Một đêm xuân
Mùi nước thơm tràn ngập cả căn phòng. Mùi của lá, của rất nhiều loại lá khác nhau đang phả hơi tứ tung khiến Quỳnh phải hít hà ngào ngạt. Một năm hơn ba trăm ngày Quỳnh cũng mươi lần nấu nước thơm để tắm táp cho những đứa trẻ đồng xanh trong nhà.
Vẫn mùi của những thức ấy, húng chanh, sả, ngải cứu, đinh lăng, hương nhu, vài nhánh chanh gai con hoặc thi thoảng thêm vài loại cỏ cây ngẫu hứng khác. Nhưng với Quỳnh, nồi nước lá chiều ba mươi thể nào cũng đặc biệt hơn hết thảy. Năm nay, Kiên được nghỉ làm sớm nên có chút thời gian cùng chị hái lá mùi rồi tranh thủ sửa sang lại mấy chậu cây vườn nhà. Chị vẫn giữ lệ thường của mạ mấy chục năm nay, bận rộn đến đâu vẫn phải nấu một nồi lá mùi để thanh tẩy cơ thể trước giờ giao thừa. Tắm gội buồn phiền ưu tư năm cũ, kỳ cọ những mảng bám làm xơ cứng tâm hồn qua tháng qua năm. Trong cái rét mướt co ro của ngày cuối cùng tháng Chạp, phiên tắm táp có hơi hướng lễ nghi ấy thường mang lại cho Quỳnh một cảm xúc thật khó tỏ bày.
- Mẹ ơi, mẹ tắm xong chưa?
Xiu vẫn thường đập cửa gọi mẹ chỉ để yên tâm khi từ bên trong vọng ra câu trả lời quen thuộc mẹ chưa xong. Bên ngoài, chị biết chắc những đứa trẻ vẫn chạy lăng xăng để nghịch một thứ gì đấy trong khi cha chúng bày biện mâm cỗ chuẩn bị cúng giao thừa. Còn tầm hơn một giờ nữa chuông mới ngân, pháo hoa mới sáng rực bầu trời. Cam và Xiu sẽ không chịu đi ngủ cho đến lúc giao thừa. Trên bếp, lửa vẫn còn liu riu cháy. Đó là món cuối cùng chị nấu để tạm ngưng chuỗi ngày dọn dẹp, mua sắm, bánh mứt bận rộn đến tưởng chừng kiệt sức. Hà vẫn thường càm ràm chị, bỏ tư duy chợ búa lỗi thời ấy đi, giờ ai cũng chơi tết, có mấy ai ăn tết đâu mà cậu cứ làm khổ mình. Thực, Quỳnh không thấy mình khổ. Quỳnh đi chợ có niềm vui đi chợ, làm mứt có niềm vui làm mứt, vui đến cả nhổ cỏ quét sân, rồi le te đi mua cây bông cây hoa về làm tươi mới vườn nhà. Công việc dồn dập hơn ngày thường có mệt nhưng thực sự không khổ. Xuân thu nhị kỳ Quỳnh vẫn cố giữ chút nếp quê nhà trong từng bữa ăn, từng cách đối đãi với không gian sống nho nhỏ của mình. Đi chợ những ngày cận Tết để nhớ năm xửa năm xưa bao lần cùng mạ khiêng buồng chuối đi bán mà rộng tay hơn chút đỉnh, hào phóng hơn chút đỉnh. Trong xôn xao náo nhiệt của những phiên chợ đẹp đẽ này, Quỳnh thấy thấp thoáng gương mặt của chính mình, của mạ, của những người láng giềng xóm nhỏ quê xưa. Khổ sao được!
- Mẹ ơi mẹ tắm gần xong chưa? Vẫn giọng Xiu, chưa gần xong con ơi. Mẹ tắm tới chỗ nào rồi? Quỳnh bật cười, mẹ tắm tới chỗ đầu rồi. Mẹ tắm nhanh lên. Ờ mẹ sẽ tắm nhanh.
Cuộc thoại vẫn không khác, lặp lại y như cũ. Thường chỉ có Xiu sốt ruột hơn cả, nhất là những ngày cha đi công tác xa nhà. Hôm nay cha không vắng nhà nhưng Xiu vẫn nôn nao. Cái nôn nao như trò trốn tìm thường ngày với mẹ, thêm chút nôn nao của đứa trẻ bắt đầu cảm nhận được hương vị của một khái niệm trừu tượng - hương vị Tết.
Ngâm mình trong mùi hương sực nức của nước, Quỳnh nghe bao nhiêu mệt nhọc tất bật mấy ngày qua chợt như tan biến hết. Mùi nước thơm quá. Chị thả lỏng người, cảm nhận một nguồn năng lượng nội sinh đang tràn ngập tứ chi, sống động trên từng hơi thở, thấm tận những ngóc ngách của tâm hồn. Chưa bao giờ cảm giác thư thái rõ nét đến thế, gần như mọi thứ đã đi vào trật tự mong đợi, nhà đã sạch, hoa đã bày biện, đến cả tiền mừng cũng đã sẵn phong bao. Chị sẽ còn một ít thời gian để cả nhà cùng quây quần vừa tí tách hạt dưa vừa xem tivi, vừa kể những chuyện tết xa xửa xa xưa cho bọn trẻ nghe năm này qua năm khác.
*
* *
Có tiếng gõ cửa nhẹ. Quỳnh dừng chuyển động để chờ nghe Xiu sẽ nói câu thúc giục tiếp theo. Nhưng không có tiếng nói nào vang lên, Quỳnh định hỏi có chuyện gì đó con, nhưng thôi. Rất có thể là Cam đang muốn nói gì với mẹ nhưng ngập ngừng chưa muốn mở lời, được rồi con gái, lát mẹ sẽ hỏi xem. Chợt có tiếng lảnh lót vang từ nhà dưới, mẹ ơi, con tắt bếp được chưa, hình như cạn nước rồi mẹ ạ. Quỳnh chưa kịp trả lời thì tiếng Kiên đã vang lên nồng ấm, để đó cha xuống xem cho. Cha xuống xem cho cùng nghĩa với Quỳnh cứ tiếp tục thảnh thơi với những ý nghĩ của mình, trong không gian của nước mùi giờ đã bớt ngào ngạt khói. Quỳnh tự hỏi có phải mình đang được tắm trong làn hơi của hạnh phúc, một thứ hạnh phúc giản đơn mà đời người hằng ao ước. Qua tuổi bốn mươi, mọi thứ với chị đã trở nên dễ chịu hơn rất nhiều. Những ước muốn hao hơi tổn sức về một căn nhà, về tiện nghi, về những xa xỉ không bao giờ đủ đã thôi đốt cháy sức lực và ý nghĩ của Quỳnh. Khi những đứa trẻ trong nhà lớn lên mỗi ngày, Quỳnh cảm nhận cuộc đời đẹp đẽ ở một hương vị khác, hương vị của tình thương.
Những đứa trẻ yêu Quỳnh vô điều kiện. Chúng chẳng bao giờ giận mẹ dù có những lúc có lẽ chị chẳng khác nào một phù thủy xấu xí. Nhưng đôi mắt thơ ngây, tiếng nói trong trẻo của Cam và Xiu chỉ đầy ắp tình thương. Chúng đem tình thương đó đối đãi với cha mẹ khiến Quỳnh đôi khi tự thẹn. Kiên thường đùa, hai con lớn lên cùng ta đôi khi là thầy dạy ta. Quỳnh nghĩ, những bài học ấy thực vô ngôn. Nó xuyên thấu tim chị. Nó làm mềm mại và giữ nhịp ấm áp cho trái tim thực thể đang già đi theo năm tháng. Nó khoan dung tâm hồn mạnh mẽ của chị, và không ít hơn một lần, nó cứu vãn cuộc hôn nhân của chị và Kiên.
