Cũng là chị là em

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN 22/04/2018 12:08

Từ bé, tôi, chị và Sú đã lớn lên bên nhau. Tôi bằng tuổi chị nhưng vì quan hệ họ hàng nên vẫn gọi là chị, còn Sú nhỏ hơn hai chúng tôi bốn tuổi. Chị và Sú là con chú tôi, nhưng khác mẹ, mối quan hệ hơi nhập nhằng nên khi có cả ba đứa thì bao giờ chị cũng có phần hơi khó chịu, dẫu thế, chưa bao giờ chúng tôi rời xa nhau nửa bước. Một phần vì chị ít nói, một phần vì thằng Sú lại thích chị quá rõ rệt, còn phần nữa tính tôi lại “hơi lo chuyện bao đồng” nên cứ cố hàn gắn mối quan hệ cho hai người.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Chú và mẹ chị có mối tình đẹp nhất xóm thời bấy giờ. Dù cho bà tôi luôn ngăn cản mối quan hệ hai người vì cho rằng mẹ chị không xứng với chú nhưng chưa bao giờ hai người vì những ngăn cách ấy mà vơi bớt phần nào tình cảm. Vì thế, sau bao nhiêu chông gai thì hai người cũng nên duyên chồng vợ, theo như ba tôi nói, tính từ khi hai người ấy yêu nhau chắc dễ cũng đến chục năm mới lấy được nhau. Chú luôn bảo bọc thím và thím cũng săn sóc chăm lo cho chú tròn với nghĩa tình một người vợ. Thế nhưng, người thay lòng trước lại là chú và người chọn cách ra đi lại là thím. Không ai hiểu rõ nội tình đằng sau việc đó, kể cả ba tôi, nhiều khi ông vẫn hay tiếc rẻ mà nói với tôi:

- Thím là người phụ nữ rất tốt, cho tới giờ ba vẫn không hiểu tại sao ổng lại bỏ thím ấy mà tằng tịu với người khác.

Cái người mà chú tôi tằng tịu là mẹ của Sú sau này, người mà tôi hay gọi là “ thím hai”.

Thực ra tôi chưa bao giờ gặp được “thím cả” vì sau khi sinh chị thì chú tôi ngoại tình, thím cả vì quá đau lòng nên khóc lóc bế chị qua trao tận tay mẹ tôi vì hai người vốn là bạn thân rồi lại làm dâu chung một nhà, nhờ săn sóc chị và sau khi nước mắt ngắn dài nghe đủ lời hứa hẹn thì ngay hôm sau thím ra đi, để lại mẹ tôi với đứa bé mới sinh còn đỏ hỏn trên tay. Người ta nhiều người trách thím vì con còn nhỏ quá nhưng mẹ tôi mỗi khi nhắc về thím thì chỉ ngậm ngùi:

- Chị ấy khổ lắm rồi mới bỏ con mà đi như vậy. Mất cả thanh xuân, mất cả đời người, sao có thể ngày nào cũng thấy mặt người phản bội mình để rồi chăm sóc đứa con chung cho được.

Nhưng mẹ chỉ nói khi có tôi, sau này tôi sinh ra, cả tôi và chị đều bú chung một bầu sữa mẹ cho đến ngày chú chính thức rước “thím hai” về nhà. Ngày thím hai về cũng mâm cỗ rình rang, xóm làng cũng điều tiếng thì chú bực dọc:

- Không rước về thì ai chăm sóc con Den, nó còn đỏ hỏn.

Ấy là chú đang “hợp thức hóa” việc lấy vợ mới của chú. Tôi vẫn hay nghĩ, trên đời này, lỗi là của người lớn nhưng bao giờ người chịu tổn thương cũng là những đứa trẻ. Khi chị lên bốn, trong xóm bắt đầu xôn xao ngày cho sắp nhỏ vào lớp mầm, cái hào hứng của đứa trẻ lên bốn muốn bắt đầu với một môi trường mới khác cha mẹ nó rất đặc biệt, thế nhưng năm ấy cu Sú ra đời. Nhà chú tôi không giàu có, lại nông rặt, Sú ra đời tiêu tốn của chú không biết bao nhiều là tiền, nhưng điều đặc biệt nó lại là con nối dõi, là thằng con trai mà chú đã mong mỏi biết bao nhiêu, vì thế, cái “lớp mầm” mà chị tôi mơ ước bỗng bị gạt phắt không thương tiếc. Đó là nỗi đau đầu tiên của chị, và cũng là chồi non cho việc hình thành “cái sự ghét Sú” của chị.

Khi chị vào lớp một thì vì tôi nài nỉ ba tôi quá nên ba gánh luôn tiền học để chị học chung với tôi, nhưng chú thì dường như không muốn thế nên ra quy định có đi học thì vẫn phải dành thời gian để chăm Sú vì chú thím bận ra đồng. Cái hình ảnh cô bé chút xíu đang học dở nghe tiếng em khóc lại phải bế em ra sân rồi trong tiết học cứ ê a những bài hát ru thật khẽ trở nên quá đỗi quen thuộc với lớp chúng tôi. Cứ thế, từng năm cho tới khi Sú lớn dần lên, chị vẫn luôn là người đã một tay chăm sóc nó. Còn tôi, bằng mối thân quen họ hàng và dường như con người ta trở nên tình cảm hơn khi uống chung một bầu sữa mẹ, lúc nào cũng ở bên chị đỡ đần. Sú ngày càng bám chị vì nó lầm tưởng việc chăm sóc của chị là sự yêu thương chứ không biết đó chỉ là nghĩa vụ.

Năm chúng tôi mười sáu, chị có mối tình đầu, tất nhiên là tôi biết nhưng Sú thì không, nó luôn thắc mắc sao chị không đi học chung nữa cho tới khi phát hiện điều đó. Một cậu trai mất đi người chị thân thương vì một cậu trai khác dễ sinh nông nổi, Sú đem đi nói với chú tôi chuyện đó và chị đã bị chú lôi về đánh hằn mình cho tới khi mẹ tôi nghe tiếng khóc la của chị nài chú tôi đừng đánh. Sau lần đó, Sú đã tới xin lỗi chị nhưng đáp lại chị chỉ lạnh lùng:

- Chị sẽ không bao giờ tha thứ. Ngay cả sự tồn tại của em, với chị đã là điều không thể nào tha thứ.

Tôi biết Sú tổn thương, tôi biết chị quá lời nhưng thật ra tất cả chỉ là sự dồn nén quá mức khi biết mẹ mình ra đi vì mẹ Sú, rồi bị ba bỏ rơi từ khi còn nhỏ để chăm lo cho đứa con trai nối dõi và đến bây giờ, khi mới nếm hương vị tình đầu đã vội chia xa cũng vì “đứa con trai” ấy. Cảm giác của chị, người lớn lên và ăn chung, chia sẻ tâm sự mỗi ngày cũng như ở bên chị, như tôi, rất hiểu. Nhưng tôi biết tận sâu trong thâm tâm chị, máu mủ tình thân vẫn là mối dây liên kết không thể nào xóa bỏ. Nhiều đêm, khi tôi và chị nằm cạnh nhau, chúng tôi hay nói chuyện. “Chị ghét Sú à?” “Rất”. “Thật không?” “Thật”. “Thế sao thấy nó không ăn cơm do ghét cá chị lại giành ăn hết để chú mắng tham ăn?” “Vì thích ăn”. “Nó đi chơi lại nói chú đang đi học để chú phát hiện rồi nọc chị ra đánh”. “Vì mắc công bảo không chăm em”. Chị luôn là người nói ngược lại suy nghĩ của mình.

Năm chị hai mươi, chị đỗ đại học tận phố, dù không muốn xa chị nhưng tôi cũng muốn chị đi, ở cái nhà này, chị như không tồn tại. Tất cả chỉ là một thế giới xoay quanh Sú, nên biết đâu khi chị đến vùng đất mới, con người và cả nỗ lực của chị được công nhận thì sao. Tất nhiên Sú không chấp nhận việc chị đi, nó quấn chị tới mức đòi nghỉ học để theo chị lên phố. Trái tim của một đứa trẻ luôn biết được người nào đã yêu thương mình và khao khát muốn ở bên, trái tim ấy trong trắng đến độ có thể cảm nhận được nội tâm sâu thẳm bên trong chị nó dù ngoài mặt chị ấy luôn lạnh lùng. Quyết định là của Sú nhưng người hứng chịu cơn thịnh nộ của chú lại là chị. Ngay trước khi chị đi vẫn bị chú mắng chửi vì cho rằng Sú hư như thế là tại chị, chị chỉ biết ra đi trong nước mắt và nói với Sú:

- Ngay cả lúc này, người chị không muốn nhìn thấy nhất vẫn là em.

Và thế là chị đi thật, chị đi suốt bốn năm không về nhà lấy một lần. Mọi chi phí đều tự thân chị gánh vác, thi thoảng nhớ chị quá, mẹ và tôi lại tay xách nách mang đủ đồ quê lên thăm chị. Nhưng không lần nào Sú đòi theo. Nó vẫn ghi nhớ như in mọi lời chị nói, nó không ghét chị mà nó sợ cãi lời chị làm chị ghét nó. Thế nhưng, mỗi lần chúng tôi đi nó lại dúi theo một thứ gì đó, khi là cái bánh nó ăn dở nhưng thấy ngon, khi là vài ba miếng chả giò, khi là vài thứ đồ chơi mà theo nó chị sẽ giải khuây được mang lên cho chị và dặn đừng nói chị biết. Lần nào nhận những thứ vô nghĩa ấy chị cũng khóc, chúng tôi đều biết chị đã cảm nhận tất cả rồi.

Sau bốn năm chị về, mọi thứ ở quê đều đổi khác. Nhưng ngày đầu tiên chị bước vào nhà đã thấy trận cãi vã kịch liệt giữa chú và nó. Nó quyết không đi học đại học vì muốn đi làm đỡ đần và cũng vì nó không giỏi được như chị, nó biết đâu là giới hạn của mình. Còn chú thì nhất quyết không để đứa con nối dõi của mình vô học. Thế rồi chú tức giận quá nên lao vào đánh nó, chẳng biết vì gì, gần như là phản xạ, chỉ còn nghe tiếng “bốp” rõ to, vài giọt máu chảy ra nơi khóe miệng, chị ngã sập nơi bậu cửa, chị đỡ cái tát trời đánh của chú giùm nó, còn nó lại bỏ chạy, không quên ngoái lại nhìn chị đầy lo lắng và xấu hổ. “Sao lại đỡ giùm?” - tôi hốt hoảng. “Chẳng biết, không muốn thấy nó bị đánh”.

Thế rồi Sú bỏ nhà đi thật. Nó bặt vô âm tín suốt mấy ngày, những ngày đầu tôi còn liên lạc được bảo nó về. “Sợ ba hả?”. “Không, vì xấu hổ với chị, vì tại em mà chị bị đánh”. Tôi chỉ biết câm lặng, tình cảm con người thật khó hiểu. Những ngày sau chắc điện thoại hết pin, tôi bặt tin. Chị lo lắng sốt vó “Nó đang ở đâu. Nhỏ lớn có bao giờ tự làm gì đâu. Ở ngoài ai nấu cơm cho ăn... Rồi ngủ sao?...”, rồi chị đi khắp làng trên ngõ dưới tìm. Rồi chị sinh bệnh, nghe tin chị bệnh nó mới mò về, nước mắt như mưa:

- Em biết chị không muốn thấy em… Nhưng em lo chị quá, chị đừng bệnh nhé!

- Gì mà không muốn thấy, là chị là em với nhau, giận thì chị nói thế thôi, chứ em là em trai chị mà.

Rồi hai đứa ôm nhau khóc như mưa, chú ngồi trên cái chõng tre rít khẽ điếu thuốc lào, nhả những vầng khói như đã nghiệm ra một điều gì đó. Chú lục tục xuống bếp nấu nồi cháo loãng mang lên cho chị…

Con người ta, đôi khi họ không hiểu rõ tình cảm của chính mình để rồi trong những giây phút thiêng liêng nhất, họ nhận ra thứ tình cảm mà bấy lâu mình chối bỏ vẫn luôn hiện diện, chỉ là họ bị những nỗi đau của quá khứ che mờ mắt mà thôi. Khi chị hết bệnh, nó vẫn hay theo chị hỏi:

- Chị học cao như vậy, em lại không học đại học có sao không chị?

- Có học hay không đó là quyết định của em, cuộc đời của em do em lựa chọn, nếu em thấy ngừng học và thấy một cuộc sống tốt hơn cho mình thì hãy nắm bắt nó. Chị là chị của em chứ không phải người quyết định cuộc đời thay em, quan trọng là quyết định gì cũng hãy nghĩ suy thật kỹ nhé.

Nó cười mừng rỡ và lấm lét nhìn sang chú. Chú cũng gật đầu và quay đi hướng khác. Có lẽ chú đã nhận ra nhiều thứ, mà chính tay chú đã vì sai lầm ích kỷ của mình mà đánh mất, và hai đứa con của chú đã tìm lại giúp chú. Là “tình chị em”.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN