Má chồng nàng dâu

PHÙNG PHƯƠNG QUÝ 24/03/2021 15:45

Ông Ba vừa đốt nhang cắm lên bàn thờ vợ, thì thằng Quảng cháu nội đã đeo cà nẹo bên hông, mếu máo:

 

- Cu đói rầu ông nậu! Cho cu gói mì đi nậu! Sao bà nậu đi chợ lâu về vậy! Cu muốn ăn bánh hỏi.

Ruột ông nghe xót. Bà nội nó mất gần nửa năm rồi mà thằng cháu cứ theo hỏi hoài. Con vợ thằng Hai Mốc rời chiếc võng, đi ra sau vườn, hai mắt đỏ hoe. Ông Ba nhìn theo con dâu, thấy nó kéo ống chuẩn bị tưới đậu.

- Thôi để chút ba làm cho. Lo giùm mâm cơm cho hai đứa nhỏ đi. Con Nam sắp đi học về rồi, thằng Quảng thì kêu đói nãy giờ.

Nó dạ một tiếng nhỏ, nhưng vẫn xăm xăm đi ra bãi đậu. Ông Ba sợ con dâu không biết cách tưới, sẽ ướt nhẹp cho coi. Năm nay ông thay hệ thống tưới đậu bằng loại ống ny lon dày có đục lỗ, chỉ cần kéo ống dọc theo luống đậu, bật máy bơm là nước phun đều như mưa. Những năm trước, cứ tưới tới đâu kéo ống tới đó rất mệt mà không đều, chỗ ướt chỗ khô. Nhưng dùng loại ống đục lỗ này, không mặc áo mưa thì ướt hết. Trời nắng như rang, thấm nước vô người là cảm bệnh liền. Ông lui cui đi kiếm được chiếc áo mưa mỏng dùng một lần, thì cũng lúc con dâu bước vô, người ướt như chuột lột.

- Mặc áo mưa vô chớ! Ướt hết rồi!

Nghe ba chồng la, nó cũng làm thinh, chui vô nhà tắm thay đồ. Cái tính lừ đừ rắn xanh đó giống hệt má chồng. Nẫu nói “Quảng Nam hay cãi”, mà mẹ con bả cả ngày cạy răng mới được mấy tiếng. Hai đứa cháu nội, một đứa tên Quảng, một đứa tên Nam, cũng là do bà Ba hồi đó đặt cho, để nhắc con dâu nhớ tới quê hương. Không biết tại cái số hay sao đó, mà dâu nhà ông rặt người xứ Quảng. Hồi tháng ba năm bảy lăm, đơn vị ông tham gia giải phóng Quảng Nam, cho tới ba năm sau, tới một chín bảy tám, chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra, ông Ba được phân công làm cán bộ khung đơn vị huấn luyện tân binh, đóng ở huyện Tiên Phước. Cứ mỗi đợt huấn luyện tân binh, cán bộ khung lại dẫn lính vào tới miền Đông, giao quân xong trở về Quảng Nam huấn luyện tiếp. Cuối năm, cả sư đoàn được điều sang Campuchia tham chiến. Trước khi đi, đơn vị còn kịp đứng ra tổ chức đám cưới cho Huỳnh Văn Ba và cô thôn nữ Nguyễn Hồng Thắm. Cô Thắm ôm nỗi cô đơn chờ đợi chồng ở quê ngoại, vì trong Bình Định ba mẹ chồng chẳng còn ai. Ba năm sau, khi ông Ba xuất ngũ, họ mới dắt díu nhau về xứ nẫu, sửa sang ngôi nhà cũ của ba mẹ để lại, trần lưng ra dọn dẹp, cày cuốc nương rẫy, làm kinh tế. Thằng Mốc là con thứ ba, lớn lên cũng ốm nhách giống ba, năm 22 tuổi ra Tam Kỳ học nghề sửa xe với ông cậu, rồi cũng dắt về một đứa con gái xứ Quảng. Bà Ba bữa đầu nhìn thấy mái tóc nhuộm vàng hoe của con dâu tương lai thì kêu trời. Nhà quê đủ thứ việc cực nhọc, nó kéo con nhỏ thành phố về chi? Coi đó, người thì mỏng như tờ giấy, gió thổi cũng bay. Cầm cây chổi quét sân chưa xong, nói chi tới cầm cuốc vun mì, giãy cỏ. Thấy con dâu lừ đừ “như nẫu mắc ma”, bà Ba kèm riết.

