Chuyện quê một thuở
Qua tiết giêng hai lại bấc, trời mưa lăn thăn. Và gió xuân mang theo cái lạnh se se luồn lách khắp nơi. Mẹ tôi vừa cầm que tre cời nồi lửa than vừa bảo với tôi: “Cuối tuần, con về phố thị làm chi! Ở lại chơi, tối mẹ kể cho nghe chuyện quê một thuở xa xưa”.
Tôi đưa hai bàn tay hơ trên nồi lửa than sưởi ấm, cười nói: “Mấy năm nay mẹ “xuất kho” kể cho con nghe hết rồi, đâu còn chuyện gì nữa!”. “Ối dào! Chuyện quê kể cả đời cũng không hết…”. Ơn trời, tuy thuộc lớp người “cổ lai hy” nhưng mẹ tôi vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Mắt tinh. Tai thính. Đặc biệt là mẹ tôi có trí nhớ rất tốt, chuyện xưa kể lại rành rọt bằng giọng trầm đều, nhẩn nha, khúc chiết. “Người làng ta có câu “Thông thái như bà Hai Khẳm”. Mẹ có nghe người làng kể về bà ấy?”, tôi hỏi. “Bà Hai Khẳm lớn hơn mẹ mươi, mười lăm tuổi. Sau Hiệp định Genève - 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản miền Nam, vận động bà con nghèo ở quê đi dinh điền lên Tây Nguyên. Bà Hai Khẳm cùng chồng con rời quê ra đi từ đấy, không thấy quay về thăm lại nơi cắt rốn chôn rau...”, mẹ tôi thở dài nói.
“Bà Hai Khẳm là người giúp việc cho gia đình ta thời trước Cách mạng 8.1945”, mẹ tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm đều. Hồi đó, mẹ mới về làm dâu nhà ông nội tôi ở làng Lâm Bình. Có tước vị cửu phẩm nhưng ông nội tôi không tham gia hệ thống chính quyền làng xã như mấy anh em mà tu tại gia, ngày lại ngày làm bạn với kinh kệ và sách thánh hiền. Theo lời mẹ tôi, ông nội có gia sản khá đồ sộ, ruộng đất nhất đẳng điền chiếm gần hết ở làng Đồng Nga, làng Sơn Khê và làng Lâm Bình, thuộc hàng địa chủ có máu mặt ở tổng Tiên Giang Hạ. Ngoài ngôi nhà tám cái to rộng thênh thang để thờ cúng ông bà và làm nơi uống trà, đọc sách của ông nội, còn có nhà dưới, nhà ngang, nhà dành cho người ăn kẻ ở, nhà chứa các loại nông cụ sản xuất… Mẹ tôi về làm dâu không phải động tay động chân làm gì cả. Bởi mọi việc đã có người ăn kẻ ở lo toan quán xuyến. Quét nhà quét sân có bà Hai Khẳm. Xay lúa giã gạo có cô Năm Sửu và cô Bảy Ngọ. Dọn vườn cuốc cỏ, thu hoạch hoa lợi có cả mớ người làm công. Mẹ tôi chỉ làm mỗi việc là phụ giúp ba tôi kiểm tra sổ sách giấy tờ, xem xét miễn giảm nộp lúa làm ruộng rẽ cho tá điền gặp năm mùa màng thất bát.
“Tật nói nhiều theo kiểu cái chi cũng biết khiến bà Hai Khẳm trở thành “nhà thông thái” ở làng Lâm Bình”, mẹ tôi cười bảo. Bà ấy lớn tuổi hơn mẹ tôi một con giáp, ở cuối xóm Hạ. Cả nhà bà đều là người làm công cho ông nội tôi. Chồng làm vườn. Vợ quét sân quét nhà, lau bàn lau ghế. Đứa con gái nhỏ theo cha mẹ đến nhà ông nội tôi chơi tha thẩn một mình. Chiều tối, ăn uống xong, họ mới dắt díu nhau về ngôi nhà lá. Không ít lần ông nội tôi có nhã ý giúp họ chút vốn liếng để làm ăn. Họ khóc lóc van xin ông nội tôi đừng ruồng bỏ họ. Người chồng thật thà bảo: “Tự làm ăn phải tính toán mệt cái đầu”. Còn người vợ - bà Hai Khẳm, quả quyết: “Làm công cho thầy Cửu sướng hơn! Đến bữa có cơm ăn nước uống no nê. Mùa giáp hạt vẫn không sợ đói. Tết nhứt ông thầy Cửu cho đủ thứ mang về…”. Vì thế, họ tự nguyện tự giác làm công cho ông nội tôi suốt đời để được an phận, vô lo. Mẹ tôi bảo, làm công cho ông nội tôi, bà Hai Khẳm mới có cơ hội xả ra bao chuyện làng nước mà bà nắm bắt được qua bà con trong xóm đi làm đồng kể cho nhau nghe. Bà lĩnh hội rồi thêm thắt theo ý mình với những bình luận hóm hỉnh.
“Ở đời kể cũng lạ, mỗi khi thiếu vắng “nhà thông thái” vì lý do gì đó, thiên hạ lại cảm thấy hụt hẫng”, mẹ tôi cười nói. Người ăn kẻ ở trong nhà ông nội tôi bàn tán chuyện gì, bà Hai Khẳm cũng dự phần. Trồng khoai cấy lúa ư? Dọn vườn, chăm sóc cây cối ư? Bà Hai Khẳm góp chuyện với cung cách của một lão nông tri điền. Chuyện ma chay, cưới hỏi à? Chuyện ăn ở với hàng xóm láng giềng sao cho phải đạo hả? Bà Hai Khẳm với những phán xét khiến không ít người chột dạ. Lĩnh vực nào, đề tài gì, bà Hai Khẳm cũng luận bàn được tất. Từ băng nhóm chuyên nghề đào ngạch cướp của nhà giàu đến đám chức sắc địa phương bóp nặn dân đen; từ xóm ăn mày tay bị tay gậy đi xin khắp nơi tới chuyện đại sự ở huyện ở phủ… bà Hai Khẳm cũng không ngại ngần chứng tỏ mình am hiểu. Mẹ tôi bảo, bà Hai Khẳm là người lắm chuyện nhưng được cái ruột để ngoài da, cả đời bà không giận ai bao giờ.
Có lần khách quý từ phương xa lặn lội tới nhà ông nội tôi thăm chơi. Đó là Ông lão Bân và Ông lão Sô - hai vị đại sư Nam tông Phật đường Minh Sư đạo ở chùa Túy Loan, học cao biết rộng, am hiểu về thời thế chuyển xoay. Xế chiều hôm ấy, cả ba ngồi uống trà và đàm luận chuyện đời nơi bộ bàn tròn gỗ lim đen bóng kê dưới gốc cây vải thiều ở góc sân. Ông lão Bân và Ông lão Sô đề cập về “hội kín” do Việt Minh thành lập ở các làng quê, về chiến tranh thế giới lần thứ hai ngày càng lan rộng, về Nhật - Pháp đánh nhau để làm chủ Đông Dương… Bà Hai Khẳm đang quét sân gần đó, dừng tay chổi lại, lắng nghe. Thói quen góp chuyện khiến bà cười hề hề mở miệng: “Chuyện “hội kín” và chuyện thiên hạ đánh nhau đâu có gì mới mẻ? Bọn Phù Tang nện bọn Phú Lãng Sa, dân làng Lâm Bình đã kháo nhau lâu rồi. Mọi người đi làm đồng, đi cuốc vườn dọn cỏ cứ thì thầm to nhỏ với nhau…”. Ông nội tôi cầm cây gậy ba toong gõ nhẹ “nhà thông thái”: “Cái cô Hai này lạ thật, không chịu bỏ cái tật ăn theo…”. Bà Hai Khẳm sực nhớ ra mình là ai, vội cầm chổi cun cút vào nhà dưới. Người ăn kẻ ở trong nhà ông nội tôi ôm bụng cười.
“Hồi đó, “hội kín” cũng đã âm thầm lặng lẽ tỏa lan đến làng Lâm Bình và các làng quê khác ở Tiên Phước, như Tài Đa, Thạnh Bình. Ông nội con sợ bà Hai Khẳm lu loa thì chết cả đám nên mới gõ cho bà ấy một gậy ba toong. Bởi ông nội con là người tu hành tại gia, không nặng lời với ai bao giờ”, mẹ tôi nói. Qua tìm hiểu, tôi cũng đã biết lúc bấy giờ ông nội tôi tuy là “địa chủ có máu mặt” nhưng học nhiều biết rộng, am hiểu thời cuộc nên có cảm tình với những người tham gia “hội kín”, giúp đỡ họ tiền nong thóc gạo... “Gắn bó với gia đình ta cho tới khi ông nội con qua đời rồi Hiệp định Genève - 1954 được ký kết, vợ chồng bà Hai Khẳm mới thôi không làm công nữa. Bởi lúc bấy giờ nhà ta đã hiến hết gia sản cho kháng chiến nên không còn như xưa. Vợ chồng bà Hai Khẳm bỏ quê ra đi và bặt vô âm tín từ đó”, mẹ tôi trầm giọng thở dài.
Bà Hai Khẳm bỏ quê lưu lạc phương trời nào không ai biết rõ. Lớp hậu sinh như tôi lại càng mù tịt. Tuy nhiên, câu thành ngữ “thông thái như bà Hai Khẳm” vẫn được người làng Lâm Bình nhắc mãi từ đời này qua đời khác…