Những mắt xích hy vọng

NY AN 07/11/2021 06:11

Anh khệnh khạng bước vào nhà, phả mùi rượu nồng nặc khắp nơi. Tóc anh rối nùi, quần áo xộc xệch phủ bụi xi măng, móng tay lấm đen, chân dính đầy cát. Cô quíu quắn đứng lên đỡ chồng nằm xuống tấm phản. Ruột cô cào cấu, không rõ do đói hay xót chồng. Cô thương anh quá.

 

Anh vốn là nhân viên buồng phòng khách sạn. Mỗi ngày áo quần thẳng thớm, tóc vuốt keo gọn ghẽ, miệng cười tươi rói đi làm. Tối tối về tới nhà cơm nước xong xuôi đèo con đi dạo mát.

Từ năm ngoái, đại dịch cúm Tàu ùa về, lãnh đạo cắt giảm nhân sự, anh nghỉ việc, ai kêu gì làm nấy. Ban đầu còn xin được chân lơ xe buýt, vừa kiêm giao nhận hàng cho khách giữa quê và phố. Tới đợt này, tỉnh cấm xe buýt, anh nghỉ chơi ở nhà mấy tháng. Tới khi túng quá, anh đành phải đi làm phụ hồ.

Chủ thầu nheo nheo cặp mắt nhìn anh. Đằng sau ánh nhìn lăm lăm đó chắc là khuôn mặt phủ đầy sương gió bụi bặm. Chưa từng làm việc nặng luôn hả? Biết cầm xẻng xúc đất thế nào chưa, bưng mấy cục đá núi thử nổi không. Được chớ, anh gật đầu lia lịa rồi lẳng lặng làm. Gân xanh trên tay anh nổi lên từng đường.

Công trình đã đủ người phụ, thầu vẫn nhận anh vào làm. Dịch giã dư người thiếu việc làm. Thôi kệ, cứ chia nhau ra, mỗi người giảm chút xíu nhưng ai cũng có tiền cơm cháo. Cũng nhờ may mắn, chủ thầu mới nhận được công trình trong này, chứ ngoài phố bị tạm dừng hết rồi.

*

*                *

Xưởng may của cô giảm giờ làm, bớt nửa tiền lương, vừa giữ chân công nhân, cũng gọi là giúp đỡ những người lao động nghèo như cô khỏi thất nghiệp. Nhưng số lương nhỏ giọt đó chẳng đủ để chi tiêu. Thứ gì cũng cần tiền, nào tiền điện nước, nào tiền nhà trọ, tiền ăn. Gặp cảnh đã khó chó còn cắn thêm. Bé út vừa xong trận đau tay chân miệng. Bao nhiều tiền cô xoay xở được đều đổ dồn vào thuốc men viện phí. Giờ chỗ cô ở còn bị phong tỏa tạm thời vì xóm có ca dương tính.

Cả tháng nay, mẹ con cô không có miếng thịt cá nào. Nồi canh lõng bõng toàn nước, rau và dầu phụng. Trời nắng muốn cháy người, rồi mưa tới như thối đất, ngoài vườn cũng chỉ có vài loại rau còn trụ nổi. Được mớ rau lang, rau sam để mấy mẹ con ăn đỡ đợi lương.

Nhà hết tiền đổi bình gas mới, cô đành gom ít củi lá khô để nấu mớ canh rau tập tàng. Khói bếp nghi ngút, cô ôm mặt che đi cặp mắt đỏ hoe.

Bé út ôm níu lấy cánh tay gầy xương của cô. Con bé mếu máo rơm rớm, răng phải lấy dịch mũi hở mẹ. Chọc cái cây dài đó vào, lỡ lủng mũi con thì răng. Cô vuốt nhè nhẹ lên mái tóc con gái, có mẹ đây út đừng sợ. Mấy cô chú làm lẹ lắm, nhẹ lắm. Phải lấy dịch mũi để kiểm tra thử út có khỏe không chớ. Anh hai đã lấy xong rồi, anh có khóc đâu.

Bé út nhìn sang thằng hai, ngay lập tức cu cậu nở một nụ cười nhão nhoẹt trước khi kịp đeo khẩu trang lại. Thằng hai giơ tay nắm chặt các ngón làm động tác cố lên cổ vũ em gái. Thật ra cậu cũng đau lắm, sờ nắn mũi nãy chừ, nhưng vẫn cố gồng lên mạnh mẽ. Cậu con trai mười tuổi nói chắc nịch rằng, con sẽ bảo vệ mẹ và em khi ba không có mặt ở nhà.

Chợt đôi mắt bé út long lanh chăm chú vào phía đối diện. Tiếng nhạc nhộn nhịp vang lên vừa đủ nghe. Anh nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ màu xanh nhún nhảy đôi chân, lắc lư thân người, quơ tay vẫy vẫy, nắm tay chữ V đưa ngang mặt từ trái sang phải. Trong giây phút, cả cô và bé út đều như quên đi cảm giác có một cái que bông dài hơn chục xen-ti-mét đang chọc vào mũi con bé. Việc lấy mẫu thử trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn nhờ bài nhảy “cover nửa mùa” nhưng cực kỳ dễ thương của anh cán bộ có đôi mắt lanh lợi.

Mấy lớp đồ bảo hộ bọc kỹ người lấy mẫu test, không lộ miếng da thịt nào. Cô nhớ lại lúc mình gói bánh tét mỗi dịp tết khi dịch bệnh chưa tới. Bao nhiêu lớp lá chuối để giữ cho bánh khi nấu được chín ngon. Nhưng họ là con người, trùm lên mình từng ấy lớp ny lon. Mồ hôi mẹ mồ hôi con túa ra, ủ hơi lại như thế liệu có “chín” thịt không kia chứ. Chưa kể, hàng ngày họ phải tiếp xúc với biết bao ca dương tính. Làm cái nghề gì cực khổ đủ đường.

Gương mặt bị che kín mít, nhưng cô đoán chừng là một chàng điển trai. Đằng xa kia có những cô gái đôi mươi như cô, hoặc là y tá, có khi chỉ mới làm thực tập sinh, hoặc cũng có thể là sinh viên tình nguyện. Họ xông xáo hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình rửa tay khử khuẩn. Thứ duy nhất cô nhìn thấy được là đôi mắt sáng rực đằng sau tấm chắn nhựa trong. Ánh nhìn đáng tin. Ánh nhìn ấm áp. Cong cong vành mắt mỉm cười.

*

*  *

Mười bốn ngày dài gần như mười bốn năm. Cô cứ thấp thỏm đi ra đi vào đợi kết quả. Mấy nay anh ở lại lán trại công trình, cấm tiệt đi lung tung, cuối tuần cũng chẳng được về. Chỗ của anh vẫn đang yên ổn, còn nơi cô ở đã giăng dây phong tỏa tạm thời. Giờ nơi nào làm ra tiền thì bằng mọi cách phải bám trụ lại đó. Vợ chồng cô còn lo khoản học phí sắp tới cho hai đứa con.

Đang thơ thẩn thì ngoài cổng có người gọi cô. Bà hàng xóm (cô đoán thế) thò tay ngoắc ngoắc cô đi ra. Người bà ú nần, hai bắp tay to ngang ngửa bắp chân cô. Cái khẩu trang vải sặc sỡ bịt kín từ mũi xuống cổ, quàng qua đầu che kín phần tai. Tay bà cầm sợi dây cột cục thịt ba chỉ bự, tay kia cầm một bọc ny lon đựng mớ trứng gà với rau củ lộn xộn. Miệng bà oang oang:

- Nhà tau xẻ con heo chia cho cả xóm, còn dư ít nên đem qua cho mẹ con tụi bây. Mi coi rửa sạch rồi nấu chi ngon ngon cho mấy đứa.

Cô chưa kịp cảm ơn, bà đã xua tay đi về. Đuôi mắt bà nheo lại, in hằn từng vết chân chim rõ rệt. Có lẽ bà đang cười. Dịch bệnh căng thẳng lắm, chẳng nên buôn dưa lê lâu, để lây cả đám là đi tong. Ngớ người một lúc, cô mới nhớ ra, đó là bà chủ hàng thịt ngoài chợ. Bà dữ như chằn, nổi tiếng độc miệng, cả xóm ai cũng né sợ. Khách kì kèo trả giá mà không mua thịt sẽ bị chửi té tát. Cô từng dựng xe trước hàng thịt chắn đường khách của bà và bị tạt ngay chậu nước lạnh.

