháy được…

*
*           *

- Chị biết không, nếu lúc đó ổng nói thương tui. Hay không cần nói, chỉ cần gật đầu thôi. Tui quyết giữ ổng lại cho bằng được.

Mà Vũ không nói. Cứ im re như pho tượng. Quỳnh đứng chôn chân chỗ cây cột cắm xuống nền đất làm kệ để đồ đạc linh tinh, cái cây gặp đất ẩm bén rễ, mọc chồi xanh dờn. Vũ guộn tiếp mớ quần áo, nhìn Quỳnh rồi bước ra khỏi nhà.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Kể từ lần đó, Vũ không trở lại căn nhà cũ. Quỳnh không nhớ rõ từ khi Vũ đi đến giờ là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm. Quỳnh cũng không muốn nhớ. Cái cây điệp vàng Vũ trồng trước nhà vẫn lặng lẽ đâm rễ sâu xuống đất và lớn lên, cao khỏi mái nhà, đã bắt đầu trổ mùa bông vàng đầu tiên, rụng tơi bời trước sân nhà. Một buổi trưa bứt rứt, Quỳnh xách cây dao phay ra định chặt ngang gốc cây điệp vàng để bông thôi rụng, mất công chiều nào Quỳnh cũng xách chổi ra lúi húi quét. Nhưng rồi đứng nhìn cái cây, nghĩ đến Vũ, nửa giận, nửa lại thương. Quỳnh xách cây dao vào nhà. Tự nhiên nước mắt rơi lã chã…

Ngày qua, tháng lại, năm trôi. Căn nhà lá trên bờ sông đã được Quỳnh sửa sang lại, lợp tôn, vách ván. Cây điệp vàng vẫn hiện diện trước sân nhà, mùa sang lại trổ bông rực rỡ bờ sông khơi nhắc một bóng hình đã rời khỏi xóm Tạm Bợ. Giữa màu xanh của tràm, màu nâu trầm của những căn nhà cũ lưa thưa trong xóm, cây điệp vàng trở thành một ngọn lửa đốt cháy những ngày nắng đổ, thành tín hiệu gọi bầy ong kéo về hút mật ríu ran.

*
*           *

Càng về chiều, chợ càng vắng. Mấy chiếc ghe lạ cập bến từ sớm đã rời đi khi nắng ngả về tây, tiếng trả giá đã ngớt, những người đàn bà ngồi phe phẩy quạt đuổi ruồi nhặng bay ì xèo trên mớ thịt tái nhợt, mặt rầu rĩ sợ ế. Quỳnh ngồi ngả lưng trong mui ghe của người đàn bà, giật mình vì nắng sắp đứng, nói trổng:

- Chết cha, tui về cơm nước nữa.

Người đàn bà giở tấm liếp che cửa sổ nhỏ bằng hai bàn tay nằm kề trên vách ghe. Ánh sáng lọt vào soi rõ từng vật dụng sạch sẽ được đặt gọn gàng trong mui.

- Ở một mình, cơm nước giờ nào chẳng được! Còn sớm, em với tui ghé chùa Nước Mặn xíu. Nghe đồn chùa đó linh. Mấy khi tui có dịp qua đây.

Không nỡ từ chối, Quỳnh gật đầu. Người đàn bà đứng sau ghe chèo, mái dầm khỏa nước róc rách. Quẹo cua nọ, cua kia, cuối cùng cũng tới bến chùa Nước Mặn. Gọi là chùa cho sang chứ thực chất chỉ rộng hơn cái nhà cũ của Quỳnh một chút, dưới bến sông có tấm bảng được đóng trên thân hai cây tràm mọc song song, có lối nhỏ dẫn lên “chánh điện”. Sư thầy vừa tụng xong hồi kinh, thấy có khách viếng, sư thầy bước ra, chắp tay “A di đà Phật”. Thắp nhang, khấn vái xong xuôi, hai người đàn bà ngồi ở cái bàn trước sân chùa uống trà sư thầy pha còn âm ấm. Quỳnh thì sư thầy quen, còn người đàn bà đi ghe mà Quỳnh gặp ở bến chợ, sư thầy mới gặp lần đầu. Ngồi nhìn hai người đàn bà một lúc lâu, sư thầy trầm tĩnh đáp:

- Hai cô khác thân phận nhưng giống nhau ở cái số, người thì chờ đợi, người thì kiếm tìm. Đàn bà xứ sông nước này khổ dữ!

