Mùa xuân phía trước
Mùa xuân đã ở lại phía sau. Bà Lành vừa quét sân, vừa nghe radio. Cô phát thanh viên chương trình văn nghệ có giọng ấm và mềm, nói như thủ thỉ cho riêng bà vậy. Ừ, bà biết rồi, cây mai trước sân đã rụng hết hoa vàng, rụng luôn đến lũ hạt đen nhánh. Mọi năm vẫn có người đến xin hạt mai về gieo, nhưng năm nay bà chẳng thấy ai. Hay lúc bà ở trong nhà, người ta đến mà bà không biết, họ tự hái rồi, đáng gì mấy hạt mai mà phải gọi bà ra. Mà cũng có thể người ta có gọi, nhưng bà không ghe thấy. Là bà đoán thế.
Những đường chổi của bà, chậm rãi, nhưng vô cùng cẩn thận, chẳng bỏ sót cọng rác nào. Năm rồi, thằng Cả về bảo để nó kêu người tráng xi măng cái sân, tráng ra tận đầu ngõ luôn, nhưng bà không chịu. Ngày xưa, hồi mấy đứa còn ở nhà, bà còn làm ruộng, ao ước có cái sân phơi tráng xi măng hay lát gạch, mà không bao giờ đủ tiền để làm. Giờ tụi nó đi hết rồi, ruộng không làm nữa, bà chỉ đủ sức chăm mảnh vườn cỏn con phía sau nhà, nuôi mấy con gà mái đẻ trứng để còn gửi lên cho mấy đứa cháu trên phố. Sân nhà, bà thích để vậy, bà nói tráng xi măng rồi, buổi trưa hơi nóng từ nền xi măng phả hầm hập vào nhà, bà không thở nổi. Thực ra, cái chính là bà không muốn chặt đi cây vú sữa có bộ rễ nổi tràn lên cả sân như những con rắn dài nằm bất động. Cây vú sữa này, thằng Mão thích trèo lắm; mùa quả thì nó trèo lên hái vò ăn luôn trên cây, nhả hạt xuống; mùa chưa quả, nó trèo lên chơi, chuyền từ cành này sang cành khác thoăn thoắt, bà thấy mắng hoài mà nó không chịu nghe. Bà nhớ, trước ngày xảy ra chuyện, nó dặn đi dặn lại là trái vú sữa nấp sau vòm lá chỗ sát mái tôn là của nó đấy, đừng ai hái mất. Sáng hôm đưa nó đi, bà như điên dại, bà bắt mọi người tìm cho được trái vú sữa ửng hồng cho nó mang theo, nó thích ăn vú sữa lắm. Vậy mà thằng Mão về với tổ tiên đã ba chục năm hơn. Bà không còn nhớ rõ gương mặt nó, nhưng cái cảnh nó chum hum bắn bi trên sân, rồi nó chạy ù ra khi thấy bà bưng cái mủng con từ đầu ngõ thì càng ngày càng mồn một trong tâm trí bà.
Thằng Cả, con Lài, con Nhạn, ba đứa con của bà, chúng đều hiếu thảo. Đứa nào cũng nằng nặc đòi mẹ lên ở với mình. Mẹ già rồi, ở một mình thế này, chúng con không yên tâm. Mẹ lên, có bà cho cháu nó vui. Nhưng, bà không đi đâu lâu được. Bà nhớ cái chái bếp ám khói này, nhớ mảnh vườn vuông vức một tay bà trông nom, chăm sóc. Bà nhớ con Lu nhà hàng xóm, nó hay cọ cọ bộ lông vào chân bà, mừng rỡ mỗi khi bà đi đâu về. Trước đây, khi ông còn sống, nhà bà lúc nào cũng nuôi một con chó, có lúc nuôi hai con. Khi bà đi thăm con, đi trông cháu nội cháu ngoại còn ẵm ngửa, thì ông ở nhà. Bà lại thay phiên ông chăm vườn tược, gà qué lúc ông lên ở trông coi việc xây nhà cho đứa nào đó. Từ ngày ông mất, rồi con Vện bị bọn trộm chó đánh bã, bà không xin con khác về nuôi nữa. Nhỡ bà lại có việc phải lên ở với con với cháu thì biết gửi nó cho ai.
Sáng nay, bà Lành dậy sớm hơn mọi ngày. Bà không bị chứng mất ngủ như ông, bà nằm xuống một lát là đã ngủ ngay được. Đêm qua, bà thấy mệt nên đi ngủ sớm. Bà nằm mơ thấy mình đội mủng lúa dọc theo bờ ruộng, lòng bà phơi phới thanh xuân. Văng vẳng bên tai bà lời mẹ dặn: “Nhớ mua cho em hai cái bánh bò.” Bà bước đi, và trượt chân ngã, mủng lúa úp xuống ruộng. Bà tức tưởi khóc, sẽ chẳng có thịt bò nấu cháo cho mẹ, chẳng có bánh bò cho em, ôi, chẳng còn gì nữa cả. Bà Lành sực tỉnh giấc, bà lấy tay chùi nước mắt. Câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước, bà ngỡ không còn ký ức gì về nó nữa, sao lại trở về sống động thế kia? Đứa em trai duy nhất của bà cũng đã không thể lớn lên, không thể già đi cùng bà. Chiến tranh loạn lạc, em trai bà trúng bom mà chết khi chưa kịp ăn hai chiếc bánh bò bà mắc nợ.
