Mùi quê

Truyện ngắn của MÂN NHI 09/02/2019 10:34

Mãi vẩn vơ nghĩ đến khoản lương thưởngcuối năm, chị không nghe con gái hỏi cho đến khi Gạo lay vai: “Mùi quê là mùi gì hả má?”. Bất chấp vẻ bất ngờ và bối rối hiện rõ trên gương mặt chị, ánh mắt con bé vẫn mở to chờ đợi. Lâu rồi không ai nhắc chữ “quê” với chị. Ngày, tháng lại qua năm, chị quẩn quanh trong công xưởng, đường tới trường Gạo và căn phòng trọ không có gác rộng chưa tới mười mét vuông, sống lặng lẽ, tằn tiện, ngay cả cảm xúc cũng gói ghém thành một nắm nhỏ nhất có thể. Mà trẻ con thì khó đoán, như câu hỏi cắc cớ vừa rồi, chị chưa từng hình dung sẽ có ngày nó thoát ra từ miệng con gái.

“Em làm tôi nhớ mùi quê”, chín năm trước, Lâm nói vậy. Chỉ một câu thôi mà chị thương người trai tha hương theo công trình bôn ba khắp chốn. Hồi ấy chị mới rời trường phổ thông, theo nhóm bạn vô Nam tìm kế sinh nhai, dễ mủi lòng trước những ân cần, săn sóc. Rồi Lâm đi, đột ngột như ngày gặp, bỏ lại chị với giọt máu đang dần tượng hình. Tách bạn, chuyển công ty, chị vác bụng lặc lè, cúi gằm mặt trước những câu hỏi ở xóm trọ mới: “Tính về quê hay sinh trong đây?”, “Tội chưa, chớ chồng đâu?, “Có nhờ má vô chăm?”. Má đâu biết chuyện con gái lỡ dại với người ta, thành ra mỗi bận hỏi “Chừng nào con về?”, lại nghe đầu dây bên này kiểu tinh nghịch quen: “Chừng giàu rồi về luôn thể má hỉ!”. Chị biết với má, nghèo cũng đâu có sao, chỉ là tự phân bua, vậy còn hơn nghe chuyện động trời này. Gọi điện cho má, chị phải tập tành trước cả buổi, nói làm sao để giọng nghe không nghẹn, không đứt quãng giữa lưng chừng câu vui.

“Hồi nãy bà Năm nói, đứa nào nghĩ ra được cái gì cho tất niên đậm mùi quê thì gợi ý tau nghe bây”, Gạo làm dáng, tay chống nạnh, tay chống cằm như kiểu bà Năm chủ trọ. Điệu bộ con gái kéo chị ra khỏi dòng lan man, bật cười thành tiếng: “Cụ non của tui”. “Tui kể cụ non nghe mùi quê để nói bà Năm đi”. Chị băn khoăn tự hỏi nên bắt đầu từ đâu, làm sao giải thích cho con hiểu mùi quê, nhất là vào những ngày tết, thứ mùi không thể gọi được thành tên.

Chị dọn vô khu trọ 35 phòng này có lẽ bởi bà chủ là người Quảng và có cây trứng cá trước cổng. Nó nhắc đứa con xa xứ như chị nhớ về cái bến nhỏ chảy ra từ sông mẹ Thu Bồn. Ở đó, có ngôi làng rợp trứng cá che bóng mát hai lối đường lũ trẻ đi học. Có vòng xe đạp cọc cạch của ba, khi xuống nà bắp, khi chở chồng rổ mây lên chợ thị trấn. Và, có má chị, người mẹ quê tảo tần, ngày ngày quẩy gánh rau bán dạo. Chị đi, bà dấm dúi hộp mứt trứng cá và ít tiền, dặn “Cực quá thì về với má”. Chị cực lòng quá mà đâu dám về.

Chủ không lấy tiền thuê trọ tháng cuối năm, thay vào đó, mỗi phòng đưa ra gợi ý loại bánh mứt và những món ăn đặc sản quê mình rồi cùng nhau đi chợ mua về làm tất niên. Kiểu tình quê ở phố này đã sưởi ấm lòng chị qua đoạn dài nổi trôi phận người. Năm nào chị cũng sên mứt dừa, làm thêm vài ổ bánh tổ để dành ra Giêng. Chị bạn phòng bên càm ràm “Chi cực vậy, ghé chợ mua mấy bịch cho rồi, ăn nhiêu đâu”, chị chỉ cười. Thuở bé, như tất cả đám trẻ làng, chị mong tết kinh khủng. Đó là dịp duy nhất trong năm mấy chị em được mua giày, may đồ mới, quần xanh áo trắng, mặc chơi tết xong thì để đi học. Năm nào xịn hơn, má sắm thêm xấp vải hoa gửi cô Liễu cạnh nhà may cho con bộ váy. Mấy ngày sau bữa cúng ông Táo, ba cầm rựa ra tỉa hàng rào dâm bụt, chỉ một loáng là đều tăm tắp. Chị lẽo đẽo theo má qua nhà ngoại hái dừa, đành hanh đòi cắt khoanh xên mứt, miếng dày cộm, miếng mỏng tang, tới bận vô bếp cũng tranh làm, mẻ nào cháy khét mẻ đó. Thằng út bĩu môi: “Dở ẹc mà cứ bày đặt miết”. Chị lườm em: “Rứa đừng ăn hỉ”.

Cả năm bươn chải, ai cũng mong ngày sum họp bên gia đình. Mới đầu, phòng này còn chạy qua phòng kia, tụm năm tụm bảy hào hứng hỏi “Về quê ăn tết không?”. Thấy lắc đầu hoài nên tránh phòng chị, biểu nhau thôi, nhắc chi chạnh lòng. Xong bữa tất niên là rình rang va li, túi xách kéo xềnh xệch ra bến xe. Chị nép dưới cây trứng cá, ước chi mình cũng được dự phần vào cuộc vui ấy. Ba bữa trong tết, khu trọ chỉ còn mấy người. Phố đông, nhưng không có tình thân thành ra lạ. Chị nhốt mình trong phòng, tựa lưng vào vách tường, tim nhói lên từng chặp. Xa lâu chị mới thấm thía, thèm hít hà mùi quê hăng hắc cay cay tỏa ra từ chái bếp chất toàn củi khô, véc ni đánh bóng bộ bàn tiếp khách, củ kiệu nồng xếp lớp trong nia phơi nắng ngoài hàng rào, va ni thơm lừng trên từng sợi mứt. Hai chín Tết, nắng chùng chình hai chậu cúc vạn thọ vàng bung nở ngoài sân, hương trầm loang ấm bàn thờ ông bà. Ở nhà sau, mấy chị em ngồi bó gối quanh nồi bánh tổ, bánh tét, thi thoảng đưa tay chụm củi, nghe lửa cháy lách tách rất vui tai. Thời tiết quê kỳ lắm, cứ nhè mùng Một, mùng Hai lại mưa phùn, sương rây bàng bạc. Nhà năm người, quần xắn tới gối, thằng út ngồi vắt vẻo sau yên xe đạp má dắt, bé giữa được ba cõng, còn chị xách đôi xăng đan mới, hì hục lội bùn ngai ngái trên đường về nhà nội ở làng bên.

Thường ngày có bạn, Gạo bày đủ trò, từ ô ăn quan, nhảy dây, lò cò đến đá banh chơi, tới tết lại buồn thiu. Chị mua bộ áo dài đỏ thêu hoa, Gạo khoác lên người đôi phút, chạy quanh xóm trọ một vòng rồi thôi, chớ biết đi đâu, khoe với ai bây giờ. “Bạn Nhung, bạn Huy, bạn Thành về quê ăn tết hết rồi, sao mình không có quê hả má?”, câu hỏi vô tư của con năm xưa khiến chị ngơ ngác. Nghĩ chờ Gạo lớn thêm chút nữa, dù là quê hương hay người cha chưa biết mặt, từ từ chị sẽ kể từng chút một. “Từ từ” là đến bao giờ, hay như câu hỏi của má “Chừng nào con về?” thì chị lại không biết trả lời sao.

