Đường về...
(VHQN) - Alăng Như bám dọc theo con suối lớn. Giữa rừng già thâm u, hòa trong tiếng chim lảnh lót, tiếng ve râm ran, tiếng suối chảy lúc trong veo khi róc rách, như ngầm nhắc anh những chỗ quen thuộc.
Trên lưng là chiếc túi vải đựng mấy vắt cơm và bi-đông nước, bên hông lủng lẳng bình ắc-quy, một tay Như nắm chặt chiếc lao và hai cần vợt, một tay cầm cây rựa quơ quơ những cành cây chắn lối đi. Hôm nay anh quyết định đi một chuyến xa tận đầu nguồn để săn cá niêng. Xưa cá niêng bơi đặc quánh dưới suối, nay chỉ còn đá cuội soi bóng dưới sự tận diệt của bàn tay con người.
Theo cha từ tấm bé, Alăng Như không lạ gì cái giống cá mình thon dài, vảy lấp lánh trắng bơi lội tung tăng dưới làn nước suối trong veo. Như cùng cha bám theo đàn cá tung tăng xuôi ngược hoặc ẩn mình trong hốc đá, nhắm những con đủ lớn để phóng ngọn lao với đầu cọng thép cứng mài nhọn xiên qua mình cá.
Bà con buôn làng cũng chỉ bắt cá niêng theo cách đó, để ăn qua ngày. Sau này, những kẻ nhàn hạ từ miền xuôi lên mới bày ra chuyện đi câu, thả lưới hoặc tận diệt với xung điện.
Với tài nghệ bắt cá được cha truyền dạy từ tuổi thiếu niên, Như cũng không theo kịp kiểu bắt này. Bí quá, anh lặn lội về tận dưới thị trấn, mua cho được bộ xung điện. Mấy lần bị cha nhắc nhở rồi kiểm lâm tịch thu, nhưng chỉ cần một chuyến đi săn cá là đủ tiền nên Như sắm lại ngay.
Đôi lúc anh áy náy khi châm cây vợt điện xuống nước, nhưng hình ảnh mấy đứa con nheo nhóc cứ bám riết. “Mình không châm thì kẻ khác cũng làm, chim trời cá nước mà!”, Như tự nhủ vậy, dần dần ít cảm thấy áy náy.
Mồ hôi vã ra, chảy ròng ròng trên mặt và đẫm ướt lưng áo. Anh biết, vậy là mình đã đi quá xa rồi. Nhưng phải đi xa nữa, bởi từng bước chân con người thả xuống săn tìm, là từng bước đuổi đàn cá chạy ngược lên tận đầu nguồn để kiếm chốn nương thân…
*
* *
Khi lối đi ngày càng trở nên rậm rịt, tiếng nước chảy róc rách vọng tới rõ hơn, Alăng Như quyết định vạch lối xuống suối. Anh thò chân xuống dòng nước mát lạnh, đợi một lúc cho ráo mồ hôi rồi sửa soạn đồ nghề. Như chưa bao giờ đến đây, nơi những tảng đá đen xếp chồng lên nhau, những tán cây cổ thụ xanh thẫm tỏa bóng xuống dòng nước trong veo.
Anh lội xuống suối, đi ngược dần lên đến tảng đá đen khổng lồ, dựng đứng như ngôi nhà sàn. Ngàm đá ăn vào sâu, nước lặng. Nắng đổ đứng trên đầu. Như biết, giờ là lúc đàn cá vào trú dưới ngàm đá sau một buổi sáng rong ruổi bơi lội và thưởng thức đám rêu xanh ngon ngọt mát lạnh ủ trong nước nguồn đêm qua. Như dừng lại, lặn xuống quan sát.
Đây rồi! Lòng anh rộn lên khi thấy những con cá niêng bơi tung tăng. Chúng giật mình bơi loạn xạ khi thấy bóng Như, rồi dừng lại cảnh giác. Anh chọn thế đứng, thả hai cần vợt xuống, bật công tắc. Những con cá giãy lên bần bật, lớp vảy chao liệng trong nước lóng lánh, rồi đờ ra.
Anh dùng vợt, vớt những con cá đủ lớn, bỏ vào chiếc túi lưới, cột chặt rồi ngâm xuống nước. Ngó chừng đàn cá đã vơi, anh lặn xuống lần nữa. Bỗng Như bật ngược lên, hít hơi dài rồi lại ngụp vào làn nước trong veo.
Anh không tin ở mắt mình: Một con cá niêng to bằng bắp tay người lớn, anh chưa từng thấy bao giờ! Nó giương đôi mắt to tròn nhìn anh, không chút sợ sệt. Lớp vảy trắng sậm dần từ bụng lên đến lưng, những chiếc vây ngả màu vàng cam. Phải là một cá niêng cụ!
Những nhát châm điện lúc nãy xem chừng không gây cho nó chút suy siểng nào. Như thủ thế, một tay bám vào kẽ đá, một tay cầm ngọn lao phóng tới và găm chặt. Con cá giật nảy mình lên, quẫy mạnh, nhưng không thể thoát nổi mũi lao đang bị tay Như ghì chặt. Anh lặn xuống, kẹp cứng con cá rồi ngoi lên mặt nước. Đôi mắt nó mở to nhìn anh trong nỗi tuyệt vọng…
*
* *
Đưa giỏ cá đầy nhóc cho vợ đem bán, Alăng Như nhìn con cá niêng cụ tươi rói đang nằm trên thớt, phân vân. Con cá này không thể nướng, nấu canh măng chua thì tiếc, chỉ còn cách làm gỏi ăn với rau rừng. Anh lóc thịt cá để riêng một bên, lấy bộ lòng bỏ vào chiếc bát to bên cạnh.
Lòng cá niêng luôn là món khoái khẩu cho dân nhậu, nó sạch và nhân nhẫn, đăng đắng vì cá chỉ ăn rêu nơi dòng nước xiết. Anh ướp gia vị rồi với tay lên ổ lấy quả trứng gà tươi đập vào, đặt bát vào nồi bắc lên bếp. Vợ anh đi một loáng đã về, miệng cười tươi rói với nắm tiền trong tay. Như giao mấy thứ đã làm xong cho vợ, bưng tô lòng cá đã chín, lấy chai rượu, ngồi nhâm nhi…
Giữa đêm, Như bỗng thấy bụng quặn lên từng hồi, tưng tức. Một luồng hơi nóng sôi, từ dưới bụng cứ thốc ngược lên, Như quằn quại trên chiếu, mắt trợn ngược. Vợ Như hoảng hốt, phóng xuống cầu thang chạy qua nhà cha mẹ, đập cửa ầm ầm.
Đứa em rể nhanh chân vọt qua, cùng vợ Như xốc nách đưa lên xe máy, kẻ trước người sau kẹp anh chạy luồn lách đường rừng đưa lên trạm xá xã. Cha Như lò dò trong đêm, bứt cho được nắm lá, sang đến nhà thì chỉ còn mấy đứa nhỏ run lập cập ngồi nép vào nhau…
Ba ngày sau, Như về. Cả người mềm oặt, xanh như đám lá rừng già. Y tá cho biết, anh bị ngộ độc - một kiểu ngộ độc lạ lắm, vì bao nhiêu năm bám trụ với bản làng, cô chưa từng thấy. Cha Như dỏng tai nghe, chầm chậm lắc đầu, đôi mắt mờ đục ngó mông lung lên tận đầu nguồn.
Sớm hôm sau, dò hỏi Như về chỗ bắt được con cá niêng, ông cụ một tay ôm con gà trống, một tay chống gậy, lần mò ngược theo dòng suối. Bóng nắng xiên rừng già, ông mới tới được chỗ hòn đá tảng có ngàm nước ăn sâu vào trong.
Ông quỳ xuống, lầm bầm khấn vái rồi nghiêng con dao nhỏ, cắt ngang cổ con gà. Dòng máu đỏ tươi phun ra, tràn lên tảng đá rồi nhỏ từng giọt, từng giọt, loang đỏ ngàm nước xanh trong…
Ông chắp tay vái bốn phương. Những giọt nước ứa ra từ đôi mắt mờ đục mỗi khi ông gục xuống. Bao nhiêu năm qua, ông chỉ mới dạy con cách săn bắt điêu luyện, mà chưa kịp truyền lại những thâm u huyền bí của núi rừng. Khi ông ngẩng đầu lên, mấy giọt nắng cuối ngày đã ngưng trên ngọn cây, đổ bóng đen xuống những tảng đá mang hình thù quái dị giữa hoang vu…
Mắt mờ, chân run, giờ sao ông tìm thấy đường về?