Hai quãng sông trống vắng

TƯỜNG LINH 21/01/2018 14:30

Quãng sông Thu Bồn chảy song song bờ làng tôi non ba cây số. Đầu trên quãng sông là cuối gành Đá Bạc, đầu dưới ngay khúc quẹo của núi Hòn Ngang. Nhìn thì thấy như quãng sông bị bít hai đầu nhưng dòng nước vẫn bình lưu.

Tại đầu quãng sông, bao năm qua có chiếc ghe mui của ông bà Thìn đậu cheo leo thường trực cạnh đầu gành đá Bạc. Chiếc ghe đơn độc không chung với vạn ghe giữa làng và bến đò, bến chợ. Chiếc ghe là “nhà” của một gia đình gồm ông Thìn đã già và người con gái đầu là chị Bống cùng hai em là anh Hiền và anh Từ. Bà Thìn đã mất từ lâu.

Ghe không đủ chỗ cho bốn người ở nên họ làm thêm một lều nhỏ trên khoảnh đất hẹp bên trên chỗ ghe đậu. Ban đêm, họ nhường khoang ghe cho chị Bống, ba cha con ngủ trên lều. Gặp cơn lụt, họ dỡ căn lều xếp tạm vào chỗ đất cao; nước lụt giựt cạn thì họ cất lều trở lại.

Gia đình ông Thìn sống bằng nghề bủa câu. Họ rành đoạn sông nào có loại cá nào chủ yếu. Họ bủa câu dọc gần mé bờ và bủa ngang sông. Sáng ra, ghe ghé bến chợ để chị Bống đem cá lên chợ bán lấy tiền mua gạo và các nhu yếu phẩm.

Để có mồi bủa câu hàng đêm, anh Hiền và anh Từ ban ngày phải vác cuốc lên các vườn gần sông để xin đào trùn. Lắm chủ vườn không cho, riêng vườn nhà tôi thì hai anh đào thoải mái.

Tôi thích câu cá nên thường ra vườn trò chuyện với hai anh. Gặp trưa nắng, tôi bảo hai anh nghỉ tay, vào hiên nhà nghỉ mát. Tôi đem nước chè ra mời họ giải khát. Có bữa, mẹ tôi đem khoai luộc, mít chín cho hai anh ăn.

Tôi thích họ và họ cũng mến tôi.

Năm sau, chị Bống có chồng. Vợ chồng chị không sống và theo nghề sông nước vì chồng chị Bống ở tuốt bên kia đèo Le.

Ba tháng sau, ông Thìn từ trần.

Chiếc ghe mui cũ kỹ đậu cố định đơn độc tại đầu gành Đá Bạc chỉ còn lại hai anh em Hiền, Từ. Chị Bống theo chồng, anh Hiền và anh Từ phải thay nhau đem cá lên chợ bán mỗi sáng.

Học xong bậc tiểu học, tôi ra Huế học trường Khải Định (sau đổi tên là Quốc học). Dịp nghỉ hè, tết, tôi về nhà và được gặp hai anh Hiền, Từ. Hè năm học cuối của tôi, anh Hiền cho biết anh đã hứa hôn với chị Hường ở xóm vạn ghe, sang năm sẽ làm lễ cưới.

Nhưng oái oăm thay, mùa đông năm ấy quê tôi bị một trận lụt lớn. Dịp nghỉ tết tôi về, nhiều người than thở về trận lụt ấy. Tôi hỏi mẹ tôi về anh Hiền, anh Từ. Mẹ nói sau trận lụt không thấy họ lên vườn đào trùn. Tôi hỏi người xóm vạn ghe họ mới sực nhớ ra không thấy hai anh bủa câu nữa.

Tôi đi lên đầu gành Đá Bạc cũng không thấy chiếc ghe mui của hai anh. Khoảnh đất nhỏ để gia đình họ làm trại không còn gì nữa cả. Cây gáo già ở đó còn nhiều rác rều do nước lụt vướng lại nơi hai phần ba cây, chứng tỏ trận lụt vừa qua rất lớn.

Xóm tôi có cụ Ba Trì được bà con gọi là “nhà thông thái” vì cụ đoán, luận nhiều sự kiện đều đúng. Tôi đem vụ “mất tích” của hai anh Hiền, Từ hỏi cụ. Ông suy nghĩ hồi lâu rồi nói với tôi:

- Hai thằng này không chết đâu vì tụi hắn bơi lội rất giỏi, nhưng vì lụt lớn, nước xoáy, nước trôi dữ nên hai đứa tấp khá xa tại đâu đó ở hạ lưu. Chiếc ghe của hai đứa quá cũ, có thể là bị gãy mái chèo hay đứt dây quai chèo. Bị một trong hai rủi ro ấy sẽ lâm tai họa, ghe trôi mạnh sẽ đập vào vách đá bên sông tan tành.

Lời cụ Ba Trì khiến tôi hơi yên lòng. Sáng nào, chiều nào tôi cũng ra bờ sông nhìn trên, nhìn dưới. Quãng sông vẫn sinh động với đò dọc, đò ngang, với những chiếc ghe lớn có buồm phồng căng gió nam buổi sáng, gió nồm buổi chiều xuôi ngược trên sông… Tuy nhiên, những hình ảnh ấy tôi không cố ý tìm thấy mà chỉ mong thấy lại chiếc ghe mui cũ kỹ đang bủa câu tại một đoạn sông nào đó.

Vì thế, với tôi, quãng sông quen thuộc này trở thành trống vắng nao lòng.

Tôi vào Sài Gòn ở nhà cậu mợ tôi để học tiếp. Lạ cảnh, lạ người, mỗi sáng Chủ nhật không biết đi đâu, tôi chỉ ra bờ sông Sài Gòn ăn kem cây, ngắm cảnh. Sáng nọ, tôi bất ngờ thấy một chiếc ghe bầu đậu sát bờ kè xi măng. Ghe bầu là loại ghe khá to tôi từng thấy ở Hội An, Cửa Đại.

Hình dáng rặt Quảng Nam của chiếc ghe bầu ở đây trông hoàn toàn dị biệt với vô số phương tiện thủy tại bến sông đông đúc, nhộn nhịp nhất nước.

Càng bất ngờ là từ trong khoang ghe bầu có tiếng người kêu giật giọng tên tôi và người ấy vội vã bước ra.

- Anh Hiền!

Tôi gọi lớn. Đúng là anh Hiền. Anh chạy nhanh lên bờ, ôm chặt lấy tôi quay mấy vòng và gọi mãi tên tôi. Rồi một người nữa rời ghe bầu chạy lên. Đó là anh Từ. Hai anh dìu tôi xuống ghe. Khoang ghe bầu thật rộng. Người cao lớn như anh Hiền mà đứng thẳng đầu còn xa mới chạm trần.

Hai anh rối rít hỏi tôi về trận lụt mùa đông năm qua tại quê nhà, về việc tôi vào Sài Gòn học. Rồi anh Hiền thuật rõ trường hợp hai anh “mất tích” từ trận lụt ấy. Anh Từ chỉ ngồi cười.

