Nghệ danh
Chiếc xe máy cà tàng chở hai người đàn ông to như hộ pháp làm náo động không khí buồn hiu hắt của xóm Tre. Bọn trẻ con mũi dãi thò lò chạy theo chiếc xe đi như bò, đang rao những cái tên thật kêu: “Đêm nay, tại sân bóng xóm Tre, chương trình ca nhạc đoàn lô tô với sự góp mặt của ngôi sao Mộng Tuyền, Bích Ngọc, Tố Trân…”.
Dì Bốn đang vo gạo, không kịp khóa vòi nước, chạy nhào theo chiếc xe máy: “Đoàn có ai tên Gòn không chú ơi!”. Dì hỏi với. Người đàn ông vác loa quay lại, trả lời thật tình như cố lôi kéo thêm một vị khách đến hội chợ tối nay: “Gòn nghe như tên cúng cơm, thím hỏi nghệ danh thì bọn con mới biết”. Dì Bốn đứng xụi lơ, mông lung nghĩ ngợi, rất có thể, thằng Gòn con dì giờ đã đổi tên thành cô Mộng, Tố nào đó, sắp đứng trên sân khấu hát “Chuyện đời tôi”. Không biết, nếu gặp, dì có nhận ra nó sau một lớp son phấn dày cộm. Nghĩ tới khúc nào, ruột gan dì như chết đi khúc đó, buồn đến nỗi bỏ mặc cho lũ vịt xục mỏ vào nồi gạo đang vo dở.
Mười lăm năm trước, thằng Gòn tầm mười sáu tuổi, là khán giả ruột của những đoàn lô tô, hội chợ. Không chỉ mình nó, người trong xóm hầu như ai cũng mê lô tô. Nghe có đoàn về là nhà nhà lo nấu cơm, ăn tối thật sớm, lũ lượt đổ ra bãi đất trống gần quốc lộ. Bọn trẻ con phải chờ hai ba lượt mới được leo lên vòng ngựa gỗ. Đám thanh niên chen nhau chơi trò ném lon, ăn thua mua chục vé để thắng được phong kẹo mè xửng hay giải cao hơn là chai dầu ăn nửa lít.
Thằng Gòn không mê vòng xoay ngựa gỗ, cũng chẳng khoái mấy trò ném lon. Nó đêm nào cũng chen bằng được lên hàng đầu gần sân khấu lô tô, ngồi chồm hỗm khiến bọn con nít la ó. Anh chàng mắt sáng rực, long lanh khi ca sĩ đoàn xuất hiện - những người nồng nặc mùi nước hoa, son phấn, mặc váy đính kim tuyến lộng lẫy che lấp đi đường nét thô kệch của đàn ông.
Gòn mê họ, nhất là Tố Nga. Chất giọng tuy nam tính, nhưng ngọt như mía lùi làm mủi lòng bao người. Mỗi lần Tố Nga hát bài “Thân sâu hồn bướm” thì người trong xóm thể nào cũng phải xòe vài đồng ra mua một tờ lô tô. Còn thằng Gòn, vừa nghe câu đến câu: “Cuộc đời em đau thương, số phận thật là buồn vì mang kiếp người lạc loài, sâu chẳng ra sâu, bướm chẳng ra bướm” là tự dưng nước mắt dàn dụa. Đến dì Bốn cũng không tin nổi thằng con mình đang khóc. Dì xoay qua hỏi: “Làm gì khóc dữ Gòn?”. Nó lắc đầu: “Nghe buồn thôi má”.
Buồn kiểu của thằng Gòn khiến dì chột dạ. Dạo đó, nó hay nằm xoay mặt vào tường như suy nghĩ mông lung điều gì. Người mẹ lo thằng con trai độc đinh đem lòng yêu Tố Nga. Nhưng dì Bốn không chắc nên chỉ kể chuyện chơi chơi: “Trưa hôm kia, má ra lộ, thấy Tố Nga mặc bộ đồ bộ đi te te ngoài đường, lúc chưa làm mặt làm tóc, nó là thằng đàn ông có khác gì mày đâu Gòn”. Dì gợi chuyện, mà kể xong thấy con chưng hửng, hỏi: “Thì sao má?”.
Năm đó, cà phê được giá, dân xóm Tre rủng rỉnh tiền bạc, đoàn lô tô cũng bội thu, ở lại cả tháng trời. Ai cũng vui, trừ dì Bốn. Dì ghét hội chợ từ hôm bắt gặp thằng Gòn lấy bút lông tô môi đỏ chót, đứng giữa nhà uốn éo, hát: “Số gì ra, số gì ra con số gì ra…”. Gòn bị nhốt ở nhà cho đến khi đoàn lô tô rời đi. Và rồi, chẳng cần bị nhốt, nó cũng không buồn đi đâu. Thằng con trai mười sáu tuổi thu vào thế giới của chính mình, trong một chiếc gương cầm tay nhỏ, ngắm hoài không chán đôi mắt to, cái mũi thanh tú và làn da mướt rượt như con gái.
Dì Bốn héo mòn theo sự lặng lẽ của con. Bà phải kìm lòng để không kể ra nỗi hoang mang của chính mình vì sợ nếu có ai biết, kế hoạch cưới vợ sớm cho thằng Gòn sẽ sụp đổ. Con dâu tương lai dì nhắm tới là bé Đào gần nhà, một cô gái sáng sủa nhưng hơi ngờ nghệch, hỏi có lấy anh Gòn không thì gật đầu lia lịa. Ba má Đào thuộc chỗ thân tình với nhà dì, thấy thằng Gòn ngoan ngoãn cũng ưng thuận. Người duy nhất cần thuyết phục là con trai dì. Đến nước này, dì chỉ cầu nó chịu lấy vợ, về sinh liền tù tì mấy đứa cháu. Như vậy “bệnh” may ra chữa khỏi.
Thằng Gòn kinh ngạc khi nghe đến chuyện cưới vợ. Nhưng thấy gương mặt như van lơn của má, nó lạnh tanh: “Sao cũng được, má”. Dì Bốn đi sắm sửa lễ hỏi trong tâm trạng nửa mừng nửa lo. Trước đêm sang nhà gái, bà không ngủ được, thỉnh thoảng lại mở sáu tráp quả đầy ắp lễ vật kiểm tra xem còn thiếu món nào. Gần sáng, dì vào buồng thằng Gòn tính giục con chuẩn bị áo quần. Người mẹ thảng thốt thấy con trai mình đang mặc chiếc váy đỏ, người xanh xao, dưới chân giường là một thau nước pha máu.
Thoát khỏi tay thần chết, nhưng bộ dạng lúc đi bệnh viện của thằng Gòn không thoát được các cặp mắt tò mò của người dân xóm Tre. Họ đồn ầm lên chuyện thằng con dì Bốn bị bỏ bùa, ma nhập, có người nói nó coi lô tô riết rồi bị lậm. Ba má con Đào thở phào: “Trời, xém nữa gả con gái cho đứa tâm thần”.
Cuối năm ấy, một đoàn lô tô khác lại về. Nhưng nhiều nhà nghe chuyện thằng Gòn đâm ra ác cảm, cấm con đi chơi. Hội chợ mùa đó vắng hoe. Người chủ vòng quay ngựa gỗ đứng chơ ngơ cả đêm mới kiếm được chục vị khách nhí, những đứa trẻ ban ngày đi mót bông đót bán được vài ngàn. Ca sĩ đứng ca trên sân khấu mặt buồn hiu, mời rát họng mà xấp vé lô tô chẳng vơi đi mấy.
Đoàn lô tô vừa về được ba bữa đã phải dọn đi. Họ thu vén lặng lẽ đi trong đêm, khi sân khấu vẫn còn nhỏ nước lỏng tỏng sau một trận mưa trái mùa. Dấu vết sót lại trên khoảnh đất trống chỉ là vài bọc nilon vẫn còn tanh mùi cá nục hấp, món thức ăn rẻ nhất của dân lao động nghèo. Dì Bốn lúi cúi, cố kiếm tìm thêm xem có dấu vết gì của con. Thằng Gòn mất tích từ đêm qua.
