Trong bài giảng của cô...
Đổ sọt chè non mơn mởn ra góc nhà, Mai ngồi ở bậc hè chờ mồ hôi ráo. Rừng rậm, nhiều ong, đi hái chè mùa này vất vả đủ đường. Trên người Mai vẫn còn vài vết ong đốt sưng vù, bọ nẹt trườm khắp nơi vừa đau vừa ngứa. Mai kỳ cọ hai bàn tay đen đúa nhựa chè đến đỏ ửng. Hết đợt chè này cũng là lúc mùa sương ập đến, Mai cũng bận bịu hơn với lịch học của năm cuối cấp. Mẹ nói tiền bán chè sẽ dùng mua cho Mai bộ quần áo mới, sửa lại cái xe đạp cho trơn tru để đi lại đỡ vất vả hơn. Đường đến trường nhiều dốc cao, lúc đi thì đỡ chứ lúc về nắng nôi vất vả. Bạn bè ai cũng có xe đạp điện để đi, dốc cao mấy cũng chẳng còn phải xuống dắt bộ nữa. Bố mẹ cũng từng hứa khi xuất chuồng đàn lợn thịt sẽ mua cho Mai một chiếc xe đạp điện cũ để đi. Nhưng chẳng may gặp đúng đợt dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn mấy chục con phải mang đi tiêu hủy. Mức hỗ trợ của Nhà nước cũng chỉ đủ trả tiền cám bã, nên chuyện mua xe của Mai đành gác lại. Mai chỉ thương bố mẹ chứ không buồn. Suốt bao nhiêu năm nay đạp xe lọc cọc đến trường Mai đâu thấy khổ. Bố còn đạp xe một ngày gần hai chục cây số đi làm, thì quãng đường từ nhà đến trường của Mai đâu có là gì. Trong đầu Mai bây giờ những câu thơ cứ phấp phới vang lên: “Mùa thu của em/ Là vàng hoa cúc/ Như nghìn con mắt/ Mở nhìn trời êm…Ngôi trường thân quen/ Bạn thầy mong đợi/ Lật trang vở mới/ Em vào mùa thu”. (Mùa thu của em - Quang Huy).
Vậy là năm học mới cũng đã bắt đầu hơn một tháng rồi. Những bài học dần hiện lên trên những trang vở thơm tho mùi giấy mới. Vừa mới hôm nào Mai vào buồng mở cánh tủ ọp ẹp lấy ra bộ đồng phục của trường. Từng đường gấp thẳng thớm nồng mùi băng phiến được Mai giặt lại, ngâm nước xả thơm tho chuẩn bị cho ngày khai giảng. Mai yêu cái màu trắng tinh khôi của chiếc áo đồng phục. Nó sáng bừng giữa những bộ quần áo lao động bám đầy vôi vữa nhựa cây trên dây phơi trước nhà. Nó khiến lòng Mai tươi mới khi nghĩ đến những điều tốt đẹp đang chờ mình phía trước. Cảm giác háo hức được gặp lại thầy cô, bạn bè sau những tháng hè xa cách chắc chẳng phải mình Mai. Nhìn sang nhà bên thấy trên hàng rào có phơi cặp sách, khăn quàng đỏ. Có đứa nhỏ nào đó ngồi sau xe mẹ nũng nịu đòi mua quần áo mới, thay đôi dép tổ ong mòn gót. Thấy cô hàng xóm sang mượn tạm mẹ ít tiền để sáng mai đi chợ mua sách vở cho con. Quê Mai còn nghèo nên đầu năm học nào cũng nặng nỗi lo toan của những người làm cha làm mẹ. Đủ các khoản tiền chờ đóng mà đàn gà chưa lớn, lúa ngô thì rẻ, lương công nhân còn vài khoản nợ đang thúc giục. Con cái đang tuổi ăn tuổi lớn nên quần áo cũ đã chật cả rồi, chương trình học thay đổi nhiều nên sách giáo khoa cũng phải mua mới. Trăm thứ phải lo nhưng bố mẹ lúc nào cũng muốn dành cho con những điều tốt nhất. Mai hay nhìn đôi dép sứt quai của mẹ, chiếc áo đã bạc màu của bố để cố gắng học hành.
- Hết dịch rồi. Giá mà có đủ tiền mua mấy đàn lợn giống về nuôi. Chuồng trại để không lâu quá rồi. Không chăn nuôi thì cuối năm chẳng biết trông chờ vào cái gì để trang trải bao nhiêu thứ.
- Tháng sau công trình hoàn thành, chủ thanh toán tiền công. Nhưng còn học phí của ba đứa nhỏ.
- Mùa hè vừa rồi cái Mai nhà mình chịu khó buôn bán nên cũng tích cóp được ít tiền. May là con bé nhanh nhẹn, chợ búa thay tôi. Vài túm nhãn, rổ ổi, mấy chục trứng đến gà vịt trong nhà đều do tay nó bán. Xem ra con bé có duyên buôn bán. Dì Hạnh nói cho cái Mai ra chợ bán hàng cùng anh ạ.
- Năm nay cuối cấp không lo học hành chỉn chu còn buôn bán cái gì? Bảo con chú tâm chuyện học đừng có mải mê cái lợi trước mắt.
Mai nãy giờ ngồi nhặt rau ngoài hè nghe ngóng, thấy vậy liền chạy vào nhà năn nỉ bố:
- Con chỉ thay dì bán hàng lúc rảnh rỗi thôi bố ạ. Thêm thắt tiền mua sách vở, đỡ đần bố mẹ.
- Biết bươn chải sớm một chút cũng tốt. Nhưng chuyện học hành vẫn là quan trọng nhất.
- Những lúc vắng khách con sẽ tranh thủ ôn bài bố ạ.
Mai ngồi trong quầy hoa quả của dì lật từng trang sách. Gió sông hiu hiu thổi vào mang theo vị hăng nồng của phù sa bờ bãi. Mai để tâm trí mình chìm vào những bài văn dạt dào cảm xúc. Từng ngôn từ thấm đẫm tình yêu thương đã lan tỏa vào tâm hồn một cô trò nhỏ. Gấp cuốn sách lại trong đầu Mai lại hiện ra hình ảnh về ngôi trường thân thuộc. Nhớ cây bàng già ở góc sân trường trong mùa quả chín. Bạn bè níu tay nhau hái từng quả ngọt, rúc rích cười đùa. Nhớ chiếc bảng đen đã thủng vài lỗ nhỏ. Mỗi lần cô thầy viết đến chỗ lõm phấn đều bị gãy. Nhớ nắm ngô rang còn ấm, bỏng gạo còn giòn, quả ổi chín thơm mà bạn bè dúi vào tay nhau lúc vừa đến lớp. Nhớ giọng thầy ấm áp, từng câu văn ngấm sâu vào tâm hồn như một dòng suối mát. Nhớ đến cả con đường tới trường bao đoạn nhấp nhô, bao con dốc đứng. Mùa lúa hương lúa, mùa hoa hương hoa, mùa quả chín ngọt lừ trên cây dại ven đường cũng đủ làm cho đám học trò thích thú. Nỗi nhớ ấy càng trở nên da diết trong những tháng hè. Khi Mai gần như không được đi trên con đường ấy. Vì còn bận giúp mẹ hái chè, cấy lúa, đào măng, buôn bán chợ quê, ngày hai bữa cơm canh còn phải quản các em để bố mẹ yên tâm làm việc. Những lúc rảnh rỗi Mai hay mang sách vở ra xem, vài nét bút bạn bè để lại đâu đó cũng làm Mai thấy nhớ cồn cào.
Mai nhìn ra con sông phía sau dãy chợ lòng tự hỏi không biết bên kia bờ có những gì? Dì chỉ về phía cột khói bay lên nói đó là khu công nghiệp mới. Nơi ấy thu hút công nhân từ các xã đổ về, cả người bên này sông cũng sang đó mưu sinh. Ruộng đồng giờ đã ít người làm, thanh niên không học hành đỗ đạt cũng đều xin vào nhà máy để làm hoặc đi xuất khẩu lao động. Có người đi biền biệt không về vì chê quê hương mình nghèo quá. Dì nói đến đó thì khẽ thở dài. Dì không có con, cũng không lập gia đình. Sạp hàng này gắn bó với dì suốt mấy chục năm, kể từ khi chợ ven sông không chỉ được dựng qua loa lợp toàn lá cọ. Những đồng tiền lẻ nuôi bố mẹ già, đỡ đần chị em trong nhà vượt qua bao biến cố thăng trầm. Cả đời dì chưa từng được đi đâu xa. Có những chiều ngồi nhìn chuyến tàu hỏa chạy qua dì ao ước được bước lên đó đến một vùng đất mới. Mai thương dì như mẹ của mình. Cả đời quẩn quanh với những lo toan không dứt. Dì chỉ về đỉnh núi phía xa, mây trắng vây quanh bồng bềnh mờ ảo, nói với Mai:
- Có những nơi đẹp đến thế kia. Sau này con cố gắng học giỏi để được đi đây đi đó. Đừng có giống như dì và mẹ. Ngày xưa nghèo quá, nhà đông con chẳng được học hành. Tương lai của con nhất định phải khác hơn…
- Dù có đi đâu rồi con cũng sẽ trở về quê mình dì ạ. Cô giáo con từng nói “nơi nào ở trong tim nơi ấy là đẹp nhất”.
Gió sông thổi vào mát rượi mang theo vị của đồng bãi phù sa. Trong mùi hương lúa chín như có vị mằn mòi của những giọt mồ hôi. Trong khung cảnh bình yên có dáng lưng còng của những người đàn bà tần tảo. Mai giống như biết bao bạn bè tha thiết với học hành để không phụ sự vất vả hy sinh của cha mẹ mình. Để chạm đến ước mơ làm cô giáo trường làng, bác sĩ, nhà báo... Để có cơ hội đi đến những vùng trời tươi đẹp. Bố hay nói với mấy chị em Mai “các con phải cố gắng học hành để chân tay không bám đầy vôi vữa như bố. Để khỏi phải nhọc nhằn sớm khuya như mẹ”. Nên đối với Mai mỗi một ngày được cắp sách tới trường là một niềm hạnh phúc.
Mai ngồi trong lớp học ngó ra tán bàng già đã bắt đầu rụng lá. Tiếng phấn trắng reo vui trên góc bảng đen. Bạn bè ngồi xung quanh nhìn ai cũng tươi vui háo hức. Mai nắn nót những dòng chữ đầu tiên trong bài học sáng nay. Cô giáo đưa ánh mắt trìu mến nhìn xuống những dãy bàn, mỉm cười nhìn cô cậu học trò. Phía bên ngoài cửa sổ lớp học là cánh đồng lúa đã chín vàng, nặng từng bông trĩu xuống. Vài cánh cò bay lên trắng muốt giữa nền trời mùa thu xanh thẳm. Gió heo may luồn vào qua khung cửa giỡn đùa trên những mái tóc mây. Khung cảnh bình yên ấy đẹp như một bức tranh. Cô giáo giở một cuốn sách nhỏ đọc cho cả lớp nghe. “Tại sao con yêu xứ sở của con? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy; vì nguồn máu trong huyết quản của tôi đều là của người; vì trong khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng; vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn chung sống với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi đã trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quý, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả” (Tâm hồn cao thượng - EDMOND DE AMICIS - Hà Mai Anh dịch).
Đó rõ ràng không phải là bài học có trong sách giáo khoa nhưng đã dội vào tim Mai thứ cảm xúc nghẹn ngào khó tả. Giọng cô trầm ấm quá, gieo vào lòng học trò mình thứ tình yêu xứ xở thiêng liêng…