Duyên đót
Đan quẹo vô hẻm số 9 kiếm nhà dì Sáu. Cậu nhóc ngồi chồm hổm chơi ô ăn quan với nhóm bạn phía hàng hiên đối diện nói Sáu đi cà phê với nội con rồi, xong ngước mắt lên khuyến mãi thêm câu: “Cái chỗ vàng vàng nớ tề, cô”.
Đan suýt bật ngửa, lâu lắm cô mới lại được nghe âm sắc nằng nặng mặn mà giọng quê từ một đứa trẻ như thế này. Đi ngược trở lại trục đường chính, đập vô mắt Đan là bảng hiệu vẽ tay tỉ mỉ dòng mực nâu: Thị xã cà phê và bánh mì Hội An. Cái tên nghe thương chi lạ. Sáu từ trong tất tả ra, một tay cầm tờ báo đọc dở, tay kia bưng ly nâu sánh đen. Quán mới khai trương, chủ là thằng Hùng cũng Quảng mình, ông già bà cả rủ tới ủng hộ hắn, sắp trẻ thì phải tối, chừ đi làm hết rồi. Kiếm đường cực hỉ? Cuối tuần răng không nghỉ? Ni nắng sớm kinh bây, Sáu hỏi một lèo lúc hai dì cháu bước lên bậc thềm. Công việc của Đan ngày nối ngày, chẳng có khái niệm cuối tuần. Mưa như nắng, cô đi suốt, đêm về nằm chập chờn còn hay mơ thấy mình đang ngồi bệt đâu đó bên vệ đường rã ghi âm, gõ bàn phím rào rào, bật dậy ngó đồng hồ chỉ ba giờ sáng, lại viết. Má rầy vừa vừa thôi con ơi, Đan cười tỉnh rụi, cô quen rồi.
Bàn kê ngay cửa sổ, ông Bảy Trầu bạn Sáu nhoẻn miệng cười khi thấy Đan. Tóc đã bạc, mặt ông nhiều nếp nhăn, mắt hơi đục mà vui. Người già lam lũ thường giống nhau ở sắc vóc lành, Đan nghĩ. Mấy cô, mấy dì kéo bàn sáp lại, chuyện rôm rả. Xóm đót một thời xôm tụ, người ra vào tấp nập, mỗi ngày mấy trăm cây chổi thành hình là thường, nay thưa, chỉ còn Sáu với ông Bảy Trầu bám nghề. Mua ít, phải quen thân và năn nỉ dữ lắm thương lái từ mạn núi mới chịu chở đót khô vô giao. Cách tuần, Sáu hướng này, ông Bảy Trầu hướng kia, chở chổi bán dạo. Tối chạm nhau đầu hẻm, thấy sau yên xe ai trống trơn đều mừng. “Giữ hồn cốt quê vậy đó con ơi chớ tau tiêu pha chi mô mà cần nhiều tiền. Mỗi tháng con cháu cho cũng dư, bỏ bị gài ghim băng lại ri đây” - Sáu đập đập bàn tay phải vô bị áo bà ba vải. “Cũng ngặt, mà hắn ngấm vô máu rồi răng bỏ được” - ông Bảy Trầu nhấp ngụm cà phê đen, góp lời. Đan ngồi yên nghe, ngỡ là con cháu đây từ kiếp trước chớ không phải mới tới lần đầu, gặp Sáu là lần thứ hai.
Bữa rồi, Đan chạy như vô thức theo vòng xe đạp nghiêng nghiêng chồng chổi đót của Sáu. Đi miết từ đường Điện Biên Phủ lên Cách Mạng Tháng Tám băng qua Lê Lợi vô Pasteur, tay ga líu ríu tới đoạn công viên gần nhà thờ, Sáu dừng lại ngó Đan kêu trời: “Răng mi không ới tau tiếng?”. Đan chẳng biết trả lời sao, cứ đứng tần ngần hồi lâu. Bóng áo bà ba bệt dính mồ hôi lấp ló sau màu vàng óng đót chấp chới dưới chiều nắng của Sáu làm Đan nhớ nội quá chừng.
Cả đời nội theo nghề bện đót. Ông đi chiến trường không về, ba má vô miền Nam lập nghiệp, còn lại Đan bên nội, những tháng giêng hai mùa cũ hay lẽo đẽo theo bà vô rừng bứt đót. Chiếc xe đạp mini cũ mèm, sơn xanh bong tróc hết trơn, nhưng sườn còn chắc, nội chất đầy đót dắt về trải sân phơi. Đan nhún nhảy xung quanh, phe quẩy quạt mo cau, cười toét hàm răng sún: “Kỳ mô lớn con cũng bện đót bán nuôi nội”. “Tổ cha bây, chi không làm, đót ngứa, cực lắm con” - nội mắng yêu cháu, nét cười lóng lánh. Nói cực vậy mà nội gắn đời với đót hơn sáu mươi năm chớ ít gì. Làm ăn khấm khá, ba má xin đón vô thành phố, nội để Đan rời xa còn mình nhất quyết không chịu, kêu ông bà bây nằm đây, ba bây đây, cây đót ở đây, tau đi mô được. Ngay như căn nhà, ba muốn xây cho tinh tươm, nội cản. Miền ký ức từ buổi nào xa lắm, nội cùng chồng chẻ hom ngâm, lên đồi mênh mông chặt tranh về đánh thành tấm, hì hụi nhào đất với rơm đặng xây tổ ấm “nhà tranh vách đất” như vẫn hằn in trong tâm khảm bà. Mưa qua, nắng lại, nhà phải sửa nhiều bận, nội lui cui làm không càm ràm bao giờ.
Ông bà nội Đan thương nhau từ những mùa bông đót nở trắng triền núi. Làng kể hồi đó bà nội đẹp lắm, con gái nhà quê đội nắng gió, hít bụi đót mù mịt, cơm không đủ ăn phải ghè hột chà là mà mặt mày vẫn trắng hồng rạng rỡ. Đã vậy, nội còn chịu khó, hết đi bứt, vát đót phơi nắng lại cần mẫn ngày qua tháng tách tách tước bông, bện chổi, đo cán. Ông nội cũng đẹp, người dong dỏng cao và khỏe. Cưới nhau xong là đi. Đâu như hồi ba Đan tròn tuổi, bà chong đèn bện đót khắc khoải chờ chồng kỳ phép. Cũng đêm đó, ông ngã xuống trên Đồi Sơn lộng gió, mới hai mốt tuổi. Nhiều năm sau, nội ba mươi rồi bốn mươi, vẫn còng lưng bứt đót, bện chổi. Từ giếng làng vô núi đến về qua hàng rào chè tàu trước ngõ, nhiều đàn ông lóng ngóng ngỏ lời thương, nội lắc đầu. Làng nói duyên nội bất chấp thời gian. Duyên đót.
Đan học làm báo, nội ưng mà chọc: “Chớ đứa mô kêu bán chổi nuôi nội”. Đan cười hì hì, phụng phịu đòi đưa nội đi chơi khắp thế gian, chừ con có tiền rồi. Nội nói chừng con Đan lấy chồng, tau vô Sài Gòn chuyến cho biết chơi, chỉ cần rứa thôi.
Đan còn chưa tìm được người thương, viễn cảnh cưới xa mù mà nội đã về với đất. Trong chái tranh cũ sau hè, Đan ngồi tựa lưng vô chồng đót khô cao ngất, cầm cây bút chì vẽ ông qua lời kể nội và nội trong nếp nhớ Đan. Ông bà chẳng có tấm ảnh cưới nào, thương nhau thì bày khay trầu, mâm cau hai họ thôi. Ba nhìn bức tranh, khuỵu xuống rưng rức khóc: “Chừ con mồ côi thiệt rồi ba má ơi”. Đan phóng tầm mắt ra hướng núi, nghe trong tim cơn đau cuộn lên nhoi nhói, ngỡ ngàng phát hiện lần đầu tiên cảm giác mất mát kiệt cùng.
Người về sau cữ cà phê tan. Sáu biểu Đan xòe bàn tay có thứ này hay lắm. Bụm chà là nâu đen bóng mượt, ngọt lịm. Sáu nói như trách, sắp nhỏ bà con ông Bảy Trầu hái vô cho đó, thiệt tình mấy đứa làm cái chi cũng khiến người ta nao lòng dễ sợ. Đan quên béng mình tới phỏng vấn thực hiện một phóng sự về người phụ nữ bốn mươi năm giữ hồn chổi đót Quảng giữa Sài Gòn. Hồi đầu Đan còn ngồi chồm hổm, sau bệt luôn trên sàn, vừa ăn chà là vừa nghe Sáu rủ rỉ chuyện làm chổi, chuyện quê, chuyện người.
“Mấy bả nói vô miết, con cháu cũng ưng biểu tau, ổng về một nhà cho vui” - Sáu đổi chủ đề đột ngột, thẹn thùng như con gái thuở mới yêu. Mỗi sáng, ông Bảy Trầu nhận báo, đạp xe giao một vòng chừng vài tiếng rồi về ngồi trên hàng hiên đối diện. Bên này Sáu đã bung bạt đậy đót, chăm chú tra những cán chổi đầu ngày. Công việc lặng thầm, đều đều mà không chán. “Tại ngó qua bên nớ thấy ổng còn cặm cụi là biết mình không đơn độc. Thằng Hùng bày để thuê thợ chớp bóng làm cho bộ ảnh cưới, nghe dị òm” - Sáu kéo vạt khăn vắt quanh cổ lên lau mặt. “Sáu tính răng?” - Đan hỏi vui. Coi tề, người chi có một đủm, lưng thì đường đượng, hồi tau hay quở vậy đó, ổng tủm tỉm cười miết mới chết con người ta chớ mi. Rứa là duyên đó Sáu ơi.
Sáu góa chồng hồi hai lăm, ông Bảy Trầu mất vợ năm hai chín. Qua cuộc chìm nổi gần hết đời người mất rồi. Trước lo con, chăm cháu, nay đứa nào cũng ra riêng, năm bữa nữa tháng mới về thăm. Hai nhà rộng, trống, ra vô thiếu hơi người. Sáu cảm sốt, ông Bảy Trầu hối hả chạy đi mua thuốc, nấu chén cháo đậu xanh. Ông té xe, chân bó bột cả tháng, Sáu dìu từng bước. “Không có ổng buồn chết. Ừ, tau ưng” - Sáu cụp mắt. Đan hỏi lòng những chiều một mình giữa mùi bông đót u dại, nội có bần thần trông qua hàng hiên phía đối diện, chỗ đó xưa ông Đan ngồi. Và đêm đêm trong căn nhà tranh cũ, không người bầu bạn, nội buồn biết mấy.
Đan đăng ký cho vợ chồng Sáu một gian trong hội chợ “Đồ quê”. Quản lý hỏi Đan tìm đâu hai bác hay quá để mình giới thiệu rộng rãi ra, chuyện nghề chuyện thương sao mà đẹp. Nhiều bạn trẻ đến, tò mò ngồi ngó, chụp hình tự sướng. “Nhà ai mà chẳng cần cây chổi quét tước, chỉ ngặt nỗi nhân công. Sáu biết trai gái đôi mươi không học nghề ni mô, chừ có người già làm thôi. Nhưng nhìn sắp nhỏ hào hứng coi cũng có cái gọi là mừng bụng để tiếp tục bám đót” - Sáu tỉ tê với anh Hùng - ông chủ “Thị xã cà phê và bánh mì Hội An”, người cục mịch thật thà, cả buổi đòi theo ra hội chợ để ôm… chân máy cho Đan chộp hình vợ chồng Sáu.
Đúng lúc tay Sáu thoăn thoắt tước bông đót, mắt nhìn âu yếm, nét cười lóng lánh như nội Đan thuở nào, ông Bảy Trầu nhướn người qua chậm vạt khăn lên trán: “Bà mệt chưa, nghỉ xí hỉ”, Đan bấm máy. Vào nghề, Đan sắm con Canon đi đó đi đây chụp hình, chụp cảnh hàng vạn tấm mà chưa kịp chụp một bức nội bện đót như đã từng nhủ lòng. Lần nào về mấy đứa em cũng chùm hum kêu nội nhìn vô màn hình smartphone seo phi loạn xạ. Bà tiếc hùi hụi, không có tấm hình của ông nội: “Ổng đẹp lắm, tau thiệt chớ nói lung mô bây”. Còn Đan trách mình hoài những tấm hình lần lữa tới lúc biết thiết tha thì đã muộn.
Anh chủ tiệm hỏi: “Ông bà em hả, nhìn thương quá”. Đan cười cười: “Quà cưới đó anh” rồi ôm túi đựng khung hình gỗ mới, chạy ra xe nhấn ga hướng tới hẻm số 9.