Giờ này chị ở đâu?

NGUYỄN TRỌNG HOẠT 13/03/2022 07:12

Tôi đang ngồi trước máy tính, lang thang trên mạng thì nghe cánh cổng sắt bị rung lắc, tiếng bản lề nghiến vào nhau chói tai cùng tiếng kêu giật giọng: “Chú ơi! Chú ơi!”. Sao không bấm chuông, tôi gắt: “Ai mà ồn ào kinh thế?”.

Tiếng kêu hốt hoảng lặp lại, tôi bật dậy, chạy ra cửa. Trước mắt là chàng trai khiếm thị thuê trọ bên cạnh, vẻ hốt hoảng vẫn nguyên và đôi mắt trắng đục hấp háy cùng giọng gấp gáp: “Người ở phía sau cần trợ giúp, chú ra ngay đi chú!”. Chưa kịp hiểu nguồn cơn nhưng lời khẩn khoản như ra lệnh khiến tôi chạy ra sau, mở vội cửa hậu nhìn sang nhà hàng xóm bên kia bờ rào.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Trên tầng bốn của nhà ấy, một bàn tay thò qua hàng lưới B40 vẫy vẫy vào khoảng không cùng tiếng kêu rối rít: “Giúp em với, anh ơi! Giúp em với, anh ơi!”. Tiếng phụ nữ cuống quýt khiến tôi hoang mang, dù chưa hiểu đầu đuôi.

Từ ngôi nhà ấy có tiếng trẻ khóc, nhà bên cạnh lại đang đổ mê với tiếng máy trộn bê tông rầm rầm khiến tôi không nghe rõ lời khẩn cầu, đành chạy lên lầu ba để gần hơn với tiếng kêu kia.

Thấy người ứng cứu, chị ở nhà đối diện phần nào lấy lại bình tĩnh nhưng giọng run run, như khóc: “Em lên đây phơi đồ, gió đập cửa làm sập chốt bên trong nên không vào được; dưới kia thằng bé đang khóc. Anh gọi cô chủ về mở cửa giúp em, số điện thoại cô ấy ghi trên bảng hiệu trước cửa đấy”.

Tiếng khóc của đứa trẻ càng lúc càng thảm thiết, như cào cấu cõi lòng. Người phụ nữ chẳng cần khách sáo, luôn mồm giục như với người thân: “Nhanh lên anh! Nhanh lên anh!”.

Sải bước hai bậc một lúc, tôi lao xuống cầu thang, dắt vội xe ra cổng. Đúng là gần nhà xa ngõ, tôi phải chạy ra ngã tư rồi vòng lại trước ngôi nhà ấy. Sau cuộc gọi, tôi nóng lòng chờ cô chủ chạy về. Cô chào người vừa gọi cho mình, cảm ơn rồi vội mở cửa, nhào vô nhà.

Sau sự cố mắc kẹt ngay trong nhà mình, chị giúp việc ở bên kia rào hay bắt chuyện với tôi và chàng khiếm thị thuê trọ bên cạnh. Chị tầm năm mươi, nghe giọng, biết đến từ phía Bắc.

Tôi chắc chị là tín đồ Công giáo bởi cổ đeo dây chuyền thánh giá, lại hay nghe tiếng thánh ca phát ra từ cái loa vặn nhỏ vào canh khuya hoặc những khi chị ở nhà với đứa bé. Thằng bé con chủ nhà khoảng ba tuổi, cứ quấn lấy chị, cả khi chị ngồi lặt rau nó cũng ôm lấy cổ; chị đứng, nó lại níu chân, không muốn rời.

Khoảng trống khiêm tốn sau nhà là nơi chị sơ chế món ăn; nhìn thoáng qua khẩu phần hằng ngày, tôi biết nhà ấy có điều kiện, dù cô cậu chủ chỉ khoảng ngoài ba mươi. Xin nói ngay để ai đó đừng nghĩ tôi tò mò bởi không thể tránh mắt trước những thức ngon bày trên chiếc bàn đá cạnh vòi nước mỗi khi ra tưới giàn lan hay chăm vuông vườn nhỏ sát bờ rào.

Chỉ cách nhau gang tấc, nhà bên kia cửa kính trong suốt nên hàng xóm có thể nhìn thấu bàn ăn, góc bếp. Chị giúp việc lại vừa làm vừa trò chuyện, chẳng lẽ mình đáp lời mà ngó lơ. Chị thường nói về các món ăn đặc trưng xứ Bắc như canh cải cá rô, ốc nhồi om chuối hay canh cua rau đay, cá trắm kho riềng. Có lần chị đưa hộp thịt còn đông đá khoe: “Đây là thịt bò Nhật, kia là đùi gà Mỹ đấy”.

Giúp một cuộc gọi thì có đáng gì nhưng chị không nghĩ thế, cứ xuýt xoa nhắc mãi: “Bữa mắc kẹt trên lầu, may có anh và cậu nhạc sĩ gọi cho, không thì chết dở!”. Tôi lắc đầu, khoát tay, cười. Tưởng xã giao thế thôi nhưng chị tìm cách đáp lại chút ơn nghĩa tí tẹo ấy.

Thấy tôi trồng rau, chị bảo hôm nào về quê sẽ tìm cho ít rau lang siêu ngọn. Thế là mớ rau lang để lẫn trong túi hành lý đã theo đường không và đường bộ, vượt hàng nghìn dặm đem đến cho tôi ngỡ ngàng.

Chị còn bảo, sẽ tìm cho giống rau thì là và giống mướp siêu quả. Cũng nhờ chị gợi ý và cho cành làm giống mà tôi có được giàn thiên lý, bông thơm ngọt và che mát đám phong lan bên dưới.

Chị thường gọi chàng trai khiếm thị thuê trọ bên cạnh là nhạc sĩ, chắc nghĩ ai biết đàn hát đều được gọi thế. Tạo hóa không cho cậu ấy ánh sáng nhưng cho tình yêu âm nhạc cùng đôi tay tài hoa. Cậu tham gia ban nhạc chơi trong các nhà hàng, tiệc cưới; ấy cũng là kế sinh nhai; vợ cậu buôn bán lẹt xẹt, kiểu như mua đầu chợ bán cuối chợ.

Dịch bệnh đến, lệnh phong tỏa ban ra, chợ và nhà hàng đóng cửa, các tụ điểm vui chơi đìu hiu, đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ chới với trong những ngày dài căng thẳng. Đêm đêm, cậu ôm ghi ta ngồi trước phòng trọ bập bùng đến khuya, tiếng đàn và lời ca tê tái.

Chị giúp việc cũng thích tiếng đàn của chàng hàng xóm, cứ thấy cậu ôm đàn so dây là chị tắt ti vi. Lắm bữa chị tựa cửa, nghe mê mải, quên cả việc nhà; đôi khi còn nhắc: “Bữa nay, cậu không đàn à?”.

Lúc đã thân tình, chị không ngần ngại yêu cầu: “Cậu có thể hát bài tình cha ấm áp như vầng thái dương hay lòng mẹ bao la như biển Thái Bình?”. Chàng trai tươi cười, ôm đàn, chuyển tông vào ca khúc được yêu thích.

Khi tiếng đàn tiếng hát cất lên, chị bước lại sát bờ rào để nghe cho rõ, đôi mắt chớp chớp. Có lần chị thổ lộ với chàng trai rằng, chị mồ côi bố mẹ từ nhỏ, mỗi lần nghe những bài hát ấy, lại nhớ thương, buồn tủi.

Chuyện trò với tôi, chị xuýt xoa ái ngại trước gia cảnh chàng trai: “Hai vợ chồng đều không có thu nhập trong mùa dịch, khổ thật!”. Nói rồi, chị bần thần, đứng lặng; hình như ý định giúp đỡ kẻ khó đến với chị từ đó.

Cứ vài ngày chị lại treo cái túi ny lon đen lên bờ rào và gọi chàng trai, tiếng gọi rất khẽ, như chỉ muốn cho một người nghe. Cậu ấy ngơ ngác lắng tai rồi chống gậy, quờ quạng lại sát bờ rào, đưa tay lần lên hàng lưới sắt. Người đứng bên kia rào đặt túi đồ vào bàn tay run run và nói khẽ: “Đây, tôi biếu cậu ít thịt lợn”.

Lúc khác, chị đưa ra lý do thuyết phục hơn: “Cậu cầm chút thịt bò nấu cháo cho thằng nhỏ”. Hôm chị cho chả rươi, chàng trai bảo chưa ăn món này bao giờ nên hỏi đi hỏi lại, chị bối rối giải thích nhưng người nghe vẫn chưa hình dung được, đành đáp gọn: “Cậu cứ ăn rồi khắc biết”.

Chị hạ giá của cho để người nhận đỡ bận lòng: “Mấy hộp cá này gần hết hạn sử dụng, cậu cầm lấy mà dùng”. Cả đồ chơi trẻ con, chị cũng dồn vào bịch, đem cho đứa bé hàng xóm.

Thấy người cha ngần ngại, chị vỗ về: “Thằng bé bên này cả thèm chóng chán, chơi một lúc rồi xả đầy nhà. Cậu cầm lấy cho cháu, chả đáng gì đâu”. Chị còn cho tiền nhưng cậu nhất quyết không nhận, dù có nài ép.

Càng ngày chàng trai càng lẩn tránh khi được cho quà, cậu chối đây đẩy và lắc đầu lia lịa. Chị năn nỉ bằng cách nói khéo: “Một chút san sẻ cho nhau trong những ngày khốn khó, có đáng là bao mà cậu ngại”.

Chàng trai ngập ngừng, không lẩn tránh nữa, lần bước lại gần bờ rào, hạ giọng thẳng thắn: “Cảm ơn chị nhưng được cho hoài, em áy náy lắm. Vả lại, ông bà chủ biết, sẽ phiền cho chị đấy.” Nói rồi, cậu quay vô nhà, bỏ mặc túi đồ treo trên hàng rào cùng đôi mắt buồn nhìn theo. Và rồi, nỗi lo của cậu không thừa.

Chẳng hiểu bằng cách nào mà cô chủ biết chị giúp việc đem đồ cho hàng xóm. Nhìn qua hàng rào, tôi thấy cô đứng cạnh cái tủ lạnh đang mở, luôn mồm cật vấn người đối diện; đáp lại là vẻ ấp úng cùng những lời lí nhí.

Dường như chỉ nghe tiếng cô chủ chì chiết, chị thì đứng im như đứa học trò mắc lỗi. Nhìn cái dáng xuôi xị, tội nghiệp và khắc khổ ấy, tôi buồn thương lẫn lộn, lại hồi hộp lo.

Chị rời ngôi nhà kia mà không kịp chào hàng xóm; tôi nghe thằng bé kêu khóc, cứ liên tục lặp lại: “Cô ơi, cô ở đâu rồi!?”. Người mẹ trẻ dỗ con mãi không được liền nạt cho, thế là nó càng khóc to, chạy tới chạy lui kiếm tìm và gào lên thảm thiết. 

Một chút đắn đo rồi tôi cũng qua nhà hàng xóm liền kề nhưng xa ngõ. Có thể chị giúp việc không quay lại đây nhưng tôi không muốn cô cậu chủ nghĩ xấu về một người hay lo cho kẻ khác.

Vợ chồng chủ nhà ngơ ngác trước sự xuất hiện đường đột của khách, ngơ ngác nghe chuyện bắt đầu từ cánh cửa bị gió đập sập chốt dạo nào đến những giống rau chị ấy cho hàng xóm rồi gia cảnh chàng trai khiếm thị sống nhờ cứu trợ của chính quyền và bà con cùng phố trong đại dịch. Tôi bảo, của chị ấy chia sẻ không nhiều đâu nhưng quý lắm với chàng trai nọ trong những ngày phong tỏa.

Vợ chồng chủ nhà ngồi thừ, bối rối tránh ánh nhìn của khách. Lâu sau, chồng cất giọng buồn buồn, than trách: “Em chẳng tìm hiểu đầu đuôi, lại không muốn nghe giãi bày, đã vội làm tổn thương chị ấy”. Cô vợ lặng thinh, thở dài rồi bâng khuâng như nói với chính mình: “Chẳng biết giờ này chị ở đâu?”.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT