Khai cuộc
1. Tôi biết Binh vẫn còn giận tôi. Không, đúng hơn là Binh thất vọng, mà đúng hơn nữa là Binh buồn cho một con người.
Binh thương tôi lắm, thương bằng một mối quan hoài vọng tưởng dành cho người tri kỷ. Vậy mà trong một uất ức với người không đâu, trong một lơ đễnh và xốc nổi, tôi phụ Binh. Tôi không đáng là thằng bạn tâm giao mà Binh kỳ vọng nữa.
Năm tôi khăn gói vào đại học, Binh tiễn tôi đến dốc Tranh, dúi vào tay tôi gói quà tặng mà suốt ba cây số đường đất Binh cứ ôm khư khư trong lòng:
- Cho Nhi đó!
Đó là cái bọc đựng quyển “Bình phong mã cuộc thế”.
Đó là thuở ấu thơ của tôi với Binh.
2. Binh và tôi là anh em cô cậu, cùng tuổi. Cha thương Binh như thương tôi. Cha là một kẻ sĩ bất phùng thời, đam mê đủ thứ mà cũng dang dở đủ thứ. Cha chọn tôi (dĩ nhiên) và Binh (cũng dĩ nhiên) làm khai môn đệ tử để truyền cho môn kỳ nghệ.
Bàn cờ là nền đất sét in chặt khắc những đường xảo diệu. Quân cờ là ba mươi hai nắp ken cha sai tôi với Binh gom nhặt từ cửa hàng ăn uống của hợp tác xã. Tự tay cha viết lên những quân cờ. Rồi từ những nét vỡ lòng “Sĩ nhật tượng điền xa liên pháo cách” đến những đường cơ bản “Thuận pháo hoành xa chống trực xa”...
Đệ tử quần nhau toát mồ hôi.
Sư phụ gật gù đắc ý.
Ngày mỗi ngày, từ những đường cờ rơi ra những mảy vàng lý thú theo từng câu chuyện kể. Lũ nhỏ là tôi với Binh cứ háo hức. Cờ là sĩ diện quốc gia. Sứ ta tiếp sứ Tàu, sứ Tàu đòi đấu cờ. Cầm lọng che nắng cho sứ ta là một trạng cờ. Trên chiếc lọng xoi một lỗ thủng. Sứ ta cứ theo chỗ nắng chiếu vào mà đặt từng nước đi ung dung tiêu sái. Sứ Tàu khâm phục. Cờ là thành bại của bậc đế vương. Nam Cung Trường Vạn là một dũng tướng được Tống Mẫn Công tin dùng. Trước đó vì giao binh thất thế, Nam Cung Trường Vạn bị bắt làm tù binh nước Lỗ, vua Tống phải dùng vạn hộc thóc để chuộc về. Vua Tống yêu Nam Cung Trường Vạn nên thường cùng chơi cờ với Trường Vạn. Một lần vua dồn Vạn thua mấy ván, Vạn xin gỡ, vua nhân đắc ý mà mắng “Tù nhân thì gỡ mãi cũng cứ thua”. Vạn bị sỉ nhục, giận quá mà giết chết Tống Mẫn Công. Song in vết trong trí nhớ trẻ thơ vẫn là nước cờ khai cuộc. Một lần cha dắt hai đệ tử lên đỉnh Lạc Sơn, từ trên đó thấy rõ núi Hòn Tàu chót vót, rõ thung lũng Quế Sơn im lìm sương phủ. Cha chỉ lên đỉnh Hòn Tàu mà rằng: Trên đỉnh ấy có ngọn Bàn Cờ. Khi chúng tôi đang tưởng tượng về hai ông tiên chơi cờ thì cha lại nói: Câu chuyện ta kể cho các con nghe là chuyện ông tiên cờ xuống núi.
Vào thế kỷ XIX, xã Trung Lộc dưới chân núi Hòn Tàu là căn cứ của nghĩa quân Hường Hiệu. Lính Nam triều và lính Pháp dưới quyền chỉ huy của việt gian Nguyễn Thân chiếm cứ vùng xuôi. Thung lũng Quế Sơn thành vùng đệm giữa ta và địch. Khu chợ Đông Phú lúc ấy có một cây đa to, tán cây tỏa rộng che mát một vùng. Trong bóng che của cổ thụ có những hàng chè nước lúc nào cũng bày sẵn một bàn cờ. Cuộc cờ giữa một thanh niên ra dáng là một tú tài nho và lý trưởng Mỹ Đông thường diễn ra kỳ lạ. Cứ mỗi cuối tuần, bàn cờ bày ra, cuộc cờ kéo dài từ sáng đến chiều. Ban đầu rất đông kỳ khách đứng xem và bàn luận. Song kết cuộc thì thường chỉ còn hai cao thủ vì người xem đã không đủ kiên trì dõi theo nên về hết. Bẵng một dạo thanh niên kia không đến. Lý trưởng thấp thỏm chờ. Và quả nhiên như ông lý dự đoán, người thanh niên kia lại đến. Cờ khí ngùn ngụt. Hai bên mau chóng đẩy quân chiếm hà, xa pháo mã giao công. Rồi, như phát hiện điểm khác thường, lý trưởng vươn tả mã bàn hà khoét sâu vào cánh phải non phòng bị của thanh niên. Vỡ trận.
Nhìn quanh quất không có bóng người, lý trưởng hạ giọng:
- Túc hạ sao liều lĩnh thế, lại hạ sơn trong lúc nguy cấp này?
Thanh niên chột dạ:
- Ông lý bảo gì tôi chưa hiểu?
Lý trưởng trầm giọng:
- Xem thế cờ của túc hạ xưa nay, tấn thoái chắc chắn, có ý kiến cơ đợi thời, quả là duệ trí. Cộng với hành tung kỳ bí như thần long kiến thủ bất kiến vỹ, ta đã non già đoán ra túc hạ là người trên kia. Nay nghĩa quân đang bị bao vây, túc hạ nôn nóng tìm sinh lộ mà để lộ sơ hở, ta càng quyết chắc túc hạ là ai. Túc hạ nên mau về núi, từ nay đừng lai vãng nữa, quanh đây tay chân Nguyễn Thân ẩn hiện không biết đâu mà lần.
Nghe lời khuyên, thanh niên thấp người vái tạ rồi từ biệt. Song đã muộn. Một toán lính khố xanh không biết từ đâu kéo đến. Thanh niên kia bị bắt, mới biết là một trong những quân sư của nghĩa quân. Lý trưởng cũng vì tội giao thiệp với giặc mà tán gia bại sản, thân mang tù tội.
Cha trầm ngâm: Cờ có ma khí, đôi khi mê cờ mà hỏng một cuộc người.
Rồi kha khá ngót ba năm, cha giao cho bửu bối: Dương Quang Lân, Trần Tùng Thuận, Vương Gia Lương...
Tôi xốc nổi, Binh đằm hơn tôi. Tôi thường phải in lại nền đất sét vì di quân nặng tay, hỏng cả mặt bàn cờ. (Giờ tôi mới hiểu đó là cách cha dạy tôi cầm quân cờ cho phải đạo). Cũng sau ba năm học đạo, Binh xứng là sư huynh. Cha thương Binh nên tặng riêng Binh cuốn Bình phong mã cuộc thế.
Từ ngày Binh có mã trấn đài, tôi biết mình thấp hơn Binh một cuộc.
Ngày tôi vào đại học, Binh đã đem cả niềm tự hào non trẻ ấy mà già dặn trao tôi.
3. Rồi qua bao là nỗi nhiêu khê, đáng kể và không đáng kể, tôi lại về trường huyện làm thầy giáo. Binh của tôi mừng như nhà cháy mới dựng lại. Tôi sến sáo bảo Binh:
- Quạ đi quạ về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi, cầm thú còn thế huống nữa là người.
Binh gắt nhẹ:
- Chưa chi đã muốn hóa cầm thú rồi sao?
Tôi hẫng hụt. Rồi chột dạ.
Mười năm có hơn, những chiều thứ Bảy, Binh vẫn thường cưỡi con kỳ nhông sắt đến thăm tôi. Và như thường lệ, kết bằng một cuộc cờ.
Hai thằng vẫn một thế bình phong.
Tôi thấy Binh già đi nhiều, đen đúa, xộc xệch. Riêng đường cờ lại càng già hơn xưa, đằm và lạnh. Thấy tôi chung thủy với thế bình phong, Binh gật gù đắc ý:
- Thầy giáo đi thế bình phong vừa hợp đạo vừa trái đạo. Bình phong không dạy người, không tấn người, chỉ giữ mình. Thầy lại đi dạy cho đời thì coi chừng tấn người rồi đó. Nhưng thầy cũng biết giữ mình, nước sông không phạm nước giếng, thủ ý như bình, đó là đạo bình phong.
Có lẽ vì thế mà cuộc cờ của tôi với Binh diễn ra theo hai chiều trái ngược: thú vị và nhạt thếch.
Ấy vậy mà cái thế bình phong cũng có ngày bị vỡ.
Lần ấy, một ngày mùa hạ, không biết oán hận gì, chán chường gì mà tôi đã đổi thế. Binh khai cuộc bình phong mã, tôi lại vào pháo tuần hà.
Có lẽ quen với cái thường tình, có lẽ cũng chỉ cần có cái nhạt thếch thường tình, Binh đâm hờ hững.
Kỳ phá thành đối xa hãm xa cuộc. Binh mất xa mã tượng, lại bị tôi song pháo đơn xa dồn đuổi.
Hôm ấy Binh về. Buồn hiu, thắc mắc:
- Cờ Nhi hôm nay sao giàu sát khí thế? Có nhớ thế pháo tuần hà xưa dượng cấm chúng mình không?
Còn nhớ xưa cha dạy: “Cuộc ngũ lục pháo cương dũng mà nóng nảy, cuộc tuần hà pháo gian giảo quỷ quyệt thiếu đức nhân. Đối cuộc với người không nên khinh suất mà đương đầu pháo. Càng không thể quỷ quyệt láo lườn mà kém tư cách”.
Binh về. Tôi trở lại bàn cờ. Những quân cờ lăn lóc. Tách cà phê của Binh vẫn còn dang dở.
Ngước nhìn lên vách, cuốn sách cờ Binh tặng tôi vẫn lặng im khổ não, cuộc Binh chiêm nghiệm một đời: Cùng đồ tốt. Cái con tốt đáy đường vẫn còn lặn lội phá sĩ tượng chiếm thành, rồi xả thân, với lời đề tựa: Cuộc cờ thí tốt tự vây đời mình.
Tôi lại nghiệm đến cuộc mã cầm cô sĩ, Binh cứ như con sĩ trong một cuộc cờ đã trống toang trống toác quân ta.
Lâu rồi Binh không đến nữa .
Tôi biết Binh giận tôi.
Không, đúng hơn là thất vọng.
Mà đúng hơn nữa là buồn cho một con người.
Đợi hoài từ hạ sang đông, tôi bần thần tự hỏi: Mình đã hỏng một cuộc người?
4. Cuối Chạp tôi đến thăm Binh, bước thậm thò như trò có lỗi. Binh đang lúi húi bên mấy lối cúc vàng. Thấy tôi, mắt Binh chớp chớp.
Dẫn tôi loanh quanh bên mấy giậu hoa, Binh bình luận:
- Năm nay sương giá, hoa muộn cả, riêng hoa mình vẫn kịp mùa, biết bí quyết gì không? Tro bếp đấy, loại này mịn mình, tích nhiệt, giữ ấm cho cây rất tốt.
Thấy Binh vui, tôi đùa:
- Cụ ơi, hoa thì đượm màu mà cụ thì lốm đốm cả rồi đấy.
Binh nghiêm chỉnh:
- Mình có mốc đầu thì tết thiên hạ mới tươi được chứ.
Rồi chép miệng: Còn chỉ phiên chợ tết, không biết có nuốt trôi ngần này không đây!
Tôi đề nghị:
- Năm này hai đứa mình cùng ra chợ đứng.
Binh nghía nghiêng tôi, mắt nửa cảm động, nửa cười cợt:
- Thầy giáo đứng đường chắc là đắt khách!
Chưa tết mà lòng vui lạ. Vậy là Binh đã tiêu hóa tự tám hoánh đời nào cái bận thằng tôi vô sỉ, mà tôi thì cõng hoài đến quặn lòng. Tôi hiểu rằng với cái chấp này, chẳng bao giờ tâm tôi đạt được như Binh...