Lặng thầm
Bạn kể đêm qua giật mình, tỉnh giấc, quay sang thấy Di đang khóc.Di khóc trong mơ. Giấc mơ ú ớ những âm thanh không rõ tiếng. Chỉ có giọt nước mắt lăn xuống. Di cười buồn, ngồi dậy ngả đầu xuống khung cửa sổ. Gió lất phất trong căn phòng nhỏ. Cảm giác sao buồn thấm thía. Di đã mơ giấc mơ gì vậy? Sao giờ tuyệt nhiên không còn nhớ được gì. Trong giấc mơ của Di có anh không?
Tối qua Di ngồi với anh ở cà phê Đinh. Anh nói không đồng ý sử dụng bài phóng sự Di làm. Di cúi nhìn những ngón tay mình. Cắn chặt môi. Chỉ để cố ngăn cho nước mắt không chảy. Lúc Di ngước nhìn lên, chạm vào ánh mắt anh, Di không nhìn thấy những gợn muộn phiền.
- Nhưng tại sao? Chính anh đã dạy em là người cầm bút thì đừng lặng im. Hãy nói lên sự thật.
Anh không trả lời. Anh im lặng. Anh có biết cảm giác của Di lúc ấy. Đó là cảm giác chông chênh vô cùng. Thì ra sự im lặng cũng có thể làm người ta đau đến thế. Di nhìn điếu thuốc trên tay anh rụng những đốm tàn. Rực đỏ. Rồi nhanh chóng rơi xuống đất vỡ thành hàng trăm mảnh nhỏ. Khi điếu thuốc kẹp giữa ngón tay anh đã cháy đi non nửa, anh mới chậm rãi:
- Em đã có kinh nghiệm làm nghề. Và em biết có những ranh giới nên dừng lại phải không?
Nhưng ranh giới nào cho sự thật. Di không nghĩ đó là một lời giải thích.
- Anh cũng từng bảo em nghề chữ nghĩa như đi trên dây. Không cẩn thận sẽ ngã. Nhớ không. Thôi, khi nào có thời gian sẽ thảo luận lại chuyên đề này. Giờ anh có việc phải đi rồi.
Anh vội vã rời khỏi cà phê Đinh. Tiếng giày nện mạnh xuống cầu thang gỗ. Lạnh lùng. Hương cuối của loại nước hoa anh hay dùng có mùi gỗ thơm trầm tĩnh. Thoảng qua. Mỏng mảnh. Rồi bằng cách nào đó đã biến thành một thứ cảm xúc thật buồn. Nước mắt Di giờ mới rơi xuống. Những giọt nước mắt biết đổ vỡ. Di đã ngồi lại rất lâu nhìn mặt bàn với những vết xước ngang dọc. Nhìn những chiếc lá phượng nhỏ rơi lã chã xuống đầy ly nước. Chát và đắng. Nơi này đã có quá nhiều lần Di ngồi cùng anh trong những ngày tháng vui buồn.
Trong cuộc đua tham vọng và quyền lực, đôi khi người ta phải biết bỏ lại sau lưng nhiều thứ, có phải không? Suy cho cùng ai cũng ấp ủ những ước mơ của riêng mình. Anh cũng thế thôi. Anh kể quê anh trập trùng những núi đồi. Trên đỉnh đồi là những đám cỏ tranh đua chen nhau mọc. Xanh biếc. Ở đó suốt thời thơ ấu, anh thường leo lên, ngồi hàng giờ nhìn về phía thành phố. Từ đó, anh nuôi trong mình ý nghĩ muốn chinh phục những đỉnh cao, khát khao được đi. Dẫu khi đó đỉnh cao trong suy nghĩ của anh chỉ là một sự khái quát mơ hồ. Sau này, bao mỏi mệt, đua chen giữa nhịp đập ồn ào của phố đã để lại trong anh không ít thất vọng. Nhưng cũng làm anh dần nhận ra nhiều thứ. Những bài học cuộc đời không có ngôi trường nào dạy chúng ta có phải không. Tự học và trả giá. Rồi anh cười, đôi mắt sáng trên gương mặt thấp thoáng nét cương nghị, thông minh.
Di lặng lẽ ngồi nhìn bầu trời lúc rạng đông. Những chiếc lá xanh trong vườn đã bắt đầu vươn mình lên đón nắng. Anh bảo rất thích những khoảnh khắc sớm mai thế này. Thanh sạch. Tinh khiết. Di nhớ anh của những ngày tháng cũ. Ngày ấy, anh luôn giữ được lửa trong những cuộc hành trình. Dù hành trình ấy là những cung đèo hay nơi xa xôi với những bản người dân tộc thiểu số. Ngày ấy, anh rực lửa đam mê và nhiệt huyết. Anh giờ ở đâu trong những ký ức đẹp đẽ ấy của Di? Hình như anh đã quên đi rồi. Chỉ còn Di thiết tha muốn níu lại. Anh mất tám năm nỗ lực, cố gắng hết mình để được nhận diện bản thân, để có được vị trí bây giờ. Còn Di mất đi những khoảnh khắc dám gục vào vai anh mà khóc. Thoải mái thênh thang kể anh nghe những tâm tư của mình. Như một tối nào đó, anh đến tìm Di, xách theo hai tách cà phê mua ở quán cà phê Take away nơi ngã tư. Cà phê thơm không ngờ. Di và anh ngồi uống cà phê và trò chuyện ngoài ban công, dưới tán cây vừa trở lá xanh mảnh mai tha thiết:
- Anh có thấy hối tiếc vì đã theo nghề?
- Không. Anh nghĩ nghề đến với mình như là nhân duyên. Nghề phải đi nhiều. Nhưng chính những chuyến đi đã cho anh thêm nhiều trải nghiệm, có cái nhìn sâu sắc hơn trong cuộc sống để hiểu mình, hiểu đời.
- Thế có khi nào anh thấy chán nghề không?
- Có. Anh nghĩ cảm giác đó nhiều người trong nghề từng có. Đó là những khi anh phải quanh quẩn mãi trong một không gian chật hẹp. Nghĩ được không nói được. Viết được không đăng được… Nhiều vấn đề khác nữa.
- Ở trường thầy giáo bảo em nghề báo cần nhiều sự kiên nhẫn và vững tin để có thể đi hết con đường nhọc nhằn chữ nghĩa, phải trái, đúng sai...
- Ừ. Đúng vậy.
Anh nói Di tình cảm yếu đuối hơn nhiều so với hình dung của anh. Muốn theo nghề báo hãy tôi luyện thêm sự mạnh mẽ, sắc bén cùng tư duy sáng tạo và đôi khi có thể cần đến một ít ngờ nghệch. Cả hai từng có những cuộc trò chuyện cùng nhau như thế. Rất thành thật. Những câu chuyện không nói gì đến tình yêu, chỉ nói về cuộc sống. Cảm giác thân thiết, êm đềm của những ngày xưa ấy có bao giờ trở lại trong Di? Di không biết. Có lẽ, cả Di và anh đã đi rất xa những ngày tháng ấy rồi. Giờ giữa Di và anh khoảng cách tưởng đâu mảnh như sợi chỉ, nhưng không làm sao níu được.
Anh đã đến trong những năm tháng tuổi trẻ của Di. Những năm tháng mà mỗi lần ngoái lại nhiều cảm giác nuối tiếc. Những năm tháng có nhiều đêm không ngủ, Di lặng lẽ nhìn xuống thành phố trầm mình trong ánh đèn vàng mờ ảo mà hoang mang về cuộc đời mình. Những năm tháng Di ngơ ngác đơn độc trong những cuộc hành trình, loay hoay trăn trở cho bài phóng sự không biết phải bắt đầu từ đâu nữa. Anh bảo đừng hoang mang lo lắng. Những cảm giác đó chỉ mang về thất bại. Ai mới bước vào nghề cũng thế. Anh cũng từng như vậy. Nhưng hãy cứ say mê đi và viết bằng tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ và tâm sáng của mình rồi nghề sẽ trả cho em quả ngọt. Nhưng nếu quả chưa ngọt thì cũng không sao. Em sẽ học được nhiều thứ từ cuộc sống. Được và mất…
Trong máy tính Di lưu giữ rất nhiều ảnh của những chuyến đi. Những chuyến đi cùng anh. Những chuyến đi một mình. Nhìn lại những bức hình Di mới thấy đoạn đường nghề mình đi qua cũng đủ dặm dài. Di không còn là cô thực tập sinh non nớt ngày nào được anh dìu dắt, hướng dẫn tìm đề tài, cách thức tác nghiệp. Di đã mạnh mẽ hơn nhiều. Nhưng sao đứng trước anh, Di vẫn để lòng mình yếu đuối. Đây bức ảnh anh chụp Di trong chuyến đi dọc đường nắng cháy. Một vùng đất nhiều nắng gió. Nhưng gió không mát. Gió còn dữ dội hơn cả nắng. Những giọt mồ hôi vừa tuôn ra đã nhanh khô rốc lại trong lớp lớp gió rát. Di trong bức ảnh nhỏ nhắn, tóc búi cao, đang áp tai vào những mảng tường tháp màu đỏ gạch. Như nghe ngóng. Như lắng đợi. Rất tha thiết. Khuôn mặt Di trong ảnh sáng bừng lạ lẫm.
- Em đã thì thầm gì cùng với bức tường. Có thứ gì bên trong những khối gạch cao vút của tháp đang trằn mình dưới ngùn ngụt nắng gió?
Thì thầm với bức tường. Di đã bật cười khi nghe anh hỏi vậy.
- Tháp làm em sững sờ trước kiến trúc độc đáo và tuyệt đẹp. Và lúc đứng cạnh bức tường tháp em chợt nhớ đến sự lặng lẽ của Chu Mộ Vân khi đến thăm đền Angkor Wat. Chu Mộ Vân đứng rất cô đơn, run run thì thầm bí mật với một lỗ nhỏ trên bức tường đền Angkor Wat, sau đó bịt kín lại bằng bùn.
- Chu Mộ Vân? Và anh ta làm thế để làm gì?
- À. Đó là diễn viên chính trong bộ phim kinh điển “Tâm trạng khi yêu” của đạo diễn Vương Gia Vệ. Nếu điện ảnh là nơi để lưu giữ ký ức, thì em nghĩ bộ phim đã đạt đến đỉnh cao xuất sắc. Đó là cách Chu Mộ Vân chôn giấu tình yêu của mình. Tình yêu bí mật mãi mãi ở đó, không có ai biết được.
- Anh chưa xem bộ phim đó.
- Bộ phim không có nhiều lời thoại, ít tuyến nhân vật và cảnh quay. Mỗi góc quay chậm và buồn. Nhưng hẳn ai yêu thích bộ phim sẽ đều có chung cảm giác da diết, day dứt, và nuối tiếc…
Di biết anh đã quên câu chuyện về bộ phim đó lâu rồi. Cũng như quên nhiều câu chuyện khác. Nhưng Di không trách anh. Chưa một lần từng trách. Anh, ở một nơi sâu thẳm Di từng thầm ngưỡng vọng. Di và anh như hai nhánh sông, rẽ về hai hướng. Di biết sẽ không bao giờ có đủ can đảm để một lần nào đó nói ra với anh điều bí mật giữ ở trong lòng. Di tưởng tượng một ngày nào đó sẽ quay trở lại, áp mặt vào bức tường tháp đỏ kia. Khi ấy, Di sẽ nói ra nỗi đau trong tim. Nói cho mình Di nghe tiếng. Và những tiếng thì thầm đó sẽ âm vang rất lâu…