Từ ngày vợ chồng cô chuyển tới đây ở tới chừ cũng được gần một năm, nhưng đâu gặp bà được mấy lần. Công nhân làm ca, đi sớm về tối, cô có tiếp chuyện làm quen được ai. Nhưng chắc xóm này đã đồn khắp lên về gia đình cô rồi. Cô chẳng dám về nhà mẹ đẻ. Mẹ cô chỉ thương con trai, mặc kệ thằng anh dí cô rượt chạy, đuổi ra khỏi nhà. Vợ chồng cô phải đùm đề nhau tự ra thuê trọ kiếm sống. May sao gặp được căn nhà cũ này, chủ nhà thương tình nên giá thuê rẻ như cho, vừa có thêm khoảng đất nhỏ nhỏ để trồng vạt rau xanh.

Cô mở bọc rau củ ra, tờ năm trăm ngàn xanh nằm dúi dưới trái cà chua đỏ mọng. Sự tủi thân chôn chặt trong lòng bấy lâu được cảm giác biết ơn mở khóa, hai thứ cảm xúc trái ngược trộn lẫn vào nhau xông lên mặt khiến cô nóng bừng. Mắt cô rơm rớm. Cuộc đời này có nhiều chuyện bi hài tới khó tin. Một người dưng xa lạ có thể chìa tay ra giúp đỡ giữa lúc cô gần như tuyệt vọng. Cái người ngày thường hạnh họe tính toán từng ngàn bạc, tới lúc khốn khó thì sẵn sàng cho đi không tiếc gì.

Cô chia miếng thịt ra làm hai phần, một nửa đem muối mắm để dành mai mốt, phần còn lại cô kho mặn với tiêu làm cơm trưa. Chục ký gạo cô vừa nhận cứu trợ ngoài chợ lúc sáng là gạo xịn hẳn hoi. Tự dưng hôm nay được ăn bữa ngon. Đối với mẹ con cô bây chừ, chỉ cần có được bữa cơm đàng hoàng, đã là niềm hạnh phúc lớn lao hơn bất kỳ thứ gì trên đời.

*

*  *

Tám giờ tối, trời vẫn nóng hầm hập. Cô còn đang cắt chỉ cho mớ quần áo nhận về làm tại nhà để kiếm thêm. Lặng gió. Chỉ có tiếng ù ù phát ra từ chiếc quạt máy gỉ sét lâu năm. Bỗng dưng quạt ngừng quay, điện tắt ngúm. Bóng tối đặc quánh bao trùm lấy không gian. Bé út và thằng hai đang ngồi chơi ở nền, sợ quá chạy ù lại ôm chầm lấy cô.

Ba mẹ con cô ra hiên ngồi cho đỡ nóng. Cả xóm chỉ còn ánh đèn đường vàng chạch. Ngồi ở phía tối, cô thèm khát hướng đèn vàng đó vô cùng. Cô len lén giấu đi mấy tiếng thở dài. Đời con người ta, sao lại có thể tăm tối như màn đêm lúc này vậy. Ôm con dỗ dành được một lát, cô đứng lên quờ quạng kiếm đèn cầy. Lửa đèn nhỏ bằng đầu ngón tay, chỉ tỏa ra thứ ánh sáng lờ mờ. Tưởng chừng chỉ cần một cơn gió tạt ngang là đèn cầy phụt tắt. Nhưng trời vẫn đứng gió.

Nhanh như cách màn đêm bao trùm lấy căn nhà cô, điện bật lại sáng choang, ánh sáng trắng thắp lên niềm vui nhỏ nhoi. Bé út nhảy cẫng mừng rỡ, hòa cùng tiếng reo phát ra từ mấy nhà trong xóm. “Có điện rồi! Có điện rồi!”.

Ông chú nhà bên cầm ba trái bắp đưa cho cô qua hàng rào, giọng ồm ồm:

- Con biết tin chi chưa, mười hai giờ khuya nay xóm mình gỡ chốt phong tỏa đó. Hết rào, hết giăng dây rồi. Cả xóm an toàn rồi.

Cô mừng húm. Cả ngày hôm nay đều nhận được tin vui. Vậy là không ai dương tính. Cô tưởng tượng, sáng mai thức dậy, cả xóm lại nhộn nhịp, hàng quán mở cửa, chợ bán buôn bình thường. Sáng mai thức dậy, cô sẽ đến gặp cậu thanh niên có đôi mắt thiên thần, xin tờ giấy xét nghiệm âm tính để đi làm lại. Và cũng có thể, sớm mai thức dậy, chồng cô sẽ đứng trước cửa nhà với xấp tiền lương trên tay.

NY AN