Vợ chồng khắc khẩu

NGUYỄN TRỌNG HOẠT 08/05/2022 06:42

Đôi này khắc khẩu từ thuở tóc xanh đến khi đầu bạc, ngay cả chuyện đặt tên cho bốn người con cũng không ngoại lệ. Bà thích tên con gái là Hoa, Hồng, Phượng, Loan; con trai thì Hùng, Dũng, Minh, Quang; ông thì muốn tên con giống những sản vật nâng niu hằng ngày như Lúa, Ngô, Đậu, Mỳ. Vợ lắc đầu, dài giọng: “Tên gì mà nghe kỳ kỳ!?”. Chồng cãi: “Toàn những thứ gắn bó nuôi sống con người xưa nay, sao lại chê?”. Vợ cãi cố nhưng không chuyển được ý chồng, đành im trong ấm ức.

MInh họa: VĂN TIN
MInh họa: VĂN TIN

Bà tập cho con gọi “ba má” giống như bọn trẻ cùng lứa trong xóm nhưng ông lại bảo con kêu “cha mẹ”. Thấy vợ định lên tiếng, chồng giải thích: “Cha mẹ là cách xưng hô truyền thống của xứ mình. Tui không thích kiểu gọi lớt phớt, lai Tây”.

Vợ lấy đám đông để thuyết phục chồng: “Cả làng cả xã gọi “ba má”, sao ông cứ muốn khác biệt? Nói vậy không sợ tổn thương nhiều người à?”. Ông dịu giọng nhưng vẫn không đổi ý: “Tui nghĩ thế và chỉ nói với bà, có bài bác người khác đâu”.

Bọn trẻ trong nhà bị kẹt giữa hai đấng sinh thành, khi với ông thì gọi “mẹ cha”, lúc bên bà lại thỏ thẻ “má ba”. Hạ hồi, các con ngả về phía ông, chắc chúng sợ cái uy của người cha ít nói hơn là hiểu ý nghĩa sâu xa tiếng gọi thiêng liêng kia.

Thấy vợ buôn dưa lê với mấy bà trong xóm, từ chuyện nhà kia tiền đâu mà bữa nào đi chợ cũng xách con cá ngừ to như bắp chân đến đôi nọ cưới hỏi vội vàng là do cô dâu phình bụng, chồng khó chịu, chen vào: “Bà lắm chuyện!”.

Vợ cụt hứng, dừng lời rồi bất ngờ phản đòn bằng giọng móc máy: “Các ông thì ít chuyện nhỉ? Chỉ ba người với hũ rượu và mấy lát xoài chua loét mà ngồi từ đầu đêm đến gà gáy vẫn chưa dứt ra được!”.

Liền đó, bà nhại giọng lè nhè của các ông bên mâm rượu, chỉ mỗi câu mà nói đi nói lại, khiến mấy bà ngồi quanh cười rũ. Chồng cắt ngang sự phấn khích của vợ bằng cảnh báo thẳng mặt: “Cứ dòm ngó chuyện trong buồng trong bếp người ta rồi dẫn tới đôi chối, chửi nhau có ngày”.

Bà im nhưng vẻ không phục, lâu sau cất giọng bâng quơ nhưng đầy châm chọc: “Chửi nhau mà kể vô, các ông vui chơi nhưng suýt cho nhau mất mạng kia kìa”. Liền đó, bà kể về hai ông đánh cờ ở làng bên, do hiếu thắng nên xách bàn cờ đập đầu đối phương tóe máu. Ông nhăn mặt bỏ đi, còn ngoái lại lầm bầm: “Chuyện nọ xọ chuyện kia, linh tinh!”.

Ông bà cãi nhau từ trong nhà ra ngoài ruộng, đơn giản như ủ phân cũng sinh chuyện. Chồng bảo, bánh dầu mà ngâm rồi trộn với tro để bón sẽ làm mất chất dinh dưỡng cho cây, lại thối không chịu nổi nên cứ xay ra bột rồi bón thẳng vào đất là tiện nhất. Vợ thì vẫn theo cách ngâm ủ truyền thống, bởi “làm như ông khác nào biến bánh dầu thành mồi ngon cho côn trùng, chim chóc”.

Như chưa hả, bà chua thêm: “Nhác thì nói nhác cho rồi!”. Cãi không lại, ông xẵng giọng: “Bà siêng thì làm đi”. Nói rồi ông bỏ qua hàng xóm ngồi rung đùi, uống trà.

Cũng kiểu như vậy, nhìn ông vãi giống khi sạ lúa, bà kêu lên rối rít: “Phải vung tay cho đều, vãi giống dồn đống thế kia, mai chiều giặm chết đấy!”. Đang cầm cái trang san mặt ruộng cho bằng, bà dừng tay, xuýt xoa than trách: “Sao cứ nhăm nhăm vãi phía trước nhưng bỏ sót dưới chân kia kìa?”.

Chồng nhăn mặt nhưng vợ vẫn vô tư chỉ đạo. Ông hằm hằm, bỏ thúng giống trên bờ, nạt lại: “Chỉ giỏi làm khôn thôi! Chê thì làm đi!”. Ông đùng đùng bỏ về, bà phải cáng đáng việc của hai người nên đến quá ngọ mới sạ xong sào ruộng.

Cả thú vui bắt cá của ông cũng bị bà ngăn cản. Xung điện và thuốc trừ sâu khiến tôm cá trên đồng không còn nhiều như xưa nhưng cứ mưa xuống, nước tràn bờ là ông lại hăm hở xách lờ cầm lưới ra ruộng.

Ông lặn lội đội mưa đến tối mịt, gà gáy canh ba lại thức giấc đi xem lờ, gỡ lưới. Những lúc ấy, bà không ngủ được, lo bời bời nhìn mưa gió đầy trời. Người già dầm trong mưa lạnh từ đồng ra sông, thân run lập cập, có khi bị nước cuốn trôi hoặc bất đắc kỳ tử cũng chẳng hay.

Ngăn mãi không được, bà chì chiết sau lưng: “Người đâu mà lì thế không biết!”. Bà phản ứng tiêu cực bằng cách tuyệt thực trước cá tôm ông bắt được, cả những con cá tràu nướng trui dầm mắm thơm phức hay cá gáy kho dưa béo ngậy, bà cũng chẳng thèm đụng đũa. Thế là ông ra sức bắt về, lại lọ mọ làm sạch cá rồi đem cho con ở gần hay bỏ ngăn đá lạnh, chờ gửi cho đứa trên phố.

Các con đều đã ra riêng, nhà chỉ trơ lại hai thân già, ít nói cười, bớt cau có nhưng sự khắc khẩu vẫn tiềm tàng. Lúc nhỏ thấy cha mẹ đấu khẩu, các con hốt hoảng co rúm, đứng nép trong góc, len lén nhìn; nay thậm chí chúng còn cười tươi khi nhìn cảnh ấy.

Con gái đầu hay công khai bênh cha, sửa lưng mẹ: “Mẹ đừng nói với cha giống như la thế”. Bà ừ à chống chế, cũng đỡ được mấy ngày rồi lại quay về bổn cũ. Con nửa đùa nửa thật: “Nếu kiếp sau gặp lại nhau, mẹ kết duyên với cha không?”. Bà khoát tay, lắc đầu lia lịa: “Thôi, thôi, xin kiếu, gặp người như ổng thà ở giá đến đám giỗ còn hơn”.

Con cười cười: “Sao phũ phàng thế?”. Mẹ như được dịp giãi bày ấm ức: “Người gì mà cộc cằn, chẳng bao giờ nói được một câu mát lòng”. Đã thế, con kích thích ước muốn của mẹ bằng cách mở điện thoại cho xem hình ảnh ông chồng râu tóc bạc phơ, múc từng gáo nước bồ kết xối cho vợ gội đầu.

Bà nhìn lảng đi, giọng buồn buồn: “Cha bay được thế này chắc trời sụp!”. Tương tự, khi nghe con gái hỏi tình cảm dành cho “một nửa” của mình, ông chẳng cần lựa lời khách sáo: “Người lúc nào cũng oang oang như quạ, nghe phát mệt!”.

Con gái đầu năn nỉ mấy bận, mẹ mới chịu lên phố thăm chơi, chỉ đi mấy ngày mà lo cắt đặt từ việc ăn uống cho ông đến cám heo cháo chó. Ở ba hôm, bà đã nằng nặc đòi về; con dỗ không được, bèn cất nón giấu đồ. Bà ra cổng, đắm nhìn con đường dẫn về quê rồi trở vào nằm dài như nằm vạ, chẳng thiết ăn uống. Thế là con phải chiều.

