Tình như chiếc môi dịu ngọt (*)...
1. Một người đàn ông lầm lũi đi vào con ngõ nhỏ. Cơn mưa chiều đã tạnh. Chỉ còn những vũng nước đọng lại trên mặt đất gập ghềnh. Anh dò từng bước để tránh những chỗ sụt lún dưới chân mình. Có bao nhiêu chỗ như thế, anh cũng thuộc trong lòng bàn tay rồi. Nhưng hôm nay trời vừa trút xuống trận mưa to nên anh đi thận trọng hơn. Một tay anh xốc lại quai của chiếc đàn guitar đeo chéo quanh ngực, một tay giữ chiếc loa và chiếc túi ny lon nhỏ được bọc kỹ.
Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo đâm sâu vào lòng thành phố, bên dưới khu chung cư cao ngất nhấp nháy ánh đèn. Bóng anh đổ dài xiêu vẹo, loang lổ rồi chìm lút vào đêm tối. Với anh, từ khi sinh ra, tất cả đều là đêm tối. Dù trong con ngõ đi về xóm trọ tồi tàn với căn phòng nhếch nhác hay phố thị rực rỡ đèn hoa.
Nghe thấy bước chân anh, đàn chuột đang sục sạo trong đống rác gần đó lẩn ngay xuống cống. Về tới phòng trọ, anh vội vã mở cửa, gọi con. Không thấy tiếng con bé. Chỉ thấy tiếng chuột rình rịch trên mái. Mọi khi con bé vẫn theo anh lang thang rong ruổi trên đường. Nhưng sáng nay, thấy nó sốt, anh bắt nó ở nhà và chuẩn bị đồ ăn, thuốc uống cho nó. Vậy mà giờ, không thấy nó lên tiếng. Anh sốt ruột lại gần con. Bàn tay rờ rẫm lên khuôn mặt nó. Đã hạ sốt. Anh thở phào. Ngồi tựa lưng vào tường lắng nghe nhịp thở đều đều của con.
Bỗng nhiên, con bé chợt tỉnh. Nó trách tại sao anh về lại không gọi nó dậy ngay. Nó khoe ở nhà rất ngoan, đã uống thuốc và hết sốt rồi. Đây này, nó cầm tay anh đưa lên trán nó. Mai con có thể đi làm cùng bố được rồi, chứ ở nhà chán lắm. Nói rồi, nó ngồi tọt vào lòng bố, hai tay nhay nhay cái cằm lởm chởm râu của anh. Anh đưa hai tay ra bẹo má nó rồi cười. Thôi nào, không đùa nữa. Nay bố con mình có món ngon. Một chú phục vụ rất tốt bụng đã cho chúng ta một túi gà rán đấy. Mau mở ra ăn đi nào.
Anh tưởng tượng ra những ngón tay và cái miệng nhỏ xinh của con gái lấm lem dầu mỡ. Nó bảo, sau này, lớn lên, kiếm nhiều tiền, sẽ đưa bố vào nhà hàng có cửa kính sang trọng để ăn gà rán.
Hai bố con say sưa nói chuyện về ngày mai.
Đêm mưa.
Lầy ngõ nhỏ.
2. Hồi ấy, một cô gái bán hoa vì nợ tiền phòng nên bị bà chủ xóm trọ đuổi ra ngoài. Gần sáng, tiếp khách xong, chẳng còn chỗ nào để về, cô đành liều gõ cửa phòng anh, nói dối là cô bạn cùng phòng về quê mà cô lại quên không mang chìa khóa. Đằng nào thì anh cũng bị mù, vậy anh cứ coi như cô không tồn tại. Và đêm sau, sau nữa, cô lại đến gõ cửa phòng anh.
Căn phòng chật chội sực lên mùi nước hoa rẻ tiền và hơi rượu. Tiếng thở của cô mệt nhọc sau những giờ phút vật vã quay cuồng. Anh ngồi nép vào tường, im lặng. Anh cảm nhận người con gái hiện hữu trước mặt mình với những nỗi đau như rờ thấy trên từng ngón tay. Có lúc, cô đã bảo anh hát cho cô nghe, gì cũng được. Anh dạo phím và cất tiếng “khi biết em mang kiếp cầm ca…” (**) thì cô lại khóc.
Có đêm, cô chạy về phòng anh trong bộ dạng váy áo bị xé nát tả tơi, khuôn mặt bầm dập, tím tái. Bọn chó nó đánh. Cô nhổ bãi nước bọt, đáp, khóe miệng ứa máu.
Thôi đừng làm nữa, nhục lắm. Anh vừa nói, vừa cầm tay cô. Cô đẩy anh ra, anh khinh tôi lắm phải không? Anh lắc đầu, kéo cô lại, vuốt mái tóc đang xù lên tơi tả, nếu không chê thì ở lại cùng tôi, có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Đằng nào, cô cũng đâu còn chỗ mà đi. Cô nấc nghẹn từng cơn, bờ vai mảnh run lên. Đêm ấy, lần đầu tiên sau bao ngày tháng dập vùi, cô được ngủ ngon trong tiếng đàn dìu dặt.
Từ những hôm sau, người ta thấy đi cùng anh mù hát rong còn có một cô gái đẩy xe bắp rang bơ. Ai nghe hát mủi lòng cũng mua ngay một gói bắp rang bơ của cô gái xinh xắn, có duyên. Hạnh phúc ngập tràn khi hai người có đứa con gái đầu lòng. Thiên hạ, người thì bảo anh mù tốt số, được vợ đẹp con khôn, người thì bảo ừ, lấy đĩ về làm vợ còn hơn lấy vợ về làm đĩ, người lại chép miệng, thở dài, biết thế nào mà lần... Anh chỉ cười. Im lặng.
Rồi khi bé Na đầy tuổi, cô bỏ hai cha con để đi theo một người đàn ông khác. Cô bảo anh, cuộc sống này khổ quá, cô không chịu nổi nữa, cô cần tìm cuộc sống mới, hạnh phúc đủ đầy. Cô lặng lẽ ra đi cũng như cái ngày lặng lẽ đến. Rút cuộc, vẫn là không hiện hữu trước mắt anh. Nhưng để lại một hố sâu thăm thẳm của những xáo trộn đớn đau và một đứa con thơ dại.
3. Chị bán xôi có vết chàm lớn ở bên má trái. Chị hay đeo khẩu trang và cúi mặt. Dưới mớ tóc lòa xòa vương trên trán đã thấp thoáng có sợi bạc. Thỉnh thoảng chị vén tóc về phía hai đuôi mắt để che bớt vết chân chim.
Nhà chị ở ngay đầu ngõ nên thúng xôi của chị là món ăn sáng thường xuyên của những người lao động nghèo thuê nhà trong ngõ. Hơn nữa, chị lại bán rẻ nên khách mua rất đông. Lúc nào chị cũng thêm chút ruốc, hay chút xôi, chút đậu vào phần xôi của mọi người rồi đôi tay thoăn thoắt gói những chiếc lá sen vẫn thoang thoảng mùi hương và đưa cho họ. Lúc ấy, đôi mắt chị như cười, những vết chân chim hằn in vệt nắng tinh khôi của một ngày ló rạng. Chị vẫn thường dúi vào tay anh một gói xôi to mà nhất định không chịu lấy tiền, bảo, tôi cho con bé chứ cho anh đâu. Con bé cười tít, hồn nhiên đón nhận bữa quà sáng của cô Thoa đầu ngõ. Nó còn bảo, sau này có tiền, nó sẽ mua gà rán KFC trong cửa hiệu có kính sáng để cho chị ăn. Chị cười, xoa đầu nó, ừ, cô chờ đến ngày đó. Lúc ấy, con bé vuốt ve vết chàm trên mặt chị, bảo, con sẽ đưa cô đi thẩm mỹ viện nữa, người ta bảo, vào đó là cái gì cũng chữa được. Chị kéo nó ôm vào lòng. Khóe mắt cay xè. Vết chàm trên má chị đỏ lựng, rần rật…
Ngôi nhà cấp bốn chật chội của chị lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng sang trọng. Bố mẹ mất đã lâu, để lại cho chị ngôi nhà rêu phong và những nỗi niềm xưa cũ. Chị mặc cảm bởi vẻ ngoài xấu xí nên chẳng dám yêu ai. Có anh công nhân làm ở nhà máy thuốc lá cứ đi theo chị hoài, mãi sau chị cũng mở lòng đón nhận. Người ấy hôn lên vết chàm trên mặt chị, bảo, trong mắt anh ta, chị là đẹp nhất. Chị khóc. Lần đầu tiên trong đời, chị được nhận một lời khen.
Thế mà lúc chị có bầu thì người đàn ông đó biến mất. Chị đến hỏi thăm chỗ làm của anh ta thì mọi người bảo không có ai như vậy. Trời đất như sụp đổ trước mắt chị. Chị đã từng đến bệnh viện nhưng chưa kịp vào cổng đã vội quay đi. Chị không thể cướp đi sự sống của đứa con tội nghiệp. Ấy vậy mà, chị lại mất đi đứa bé khi bị ngã xe lúc mang bầu ở tháng thứ 5 và vĩnh viễn không được làm mẹ.
Từ đó, chị bán xôi ngày càng khép mình hơn. Người ta chỉ thấy chị ở đầu ngõ lúc sáng sớm để bán hàng, còn cả ngày, ngôi nhà luôn kín cửa…
Nhưng, hai bố con người mù hát rong nơi cuối ngõ đã làm chị phải mở cửa ngôi nhà luôn đóng kín. Có những khi, thấy anh từ sáng sớm đã tha lôi con bé còn đi chưa vững lang thang trên đường cùng anh, chị đã gắt, bắt anh để nó lại chị trông giùm. Có bữa, nó mải chơi rồi lạc mất anh, chị lại tất tả đi tìm giúp rồi thấy nó ngồi thu lu nơi quán chợ… Cứ thế nó lớn lên. Cho đến một hôm mưa tầm tã, con bé chạy gõ cửa nhà chị, rối rít kêu, cô ơi, cứu bố cháu, bố cháu sắp chết rồi. Chị chạy ngay đi theo nó mà không kịp khóa cửa. Anh bị cảm, nằm vật trên nền nhà. Con bé cứ khóc cầu xin chị cứu bố nó. Chị vỗ về, không sao, bố con sẽ khỏi lại thôi. Chị cạo gió cho anh, đôi tay ban đầu còn run rẩy, ngập ngừng nhưng sau chị quen dần, từng vệt tím thẫm hiện ra rồi chạy dài trên sống lưng và bả vai anh, như những con rết cuồn cuộn. Chị bắc bếp nấu cháo nhưng tìm cái gì cũng thiếu. Thế là đành lật đật trở lại nhà mình, nấu cháo xong rồi mang cho hai bố con. Từ lần ấy, con bé thì suốt ngày ríu rít với chị nhưng tự nhiên, anh và chị lại cảm thấy ngượng ngùng.
4. “Kiếp này xin làm người hát rong
Để cho tình yêu lên tiếng…” (*)
Tiếng hát anh lẫn vào đêm huyền hoặc, du dương trên những phím đàn. Bóng anh liêu xiêu bên cột đèn đường tỏa những vầng sáng đơn côi. Bỗng một chiếc xe tải lao tới. Anh còn chưa kịp cảm nhận được nỗi đau thì đã ngã xuống. Con bé đứng bên này đường, chết lặng. Cốc nước chè trên tay nó rớt xuống tung tóe. Nó lao sang bên kia đường, đến chỗ anh, run rẩy không thể cất tiếng. Anh bất tỉnh trong vũng máu. Chiếc xe tải vụt đi, chỉ còn lại một vệt khói bụi xám ngắt.
Nay, con bé đã hẹn chị về để cùng ăn một bữa.
Vậy mà, mãi vẫn chưa thấy hai bố con anh trở về, chị sốt ruột ra phố đi tìm. Chợt sững lại khi thấy con bé đang gào khóc bên cạnh anh đang bất tỉnh. Chị liền vội vã đưa anh đi cấp cứu. Cô ơi, cứu bố cháu, bố cháu có chết không? Không sao, bố con sẽ khỏi thôi, chị vỗ về để trấn an nó cũng là để tự trấn an mình. Tiếng xe cấp cứu hú dài như một khúc vĩ thanh của bài hát buồn mà anh đang ca dở.
5. Một đêm mùa hạ, người đàn bà đẩy chiếc xe lăn. Ngồi trên xe, người đàn ông mải mê dạo phím đàn. Đứa bé con xách một giỏ bắp rang bơ có những gói nhỏ xinh. Ánh đèn thành phố muôn màu nhưng màn đêm đầy bao dung, ôm ấp lấy khuôn mặt dịu dàng của người đàn bà khiến vết chàm đen chìm vào bóng tối.
Và tiếng hát ngân lên.
“Cũng đành xin làm người đến sau
Để nghe niềm đau phía trước
Tình như chiếc môi dịu ngọt
Treo hờ hững trên cây hoang đường…” (*)
(*): Lời bài hát “Xin làm người hát rong” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
(**): Lời bài hát “Kiếp cầm ca” của nhạc sĩ Huỳnh Anh.