Dì xục xạo mấy thị trấn để tìm đoàn lô tô, lần nào đến nơi thì đoàn cũng vừa dọn đi. Thấy dì mếu máo miêu tả dáng dấp thằng Gòn, có người ồ lên: “Phải cái đứa đứng phụ nhỏ diễn viên múa lửa hôm qua hông ta, tui thấy vết sẹo trên cổ tay, rõ lắm?”. Tới thị trấn khác, có người lại: “À, tui chắc đứa này hôm qua mới lên sân khấu ca lô tô. Đang ca nhạc vàng mướt rượt, tới lượt nó bắt số mà bị bí, ca trớt quớt”. Rong ruổi cả tháng trời, dì không tìm được thông tin gì về nơi đoàn hội chợ của thằng Gòn sẽ tới, chỉ có mấy đoạn chắp nhặt về nó, những chuyện có nghe cũng chỉ khiến trái tim một người mẹ vụn vỡ.
Dì ngưng đuổi theo đoàn lô tô từ khi ba thằng Gòn bị tai biến. Người ta bảo nỗi tức giận, đau đớn của ông không trào ra bằng một trận khóc khản cổ như vợ mình mà nén cuộn lại từng ngày. Cuối cùng, cục đau dâng đầy tâm can, vỡ ra như u nhọt, đủ làm một người đàn ông rắn chắc gục ngã. Ông sống vật vờ, đi lại đờ đẫn trong căn nhà thêm vài năm thì mất. Lúc ra đi, mắt ông vẫn mở to, chắc cố chờ đợi con trở về, nhìn nhau lần cuối.
Từ ngày chồng mất, dì Bốn không muốn rời xóm Tre. Dì lo một ngày, thằng Gòn về nhà không thấy ai sẽ hoảng sợ. Cổng rào dì cũng để y nguyên, sợ xây mới nó nhận không ra. Biết đâu, cái ổ khóa hờ hững lại trở thành vật cản đường một con người thấy lỗi lầm chất ngất. Gần chục năm trời, dì ngủ chập chờn, thấp thỏm mong chờ một tiếng đẩy cổng lén lút giữa đêm khuya.
Hội chợ càng về sau này càng buồn bã. Thanh niên xóm Tre đã đổ hết về thành phố làm công nhân mong thoát nghèo. Người ca sĩ làm tóc, trang điểm lộng lẫy cũng chỉ lên hát cho mấy bà già và đám trẻ con nghe. Dì Bốn đêm đêm nheo đôi mắt già nua đi từng ngõ ngách hội chợ.
Vào một đêm, dì bất giác chạy đâm sầm về phía cô ca sĩ chuyển giới mặc váy hai dây mỏng tang ngồi bên hông sân khấu rít thuốc lá. Dì vùi mặt vào cánh tay ca sĩ, khóc òa, gọi “Gòn ơi Gòn”. Cô ca sĩ định giật tay lại, nhưng sững sờ nhớ đến ngày còn là một thằng bé, cũng từng trốn vào thùng xe tải đoàn lô tô, không để lại thư từ gì. Cô chưa bao giờ quay trở về quê và chẳng biết má còn sống hay đã mất, bà có đi tìm con, có đau khổ như người phụ nữ gục khóc trên tay mình. Cô mấp máy, định bảo: “Con không phải tên Gòn” mà chẳng hiểu sao chữ nghĩa cứ kẹt giữa cuống họng.
Tờ mờ sáng, đoàn lô tô thu vén, rời đi, chắc là đi về một vùng đất nào đang thu hoạch cà phê, chổi đót hay củ mì để tiếp tục kiếm vài đồng bạc lẻ. Trên chiếc xe tròng trành, giấc ngủ của người ca sĩ cứ chập chờn tiếng khóc của má. Có điều, cô không phân biệt được đó là tiếng khóc của má mình hay má người khác. Mất ngủ, cô bất giác ngồi thẳng dậy, nức nở hét toáng lên: “Ai ngày xưa tên Gòn về nhà ngay, có má còn thương”.