Trước khi gà gáy
1. Đó là một thầy giáo phẩm chất ít người bì kịp. Kiến thức thầy vẫn không lỗi thời, không xơ cứng. Quan niệm dĩ bất biến ứng vạn biến, thầy đem tâm lực truyền cho học trò. Những câu chuyện cũ được làm mới lại bằng tâm huyết ưu tư. Học trò lớp lớp yêu thầy.
An nhớ mãi một tiết học, buổi chiều, đã gần nhá nhem, tiết cuối, thầy vào lớp. Cả lớp đứng lên nghịch ngợm chào thầy:
- Good morning teacher!
- Thầy chào các em!
Giọng thầy vẫn trầm ấm. Thầy là giáo viên dạy sử. Câu tiếng Anh lịch sự như một tống tiễn của lũ trò nghịch ngợm vẫn không làm thầy đổi sắc. Bài học lịch sử về nước Pháp thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Một bi kịch trùm lên nước Pháp - năm 1940, ngày 10 tháng 6, Đức bất ngờ đánh Pháp không hề tuyên chiến. Ngày 14 tháng 6, Paris thất thủ. Bỗng thầy bất ngờ thấp giọng:
- Các trò biết không, một đất nước chỉ mất đi khi các công dân không còn yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Lúc này ở một miền quê vùng ngoại ô Paris, một tiết học vẫn diễn ra bình thường, bất chấp loạn lạc. Trong lớp các học trò chăm chú lắng nghe, ngoài kia lính Đức nghênh ngang đi lại. Hết tiết học, ông giáo già yên lặng nhìn học trò: Các con, đây là tiết học cuối cùng chúng ta được học tiếng mẹ đẻ. Kể từ ngày mai, lệnh cho các trường học không được dạy học bằng tiếng Pháp nữa. Đó là lệnh của quân xâm lược. Cả lớp học chùng xuống. Những đôi mắt đỏ hoe. Những người trò nhỏ đâu ngờ mãi đến khi chia ly chúng mới biết yêu tiếng mẹ đẻ đến thế.
Câu chuyện của thầy cứ theo An cả buổi chiều trên đường về. Một buổi chiều lê thê.
Lại một hôm khác, tiết học về cuộc chính biến kinh thành Huế năm 1885. Vị vua mười bốn tuổi Hàm Nghi đã uy nghi trong vai trò chống Pháp trở thành biểu tượng của ý chí quốc gia độc lập. Rồi Trương Quang Ngọc phản bội, vua bị bắt. Vua tin Ngọc lắm. Hắn biết chiều từng ý nghĩ của vua. Những lúc vắng người, thần tử thường gọi nhau bằng thầy trò thân mật. Vua đâu ngờ người trò thương yêu ấy lại phản bội mình. Chỉ thẳng mặt Ngọc vua mắng: Mi với ta thân là thần tử, tình là thầy trò. Mi đã phản bội. Ngọc bình thản đáp: Mọi quy tắc đều chỉ thích hợp cho một thời buổi. Thời buổi của ngài đã hết, đức vua ạ!
Rồi thầy thở dài:
- Cứ mỗi thời buổi lại độc tôn một quy tắc thì trật tự xã hội sẽ đảo huyền.
An bướng bỉnh cãi lời thầy:
- Thưa thầy, cha ông vẫn thường nói “ăn theo thuở ở theo thời” thì sao?
Thầy nghiêm khắc:
- Đó là lập trường của kẻ vô học xu thời, các con rồi sẽ trở thành những trí thức, đừng ăn ở hai lòng.
2. Ấy vậy mà người thầy dạy sử nổi tiếng ấy lại ra đi. Tự nguyện. Chỉ biết cuối một mùa hè khi nghe tiếng trống khai trường, không thấy bóng dáng thầy. Thầy đã đi miền Nam, nghe nói để tìm kế sinh nhai. Những năm 1980 về trước dân gian vẫn từng có câu cửa miệng “nhà trường nhường trà”, “giáo chức dứt cháo”. Tấm áo rách không bọc nỗi lòng nhiệt huyết. Gió từng cơn nguội lạnh. Thầy và bao thầy cô nữa, những tấm gương lần lượt bỏ trường. Một nhớ nhung tiếc nuối len trong khóe mắt học trò.
Rồi An và lũ bạn cũng rời trường với mảnh bằng tốt nghiệp cấp ba. Lại lăn lóc đời cơm áo. Nghe phong thanh chặng cuối đời thầy.
Vào Nam, vẫn nghề dạy học, mà là dạy kèm; ban đầu thầy dạy văn - tiếng Việt cho trò cấp một. Nhận ra cái nghề chẳng khác gì đi trông trẻ, nhìn đồng đội dạy tiếng Anh đang thịnh, thầy ôn lại ngoại ngữ. Vốn tú tài trước một chín bảy lăm, ngoại ngữ cũng là sở học của thầy. Chẳng bao lâu ăn nên làm ra, lại có đầu óc kinh doanh, thầy xoay ra buôn bán đất đai. Thời buổi sốt đất, một lời trăm. Thầy bây giờ là đại gia. Câu cửa miệng của thầy bây giờ là “ăn theo thuở ở theo thời”. Con Hy ngày xưa đẹp mã nhất lớp, chỉ tội dốt đen đít, có thời làm thư ký riêng cho thầy, cũng theo thầy mà phất. Hy khoe với bạn: Thân thể đấy. Nhất thân nhì thể. Nghĩa thần tử tình anh em sống chết có nhau. Tụi bạn nhìn con Hy thèm thuồng nghi hoặc.
Theo lời nhắn của Hy, An tìm đến. Đó là ngôi nhà nằm ở quận Một. Nhà ba tầng, tuốt trên tầng ba có một giàn hoa giấy tím trắng xen lẫn. Một cơ ngơi bề thế như là mơ ước.
- An vào đây, tự nhiên.
Là Hy, múp míp, trắng nõn. Và lộng lẫy. Một mùi nước hoa phảng phất làm An xao xuyến. Như mùi vị Hy ngày nào, không hiểu sao con bé nhà quê lấm láp mà vẫn trắng nõn, da thịt thơm lừng lựng, càng tiết mồ hôi càng thơm. Tụi bạn học xưa vẫn trêu yêu là Hy Điêu Thuyền. Bởi nghe Điêu Thuyền đổ quán xiêu đình cũng bởi mùi thơm lừng lựng. Điêu Thuyền khóc, càng khóc tuyến mồ hôi càng tiết ra. Tiếng khóc mang mùi thơm đi xa. Đổng Trác mê mùi thơm khinh rẻ ái tướng. Lã Bố mê mùi thơm đâm chết Đổng Trác. Chưa an vị An đã buột miệng:
- Hy vẫn thơm như ngày nào!
Hy không chút thẹn thùng, cười cười hỏi:
- An không nghe khác chút nào sao?
- Khác là sao? An thật thà hỏi lại.
- Là không phải mùi vị ngày xưa. Mùi tui xưa là mùi trinh nữ. Chỉ trinh nữ mới có mùi thơm quyến dụ. Tui tiễn nó đi tự đời đế nào rồi, để được như bây giờ đây. Mùi nước hoa thay vào đấy.
- Sao Hy lại…
- Giờ tui mới biết cái sự vô lý trong câu “đói cho sạch rách cho thơm”. Mà tóm lại, những câu nói hay toàn là giả dối cả. Mọt chữ như ông, bị sách gặm. Cái thiên hạ không làm được lại đem lừa mình.
Huyên thuyên đủ điều, Hy ngoài cái giàu, cái sỗ sàng, thì còn lại vẫn như xưa, đẹp, bỗ bã thân tình. Hai đứa ngồi cụng ly. Rượu ngoại. Dăm đĩa mồi thanh nhã. Đúng điệu Tây lai. Không khí này, không gian này ngày xưa đã từng là mơ ước của An. Hùa theo đám bạn chê Hy dốt, mà An vẫn thầm mong có một ngày hai đứa chung một nhà. Cái mùi quyến dụ ấy An sẽ cưng nựng suốt đời. Chỉ khác là Hy bây giờ với An đã cách xa như trời với đất, như đỉnh Rừng Già với chân vực Vạn, tụi bạn ngày xưa hay đùa như thế mỗi khi thấy con gái nhà giàu.
- Hy được ai giúp mà cuộc sống suôn sẻ thế? Hơi ngà say, An bạo miệng hỏi.
- Giúp cái khỉ mốc, đời có ai thân tình đủ để đem tiền cho mình. Toàn đổi cả đấy. Mà tiền bạc và sự chết là chúa của sự phản bội.
Mơ màng Hy tiếp:
- An còn nhớ chuyện xưa thầy dạy sử kể trong tiết học về tôn giáo không, chuyện Chúa Jesus và mười hai tông đồ ấy? Ngay đến Chúa, chỉ mười hai tông đồ thân thiết, mà có đến hai tông đồ phản thầy.
- Là Giu-đa và Phi-e-rơ. An buộc miệng nhắc tuồng.
- Đúng rồi. Song đau đớn nhất của Chúa vẫn là Phi-e-rơ, bởi Chúa đã cảnh báo trước vị tông đồ yêu quý rằng: Trước khi gà chưa gáy ngươi sẽ chối ta ba lần. Rồi quân La Mã đến theo chỉ dẫn của Giu-đa. Phi-e-rơ ba lần thề thốt mình không phải là tông đồ. Còn Giu-đa là sự thường thôi. Hắn là thủ quỹ, từng ăn cắp bạc của Chúa. Đó, trước tiền bạc và sự chết làm gì có tình thân.
- Sao Hy lại nhắc đến thầy dạy sử?
Nhìn ngây dại vào An, giọng Hy chậm rãi:
- Người dạy tôi bán mua bất - động - sản là một người thân thiết của tôi.
Mấy chữ bất - động - sản được Hy kéo dài nhấn nhá. Rồi bất chợt cười lên ha hả: Bây giờ tui mới biết tui có số giàu tự ngày xưa.
- Công việc ông giờ ra sao? Hy thân mật hỏi.
- Vẫn làm công ăn lương. Thỉnh thoảng dư tiền gửi về nhà.
- An ơi là An, ông mới thơm thật đấy. Mùi vị Sài Gòn không bám được vào thân thể của ông sao? Mỗi năm ky cóp gửi về nhà mươi triệu đồng, đổi lại một đời nắng gió.
Rồi đề nghị:
- Hay ông làm tài xế riêng cho tui đi. Mỗi phiên giao dịch, say túy lúy có ông đưa về, tui đỡ lo bị hốt xác.
An chỉ nghe đầu óc quay cuồng điên đảo, không biết vì rượu ngoại hay vì đề nghị của Hy.
3. Rũ rượi ở một căn gác xếp, chỗ thuê dành cho bốn đứa công nhân, An miên man nhớ về thầy, về Hy, về ngày xưa. Có một niềm tự hào mà lũ bạn chưa được biết, dù bướng bỉnh An vẫn là học trò mà thầy thương nhất. Trước khi bỏ nghề, người duy nhất mà thầy tâm sự là An. Khi An giãy nãy: thầy không yêu lý tưởng của mình sao? Những điều thầy dạy con? Thầy trầm ngâm: Con nói đúng, ăn theo thuở ở theo thời. Thầy từ giã con người lý thuyết.
Dự định qua Hy để gặp lại thầy của An hầu mong một trợ giúp đành gác bỏ. Hãy để thầy mãi là thầy của ngày xưa, trước khi gà gáy.
Có thể lời đề nghị của Hy có lý. An thầm nghĩ.