Đón tuổi mới ở quê
Thật lòng mà nói, sống trải hơn nửa đời người tôi vẫn chưa biết tổ chức sinh nhật là gì. Thời cha mẹ tôi càng không có khái niệm ấy. Gần đây, “ông” facebook cứ nhắc sinh nhật và bạn bè xúm vô chúc mừng búa xua. Kèm theo lời chúc, người thì gửi hình bó hoa đỏ rực, người thì gửi chiếc bánh vẽ mát mắt, người lại chúc mừng bằng ly cà phê cuộn tròn khói tỏa, người comment vui một ly bia sủi bọt bên cạnh cô gái bốc lửa đang đứng rót... Và người nhận là tôi, bất đắc dĩ phải cám ơn người chúc hay bấm một ngón trỏ like cho phải phép.
Một lần tôi hỏi mẹ, thật sự có phải con sinh vào ngày 20 tháng 2 như trong khai sinh không mẹ? Là hỏi vậy vì thời của chúng tôi nhiều đứa bạn sinh một đường ghi trong khai sinh một nẻo, thậm chí đến năm sinh cũng sai đi. Cái thời phổ biến của man khai tên họ, ngày tháng, năm sinh để trốn lính ấy mà. Hơn nữa, cũng rất nhiều cha mẹ vẫn không nhớ nổi ngày tháng sinh của con mình. Nghe hỏi, mẹ thoáng nhíu mày trong chốc lát rồi trả lời “sinh vào mùa xuân”. Trời đất, mùa xuân chung chung như vậy thì làm sao tôi có thể nhờ thằng bạn san cho một lá số tử vi đời mình? “Mẹ còn nhớ đó là vào một ngày se se lạnh, cả xóm xuống đồng để làm cỏ vụ lúa đông xuân. Nghe bụng dạ khó chịu nên mẹ phải bỏ về nửa chừng, hôm sau là sinh ra mày đó”. Chi tiết mẹ cố nhớ cụ thể hơn chỉ có vậy. Để cứu vãn cho cái quên lạ đời, mẹ nói như nhà nghiên cứu xã hội học, kiêm tướng số: “Thời của mẹ đầu tắt mặt tối suốt ngày trên rừng, ngoài đồng, nhớ ngày chết của ông bà để lo cúng giỗ đã đau đầu lắm rồi, hơi sức đâu mà nhớ cho nổi ngày tháng sinh của con cháu. Mà mày tuổi con mèo, sinh vào mùa xuân là tốt rồi đó, mấy ông thầy bói vẫn thường khen là thuận sinh”. Qua lời mẹ kể, tôi mãi nhớ chi tiết hôm trước còn đang đi làm, hôm sau là sinh con. Không giống với vợ tôi hồi mang thai đứa con đầu, chúng tôi chuẩn bị trước nào là tã, áo, tất… cho con cả nửa tháng trời, rồi nằm nghỉ ngơi chờ sinh, ăn hết gần nửa bao gạo dự trữ mà thằng bé vẫn chưa chịu trình diện.
Vợ chồng con trai tôi ở Đà Nẵng đã quyết định tổ chức sinh nhật cho cháu nội sớm trước hai ngày nhân dịp cuối tuần tại quê nhà. Nếu không nhằm vào thời điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 thì sinh nhật của cháu được tổ chức khá hoành tráng ở phố với đầy đủ nội ngoại đôi bên, bạn bè cùng lớp và những người thân của gia đình. Dường như đó là mốt sinh nhật thời đại nên dẫu khó khăn kinh tế mức nào cha mẹ cũng cố làm vui lòng con. Cho nên, trẻ bây giờ đứa nào mà chẳng nhớ chăm chắm sinh nhật của nó, chưa đến ngày đã nghe chúng nhắc hỏi đến nóng ruột.
Thật lòng, tôi rất vui với quyết định bất ngờ của con. Từ lâu tôi vẫn ước mong có được sự quân bình hài hòa giữa quê - phố, quá khứ - tương lai trong đời sống nội tâm của con cháu. Phải có những lúc biết nhìn lui, sống chậm, mới nhận rõ được hướng nhìn tới, sống nhanh. Thời gian quá gấp, chứ nếu thoải mái hơn đôi chút tôi sẽ tự tay làm lấy những loại đồ chơi bằng lá chuối, lá dừa, thanh tre, giấy vở… để làm quà tặng sinh nhật cho cháu. Các thứ đồ chơi bằng nhựa như búp bê, gấu bông, dụng cụ xếp hình, đồ nấu ăn, các loại đàn, các loại xe… hình như đã trở thành quá quen thuộc với cháu. Nhiều lúc thấy nó vứt bừa bãi lung tung từ trong góc nhà ra đến tận ngoài hiên mà không biết có còn nhớ bao nhiêu thứ đã mua.
Cái nắng đầu chái hiên vẫn còn phảng phất chút xuân dễ chịu. Vườn thoáng rộng, yên bình và thoảng mùi hương dịu nhẹ của loài hoa sử quân tử đang kỳ rộ nở. Hai đứa cháu, một phố một quê, đang chụm đầu vào nhau say sưa nghịch cát dưới bóng cây vú sữa. Chúng tưởng tượng đủ trò mua bán, gặp đủ các nhân vật phim hoạt hình và nói với nhau bằng đủ thứ ngôn ngữ trẻ con nghộ nghĩnh. Có cảm giác như mùa dịch đang lùi dần vào cổ tích, bỏ tôi một mình ở lại với không gian xưa đầy tiếng ve ngân cùng chiếc lá mít làm dĩa, cọng tre khô làm đũa và cát sạn làm cơm. Vậy đó mà cũng học đòi mời nhau ăn, rồi phá bỏ, rồi cười… Ước chi đời chỉ toàn là những nụ cười vô tư như thế, mà không có nỗi sợ hãi, không có sự lươn lẹo, tráo trở.
Mỗi người một việc rất nhẹ nhàng, nhanh gọn. Không cần trang trí rườm rà, không cần dặn dò nhà hàng phải chọn món tôm biển, thịt rừng cho thật tươi ngon, không cần phải sợ khách mời khen chê món ăn, cách tổ chức. Một chiếc bàn tròn phủ khăn hồng được đặt giữa sân thoảng gió, vừa đủ cho nội ngoại chín người quây quần đầm ấm. Bánh sinh nhật cho cháu đặt sẵn ngoài phố mang về, món ăn chính mẹ cháu tự tay nấu, món bánh xèo truyền thống a lô người ta ship hàng tận nhà. Cháu của nội mặc váy mới xinh xắn, ngồi ở vị thế của nhân vật chính. Bài hát chúc mừng sinh nhật được mọi người vui vẻ vỗ tay hát vang giữa ánh điện hoàng hôn quê sáng trưng như ngày. Các thủ tục thắp đèn, tặng quà, chụp hình, cắt bánh… lần lượt diễn ra hết sức tự nhiên và vui gọn.
Thế là cháu của nội vừa tròn 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp Một rồi đó biết không. Thế là cháu cũng đã có một sinh nhật đúng quy trình, đủ thủ tục hiện đại để khoe với bạn bè mà không sợ tủi thân. Nhưng điều quan trọng là cháu đã có một sinh nhật giữa mùa covid khó quên tại quê nhà. Một sinh nhật đã kết nối giữa hai bờ quê phố để làm nên dấu ấn cuộc đời. Rồi mai này dù cháu có làm gì ở đâu, rồi mai này những thói quen của nhân loại có thay đổi sau mùa dịch hay không, dấu ấn ấy vẫn theo cháu suốt đời. Rồi cháu sẽ kể lại cho bạn bè, người thân nghe những khoảnh khắc ấn tượng ấy tại những lần sinh nhật đông vui và hoành tráng khác. Rồi ba mẹ sẽ nhắc con nhớ cái năm sinh nhật chơi vọc cát, thả diều, trốn tìm… ở sân vườn nhà nội. Và biết đâu từ đó, mỗi lần nhớ lại con sẽ thấy tâm hồn thanh thản hơn trước những áp lực công việc phải đối mặt. Giữa chợ đời bát nháo, ông vẫn tin rằng con người sẽ sống nhân bản hơn từ những cánh hoa tâm hồn bé bỏng kia.
Còn lại một mình với đêm, tôi sững người khi ngồi xếp cất gọn gàng con diều giấy cho cháu - con diều đã có dịp bay cùng những bước chạy đầu đời tập tễnh chiều nay trên cánh đồng quê lỗ chỗ nơi đang cày, nơi vẫn còn nguyên cỏ rạ. Phải nói là con diều tuyệt đẹp! Từ hình thể chung, cái đuôi, cái đầu đến màu sắc, chất liệu, thậm chí là sợi dây chỉ buộc, cái tay nắm bằng nhựa đều không thể chê vào đâu được. Chiều quê mùa dịch, trước nhà tôi, cánh đồng Ngô Cang vừa gặt xong đã trở thành một bãi thả diều mênh mông, tập trung đủ loại trẻ quê - phố, lớn - nhỏ, trai - gái tung tăng vui đùa hết cỡ. Không gian chiều quê trở nên bình yên hơn với những chiếc đuôi diều uốn lượn lửng lơ đủ màu trên nền xanh da trời. Dường như áp lực học hành đã được dịp bung vỡ, trả lại cái gì của tuổi thơ cho tuổi thơ.
Nhìn “cánh đồng diều”, tôi không thể không nhớ lại một “thời oanh liệt nay còn đâu”. Ở đó, dưới cái nắng nóng như nung của trưa hè, tôi vẫn mình trần nhễ nhại mồ hôi ngồi vót từng cọng tre, xé xắp từng tờ giấy nhòe nét mực tím lâu ngày, dán từng cái đuôi diều bằng hồ bột sắn cho kịp buổi chiều ra đồng vừa giữ bò vừa thả diều. Vậy mà vẫn cố hơn thua với diều bạn về độ cao và vẻ đẹp. Nhìn cánh đồng lúa Ngô Cang quen thuộc mà cứ nghe nhớ, nhớ da diết những tháng ngày cắm thỏ, thả lờ, tát vũng, theo bừa bắt cá, rượt đuổi châu chấu… Cháu của nội bây giờ khỏi phải xắp dán vẫn có được con diều quá đẹp, khỏi phải bắt cá vẫn có cá để ăn, khỏi phải giữ trâu bò, kiếm củi vẫn đủ tiền ăn học. Ông nội mừng, nhưng vẫn có chút gì đó nghe tiêng tiếc, nghèn nghẹn. Đồng đã khác xưa, cháu cũng khác xưa. Đồng không còn cá, lươn, châu chấu, ếch nhái… để bắt, cháu cũng không còn đủ trọn vẹn một mùa hè tưng bừng như ông hồi xưa.
Đêm như dài thêm ra vì những suy nghĩ và tưởng tượng lạ đời. Ông muốn biết đêm nay cháu của ông mơ thấy gì? Mơ thấy buổi chiều vọc cát, thả diều, chơi trốn tìm hay tắm biển, đi siêu thị? Cháu sẽ bắt gặp một sinh nhật đông người tưng bừng ở nhà hàng sang trọng với quà mừng kín lối đi, đồ ăn chật bàn, hay chỉ một bàn tròn không quá 10 người ở thời đại dịch? Cầu mong sao cho giấc mơ nào cũng không làm cháu hốt hoảng như loài người đang hốt hoảng.