Chồng của má

KHƯƠNG QUỲNH 08/11/2020 07:16

Má gọi điện về, đánh tiếng là sắp đón thằng Tí. Mỗi lần nghe má về, ba lại thẫn thờ. Khuya, Mun trở dậy, chỉ thấy khói thuốc lá trắng lờ đờ, hòa vào màn đêm, còn bóng ba lại lặng lẽ, đơn độc dưới hiên nhà.

 
 Thằng Tí là con của má với người chồng sau. Vào một chiều có cơn mưa bóng mây hơn chục năm trước, má bỏ ba đi theo ông ta - gã to béo luôn móc chùm chìa khóa cả chục chiếc leng keng bên con đỉa quần tây. Mun chạy theo, gọi khản giọng. Người đàn ông đỡ lấy va ly, mở cửa xe. Má vội vã như một kẻ chạy trốn. Má đi được một lúc thì ba về, người thấm ướt, nồng nặc mùi rượu. Mun vẫn còn ngồi ở hiên nhà, khóc rưng rức, vục mặt vào chiếc áo còn chút hơi ấm của má bị rớt lại. Nó nhìn ba, ánh mắt căm phẫn như việc má bỏ đi là do lỗi của ông. Mun đâu có biết, lúc má đi, ba cũng đứng chết lặng dưới mưa, nhìn theo bất lực.

Nhiều năm trước, nhà nội Mun thuộc diện giàu có. Ba lấy được má khiến bao nhiêu trai tráng trong xóm ghen tỵ. Ba trân trọng, chiều chuộng má, chẳng để bà đụng đến việc gì. Thấy vợ sinh nở Mun vất vả, ba cũng nhất quyết không để má phải mang nặng đẻ đau thêm lần nào. Ba má bắt đầu lục đục khi ba làm ăn lớn, ông bị giật nợ một cú điếng người, mất hết tài sản. Ba quyết định bán nhà để trả nợ cho mối làm ăn. Cả nhà Mun phải chuyển về sống trong một ngôi nhà vốn bỏ không nhiều năm. Bốn bức tường chưa tô trát vẫn còn loang lở vôi vữa. Má trở nên cay nghiệt, trách ngôi nhà đang ở “bốc mùi nghèo khổ”. Ba không chấp nhận thực tại, ông lồng lộn truy tìm tung tích kẻ giật nợ. Vài ngày, ông lại hùng hổ bắt xe vào Nam ra Bắc theo lời ai đó báo tin. Lần nào, ông cũng trở về nhà bằng vẻ mặt thất thểu, chán nản và say rượu.

Vài năm sau khi má bỏ đi, ba mới tỉnh cơn say, làm lại từ đầu bằng một cửa hàng sửa xe máy nho nhỏ. Mun bỏ lên thành phố học nghề may rồi đi làm trên ấy. Một hôm, Mun nhận ra má ngồi ở quán ăn ven đường, hét hò thằng bé ngồi cạnh đang phồng miệng ngậm đầy thức ăn. Thấy Mun đã trở thành một thiếu nữ đứng trước mặt mình, má ngượng ngùng. Mun từng nghĩ nếu gặp lại má, nó sẽ phải buông lời trách móc, giận hờn. Nhưng nghe má kể về hoàn cảnh bây giờ, Mun lại không nỡ. Người chồng hờ của má ngoại tình, ghẻ lạnh má và con trai. Mun chớp lấy cơ hội: “Bứt quá má bỏ ông ta đi!”. Nó yên lặng một lúc lại chêm thêm câu nữa: “Ba còn ở không, chưa quen ai”. Má chỉ gượng cười, lắc đầu vì nhân duyên không thể nào chắp vá.

Căn phòng trọ của Mun thỉnh thoảng trở thành nơi lánh nạn của má và thằng Tí mỗi khi gã chồng lên cơn vũ phu. Má khóc, trách móc ông ta trong điện thoại. Họ kết thúc cuộc tranh cãi bằng dáng vẻ lầm lũi, kéo lê thằng Tí ra xe mỗi khi ông ta bấm còi phô trương nơi đầu hẻm. Má bao lần tha thứ cho thói côn đồ, trai gái của gã. Nhưng cuối cùng, gã cũng bỏ rơi bà. Má và thằng Tí chẳng còn nơi nào đi ngoài căn phòng của Mun.

Ba không biết chuyện của má con Mun. Ở quê, ông mở rộng tiệm, công việc thuận lợi và xây lại được ngôi nhà to rộng hơn. Nhưng vẻ ủ dột, u buồn vẫn cố hữu trên gương mặt ba nhiều năm qua. Còn má tìm cách xoa dịu nỗi đau của mình bằng những “mối” mới. Người yêu mới nhất của má là một Việt kiều, muốn đưa má qua nước ngoài sống cùng. Nhưng chẳng đời nào ông ta cho con riêng của bà đi theo. Má cầu khẩn Mun giúp bà trông nom thằng Tí. Bà chạy đua với những thủ tục nhập cư, mặc kệ vẻ miễn cưỡng của Mun và ánh mắt buồn bã vì bị bỏ lại của con trai.