- Dậy quét cho má cái sân con ơi! Chậu đồ má giặt xong rồi, đem phơi giùm đi!

Con dâu mặt lạnh tanh, cứ im lặng thực hiện lệnh má chồng, không hề phản ứng. Ăn cơm xong, nó bưng mâm chén bát dơ đặt ngoài sàn giếng, rồi vô ngồi võng coi ti vi.

- Vợ thằng Hai ơi!

- Dạ!

- Không ai để đồ dơ qua đêm. Rửa liền đi!

Ông Ba thấy ngại cho con dâu, bị má chồng xoay cho như đèn cù.

- Bà cũng để từ từ con nó quen việc chứ! Xoay mòng mòng vậy ai làm cho kịp.

- Ông làm ơn ngồi đó đi! Kệ má con tui!

Ông Ba nín lặng, ra ngồi dưới gốc cây xoài uống trà. Thôi kệ bả, con dâu cũng như con gái, dạy dỗ chút không sao. Khi rổ chén được con dâu bưng vô, phơi nắng ở góc hè, đã nghe bà Ba lớn tiếng:

- Chạy ra Bàu Sen quơ đại bao cỏ cho bò đi vợ thằng Hai, sáng mai nẫu phun thuốc rồi đó.

Ông Ba bực bội đứng dậy, đi kiếm liềm và bao. Bà nầy kỳ nhen, luôn miệng sai bảo dâu như người ở mướn. Con dâu bước tới, giành cái liềm, vẫy tay ra dấu bảo ông ở nhà, để nó đi cắt cỏ, cái mặt vẫn lạnh tanh. Nhìn theo dáng mảnh mai của con dâu, ông Ba xót ruột. Nó con nhà phố chợ, không quen công việc nhà nông, chỉ vì quá yêu thằng con trai mình mà ráng về đây. Thằng con trai thuộc loại trời gầm, đã hay ăn nhậu lại ham cờ bạc, làm được đồng nào, xài hết đồng đó, không bù cho ông rượu bia không đụng một giọt, bầu cua tôm cá không bao giờ lết tới. Ông hay than với bà:

- Tậu quá! Tậu con dâu quá!

- Ông dạy bảo thằng Hai tới nơi, tới chốn, con dâu sẽ hết khổ... Tui nói rồi, khổ mấy cũng chịu được, chỉ cần đàn ông biết thương vợ!

Điều đó, ông đã nghe nhiều lần hồi hai người mới thương nhau ở Quảng Nam. Hồi đó mê anh Ba - Bê trưởng bộ đội ở nhờ trong nhà. Mỗi ngày, cứ nhìn anh quân phục chỉnh tề, đứng nghiêm dõng dọc ra lệnh trước hàng quân, là lòng cô Thắm xao động. Biết có cô sơn nữ thương mình, anh Bê trưởng nói:

- Xứ nẫu quê anh cực lắm. Chỗ quê anh, đi đâu cũng chỉ thấy cát!

- Có anh bên cạnh, cực mấy em cũng chịu được!

Điều đó được chứng minh suốt quãng đời họ bên nhau, sinh tới bốn người con. Bà vợ xứ Quảng là món quà trời tặng cho chàng Ba Thái. Một phụ nữ đảm đang, lao động quên mình trên nương dưới bãi, hết vụ mì tới vụ dưa, vụ đậu, cấy gặt đồng xa. Tài nấu ăn của bả thì khỏi chê, con mắm, mớ tôm, rau tập tàng, thứ gì vô tay bả cũng đều ngon lành, dễ ăn. Mà cũng cái tội thường nhường cho chồng con, chỉ nếm náp qua bữa mà bị ông Ba la lối ì xèo.

Giờ tới lượt vợ thằng Hai Mốc cũng y chang. Bà Thắm có lần xót cho con nhỏ đồng hương, cự nự con trai:

- Sao mầy ác nhơn vậy Mốc? Nó hồi nào biết làm ruộng đâu mà kéo về đây!

Thằng con cũng đáp tưng tửng:

- Kệ nẫu má! Con có nói trước rồi đó chớ, mà nẫu bảo cực mấy cũng chịu được.

So với bà Thắm, con dâu cực hơn thiệt, vì nhiều việc nó chưa làm bao giờ, cũng không quen chịu mưa nắng. Như bữa bà biểu nó lên đám ruộng trên rẫy dẫn nước vô. Đang giấc trưa nắng như đổ lửa, nó đi về cảm sốt nằm sụm hai ngày, làm ông Ba rối, chửi vợ là ác.