Người đàn bà nhìn Quỳnh, Quỳnh nhìn qua sư thầy, sư thầy nhìn ra dòng sông Tạm Bợ phủ lấy màu buồn hiu của hoàng hôn. Trên dòng lênh đênh, vẳng đâu đó trên rặng cây tràm tiếng cò mẹ mang mồi về tổ cho đàn con nheo nhóc ríu rít rồi lặng đi trong cảm giác sung sướng khi được cuộn trong đôi cánh mẹ. Chùa Nước Mặn đã lên đèn. Ngọn đèn đỏ nhỏ, le lói trên bàn thờ Phật cùng khói tỏa ra quyện trong không gian, thơm tho ấm áp.

*
*               *

Đêm hôm đó, Quỳnh mời người đàn bà ở lại nhà mình. Nhà tuy nhỏ nhưng vẫn đủ chỗ để chứa một người đàn bà lỡ đường.

- Em ở một mình buồn chết mất! - người đàn bà nói khi đang ngồi kéo ống quần lên tận đầu gối để đập muỗi.

- Thì cũng như chị, đi ghe một mình cũng buồn thúi ruột. Nay chỗ này, mai chỗ nọ. Sao không lên bờ mà sống, đi chi cực dữ vậy, chị?

Người đàn bà lặng đi, đôi mắt dáo dác vén màn đêm tìm chiếc ghe nhỏ đang cột chặt vào thân cây tràm gie ra dưới sông. Chị cột hai đầu ghe, sợ nửa đêm nước lớn làm đứt dây, ghe trôi đi mất. Chị không thể nào để nó trôi tuột đi như người đã buông tay chị mà đi trong mùa bão dông năm ấy.

- Em biết không, mùa bão năm đó sóng lớn, chiếc ghe chị chìm ở ngã ba sông. Chị chới với quờ quạng trong nước để tìm bàn tay của người đàn ông mà chị thương hết lòng hết dạ. Nhưng chị đã để vuột mất. Bởi vậy chị mới chèo ghe đi khắp nơi kiếm tìm.

Tự dưng Quỳnh thương người đàn bà ấy. Quỳnh nghĩ mình khổ, người ta còn khổ hơn mình. Mình dẫu sao cũng đợi chờ một người đang sống, còn người ta, cứ mãi hoài kiếm tìm một người không biết còn sống hay đã khuất tự mùa bão dông, nước lớn năm nào…

- Còn em, tội tình gì mà người ta bỏ em đi biền biệt tới tận bây giờ?

Quỳnh đáp gọn:

- Chồng em có nhân tình.

Đây là lần thứ hai Quỳnh nói chuyện chồng mình bỏ đi theo một người đàn bà khác cho người lạ nghe, sau lần thổ lộ với sư thầy. Quỳnh thấy người đàn bà đó có cái gì gần gũi với mình, như đang cất giữ giùm mình một điều gì mà mình trông mong, mỏi mòn chờ đợi.

- Chị thấy em có khờ không? - Quỳnh cười nhạt - Biết chồng mình theo người đàn bà khác mà mình còn đợi còn chờ, còn nhớ thương hết một thời xuân sắc.

Chị lắc đầu:

- Chị nói rồi, mỗi người đàn bà đều có cái số. Sư thầy nói đúng: Đàn bà xứ sông nước này khổ dữ, nặng tình cũng dữ!

Đêm lắng sâu. Quỳnh thổi một ngọn đèn trong bếp để đỡ hao dầu. Tháng sau, điện sẽ được kéo tận xóm Tạm Bợ. Xóm này sẽ lại sáng đèn, những mái nhà liêu xiêu bên bờ sông sẽ rực rỡ. Trong khoảnh khắc đó, Quỳnh lại nhớ đến Vũ. Nhớ khuôn mặt hiền từ của anh, nhớ cả tiếng nói, tiếng cười, cái quệt mồ hôi ngang trán mỗi khi anh từ dưới bến sông lên nhà, nhìn Quỳnh cười lộ hàm răng có chiếc răng khểnh bên trái. Nghĩ lại, Quỳnh thấy Vũ đâu có tội tình gì đâu? Có chăng là phận đời đẩy đưa, để ngày ấy Quỳnh trốn chạy một đám cưới mà Quỳnh không mong muốn rồi lênh đênh nơi xóm Tạm Bợ, gặp Vũ, được Vũ cưu mang rồi hai người sống với nhau như vợ chồng. Vũ không yêu Quỳnh đâu phải là cái tội? Quỳnh đợi chờ Vũ, cũng đâu phải là một kẻ khờ? Như người đàn bà xa lạ kia, chọn cách lênh đênh nổi trôi trên dòng sông để đợi một người còn sống hay đã khuất, cũng là điều nên làm để thỏa lòng sau đớn đau cùng cực…

*
*           *

Bao năm qua, Quỳnh vẫn từng ngày nhen nhóm lửa lòng trong căn nhà của Vũ, trước sân có cây điệp vàng tự tay Vũ vun trồng, nay đã mấy mùa bông rụng lấm tấm sân nhà. Cũng như chị, bao năm qua, trên chiếc ghe lênh đênh qua bao dòng sông dài ngắn, nông sâu, chị vẫn nhen nhóm lửa lòng để ngày gặp lại người xưa, chị vẫn vẹn nguyên lòng mình, nối tiếp dòng cảm xúc yêu đương đứt quãng. Dù người có về hay không chỉ là một trang cổ tích nhiệm màu…

- Chị chờ em tí xíu!

Quỳnh nói, hấp tấp chạy vào trong buồng lấy ra tấm ảnh hai vợ chồng chụp với nhau trong ngày cưới.

- Hình em với ổng nè chị! Chị coi xứng đôi không? - Quỳnh cười mếu xệch.

Người đàn bà đưa tay đón lấy tấm ảnh, nhìn, tự dưng cổ họng nghẹn đắng, nước mắt không thể kìm nén được, đã chảy ra đầm đìa trên khuôn mặt. Tim chị đập thình thịch trong lồng ngực. Hai bàn tay run run như thể đón nhận một tin lành ít dữ nhiều từ người đàn ông đã rời xa chị trong mùa bão dông năm ấy.

- Chị sao vậy?

- Không… Chị không sao… Chắc tại nghĩ đến chuyện của mình… nên chị khóc.

Quỳnh đưa tay vịn vai chị. Tay Quỳnh ấm. Đêm sâu hơn. Sâu hơn nữa.

- Thôi, đi ngủ đi chị. Khuya rồi!

- Ừ.

Quỳnh lấy lại khung ảnh đem vào đặt ngay đầu giường. Bao nhiêu năm nó vẫn ở ngay vị trí đó, không xê dịch. Đêm yên. Chỉ có tiếng chó sủa xa mỗi khi nghe ai đó bước về xóm Tạm Bợ. Tiếng nước lớn trên dòng sông Tạm Bợ. Tiếng lá tràm theo cánh gió quất vào nhau ràn rạt, khô khốc.

Đêm hôm đó, khi Quỳnh đã ngủ say, người đàn bà lạ đã rời khỏi căn nhà mà chị tạm trú. Chị rón rén đi trong đêm tối, xuống bến sông. Chị mở dây cột ghe, để chiếc ghe nương theo dòng nước chảy. Về cuối dòng Tạm Bợ. Chị ngồi bẻ lái mà nước mắt chứa chan. Chị nghĩ về mình, về anh, về Quỳnh, về Vũ. Bốn người nhưng thực chất chỉ là ba. Chỉ có hai người đàn bà và một người đàn ông trong một cuộc chờ đợi, kiếm tìm, rời xa. Dòng sông vẫn trôi. Trôi - là cách để nối lại những con người vô tình lao đao trong một cuộc kiếm tìm, rượt đuổi. Trôi - để đưa chị khỏi xóm Tạm Bợ. Mà không biết rằng đêm ấy, có người về ngang qua xóm, đứng dưới cây điệp bông vàng sương ướt đẫm tán lá. Dưới trăng.

HOÀNG KHÁNH DUY