Trước ngày đi, má hứa sẽ tìm cách đón thằng Tí ngay khi ổn định ở nửa vòng trái đất. “Ngay” của má dài đằng đẵng mấy năm trời, Mun cảm thấy đuối sức, không cách nào nuôi được một đứa em trai đang lớn. Nhất là khi Mun có người yêu, nó thấy đứa em cùng mẹ khác cha của mình trở nên vướng víu. Mun quyết định mang thằng Tí về quê và kể với ba chuyện của nó. Đang sửa xe cho khách, ông thẫn thờ đánh rơi chiếc mỏ lết trên tay, ba bỏ ra một góc tiệm hút thuốc, nhả khói lên trời. Mun chẳng thể nhìn ra nét mặt ba, chỉ nghe mùi thuốc lá khét lẹt, đắng chát. Một lúc sau, ba trở vào, giọng dứt khoát: “Thằng Tí để ba nuôi cho”. Nhưng gương mặt lạnh lùng của người đàn ông được Mun giới thiệu là “chồng của má” khiến thằng Tí sợ hãi nắm chặt tay chị.

Chỉ khi bước vào nhà, thấy tấm ảnh hồi trẻ của má và “chồng của má” treo trên tường, thằng Tí mơ hồ cảm nhận nơi này dường như cũng có mối liên quan với mình. Nó không hiểu nổi đó là mối quan hệ gì, bắt chước Mun, gọi “chồng của má” là “ba”. Ba giật mình, quay mặt đi, tủm tỉm cười. Thằng Tí nhanh chóng bám lấy ba như hình với bóng, nó dính lấy ông ở tiệm sửa xe hay mỗi chiều ra suối câu cá. Người trong xóm thấy ngôi nhà vốn quạnh quẽ của ba có thêm một đứa trẻ lạ hoắc, đồn đoán nó là con rơi của ông, xì xào: “Té ra hồi đó ông ăn chả bà ăn nem”. Những người phụ nữ từng để ý ba, giờ thấy ông đèo bòng thêm một đứa trẻ, chẳng ai còn muốn lấy cớ sang chơi.

Cuộc sống của ba và thằng Tí cứ bình yên, vui vẻ trôi qua nếu như má không thỉnh thoảng gọi về, cố chứng minh vẫn giữ lời hứa với Mun. Bà không biết rằng, mỗi lần bà hẹn lần hẹn lữa ngày về nước như hẹn trả một món nợ là lúc cả ba và Mun đều nghe lòng bất an. Hai người thầm cầu mong má quên đi lời hứa đó. Nhưng cuối cùng, má đùng đùng quyết ngày về nước khi Mun thừa nhận chuyện thằng Tí đang ở với ba.

Ngày về, gương mặt bà tô trát một lớp phấn son dày để che bớt nếp nhăn và làn da chẳng còn mịn màng do cuộc sống bươn chải nơi đất khách. Dù đã báo trước với ba, nhưng bà vẫn ngượng ngùng bước chân vào ngôi nhà ngày xưa vốn là chủ nhân. Bà khẽ khàng nhìn lên những khung ảnh kỷ niệm của gia đình, như một du khách tham quan viện bảo tàng. Ba không bỏ đi một tấm ảnh nào có mặt vợ cũ. Bà nhận ra, ông bản lĩnh, đối diện với vết thương từ cuộc hôn nhân đứt gánh. Còn mình, những mối tình chất chồng lên nhau vẫn chưa lấp đầy nỗi trống trải. Ở đất khách, bà sống chật vật, lại có thêm hai đứa con với người chồng mới. Nhưng bà bẽ bàng, nghĩ đến chuyện chồng cũ đang nuôi con riêng của mình. Lần này, bà quyết tâm về đón thằng Tí cũng để bảo vệ lòng tự trọng cuối cùng, trước ba.

Hai người né tránh ánh mắt của nhau. Ba liên tục rót trà mời “khách”, không nhận ra nước đã ngấp nghé tràn ra khỏi miệng tách. Má lên tiếng, xóa tan bầu không khí yên lặng: “Cám ơn anh đã nuôi giúp con em...”. Ba thành thật đáp: “Anh không coi nó là gánh nặng, ngược lại, anh đã rất sợ ngày hôm nay”. Thằng Tí đứng ngoài cửa, nó lao đến, ôm chầm lấy đầu gối ba: “Ba, con không muốn đi đâu”. Cơ mặt của ba đanh lại, như cố chống đỡ để nước mắt không trào ra. Nhưng cuối cùng, ông vẫn quay mặt đi, bối rối lấy tay gạt nước mắt.

Má lúng túng, nhận ra những lý lẽ bà chuẩn bị trong đầu từ trước để đi đòi lại con trở nên vô lý. Vì bao năm qua, người đàn ông này chưa bao giờ muốn đối đầu với mình. Má vẫy thằng Tí lại bên cạnh mình, vuốt tóc nó, thì thầm vào tai nó điều gì rồi bước đi. Một chiếc taxi đậu sẵn ở đầu hẻm. Má bình thản bước lên xe. Bà không quay lại, biết rằng có vài cặp mắt đang hướng về mình. Lòng má trĩu nặng, nhưng lần này không giống cảm giác trốn chạy, như vào một chiều có mưa bóng mây của chục năm trước.

KHƯƠNG QUỲNH