Nắng sớm xuyên qua ngàn lớp sương mai, rọi xuống sân nhà. Bà Lành đang ngồi nhổ một bụi cỏ ở góc sân, chợt đưa tay chụp một đốm nắng. Bất giác, bà bật cười, thấy mình giống con mèo con nhà bên thỉnh thoảng qua sân nhà bà nằm phơi nắng. Đời bà, cũng có nhiều niềm vui. Khi còn nhỏ, lúc lớn lên, đi lấy chồng, rồi sinh lũ lượt bốn đứa con. Ông ấy ít nói, hiền lành, có điều tính ông lừng khừng, chẳng quyết được việc gì nên mọi chuyện nhà một tay bà quán xuyến, từ việc đồng áng, vườn tược đến giỗ quảy mỗi năm mười mấy cái. Mấy đứa con của bà, từ nhỏ đã rất ngoan, vừa học hành chăm chỉ, giỏi giang, vừa siêng năng việc nhà. Con Nhạn bảy tuổi đã theo bà cấy dặm, làm cỏ. Trời mùa đông rét mướt, nó vẫn không chịu ở nhà để bà đi cấy một mình. Giữa buổi, hai mẹ con chia nhau cục cơm nắm muối mè gói trong mo cau đã lạnh ngắt, vậy mà nó cứ cười tươi.
Đợt vừa rồi, Tết xong bỗng trời đổ rét. Bà Lành cứ nghe người hâm hấp cả ngày, nhưng chẳng rõ ra ốm đau gì. Thằng Cả đánh ô tô về thăm mẹ mỗi cuối tuần. Nó bảo mẹ bật quạt sưởi lên cho ấm nhà, đừng ủ than nguy hiểm. Mẹ ở một mình, nhỡ có chuyện gì tụi con trở tay không kịp. Ừ, nhanh thật, mới đó mà nhanh thật. Mới đó mà giờ bà đã là nỗi lo của con cái mất rồi. Bà thấy như mới hôm qua, thằng Cả bị sốt xuất huyết nằm đó, bà vắt khăn ấm lau khắp mình mẩy. Bà nấu nước cỏ mực, pha nước chanh hết ly này đến ly khác đổ cho thằng Cả uống. Nửa đêm, thằng Cả dậy đi vệ sinh, vừa đứng lên, nó kêu: “Con không nhìn thấy gì cả mẹ ơi!” Con Lài, con Nhạn nghe anh kêu, tỉnh giấc chạy đến ôm anh khóc lóc um trời, làm bà cũng cuống cả tay chân. Mấy ngày đó, ông lại đi vắng. Nghĩ lại, bà còn nghe rùng mình.
Mùa xuân đã ở lại phía sau. Cô phát thanh viên giọng ấm và mềm chào tạm biệt bà để nhường sóng cho chương trình khác. Nắng cũng lên cao rồi. Trời ấm dần rồi. Bà nhìn lũ gà trống gà mái thong thả ngoài vườn mà nghe lòng bỗng êm ái, bình yên. Ông đi cũng được mấy năm rồi, nỗi quạnh hiu theo bà cũng từng ấy năm, nhưng bà cố không buồn, để vẫn ở đây trong ngôi nhà cũ, mảnh vườn cũ, và mớ ký ức cũ hỗn độn, nhạt mờ. Ông đi rồi, nhưng bà cố nghĩ là ông vẫn ở đây, tủn mủn cùng bà những việc những chuyện mỗi ngày. Ông nhắc bà uống thuốc bổ não con Lài mua gửi về. Ông dặn bà bỏ mùng trước khi ngủ. Ông rủ rỉ rù rì với bà mấy chuyện cũ xưa. Ông nói hồi tôi mới gặp bà trên đường bà đi gặt về, da bà trắng mà tóc thơm mùi bồ kết, tui về người cứ nôn nao, giấc ngủ chập chờn. Rồi hồi bà mới sinh thằng Cả, nhà không có gạo, bà ăn sắn luộc chấm muối rang, thằng Cả không có sữa bú cứ khóc ngằn ngặt cả đêm, may tôi kiếm được ít chè vằng nấu cho bà uống, bà nhớ không? Bà nhớ không?
Bà nhớ không, có quan trọng gì đâu. Mùa xuân đã ở lại phía sau, như lời cô phát thanh viên nhỏ nhẹ. Mùa hè rực rỡ đã ở ngay trước mặt. Bà không thực sự ngóng đợi điều gì đặc biệt sẽ đến với mình nữa. Nhưng thời gian thì vẫn cứ trôi. Những thứ bà chắt chiu hàng ngày, đụn rơm góc vườn, luống rau cuối bếp, khóm hoa tử vi nơi bờ rào, bà biết, ngày nào đó, khi bà rời khỏi chốn này như ông, chúng cũng sẽ nhanh chóng lụi tàn.
Nhưng mùa xuân ở lại phía sau, nghĩa là nó đang đi vòng để đón đợi con người nơi phía trước. Bà nhìn nắng. Bà nghe tiếng ông trầm đục từ trong buồng: “Bà còn chưa vào nấu cơm trưa à? Già rồi nên lâu đói quá nhỉ!”