- Lúc đầu - lời anh Hiền - ai cũng tưởng chỉ là trận lụt lòng sông, nào ngờ tối nửa đêm thì nước từ nguồn đổ về dữ dội. Ghe chúng tôi vừa cắm sào, vừa buộc dây vào gốc cây nơi đầu gành Đá Bạc vẫn bị nước bứt cả hai. Hoảng quá, tôi chèo lái, Từ chèo mũi cố tấp ghe vào bờ dù nó đã trôi khá xa. Rủi thay, quai chèo lái của tôi bị đứt, mái chèo vô hiệu, chèo mũi cũng chẳng thay đổi được tình thế. Ghe trôi tự do phăng phăng giữa biển nước mênh mông. Đêm mưa, tối mịt. Rủi hơn nữa là chiếc ghe bị nước xô đập mạnh vào gành đá núi Hòn Ngang phía cuối làng. Nửa phần ghe phía mui đứt rời ra, trôi mất. Phần dưới bằng gỗ lật úp chỉ trôi chứ không chìm, tôi và Từ bám vào nó để… trôi. Tôi hét lớn bảo Từ cùng bơi vào bờ phía bên phải hiện lờ mờ trong đêm mưa. Như một duyên may lớn dun dủi, chúng tôi tấp vào gần chiếc ghe bầu đang đậu, là chiếc ghe này. Người đàn ông trung niên trên ghe, sau tôi biết ông là chủ ghe đưa áo quần cho anh em tôi thay. Ông bảo anh giúp việc lấy cơm cho chúng tôi ăn vì theo ông người bị lạnh mà đói nữa dễ nguy lắm.

Khi nghe rõ hoàn cảnh chúng tôi, ông chủ ghe nói:

- Ghe bầu phải cần hai người chèo mũi nhưng hai cậu ấy vừa xin nghỉ vì mẹ họ đau nặng. Vậy hai em có thể theo giúp tôi không?

Anh em tôi nhận lời.

Anh Hiền đứng lên chỉ cho tôi xem rất nhiều hàng hóa chất đầy hai bên hông ghe và nói:

- Đây là hàng sắp đem lên bán sỉ tại Nam Vang thủ đô nước Cao Miên. Có những can nước mắm Nam Ô và nhiều “cây” lụa, tuýt xo, đũi tơ tằm của Quảng Nam mình. Bao nhiêu hàng qua đó cũng bán hết, lời khẳm.

Tôi hỏi:

- Mỗi chuyến đi Nam Vang bao nhiêu ngày và hai anh được hưởng gì?

- Đi, về mất cả tháng. Tôi và Từ đi được hai chuyến, đây là hàng lo cho chuyến thứ ba. Hai anh em tôi và anh giúp việc được hưởng hai mươi tám đồng mỗi tháng. Sau mỗi chuyến đi xa về, ông chủ còn thưởng thêm. (*)

Anh Từ khoe:

- Hai anh em tôi để dành được một trăm, đợi kha khá và gặp lúc không có chuyến đi xa, chúng tôi sẽ xin ông chủ nghỉ mấy ngày để về thăm làng dù ở đó anh em tôi không còn gì cả.

Anh Hiền tiếp lời em:

- Và cũng để tôi thưa chuyện về lễ cưới của Hường và tôi. Cũng dành dụm để gửi cho chị Bống chút đỉnh vì hồi đám cưới chị, gia đình không cho chị được đồng nào.

Tôi hỏi anh Hiền:

- Ông chủ ghe đâu rồi?

- Ông và anh giúp việc vô Chợ Lớn mua thêm mấy món hàng để trưa nay đi tiếp qua Nam Vang.

- Những lần sau em làm sao gặp được hai anh?

Anh Hiền có vẻ tư lự:

- Lâu lâu ghe này mới ghé đây nhưng không nhất định vào chủ nhật. Vậy thì em cứ nhắm nhắm tới đây để may ra chúng ta được gặp nhau. Nhớ nhé!

Ba anh em bùi ngùi chia tay, người nào cũng rơm rớm nước mắt.

Tôi chỉ được đi chơi Chủ nhật. Sau hôm ấy, sáng, chiều chủ nhật nào tôi cũng đến bến sông Sài Gòn mong gặp chiếc ghe bầu hình dáng rặt Quảng Nam giữa vô số các loại xuồng, ghe, ca nô, sà lan, tàu thủy tại đây.

Tôi lại có thêm một quãng sông trống vắng.

TƯỜNG LINH
(*) Đây là tiền Đông Dương gần cuối thời Tây cai trị nước ta. Nhớ hồi học tại Huế, tiền nhà trọ, tiền cơm nước mỗi tháng tôi chỉ trả bảy đồng.

TƯỜNG LINH