- Mẹ ơi, mẹ xong chưa, chị hai giành đồ chơi của con. Tiếng Xiu mếu máo chạy tới bên phòng tắm kêu chị mà không cần đập cửa. Mẹ xong chưa. Mẹ xong rồi. Mẹ xong rồi sao mẹ chưa ra. Ừ mẹ ra ngay đây.
Quỳnh đẩy nhẹ cánh cửa và hơi chút ngạc nhiên khi bên ngoài không có bóng dáng của đứa trẻ nào. Cả tiếng thút thít mới đây cũng không. Nhà trên, Kiên đã bày sẵn mâm cỗ và đốt trầm hương ngào ngạt. Phòng bếp phòng ăn và ngay cả ngoài vườn đèn điện vẫn sáng trưng. Quỳnh định cất tiếng gọi thì đã nghe tiếng cười nói lao xao trên vườn nhỏ nơi sân thượng, chị không vội lên theo khi biết chắc những đứa trẻ đang cùng chơi với cha chúng. Xiu vừa mới vừa thúc giục mẹ phân xử đó thôi giờ đã quên bẵng trong niềm vui của từng phút từng giây mong ngóng đến giao thừa. Trẻ con thật kỳ lạ. Đêm trừ tịch thật kỳ lạ, không ai thấy buồn ngủ trong đêm giao thừa, kể cả những đứa trẻ. Chị đoán rất có thể Kiên không muốn Xiu làm phiền mẹ nên đã âm thầm tay bồng tay bế các con lên sân thượng, bày ra một trò vui khác. Kiên vẫn thường làm thế, gần đây, sau mùa sóng gió. Cái nhẫn nại của người đàn ông trong Kiên khiến Quỳnh tin rằng, đối đãi trong tình yêu cũng chẳng khác gì trời đất, xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Có lạnh lẽo bão dông mới có tươi tốt nảy mầm.
Quỳnh bồi hồi thấy dường như thời gian đi chậm lại. Nhớ chừng dăm ba năm trước, giờ này, Xiu còn nhỏ chờ mẹ cho đi ngủ xong chị mới lao dậy dọn dẹp. Chỗ nào cũng cần đến bàn tay chị, quần quật đến sắp giao thừa Kiên mới về. May sao trong lúc tất bật, Cam vẫn bên cạnh chị, lặng nghe chị rồi thỉnh thoảng ôm lấy chân mẹ nói mẹ ơi con yêu mẹ, mai mốt con lớn con sẽ rửa chén giúp mẹ, lau nhà giúp mẹ, con cho em ngủ. Mẹ ơi, khi con lớn lên mẹ cũng đừng già đi mẹ nghe. Hình như năm đó, chị vừa bưng nồi nước thơm vào phòng tắm thì bên ngoài đã giao thừa.
*
* *
Quỳnh quàng thêm một chiếc áo ấm, bước lên cầu thang khi pháo sáng đã bắt đầu nổ đì đùng. Hình như ngoài trời có mưa lất phất. Không lâu nữa thôi cả không gian này sẽ rực lên bởi những ánh sáng muôn màu từ quảng trường thành phố. Từ trên sân thượng, cha con Kiên cũng đang đánh tiếng nhau đi xuống. Cha cho con hái thêm bông hoa màu hồng này nữa. Cha ơi, chị hai hái nhiều hoa rồi mà vẫn muốn nữa. Nhưng mẹ thích hoa màu hồng mà chị hai chưa có. Được rồi Cam, nhanh rồi xuống kẻo mẹ chờ, lát nữa cả nhà mình lại lên đây xem pháo hoa. Đoàn người có ba người, một đứa vắt vẻo trên cổ cha, một đứa lúc túc đi bên cạnh, tay cầm khư khư nắm hoa hồng mới hái trong vườn nhỏ. Đứa nhỏ xíu kêu ầm lên khi vừa nhìn thấy mẹ rồi chừng như còn quên một chuyện quan trọng hơn, cúi xuống nắm lấy tai cha hỏi cha ơi, hồi cha còn nhỏ tết có được xem pháo hoa không cha?