Phòng bên đột ngột bật karaoke, ai đó đang hát một bản nhạc xuân “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam/ Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình”, giai điệu rộn ràng mà chị buồn muốn khóc. Hai đứa em ra Đà Nẵng học, trách chị đi như bỏ quê, bỏ xứ, ba hay ngồi lặng thinh trên cái chõng tre trước nhà, còn má tựa cửa ngóng hoài. Có bận, thằng út đột ngột vô, đứng trên sân ga nhắn cái tin trời giáng: “Em tới Sài Gòn rồi”. Chị xin nghỉ phép một ngày, lòng bời bời, quýnh quáng chạy về quỳ thụp dưới chân bà Năm: “Giúp con với”.  Gạo được gửi nhờ nhà người quen của bà. Thằng út chỉ ở vài bữa, trước khi về nhìn chị xa xót, nói mấy câu như giận lẫy: “Tiền Hai gửi, má không tiêu mô, nói chừng nào Hai về rồi sửa nhà. Làm vừa vừa thôi, tiền bạc sao so được tình thân”.

Chị nhớ những gánh rau nặng trĩu trên lưng áo bà ba bệt mồ hôi của má, những vòng xe nhọc nhằn ba đạp cả cuộc đời. Trong đó là bao nhiêu nỗi niềm, mong ước con cái lớn lên thành người, học hành đỗ đạt, có gia đình thì cưới hỏi đàng hoàng với người ta. Đâu như chị “không chồng mà chửa”, lời dị nghị vây siết, không buông. Thui thủi nuôi con một mình, chị tưởng tượng hàng trăm, mà không, chắc đến hàng ngàn cảnh dắt con về quê, xóm làng chạy ào tới ngó, má ngã khuỵu dưới đất, ba dắt xe ra đường đạp quay cuồng cho bớt bức bối, hai đứa em thở dài thườn thượt. “Bây là mẹ rồi, sao không nghĩ ba má sẽ đau lòng, trách giận bản thân đã ở ngoài rìa cái đoạn đời nhọc nhằn của con. Rồi ông bà sẽ ôm bây, ôm Gạo, khóc mừng. Mình sinh ra đâu phải để buồn lo, tủi hờn hoài hả con”, bà Năm nói vậy sau khi nghe chị kể chuyện mình, bận thằng út vô.  

Cuối tuần, mấy chị phòng bên đã lại rục rịch lo chuyện tết, bàn nhau đặt vé tàu xe nhanh kẻo cận ngày lại phải bon chen mà chưa chắc được, lãnh thưởng thì mua bánh mứt gì mang về quê làm quà, quần áo ngoài chợ giá cả sao. Trong căn phòng nhỏ,  Gạo đang chờ má trả lời “mùi quê là mùi gì” thì bà chủ ghé, chìa cho tô mứt trứng cá: “Má tau gửi vô. Hơn tám mươi tuổi vẫn đòi làm cho con cháu rứa đó”. Bà tính hỏi đôi câu, chừng như thấy chị đứng tần ngần trên bậc cửa, tay day day vạt áo “là biết rồi” đành thôi. Tiếng thở dài trượt khỏi khóe miệng người phụ nữ đã ngoài năm mươi. Bà nói bâng quơ: “Đầu hai thứ tóc mà hễ tết là tau lại thèm về với má. Ở đâu cũng qua ba bữa, nhưng nhà mình vẫn hơn con ơi”.

Nhạc xuân xập xình khắp xóm trọ. Chị qua nhà chủ trả tô sứ đựng mứt, rụt rè: “Tết này con về với má, đặng cho Gạo cảm nhận được mùi quê chớ không biết diễn tả sao, Năm ơi”. Đang lúi húi gói mấy chục phần quà, bà Năm đứng phắt dậy, siết chặt tay chị: “Ừ, bây nghĩ đúng đó, về đi con!”.

Truyện ngắn của MÂN NHI

Truyện ngắn của MÂN NHI