Vừa về đến nhà, bà đã gọi điện cho con, giọng xót xa: “Mẹ mới đi mấy ngày mà ổng gầy nhom như con mèo hen, vắng vợ một tháng chắc suy dinh dưỡng nặng”. Bà tiếp tục rên rỉ rằng, thịt cá chất đầy tủ lạnh nhưng chẳng chịu nấu ăn, suốt ngày cứ mì tôm thì còn sức đâu.

Con cười thành tiếng, cắt ngang lời mẹ: “Ở gần thì cãi lộn miết nhưng xa nhau mấy bữa đã lo cho anh yêu rồi”. Bà lúng túng, đánh trống lảng bằng cách nạt lại: “Sắp xuống lỗ mà còn yêu với đương!”.

Đột nhiên bà chuyển giọng, quay lại điệp khúc tố chồng: “Đã bảo cứ nghỉ cho khỏe nhưng ổng có nghe đâu. Một mình đốn cả bụi tre sau hè rồi ra sức lôi kéo đến trẹo lưng, giờ nằm một đống kia kìa”.

Con lo lắng: “Cha đi lại được không?”. Mẹ dấm dẳng: “Đi được nhưng người nghiêng nghiêng như muốn ngã”. Trái với vẻ cau có khó chịu của mẹ, con tươi cười trò chuyện suốt buổi.

Rồi đến lượt con gái đưa cha lên thành phố thăm chơi kết hợp khám bệnh, chưa phát hiện bệnh gì nhưng khám tổng quát để phòng xa, chữa sớm. Trước khi đi, con ôm mẹ vuốt ve: “Mẹ chịu khó ở một mình mươi hôm, gần tới nhổ đậu gặt lúa, con đưa cha về”. Bà có vẻ dửng dưng: “Thích đi bao lâu chẳng được, tùy ổng.”

Nói thế nhưng cứ hai hôm bà lại điện thoại cho con, chuyện trò vòng vo rồi chốt lại nỗi lo cốt lõi: “Cha bay sao rồi?”. Mấy bữa sau, hình như không kiên trì được nữa, bà hỏi thẳng: “Ổng khi nào về?”. Con chọc vào nỗi thầm kín của mẹ: “Bà nhớ ông phải không?”. Đáp lại là lời bâng quơ, giả lơ: “Mẹ lo cho sắp bay vừa đi học đi làm vừa chuẩn bị cơm nước cho ổng vất vả”.

Con dại dột trêu mẹ: “Bác sĩ bảo cha chờ để tái khám”. Không ngờ lời nói chơi đem lại nỗi lo thật, mẹ hốt hoảng hỏi dồn: “Ổng bị bệnh gì?”. Con ấp úng, đành rối rít xin lỗi rồi cải chính. Nhưng khổ, mẹ vẫn không tin: “Con sợ mẹ lo nên giấu, đúng không? Cứ nói thật đi”. Con cố đả thông lại càng không xua được nghi ngờ, mẹ cứ hỏi đi hỏi lại “thật không”.

Ông thì rất muốn về, bởi: “Bả ở một mình, lỡ đêm hôm có chuyện gì”. Con thích cha ở lại chơi lâu nhưng thấy cụ buồn nên không nỡ. Đêm trước hôm về, hình như cụ khó ngủ, nửa đêm đã thức giấc, ngồi nơi phòng khách nhìn mãi con đường trước nhà rồi đi ra đi vô, vẻ bồn chồn. Chưa ăn sáng, cụ đã quần áo chỉnh tề, túi tư trang để cạnh, như có ý giục con.

Vừa mở cổng bước ra, ông khựng lại khi thấy bà bước xuống từ chiếc xe ôm. Cả hai trố mắt, ngơ ngác. Ông bước vội tới đỡ túi rau trên tay bà: “Sao bà lên đột ngột thế?”. Thay cho lời đáp là câu hỏi khẽ, vẻ nôn nóng: “Hình như ông bị bệnh gì?”. Ông ngó sững rồi chớp mắt, ngượng ngùng: “Bệnh nhớ… nhà thì có”.

Họ bối rối nhìn nhau, nhoẻn cười móm mém.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT