Vòng xoay nghề nghiệp
Chưa bao giờ Dũng rơi vào cảm giác đau khổ và hụt hẫng như lúc này (cảm giác không thua gì người thân mất và có khi hơn cả lúc chia tay người yêu) khi mà vừa bị cơ quan đình chỉ công tác, công an mời làm việc, hội đồng chuyên môn bắt yêu cầu viết biên bản giải trình, người nhà bệnh nhân cố truy tìm, trên báo chí lúc nào cũng tràn ngập thông tin. Dũng muốn chạy trốn tất cả để cố quên chuyện vừa xảy ra nhưng những câu hỏi vì sao cứ văng vẳng bên tai trong từng câu hỏi của lãnh đạo, của cán bộ điều tra và cả ngay trong đầu (kể cả trong giấc ngủ cũng không thoát khỏi).
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Người đàn ông 60 tuổi nhập viện cách đây hai ngày với triệu chứng đau bụng dưới, sau khi thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh, Dũng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp, chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa gấp nếu không sẽ vỡ gây nguy hiểm. Đối với Dũng, ca mổ ruột thừa là chuyện quá bình thường với một bác sĩ chuyên khoa ngoại có ba năm kinh nghiệm. Từ ngày ra trường đến nay, dù là bác sĩ trẻ nhưng với trình độ chuyên môn tốt (Dũng tốt nghiệp đại học y khoa loại xuất sắc) được tuyển dụng đặc cách vào một bệnh viện có tiếng tại TP.Hồ Chí Minh, Dũng đã tham gia thực hiện hàng trăm ca mổ khó, giành lại sự sống rất nhiều bệnh nhân khi cái chết cận kề.
Kíp mổ ruột thừa diễn ra một cách bình thường như những ca mổ khác nhưng không hiểu sao sau khi xong việc, bệnh nhân vừa được chuyển qua khoa hồi sức thì có dấu hiệu rối loạn thân nhiệt, co giật, tình trạng sức khỏe diễn biến xấu và tử vong ngay sau đó mặc dù bệnh viện liên tiếp điều thêm một số bác sĩ có kinh nghiệm đến cùng hỗ trợ cấp cứu. Cái chết của bệnh nhân khiến người nhà vây quanh bệnh viện gây áp lực đòi trả lời nguyên nhân và truy tìm bác sĩ thực hiện ca mổ để xử vì tội tắc trách. Dũng phải trốn chui, trốn nhủi trong lúc lãnh đạo bệnh viện ra mặt giải quyết và thỏa thuận với người nhà bệnh nhân xấu số để cơ quan chuyên môn khám nghiệm tìm kết luận và động viên họ đưa thi thể về nhà an táng. Những ngày đối mặt với sự sợ hãi và căng thẳng cũng như viết, trả lời các giải trình đã khiến Dũng gầy xọp đi nhiều, sự tinh anh và nụ cười đầy ấm áp thường thấy của Dũng như mất hẳn trên khuôn mặt.
Căn phòng chung cư lặng im, buồn bã đón Dũng trở về sau mấy ngày ở lại trong bệnh viện (Dũng chưa có gia đình và ở một mình). Cả không gian và thời gian như cô đặc lại trong những ngày bị đình chỉ công tác chờ kết luận của cơ quan điều tra và hội đồng chuyên môn. Những thanh âm huýt sáo hay hát một mình khi xong một ngày vất vả làm việc của Dũng cũng tắt lịm. Facebook, điện thoại, Dũng cắt đứt hết như sự trốn chạy khỏi những lời hỏi thăm của bạn bè, đồng nghiệp.
Bước chân nặng nề của Dũng khi quay lại bệnh viện theo lịch hẹn của lãnh đạo để nghe kết luận nguyên nhân của hội đồng chuyên môn và cơ quan điều tra chẳng khác gì lúc anh tiễn người cha về nơi an nghỉ cuối cùng sau những ngày bạo bệnh, đánh đổi sức khỏe để có tiền cho Dũng được đến trường. Thở phào nhẹ nhõm khi mà hội đồng và các cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân gây nên cái chết của bệnh nhân là do viêm cơ tim cấp, biến chứng sốc tim, nhồi máu cơ tim thứ phát hậu phẫu mổ ruột thừa đồng thời người nhà bệnh nhân chấp nhận bãi nại và chịu nhận đền bù một khoản tiền. Hội đồng kỷ luật khiển trách Dũng vì không thận trọng xem xét toàn diện lịch sử bệnh của bệnh nhân cũng như làm các xét nghiệm khác trước khi chỉ định mổ. Dũng không được xét nâng lương và buộc phải đền bù năm mươi phần trăm số tiền cùng với bệnh viện trả cho người nhà bệnh nhân để họ rút đơn bãi nại, không dây dưa kiện tụng.
Sẵn chuyện không hay xảy ra, Dũng xin nghỉ phép nửa tháng để về quê thăm gia đình cho khuây khỏa tâm hồn và suy ngẫm thêm về công việc thời gian qua. Chuyến tàu lặng lẽ đưa Dũng về với mảnh đất miền Trung nắng gió, nơi đầy những khó khăn của một miền quê trung du nghèo đã khiến Dũng phải cố gắng nỗ lực hết mình để trúng tuyển vào đại học y khoa, trở thành bác sĩ như mơ ước. Bây giờ Dũng mới thấm thía lời của cha nhắc ngày xưa “làm bác sĩ là cứu người nhưng cũng có khi vô tình giết người, con hãy suy nghĩ trước khi chọn thi”. Nhưng trước sức khỏe suy yếu vì căn bệnh kinh niên của cha, Dũng lại càng quyết tâm muốn trở thành bác sĩ để có một ngày nào đó sẽ có điều kiện chữa bệnh cho cha mình. Và có khi vì Dũng trúng tuyển vào đại học y khoa mà ông đã phải cố gắng làm lụng để rồi kiệt sức hơn và ra đi mãi mãi trước khi còn một năm nữa là Dũng ra trường trở thành bác sĩ chính thức. Miên man với dòng suy nghĩ, Dũng lại càng buồn hơn bởi có khi nếu không vào ngành y mà hồi đó theo học sư phạm theo ý cha cho gần nhà, lại ít tốn chi phí gia đình có khi giờ này cha vẫn còn sống,…
Tiếng đoàn tàu cứ rì rầm, băng qua những cung đường làng quê, núi non trong đêm trăng ảo diệu, lung linh khiến khung cảnh hiện ra một vẻ đẹp thanh bình nhưng cũng ảm đạm. Dũng muốn ngủ một giấc thật sâu để quên đi mọi việc nhưng ám ảnh những chuyện vừa qua khiến Dũng mơ hồ, chập chờn đôi khi giật mình thảng thốt. Mỗi khi thức giấc Dũng lại băn khoăn là chưa thể đến thắp nhang cho người bệnh xấu số của mình vì mọi chuyện còn căng thẳng, không biết hậu quả sẽ như thế nào nếu như có mặt tại gia đình họ. Dũng tự nhủ, chắc sau chuyến nghỉ phép này, chờ mọi chuyện lắng xuống Dũng sẽ đến gia đình bệnh nhân thắp nén nhang cho cụ ông và xin lỗi. Giữa những đan xen suy nghĩ chợt nghe ồn ào, mọi người trong toa tàu nháo nhác khi một phụ nữ mang thai đau quằn quại như đang muốn chuyển dạ. Lập tức tổ quản lý tàu cùng những hành khách đã đưa người phụ nữ về toa số 5 còn trống chỗ để tổ chức cấp cứu. Loa trên tàu phát đi thông báo hành khách nào có chuyên môn y tế đến toa số 5 trợ giúp. Như một phản xạ Dũng bật dậy chạy ngay đến toa tàu đang có những con người nhốn nháo, vội vàng. Sau khi giới thiệu vài câu, Dũng được phép bước vào toa tàu và có lẽ trên chuyến tàu này cũng chỉ mình Dũng là người có chuyên môn y tế. Dũng bình tĩnh kiểm tra mạch đập, mở hộp thiết bị y tế của đoàn tàu đo huyết áp và thực hiện thăm khám. Bằng con mắt nghề nghiệp, Dũng nhận thấy người phụ nữ này đang trở dạ sinh nhưng có dấu hiệu tụt huyết áp vã mồ hôi, đỏ mặt, mạch nhanh và yếu, thở nông, da tái nhợt, có dấu hiệu sẽ ngất xỉu. Trưởng tàu đã điện báo về điều độ trung tâm để xin dừng lại ga gần nhất nhưng cũng hơn một tiếng rưỡi nữa mới đến và đề nghị chuẩn bị xe cấp cứu sẵn tại ga để đưa khách đi bệnh viện cấp cứu. Thời gian không còn nhiều, nếu chần chừ và không hỗ trợ để người phụ nữ này sinh con ngay trên tàu thì rất nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Dũng thống nhất với nhân viên trên tàu cùng nhau chuẩn bị mọi phương tiện có thể để giúp sản phụ này vượt cạn. Bằng sự thành thạo, động tác nhanh chóng Dũng vừa hỗ trợ đỡ sinh vừa hỗ trợ sức khỏe người phụ nữ đảm bảo ổn định. Suốt một giờ đồng hồ đánh vật, cuối cùng người phụ nữ đã sinh được bé gái kháu khỉnh, hai mẹ con đảm bảo an toàn. Người thân cùng các hành khách, nhân viên trên toa tàu ai cũng hoan hô, xem Dũng như người hùng đêm nay. Khi tàu vừa đến ga, xe cấp cứu đợi sẵn và nhân viên, người thân nhanh chóng đưa người phụ nữ đến bệnh viện. Lúc này Dũng đang ở trong nhà vệ sinh để vệ sinh cá nhân, thay quần áo nên không kịp tiễn mẹ con và người thân của người phụ nữ mà anh chưa kịp biết tên xuống xe. Nhìn qua ô cửa toa tàu, chiếc đèn chớp đỏ của xe cấp cứu chạy xa dần và khuất hẳn trong đêm tối khiến lòng Dũng dâng trào một cảm xúc bồi hồi. Dũng quay về ghế nằm, ngủ một giấc thật sâu cho đến sáng mai khi tàu vừa chuẩn bị đến ga cuối cùng (mấy ngày rồi Dũng mới có được một giấc ngủ ngon). Bước xuống tàu, nhân viên gặp hỏi đơn vị công tác của Dũng nhưng anh đã từ chối tiết lộ và lặng lẽ hòa vào dòng người đông đúc ở ga trong ánh mắt nuối tiếc và ngưỡng mộ của nhiều người.
Con đường về nhà đầy gập ghềnh không khác gì những chuyện vừa xảy ra đối với Dũng, nhưng dẫu sao đây cũng là chốn bình an nhất. Đang ngồi trên xe khách chợt số điện thoại của giám đốc bệnh viện gọi đến, Dũng chần chừ không muốn nghe, cuộc gọi kết thúc. Chưa đầy mười giây sau vẫn số điện thoại giám đốc gọi lần thứ hai cho Dũng, anh bắt máy:
- Dạ em xin nghe!
- Cậu về đến nhà chưa?
- Dạ còn hơn một tiếng đi xe nữa.
- Tốt! Cậu giữ sức khỏe, nghỉ phép vui vẻ nhé. Tôi mới nhận được điện thoại của tổng công ty đường sắt biểu dương cậu có hành động giúp đỡ bệnh nhân đêm qua vượt qua nguy hiểm tính mạng. Họ tra cứu tên cậu và tìm ra được địa chỉ bệnh viện nên gọi điện đến báo. Người nhà sản phụ cũng muốn cảm ơn đang nhờ bên công ty đường sắt tìm địa chỉ làm việc của cậu. Thôi thế tốt rồi, nghề y của mình là vậy. Cậu nghỉ phép vui vẻ và sớm quay lại bệnh viện làm việc nghe, có gì hội đồng sẽ xem xét lại hình thức kỷ luật cậu.
Tắt máy rồi, một cảm giác nhẹ nhàng, tươi mới chạy khắp người Dũng. Nói như giám đốc, hay cha của Dũng trước đây, nghề y là vậy, cứu người đó nhưng có khi vô tình gây chết người cũng ở đó. Cái vòng luẩn quẩn sinh tử mà mình được trao quyền trong tay nhưng đôi khi không thể nào định đoạt hết được. Xuống xe khách, Dũng đón nhận những luồng gió trong lành mát rượi nơi quê nhà như hồi sinh sức sống sau chặng đường mệt mỏi.
VĂN THI HOÀNG