Buổi chiều nghe hát

NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH 09/02/2020 06:49

Tôi chỉ gặp người đàn ông ấy đôi ba lần, nhưng đôi khi tôi tin rằng nếu một mình đứng ở cửa sổ mà ngước nhìn bầu trời, có lẽ chỉ có thể nhìn thấy tinh cầu ông ta.

 

Đó không phải là dạng rung động dễ tìm kiếm. Như thể thanh kim loại bị vứt trong góc rừng sâu bỗng một ngày được nhặt lấy, gắn đúng chỗ. Và rồi nó nhận ra mình là một trong những phím đàn kalimba.

Tóong... “Cô nghe thấy không? Cô đã có âm thanh như vậy đó”. Một người có thể khiến tâm trí người khác ngân rung, quả không phải là một tay vừa!

Người đàn ông hay hát ngang qua dãy quán nhậu trong trung tâm thành phố. Vẻ bề ngoài không có gì quá nổi bật so với những người hát rong khác, ngoại trừ việc ông ta không bao giờ dò bước đến từng bàn và chìa những cây kẹo bọc sơ sài trong vỏ nilon như những người hát rong khác. Ông ta thường ghé đến với một chiếc xe đẩy đầy những đĩa CD, từng loại gọn gàng trong những chiếc khay nhựa xếp thành hàng trên xe. Người đàn ông đẩy chiếc xe chậm rãi. Mỗi khi đến trước một quán nhậu, ông dừng lại và hát chừng hai bài hát. Cứ đứng bên vỉa hè, một tay vịn xe đẩy và một tay cầm micro. Tròng mắt ông ta có màu đục, như thể giấu cả ngọn núi trong làn sương trắng mù, và nó cứ đứng yên định tĩnh lúc ông ta hát.

Ban đầu tôi thường tránh nhìn người đàn ông ấy, như tránh nhìn tất cả những người hát rong và người mù trên phố. Cảm xúc nhìn thẳng vào vòng khuyết của người khác là cảm xúc không mang lại cho tôi năng lượng tích cực. Chìa bàn tay cứu rỗi về phía người không tay chẳng khác gì sự giễu nhại. Và một đôi mắt đứng lặng yên, lạnh như sương khuya không bao giờ đáng bị nhận thêm một ánh mắt thương cảm.

Lòng xót thương dành cho sự khiếm khuyết từ cá thể khác, đối với tôi như lưỡi dao mòn - vốn chỉ làm tổn hại chính bản thân. Tuy nhiên tôi chẳng bao giờ dại dột nói với ai suy nghĩ đó! Rằng đáng lẽ ra mối quan hệ giữa những kẻ có đầy thức ăn ngon với rượu với ồn ã với tiếng cười với người lang thang trên phố phải là một mối quan hệ mang tính chất gì đó thích đáng và sòng phẳng hơn.

Rồi cuối cùng cái vẻ sòng phẳng của người đàn ông đã khiến tôi có lần tiến tới gần. Ông già lướt bàn tay trên dãy khay đĩa CD ra dấu hiệu mời lựa chọn, tay kia vẫn cầm micro và bài hát vẫn cứ thế tiếp tục. “Đĩa bên này có ít bài hơn, nhưng toàn bộ là nhạc rất hay! Xin mời anh chị lựa chọn” - Ông già chỉ tay vào khay đĩa bên phải và nói trong khi nhạc đang chuyển đoạn. Rõ là chuyện buôn bán hàng hóa cụ thể. Lần này tôi có thể nhìn thẳng vào đôi mắt ông ta, ngọn núi vẫn giấu mình trong màn sương lạnh mờ tối, nhưng vững chãi sáng rõ, như tinh cầu lấp lánh trên bầu trời đêm.

Từ nhỏ tôi đã nghĩ mình như một mảnh đất. Đất, mạch nước ngầm, những cái rễ cây xù xì len lỏi, giun, đá, thứ nào ra thứ nấy dù tất cả là một hợp thể. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh ấy, tôi luôn có cảm giác tha thứ cho chính bản thân mình. Cảm giác tha thứ là một cảm giác độc lập, không cần tiền đề tội lỗi. Như thể khi không khí mùa xuân len qua tâm trí vương trên chồi cây bàng trên phố, người ta sẽ dễ dàng thở phào cho tất cả những mùa đã trôi qua.

Một buổi chiều khi ngớt việc, tôi đi bộ từ văn phòng đến siêu thị rồi mua nhanh một túi bánh ngọt. Siêu thị cách văn phòng một đoạn không xa, đủ thành lý do để lôi mình ra khỏi sự ngưng tụ dài tám tiếng, thả trôi trên đường đi bộ dọc vỉa hè, đổi nó thành một món vô thưởng vô phạt mua nhanh ở siêu thị rồi lại trở về. Tôi đi phía bên này đường và miên man nghĩ. Rồi đột nhiên nhận ra tiếng hát quen thuộc. Người đàn ông đang đứng hát ở bên kia đường, hát một bài gì đó rất quen mà tôi không nhớ rõ tên. Và vẫn cái vẻ sòng phẳng như tất cả buổi tối tôi đã gặp ông ta trên phố.

Tôi ngó đồng hồ, mới có 4h13 chiều, còn hơn một tiếng nữa để bấm vân tay ra về. Dân công sở chưa tan việc, dân ăn chơi chưa lên đồ, thành phố chưa lên đèn, và một người hát trên phố giờ này có lẽ cũng là một cảnh tượng lạ.

Những người đứng trên vỉa hè khi ấy rất ít: mấy anh bảo vệ, cô bán nước, anh giữ xe, vài người phụ hồ trong tòa nhà xây dở… và hầu như họ đều biết mặt lẫn nhau. Bởi vì hàng ngày chúng tôi cứ thế đi đi lại lại suốt trên con đường này -  vốn được ốp quanh bởi những khối nhà văn phòng và cửa hiệu lắp kính.

Nếu nói về mối quan hệ giữa mọi người, tôi sẽ nghĩ đến món chả quết. Kiểu như mẹ tôi cho tất cả những tảng thịt vào máy xay, cứ thế từ từ xoay tròn cán xay, thịt rơi vào cối nghiền ở giữa, miếng này cũng như miếng kia. Một người, một người. Xoay tròn xoay tròn. Bình đẳng và răm rắp. Chị kế toán ngồi vào bàn và mở file, người phụ hồ bắt đầu trộn mớ cát, cô bán nước đóng sẵn vài ly nước cam không đường. Cho đến khi người đàn ông hát giữa phố, có gì lấn cấn ở cối xay. Lục cục... lục cục... Phần lớn họ đưa mắt nhìn người đàn ông với tiếng hát xa lạ. Và tất cả họ, tất cả cửa kính, tất cả sự lấp lánh của dãy văn phòng khu trung tâm thành phố, càng làm cho người đàn ông mang màu sắc lạc lõng và trôi tuột.

Tôi ngồi xuống cái ghế nhựa để nghe người đàn ông đứng hát. Tôi không có gì để vội. Không khí đầu năm khiến mọi người trở nên tất bật hơn bình thường. Nhà tôi cách văn phòng 20 phút chạy xe máy, không ai tất bật với khoảng cách đó. Tôi không tranh thủ mua sắm trong giờ làm việc. Sau giờ làm không cần phải vội chạy chợ vì đồ ăn sau tết vẫn còn. Sự tất bật và hồ hởi của mọi người vào những dịp như thế này luôn khiến tôi ngạc nhiên. Bởi vì tôi không thể nào hiểu nổi tại sao mọi người có thể để mình chìm trong những đợt sóng cảm xúc như thế.

Tôi gọi một ly nước, ngước mắt nhìn buổi chiều. Gió nhẹ, mọi thứ đều rất dễ chịu! Một đồng nghiệp đi ngang qua với túi rong biển ăn liền trong tay. Anh ta chỉ lướt mắt lại chỗ tôi trong tích tắc rồi nhanh chóng trôi đi, hoặc có thể đã không nhìn thấy.

Tôi cố gắng nhìn kỹ người đàn ông hát rong trước khi ông ta đi mất. Lần này ông già bận quần tây, áo thun cổ bẻ đóng thùng một cách gọn gàng và sạch sẽ. Đôi giày tây sạch và sáng trưng. Tôi không có bất kỳ đôi giày nào sáng như thế! Đối với một người hát rong trên phố, đó quả là một cách để yêu nghề.

Mũi giày tôi đang mang lấm một vết bẩn mờ. Và nhìn chung là cả đôi đã nhúng chung màu cũ kỹ. Và cho dù nó không bẩn, cũng chẳng phải kiểu gọn gàng sạch sẽ được quan tâm đúng mức. Dây giày thắt rộng ở hai bên, làm sao để buổi sáng tôi có thể cho chân vào nhanh nhất. Và sạch sẽ chỉ là thói quen về sau không cần chủ ý để tâm đến nữa. Tôi tự hỏi mình thường chủ ý để tâm đến điều gì? Rà soát một lượt, không có nội dung nào thích hợp làm câu trả lời.

Tôi mường tượng người đàn ông ngồi tỉ mẩn chà bóng đôi giày nơi cửa nhà, trước khi mang nó xuống phố, cầm micro và rảo bước theo nhịp hát. Khung cảnh trong tâm trí đó đối với một người như tôi quả thật như một tiếng chuông nhỏ rung lên và len lỏi khắp.

Người ta có thể để tâm, làm tỉ mẩn một điều gì đó đến vậy sao? Có thể nào chà bóng một đôi giày vì trách nhiệm, vì đạo đức, hay đơn giản chỉ vì đẹp?!

Cũng giống như những lần trước, người đàn ông hát rõ chữ, không chênh nốt. Trong một chừng mực nhất định, đó là giọng hát dễ chịu và có phần hay nhất nhì trong tất cả người hát rong tôi từng nghe. Con đường không mấy rộng rãi, bó giữa những khối nhà văn phòng và cửa hiệu lắp kính, thay vì con đường quán nhậu đầy niềm vui bất an. Tất cả khối hình trên khu phố giờ đây khiến người đàn ông tựa như đang hát trong một hộp nhạc mô hình lên dây cót. Cho dù là bản nhạc nền vui tươi, cảm giác quan sát hộp nhạc lúc nào cũng khiến tôi có cảm giác mình đang ẩn náu trong một căn phòng chân không ngưng đọng mọi thứ.

Đèn đỏ. Xe lùa đi từng đợt. Hai phút mỗi đợt. Ùa tới rồi vắng vẻ. Người đàn ông hát bên kia đường chầm chậm đẩy xe đi, đột ngột bị lẫn vào dòng xe ken cứng. Tích tắc sau lại trơ trọi như hạt mưa cuối cùng. Rồi lại lẫn vào bên trong, rồi lại trơ trọi tụt lại. Tựa như được lập trình lấp lánh. Không ai thấy dấu đôi mắt sương mù. Vững chãi như ngọn núi. Tôi cứ thế lắng nghe, và rồi tự mình rung lên: “Toong...”.

NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH