Chuyện ở xóm Chó Cái

LÊ PHƯƠNG NGHI 14/08/2022 09:49

Cái xóm được mệnh danh là Chó Cái thật ra là một phần của tổ dân phố 56 nằm giữa hai con hẻm thông ra hai đường lớn 20 và 30. Gọi là đường 20 và 30 là theo bề rộng của đường. 

Khu vực này lúc mới được tái định cư đường dù lớn nhưng chưa có tên, dân gọi theo quy ước thành quen. Nay đã có tên đường hẳn hoi người ta vẫn cứ gọi theo cách cũ. Vì chuyện này những người lạ khi vào xóm và nhất là mấy anh chạy grab nhiều khi phải ngớ ra khi hỏi đường.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Gọi xóm Chó Cái vì trong xóm nuôi rất nhiều chó và không hiểu sao phần lớn lại là chó cái. Những người già cẩn thận mỗi khi có việc phải đi ngang qua xóm thường thủ theo một chiếc gậy thì mới yên tâm.

Cũng như đường 20, 30 xóm Chó Cái cũng do nói cho dễ nhớ lâu ngày thành tên. Ai mới nghe cũng khó chịu nhưng rồi nghe riết thành quen. Cái xóm với hơn trăm hộ dân chủ yếu là dân tứ xứ, người từ miền Tây bỏ tỉnh lên thành mong đổi đời, người từ miền Trung bỏ quê, người từ khu bốn trốn bão cát, gió Lào… Dân bản địa chỉ có mấy chục người và trở thành những tay kể “chuyện xưa tích cũ” của xóm.

Đầu xóm là mấy ngôi nhà mặt tiền khang trang, càng đi sâu vào trong xóm nhà càng lụp xụp, mái tôn thấp lè tè. Cuối xóm là mấy bàu rau muống dơ bẩn. Nổi bật nhất là một phân hiệu của trường tiểu học nằm giữa xóm như điểm nhấn về văn hóa của một xóm lao động nghèo nằm ở vùng ven thành phố.

Đầu hai con hẻm là hai quán cà phê cóc. Hai bà chủ quán thuộc loại “tám” có hạng. Bà Tám Mập bán ở đầu con hẻm thông ra đường 20. Quán mở cửa từ 4 giờ sáng bán đến 10 giờ là nghỉ. Chiều từ 15 giờ đến 20 giờ đêm. Khách của quán bà chủ yếu là người lớn tuổi và các cụ kể chuyện xưa tích cũ.

Quán của bà Tám Đen nằm ở cuối con hẻm chạy ra đường 30. Khách đông hơn và chủ yếu là người trẻ. Đám thanh niên vô công rỗi nghề của xóm lấy quán của bà làm thành nhà của mình. Hình như bọn chúng ở quán nhiều hơn ở nhà.

Và người ta cũng hết sức ngạc nhiên không biết bọn chúng lấy tiền đâu để trả tiền nước. Những người già cực chẳng đã mới ghé quán này vì nghe không quen tiếng chửi thề thường xuyên của bọn trẻ.

Có lẽ Tám Đen hay Tám Mập là biệt danh mà người trong xóm đặt cho hai bà do tài “tám” chuyện chứ không phải là tên thật. Ở cái xóm nghèo này cái gì cũng “gọi lâu ngày thành quen” cả.

Tại quán bà Tám Mập luôn có một cái bàn lớn quy tụ những nhân vật đặc biệt, những khách hàng mà bà Tám gọi là “mấy cha ngồi đến dính đít vào ghế”. Khách của quán đã quen, dù đến sớm thấy bàn không có ai cũng không dám ngồi vào. Họ bảo nhau “chỗ của mấy cụ, phải “kỵ húy”.

Ai muốn nắm tin tức mới, từ trong nước đến thế giới, từ Hà Nội đến Sài Gòn, chuyện giá xăng lên xuống… Ai muốn biết vì sao có cái mả vôi nằm chình ình giữa xóm, cái miếu cô hồn nằm bên ao rau muống… chỉ cần đến quán uống cà phê vài lần là biết ngay.

Đây là những chuyện diễn ra ở quán bà Tám Mập vào một ngày bất chợt tôi đến. Chuyện thứ nhất vào buổi sáng. Mới mờ sáng cả bàn đang ngồi tám chuyện chiến sự Ucraina thì thằng Tư xe ôm xuất hiện. Chưa kịp ngồi xuống ghế nó đã bô bô: “Tối qua ông già Cúc trúng mánh vớt được hai mạng luôn”.

Ông Cúc là người năm nay đã xấp xỉ 70 có thâm niên 50 năm cứu người nhảy cầu tự tử. Ông sống trên chiếc ghe dưới chân cầu. Có khi kịp thì cứu được, có khi bất lực chỉ làm được việc vớt xác đưa lên bờ.

Ông vẫn thường bảo “chuyện chết sống có số, tôi chỉ là người được chỉ định để làm thủ tục thôi”. Có người tò mò hỏi ông hơn 50 năm cần cù với công việc giữa thất bại với thành công cái nào nhiều hơn. Ông nói làm sao mình thắng được Hà Bá. Nhiều người kéo được lên ghe rồi Hà Bá lại kéo xuống, 50/50 là đã quý hung rồi.

Chết hay sống vớt xong ông đều gọi công an đến giúp, lo chuyện “hậu sự”, an ủi rồi đưa về nhà hay gọi pháp y rồi đưa vào nhà xác bệnh viện. Nghe chuyện ông Cúc vớt người vớt xác đối với dân xóm là chuyện bình thường nhưng nghe nói “trúng mánh” thì ai cũng hóng hớt chờ đợi.

Khi thấy sự kiên nhẫn của mấy ông già và nhất là bà Tám Mập đã lên đến tột đỉnh, Tư xe ôm mới khề khà: “Người thứ nhất nhảy lúc 2 giờ sáng. Trời tối quá ông Cúc mắt kém lại mắt nhắm mắt mở nên cứu không kịp. Pháp y sáng ni mới xuống, xác mới vừa được đưa về nhà xác bệnh viện. Không biết đã tìm được thân nhân hay chưa”.

Chẳng biết nghĩ sao nó lại bồi tiếp: “Tay ni tốt số, nhảy là chết liền à. Hà Bá phen ni thắng ông Cúc 1-0”. “Người thứ hai nhảy lúc 9 giờ tối. Là một cha người đâu dưới miền Tây mất việc không dám về quê vì nợ chưa trả hết.

Trước khi lên Sài Gòn đã hứa là lên tìm việc khi về sẽ trả hết nợ, lại còn thề độc nếu không trả hết sẽ “trôi sông lạc chợ”. Giờ mất việc trong túi không một đồng xu, thế là nhảy sông trốn nợ, trốn đời. May mà ông Cúc cứu kịp. Lên bờ tỉnh lại nó còn bắt đền ông Cúc “Sao ông không để tôi chết. Tôi sống lấy gì ăn, lấy gì trả tiền nhà trọ, lấy gì trả nợ. Ông có trả nợ thay cho tôi được không mà cứu tôi?”.

Nói xong nó ôm ông Cúc và ông Ba Chung, tổ trưởng dân phố mà khóc như mưa như gió. Công an phải đưa về đồn an ủi cho nó bình tĩnh lại rồi mới gọi gia đình lên đón. Nghe nói mai mốt gia đình mới lên được.

Thấy cảnh nó ôm ông Cúc khóc bà con hiếu kỳ đứng xem cũng động lòng góp mỗi người một ít nhờ ông Ba Chung tổ trưởng gửi cho gia đình nó khi họ lên. Không dám đưa cho nó sợ nó lại ôm tiền nhảy sông lần nữa thì phí quá. Bà Sáu Trại Hòm ở xóm cuối sông nghe tin vội chạy lên cho nó 5 triệu đồng và bảo về quê trả bớt nợ rồi lên chỗ bà mà làm. Nghe nói đã nhận được hơn 10 triệu đồng, dư tiền để trả nợ”.

Nghe Tư xe ôm kể xong, bà Tám thở dài rồi vội vàng pha cho nó ly cà phê sữa thiệt nóng. Chưa kịp để ly cà phê xuống bàn, bà đã giục “Uống nhanh rồi tìm Ba Chung tổ trưởng đưa ổng hai trăm nghìn đồng nói của bà Tám Mập cà phê gửi cho thằng thiếu nợ nhảy sông. Ly cà phê ni trả công cho mi”.

Tay Tư xe ôm la lớn “Chèn đét ơi, nó dư tiền trả nợ rồi mà bà còn cho hai trăm nghìn. Tui mấy ngày ni ế khách, không có tiền đưa vợ mua gạo hắn chửi như cái mền rách bà lại không cho đồng nào!”. Bà Tám nguýt một cái rồi chửi: “Mi đi nhảy đi, để ông Cúc vớt rồi tau cho năm trăm!”. Tư xe ôm vừa cười vừa bảo: “Thiệt không má Tám? Uống xong ly cà phê là con nhảy liền à”.

Bà Tám cười giả lả: “Có nhảy cũng phải đưa hai trăm cho Ba Chung tổ trưởng dân phố rồi mới nhảy nghe chưa. Còn không, trả tiền ly cà phê tau mướn thằng khác”. Mấy ông già trong bàn nhìn nhau cười rồi bảo: “Có hai trăm nghìn mà cũng bày đặt cho. Để bọn tui góp thêm cho đủ năm trăm”.

Bà Tám liếc xéo, nét mặt đầy vẻ xúc động rồi kêu: “Mấy cha ni thiệt tình. Hết một ngày pha pha chế chế, chạy lui chạy tới mòn cả chưn của tui đó mấy cha nội. Ngồi đó mà ít với nhiều. Ba trăm mô, đưa đây cho thằng Tư hắn đi cho kịp”. Uống xong ly cà phê, thằng Tư đút tờ bạc vào túi quần rồi nổ máy xe chạy ra phía bờ sông.

Buổi chiều ngồi buồn tôi lại bò ra quán bà Tám Mập. Cách quán ba cái nhà về phía đối diện có một cái nhà đang xây. Bốn rưỡi chiều quán đang vắng khách, bà Tám lơ đãng ngồi nhìn sang toán thợ hồ bên khu nhà đang xây.

Họ đang dọn dẹp hiện trường để ngày mai nghỉ vì chiều nay là thứ Bảy. Nhìn sang bên kia đường ông thợ cả thấy chị bán vé số đang hớt ha hớt hải vừa đi vừa chạy, trên tay còn cả xấp vé. Ông chép miệng: “Giờ này còn bán cho ai, trả lại cũng chẳng kịp”. Nói xong ông gọi với sang “Đem đây!”.

Chị bán vé số nét mặt thất thần ôm xấp vé số vội vàng băng qua đường bất kể đường đông xe cộ, vì đang giờ cao điểm phụ huynh đón con về.

- Còn mấy tờ?

- Dạ 15 tờ!

- Mỗi đứa 3 tờ, thứ Hai ứng lương trả. Thợ cả ra lệnh. Xong quay sang chị bán vé số giọng chùng xuống: “Chiều thứ Hai mang tờ dò đến lấy tiền!”.

Ông quay qua chú phụ hồ nhỏ tuổi nhất và ra lệnh: “Đem cất vào thùng khóa kỹ lại. Chiều thứ Hai có tờ dò mới được mở ra”.

- Tối mở điện thoại dò cho rồi để chi đến thứ Hai, chú Bảy. Dò xong vứt lại tiếc!

Ông thợ cả nói như quát: “Thứ Hai mới nhận lương, thứ Hai mới trả tiền. Trả tiền xong mới dò. Đem cất vào thùng và khóa thật kỹ cái thằng… đầu xi măng kia!”.

Bà Tám không rời mắt khỏi đám thợ hồ miệng lẩm bẩm: “Rứa hèn chi cả đời không khá nổi”. Không biết bà đang nói về ông thợ cả hay đang nói với chính mình. Đợi cho nhóm thợ hồ dọn xong hiện trường bà mới gọi với sang: “Mấy chú qua uống ly trà đá rồi hãy nghỉ. Chiều ni trà miễn phí. Thứ Hai trúng số mới tính!”.

Tôi trả tiền ly cà phê rồi ra về, lòng chùng xuống không biết đang buồn hay vui. Trước hiên mấy ngôi nhà những con chó cái gầy nhom đang nằm yên đưa bộ vú đen để bầy “con lai tứ xứ” vừa vui đùa vừa vắt kiệt những giọt sữa ít ỏi, trong khi nắng xiên khoai đang kéo bóng chiều về phía xa phai.

LÊ PHƯƠNG NGHI