- Cưng dâu cho lắm vô, mai mốt đi mà hầu nó.

Bà Thắm hờn lẫy nói vậy, chứ tới khi con dâu mang bầu, bà còn giữ hơn trứng mỏng, không cho đụng tay làm việc nặng. Cơm nước, giặt giũ cũng giành làm với dâu. Nó được nước, tập làm biếng luôn, cứ nằm trên võng lướt mạng. Nhà cửa, sân ngõ có lúc ngập rác, ông Ba phải nói tận nơi:

- Mẹ bầu coi đi quét dọn nhà cửa giùm má bây với chớ!

Nó rục rịch xoay xở ra khỏi võng, đủng đỉnh đi kiếm cây chổi.

Trời nắng miên man cả mấy tháng, cỏ vườn khô héo, đàn bò chạy nhông khắp nơi, đụng gì phá nấy. Tội nghiệp con dâu mang cái bụng lặc lè, vô rẫy cắt cỏ. Bà Ba biểu con dâu kêu chồng về phụ rơm cỏ, không biết tụi nó nói với nhau cách chi, mà hôm sau thằng Hai Mốc đi nhậu về, lôi vợ ra đánh. Con dâu ngậm miệng không kêu một tiếng, chỉ hỏi:

- Sao uýnh tui?

Bà Ba nghe bịch bịch, chạy ra thấy con dâu bị chồng túm tóc. Bà điên máu, xách cây chổi chà, vụt lia lia vô đầu con trai.

- Cha mầy chớ! Tại sao uýnh nó!? Thấy nó xa xứ vô đây, tính ăn hiếp hả? Tao với nó đồng hương nghen mầy!

Bà nói con dâu bỏ việc cắt cỏ bò cho cha con thằng Hai Mốc, đi chợ Phù Cát tìm mua mấy thứ về nấu nồi mỳ Quảng.

- Ghé tiệm Chín Mập có bán mỳ Quảng đó. Mua vài chục cái trứng cút và nắm củ nén. Còn mọi thứ nhà có hết rồi.

Nồi mỳ Quảng thơm phức, đậm đà. Mấy cha con ông Ba sì sụp ngồi ăn.

- Ngon hông ba nó?

- Má mầy còn hỏi nữa. Hồi tôi bộ đội đóng quân ngoài Quảng, mê nhứt món này.

- Người xứ Quảng không màu mè, lịch sự, mà chân chất như tô mỳ đó. Ăn rồi nhớ, đừng phụ lòng nẫu.

Thằng Hai Mốc nháy mắt với vợ:

- Má đang sửa lưng anh đó!

Suốt bốn năm, con dâu bầu bì rồi sinh hai đứa cháu nội bà cưng dâu đến con gái cũng ganh tị. Ông Ba kêu trời trong bụng, rằng, bà đang làm hư con dâu rồi. Má chồng kiểu gì, mà cứ đụng làm việc nặng, nhẹ đều kêu con dâu làm cùng.

Hai đứa cháu nội đứa lên 5, đứa lên 3 tuổi, bà Ba lăn ra bệnh. Căn bệnh hiểm nghèo vì phát hiện trễ, nên không có hy vọng nhiều. Con dâu là người trực tiếp nuôi má chồng, khóc nhiều nhất vì thương má. Từ sáng đến tối, thấy nó lăn từ chuồng bò ra nương đậu, từ nương đậu vô bếp, từ bếp vô phòng má chồng, ông Ba thương quá, hối hai cô con gái thu xếp việc nhà, về phụ chị dâu chăm bệnh.

- Chừng nào bà nội khỏe, lo giùm việc nhà, con đưa hai cháu về Quảng thăm ông bà ngoại ít bữa.

- Ừa! Về quê ít bữa đi con, má nói hai cô nó lo nhà cửa cũng được.

Con dâu không có cơ hội về thăm quê. Bệnh tình bà Ba ngày càng nặng, chỉ hơn tháng sau thì qua đời. Những giờ phút cuối, bà ráng níu cầm ngón tay con dâu, đôi mắt lờ đờ muốn gửi gắm nhiều điều.

Hàng xóm khen nhà Ba Thái có phước, cưới được con dâu Quảng Nam hiếu thảo, đảm đang. Từ ngày bà Ba đi xa, nẫu thấy con vợ Hai Mốc quần quật đủ thứ việc. Ông Ba cũng không ngờ dâu mình giỏi như vậy, chẳng kém gì má chồng nó.

PHÙNG PHƯƠNG QUÝ