Cái ảng nước

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 09/10/2022 09:11

Cả đêm lão Bình không ngủ được. Hai chiếc xe bọc thép M113 từ trong Vĩnh Điện chạy ra lúc chạng vạng và dừng lại phía sau đình làng Phong Ngũ. Toán lính từ trong xe nhảy ra ngồi quanh bên gốc xoài cổ thụ ăn tối. 

Khi bóng đêm phủ xuống xung quanh, mấy trái hỏa châu từ trên trời tỏa ánh sáng rực khắp khu đất biền và cánh đồng rộc sau, mà mấy người già trong làng nói là con kiến cũng thấy rõ. Khi ánh hỏa châu vừa tắt thì hàng loạt súng đại liên từ các xe bọc thép bắn xối xả qua bên này bờ sông.

Vợ chồng lão Bình bồng bế bốn đứa con xuống căn hầm trú ẩn giữa nhà. Thằng Bình con năm ấy đã 13 tuổi, vừa học hết bậc tiểu học không biết đi chơi đâu chưa về. Lão Bình ngồi ở miệng hầm canh chừng, ruột nóng như lửa đốt…

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Chiều hôm ấy, tiểu đội lính Hai Biên từ dưới đồn Ngũ Giáp lặng lẽ đi hàng một lên dọc hàng tre bên bờ sông, súng lăm le trên tay. “Tiểu đội Hai Biên” là đơn vị khét tiếng chống du kích khắp Điện Bàn với những câu chuyện kinh hoàng như bắt được Việt cộng là cắt tai, mổ bụng lấy gan làm mồi uống rượu. Dân tình sợ thất đởm.

Hai Biên cho lính phục ở chợ Vải và bắt được thằng Chanh, đội trưởng đội thiếu niên đi trinh sát cho du kích. Thằng Chanh mới 15 tuổi nhưng rất gan dạ, có người anh ruột là Bưởi đi lính biệt động quân nhưng đào ngũ bỏ về làng theo du kích. Bưởi mưu trí và liều lĩnh, từng hạ sát hai tay súng của Hai Biên.

Lính Hai Biên đánh thằng Chanh nhừ tử nhưng nó không khai, nên bị trói lại và bắn lòi ruột ngay trên cái sạp ván bán thịt của bác nó. Máu ra lênh láng, không ai cứu được nên Chanh tắt thở ngay trong lúc hai chiếc M113 bắn xối xả lên phía xóm trên…

Lão Bình chỉ chờ trời mau sáng. Ngay trong lúc nằm chờ con dưới hầm trú ẩn, lão đã lên kế hoạch rời khỏi làng để tản cư ra phố. Làng quê này không còn yên tĩnh nữa. Lão có một quán mỳ làm kế sinh nhai.

Lính Hai Biên lên thì ghé vào, ăn uống no say lão vẫn không dám tính tiền. Tối thì du kích vào ngủ lại tới sáng. Sống giữa hai làn đạn ấy, luôn lo sợ có ngày không bên này cũng bên kia “làm thịt”.

Lão lại nghĩ, lính Hai Biên mà bắt thì bị tra tấn rồi ngồi tù. Du kích mà bắt, tuy chỉ nghi ngờ, nhưng lên núi thì chỉ cần vài trận sốt rét cũng chết rục xương. Gia đình chẳng biết đâu mà tìm.

Thôi bỏ hết! Nhà cửa gởi bà con coi giùm. Chỉ cần mang mấy cái lư hương, chân đèn và ít đồ dùng đưa xuống đường cái, đón xe đi ra Hàn là xong. Ra tới đó, kiếm chỗ tá túc rồi tính tiếp. Không có bom đạn nên cũng chẳng sợ chết đói.

Cái lợi nữa là thằng Bình con và mấy đứa em nó sẽ có chỗ đi học tiếp. Ở đây, nhà cửa ruộng vườn bao nhiêu đời từ tổ tiên để lại nhưng bom đạn chẳng tha ai. Kinh nghiệm thời trai trẻ trong chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp thì lão đã rõ. Mình là dân thường, chỉ biết lo miếng cơm manh áo cho vợ con, nhưng bom đạn thì đâu có phân biệt được ai…

Hôm sau, lão Bình sai vợ đi tìm thằng Bình con về dắt mấy đứa em xuống chơi ở nhà người em làm dâu gần đường cái. Rồi gọi thằng em ruột vừa 18 tuổi gánh một gánh chén bát, quần áo đi theo ngả khác ra chờ phía ngã ba Lầu sụp. Trời vừa sáng, lão Bình đạp chiếc xe đạp, vác thêm chiếc cuốc lên vai, chở vợ giả vờ đi ra phía Tứ Câu thuê đất trồng thuốc lá để không có ai nghi ngờ.

Đến chiều, lão đã thuê được chiếc xe lam chở cả nhà đi khỏi làng. Ra đến Hàn thì đã nhá nhem tối. Họ tìm đến nhà người chị họ bên vợ tá túc qua đêm và sáng hôm sau đi tìm chỗ thuê đất làm nhà ở tạm…

*
*         *

Cái xóm bàu Thạc Gián tuy ở thành phố nhưng vẫn quê mùa. Nhà nào cũng có cả mấy sào đất vườn rộng thênh thang. Người ta vẫn trồng sắn trồng rau, nuôi vài con heo hay chục con vịt thả tìm mồi trên bàu… làm kế sinh nhai. Vài người có sức vóc thì xin vào làm sở Mỹ trên sân bay.

Số trẻ có mấy người đi làm công chức, đàn bà đi buôn gánh bán bưng ở chợ Cồn. Đường đi từ ngã ba Cây Quăn vô xóm chỉ là đường đất. Đêm đến chỉ vài ngọn đèn hột vịt le lói. Vài gia đình có chiếc radio, tối lại mở đài BBC ra nghe tin tức thời sự về chiến tranh Việt Nam.

Lão Bình thuê được gần trăm mét vuông đất trong vườn một người bà con xa. Lại ra mấy xe đổ rác của lính Mỹ ở hầm Bứa mua gỗ, ván, tôn thải về cất được căn nhà. Ngăn ra một đầu hồi cho vợ mở quán mỳ làm kế sinh nhai. Vốn có nghề hớt tóc, lão Bình cùng chú em út tìm lên phía chợ mới thuê chỗ mở quán, vì nghe nói phía đó gần sân bay, gần trụ sở Quân đoàn 1 có nhiều lính tráng ra vào…

Cha mẹ chết sớm, lão Bình phải nuôi thằng Út Tư. Ở quê thì thế nào cũng bị bắt lính hoặc vào du kích cùng bè bạn. Ra Hàn, thằng Tư cũng sống không yên, lạng quạng thì bị xét giấy, bắt đi quân dịch.

Lão Bình phải lặn lội vô Hội An, đến tòa án tỉnh nhờ ông anh họ chuyên đánh máy giấy tờ trước tòa, lo lót làm lại khai sinh nhỏ hơn 3 tuổi để trốn lính. Trong lúc làm thợ hớt tóc lại quen biết một sĩ quan, ông xem nó như em nuôi, nên thằng Tư có được cái vỏ bọc an toàn…

*
*         *

Quán mỳ của vợ chồng lão Bình tuy tạm bợ nhưng lại đắt khách nhờ ngon và rẻ, phần lớn là học sinh và dân lao động ít tiền. Thằng Bình con sau giờ học về giúp mẹ. Lão Bình một hôm mua về hai cái thùng thiếc đựng dầu lửa.

Lão đục một đầu, đóng vào đó thanh gỗ, rồi làm thêm hai cái móc thép để xỏ vào đòn gánh cho Bình con ra giếng gánh nước về cho mẹ. Lão chợt nhớ đến cái ảng nước đúc bằng xi măng ở quê nên sai Út Tư về quê tìm cách chở ra…

Tư về quê vào một ngày yên ả. Tối đó thằng Bưởi tìm đến chơi. Nó đặt cây súng carbin dưới gối, nằm bên Tư nói chuyện. Hết kể chuyện đi hớt tóc ngoài Hàn đến chuyện làm lại giấy tờ để trốn lính. Bưởi với Tư thân nhau từ nhỏ nên có chuyện gì cũng nói với nhau thiệt lòng. Bưởi kể chuyện thằng Bán ngoài Hàn về bị lính bắn chết ra sao.

- Tao nói với thằng Bán trước đó rồi, theo du kích mới được phát súng. Có súng còn bắn lại được bọn lính chớ! Nó cứ dùng dằng chưa chịu nghe thì bị bắn lúc chạy…

Bưởi lại kể chuyện thằng Thuận bỏ việc học nghề uốn tóc ở “ngoài nớ” về rồi xin đi bộ đội vì nó có người anh đầu đi tập kết miền Bắc mới về. “Thằng nớ số sướng! Đi bộ đội trên tỉnh ít nguy hiểm hơn bọn tao nhiều!”.

Đến khuya, Bưởi nói với Tư:

- Mày với tao là chỗ bạn bè nên tao nói thiệt. Nếu mày chọn ở ngoài nớ làm ăn thì ở luôn ngoài nớ, đừng về đây nữa. Ở ngoài nớ thì đừng đi lính, chỉ lo làm ăn thôi. Còn nếu về thì về luôn, đi du kích với bọn tao…

Út Tư nói:

- Tao biết mày với tao thân nhau từ nhỏ nên tao ghi nhận lời mày. Đợt ni tao về để chở cái ảng ra cho bà chị dâu, rồi sẽ hỏi ý anh Bình tao. Mày thông cảm, vì ảnh nuôi tao từ nhỏ…

Hôm sau, Tư nhờ hai người bà con khiêng cái ảng xuống đường cái đón xe chở ra cho chị và nó không dám về nữa. Hai tháng sau nghe tin thằng Bưởi bị lính Mỹ bắn chết. Tư buồn và bỏ việc đến mấy ngày. Nó thương thằng Bưởi như ruột thịt. Nhưng mà chiến tranh làm sao ngăn cản được!

*
*            *

Tiệm hớt tóc của anh em lão Bình làm ăn cũng khấm khá từ khi có lính Mỹ đến đóng quân ở Đà Nẵng. Viên sĩ quan nhận Tư làm em nuôi vì nó hớt tóc rất đẹp, tính tình hiền lành lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lão Bình lại am hiểu thời sự, sống trung dung không đứng về bên nào trong cuộc chiến. Viên sĩ quan thích câu nói của lão: “Tôi chỉ mong đất nước hòa bình, mọi người yên ổn làm ăn thôi!”.

Một hôm viên sĩ quan đưa đến một người khách là sĩ quan cố vấn Mỹ. Ông ta từng có mấy tháng đóng quân ở đồn Ngũ Giáp quê của lão Bình. Út Tư hớt tóc cho ông Tây. Viên sĩ quan ngồi gần đó và làm thông dịch.

Ông ta nói mình là thiếu tá thủy quân lục chiến và đã từng là nhà văn trước khi vào lính. Ông có viết mấy cái truyện hồi ở đồn Ngũ Giáp về người dân làng sống giữa hai làn đạn. “Villagers!”, người lính Mỹ nhấn mạnh.

Rồi ông ta kể thêm: “Giá như không có cuộc chiến thì đất nước các bạn đẹp biết bao. Một hôm tôi đóng quân trong hiên một ngôi nhà ở làng của bạn. Buổi sáng tinh mơ, tôi chợt thấy một cô bé, chắc bằng tuổi em tôi, đang múc nước từ cái ảng ra để gội đầu. Khi cô bé hất mái tóc đen tuyền lên bên cái ảng nước, tôi bỗng muốn khóc. Và bạn biết không, tôi nhớ đến em gái tôi đang ở Mỹ…”.

Lão Bình nghe đến đó, không kìm được xúc động:

- Thì ra, ông cũng không thích chiến tranh?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG