Đợi mẹ

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 23/08/2019 11:01

Chị đóng cửa cổng, luồn cái khóa vào bên trong khóa lại trước ánh nhìn thơ ngây của các con. Hai đứa nhỏ đã quá quen thuộc với thứ âm thanh lạch cạch lúc mẹ khóa cửa đi làm, nhốt chúng ở trong nhà. Mẹ thường dặn đi dặn lại không được mở cửa cho người lạ, không nhận của người lạ bất cứ thứ gì, không nghịch dao, ổ điện. Trước khi nổ máy khuất sau ngõ nhỏ mẹ thường nói “ở nhà chơi ngoan, tối mẹ sẽ về”. Hôm nay bé Bống cứ dặn đi dặn lại:     

 

- Chiều nay mẹ nhớ về sớm đưa chị em con đi công viên chơi nhé. Bạn Bin, bạn Sóc cũng được bố mẹ đưa đi chơi mẹ ạ.

- Mẹ hứa. Xong việc là mẹ về ngay.

Nhưng có mấy khi xong việc là mẹ về ngay. Sau khi hết giờ làm việc, buông chổi xuống là mẹ lại tranh thủ đi dọn nhà thuê. Có khi tám, chín giờ tối mẹ mới về nhà. Trước khi đi bao giờ mẹ cũng cắm cơm và nấu sẵn thức ăn. Chị em Bống vừa học vừa chơi, đến bữa thì bảo nhau ăn cơm, tắm giặt. Mẹ về đến nhà là khi hai chị em đã thơm tho, ngồi ngoan ngoãn bên bàn học. Còn mẹ thì mệt mỏi rã rời, bộ quần áo lao công bám đầy bụi bặm có khi lấm tấm mồ hôi. Lần nào Bống định sà vào ôm cũng bị mẹ đẩy ra “để mẹ đi tắm đã”. Lúc mẹ ngồi vuốt cổ cho cơn nghẹn qua đi thì nhà hàng xóm đã giục nhau đi ngủ. Tiếng bát đũa va vào nhau rời rạc, bữa tối của mẹ thường chỉ ăn một mình như thế. Bống ngồi đọc bài thơ trong sách giáo khoa: “Cha lại dắt con đi trên cát mịn/ Ánh nắng chảy đầy vai/ Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời/ Con lại trỏ cánh buồm nói khẽ:/ Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé/ Để con đi…”(*) Bé Sóc ngồi phía sau ngước lên hỏi nhỏ:

- Ở đâu có cánh buồm hở mẹ?

- Ngoài biển khơi con à.

- Vậy có khi nào bố còn bận đi mượn cánh buồm trắng cho chị em con mà chưa trở về không mẹ?

Chị nhìn con thoáng chút xót xa. Đây đâu phải là lần đầu tiên con hỏi về sự vắng mặt của bố. Chị chẳng biết phải trả lời con thế nào khi nhìn xung quanh nhà ai cũng đủ đầy cả cha lẫn mẹ. Có những buổi chiều ngó sang hàng xóm thấy cảnh tượng quây quần mắt con thẫm buồn, di di những ngón chân trên nền sân rêu cũ. Con từng ước có bố đón mỗi chiều ở cổng trường. Ước có bố lôi ra sân cắt tóc. Ước cuối tuần được bố đèo ra công viên ăn kem, xem nặn tò he. Đêm đến cũng không phải sợ hãi tiếng kẹt cổng vang lên khi trong nhà có bố. Chị cố gắng bù đắp cho con bao nhiêu cũng không thể nào lấp được khoảng trống mà bố của những đứa trẻ đã bỏ lại nơi đây. Có lần giữa đêm, nghe thấy bước chân ngoài sân con gái út khều tay mẹ hỏi: “Hay là bố trở về?”.

Chị luồn qua những con ngõ nhỏ rồi ùa ra đường lớn. Hôm nay là ngày tết thiếu nhi, chị muốn hoàn thành sớm công việc để về nhà với các con. Cả năm bận rộn mưu sinh, chị có quá ít thời gian dành cho hai đứa nhỏ. Đến cả những bữa cơm mấy mẹ con được ngồi ăn đông đủ cùng nhau cũng trở nên hiếm hoi. Khi khoản tiền sinh hoạt phí ngày càng nhiều, tiền học của con mỗi năm cũng lắm khoản tăng. Chị chẳng còn cách nào ngoài việc cố gắng làm việc nhiều hơn để trang trải gánh gồng. Vốn chẳng có bằng cấp gì chị xin vào làm lao công quét rác trên đường phố. Con phố nhỏ quen với những nhát chổi chị lia. Treo chiếc tải bên hông xe rác chị lượm nhặt những thứ còn giá trị mang bán phế liệu kiếm thêm vài đồng. Người dân bên đường thỉnh thoảng lại ới chị dừng lại dúi cho cái bánh chưng, cái xe đạp vẫn còn dùng được, vài bộ quần áo trẻ con, ít vỏ lon bia sau một cuộc nhậu nhẹt nào đó. Chị gom góp mang về cho con chút niềm vui nho nhỏ sau một ngày làm việc. Đôi khi chỉ là một chiếc vòng nhựa chị lượm được trên hè phố. Hay con búp bê vẫn còn lành lặn lẫn trong đống rác nhà giàu. Có lúc nhìn những hộp thức ăn vẫn còn nguyên vẹn bị người ta vứt đi chị chạnh lòng nghĩ đến các con. Trong căn nhà trọ nghèo với những bữa cơm đạm bạc mỗi ngày. Buổi chợ nào chị cũng tính mua thứ gì cho rẻ. Là những cân gạo xấu, chai nước mắm rẻ tiền, những con cá cuối buổi chợ đã ươn. Những bữa sáng thường là cơm rang, mì gạo chứ chẳng bao giờ được mẹ cho tiền ra đầu ngõ bún phở như chúng bạn.

Có lần mấy mẹ con đèo nhau đi trên phố. Con gái chị mắt dán vào quán xá ven đường. Ao ước “chừng nào lớn lên, con đi làm có tiền sẽ dẫn mẹ vào quán ăn ngon”. Gái út luôn miệng hỏi “trong quán họ bán gì vậy mẹ? Sao ban ngày họ cũng bật nhiều bóng đèn sáng thế?”. Đi qua những quán ăn bày ngoài lề đường nghi ngút khói chị nghe thấy sau lưng mình có tiếng nuốt nước bọt. Nhiều khi chị cứ tự trách móc bản thân, chỉ vài chục ngàn đồng một bát phở thôi mà cứ tiếc các con. Chiều nay về ba mẹ con đi chơi nhất định chị sẽ dẫn các con đi ăn món gì đó thật ngon. Sẽ vào cửa hàng có treo nhiều bóng đèn mà bé Sóc vẫn trầm trồ mỗi lúc đi qua. Cả năm có một ngày thôi mà, chỉ cần các con vui là được. Chị vừa nghĩ vừa lia chổi thật nhanh.

Đường sá những ngày lễ thường đông. Mới bốn giờ chiều mà nhiều gia đình đã đổ dồn ra phố đưa các cháu nhỏ đi chơi. Đoạn đường chị làm việc lại gần ngay trung tâm thương mại lớn. Nhìn những đứa trẻ mặc váy áo xúng xính, mắt môi tươi cười chị càng nóng ruột muốn xong việc sớm để trở về nhà, chắc là các con đang đợi mẹ. Nhưng đường đông người rác lại nhiều thêm, việc thu dọn cũng khó khăn hơn lúc bình thường. Thời tiết hè oi ả, tiếng ve kêu inh ỏi trên những tán cây khiến chị càng thêm mệt. Ngồi xuống một gốc cây ven đường chị tính gọi về dặn hai con tắm giặt sớm cho nhau. Bấm máy, mở loa ngoài để nghe cho rõ, chuông điện thoại vừa tút dài cũng là lúc chị bỗng nhiên nghe thấy tiếng la thét thất thanh gần đó. Ngẩng lên còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì một chiếc ô tô đã lao vào chị. Chị nằm sõng soài trên vỉa hè, chiếc điện thoại văng sang bên cạnh. Hình như chị có nghe thấy tiếng “a lô mẹ ạ” của con gái mình vẳng ra từ điện thoại. Bàn tay chị cố với nhưng không còn đủ sức. Giữa tiếng gào khóc, la hét xung quanh chị chỉ nhìn thấy trước mắt mình hình ảnh các con đang ngồi trước cổng nhà đợi mẹ. Lúc sáng chị chỉ chuẩn bị đồ ăn trưa cho các con, hẹn bữa tối sẽ cùng nhau đi chơi. Giờ nếu chị không về các con sẽ phải đợi mẹ trong cơn đói bụng. Chị nhắm mắt lại nghĩ mình đang luồn qua những con ngõ nhỏ trở về nhà. Chị cứ đi, đi mãi. Lúc người dân ven đường hô hoán nhau chạy đến thì chị đã không còn thở nữa.

Ngoài đường người dân tụm lại bàn tán về một vụ tai nạn thương tâm. Gã lái xe say rượu đâm hàng loạt xe máy trên đường trước khi húc thẳng vào chị lao công đang ngồi nghỉ giải lao dưới gốc cây xà cừ. Gã lái xe hoảng loạn bỏ trốn nghe đâu đã bị người dân vây bắt. Những người bị thương được đưa đi cấp cứu. Chỉ riêng chị lao công đã không còn cơ hội được trở về nhà với các con mình. Dòng xe cộ vẫn vội vã trôi đi. Những đứa trẻ ngồi sau xe bố mẹ háo hức được đến công viên hoặc một khu vui chơi nào đó. Vài chiếc xe dừng lại bên những chùm bóng bay đủ các hình thù màu sắc được người ta bán dạo trên đường phố. Bao đôi mắt thơ ngây, bao tiếng cười trong trẻo bên người nặn tò he, hay những con cào cào được kết bằng lá dừa. Tất cả những vui nhộn, ồn ào ngoài đường phố lớn không lọt vào xóm trọ trong ngõ nhỏ. Nơi có hai đứa trẻ đang đợi mẹ trở về sau ngày làm việc. Hôm nay là ngày tết thiếu nhi, trước lúc đi mẹ đã hứa xong việc sẽ về ngay. Trời đã chập choạng rồi, những đứa trẻ nhà bên đã được bố mẹ chở đi chơi. Bống tính bấm máy gọi cho mẹ mấy lần nhưng lại sợ mẹ đang bận việc. Mà lạ ghê nãy mẹ gọi mà chẳng nói gì, chỉ thấy tiếng phố xá ồn ào, tiếng còi xe inh ỏi. Nhìn khuôn mặt xịu buồn của em, Bống khẽ động viên “chắc là mẹ đang trên đường về. Đợi xíu”.

Mẹ của chúng đang trên đường về nhà nhưng không phải với khuôn mặt tươi cười mà về trong lặng câm đau đớn. Người ta tìm thấy trong túi áo lao công của chị có một đôi cặp tóc nhỏ xinh gắn hình mèo kitty chắc định để làm quà cho con gái. Đồng nghiệp vây quanh chị khóc thương. Người thân bên ngoại được gọi đến để đưa chị về nhà sau khi cơ quan chức năng đã làm xong nhiệm vụ. Vài người trong số họ hỏi nhau “giờ tụi nhỏ sẽ sống thế nào?”. Khi mẹ mất, bố bỏ đi biệt xứ, gia đình bên nội chẳng còn ai. Bên ngoại còn cậu dì, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn chẳng kém. Cả quãng đời phía trước tụi nhỏ biết nhờ cậy vào ai? Sự mất mát này sẽ in hằn trong tâm hồn chúng như một vết sẹo dài. Những đứa trẻ từ giờ sẽ mồ côi mẹ.

Bé Bống ngồi sấy tóc cho em, mắt không thôi dõi về phía cổng. Giờ chỉ cần thấy tiếng xe dừng là chị em Bống sẽ chạy ùa ra. Đỡ giúp mẹ bao tải đựng đồng nát mà mẹ nhặt ngoài đường mang xếp gọn vào một xó. Sẽ hỏi mẹ tối nay đi chơi đâu? Sẽ giục mẹ đi tắm nhanh cho mát. Nhưng con bé chợt nghĩ giờ này ngoài đường chắc là đông vui lắm. Cũng có thể vì đông mà mẹ bị kẹt xe chưa thể về nhà. Bống ngồi tựa vào tường, nhẩn nha đọc những câu thơ trong sách giáo khoa: “Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời/ Con lại trỏ cánh buồm nói khẽ/ Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé/ Để con đi…”.

--------------------------------------------

(*) Những cánh buồm - Hoàng Trung Thông.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG