Bay đi chim ơi!

NGUYỄN TAM MỸ 17/09/2017 08:58

- Tuýt! Tuýt! Ch’ruýt tuýt tuýt…

Không đợi tiếng huýt sáo vang lên như thường lệ, thấy bọn trẻ xúm lại dòm ngó, con cà cưỡng đứng trên thanh gỗ bắc ngang trong chiếc lồng tre nghiêng đầu chào bằng một chuỗi âm thanh vui nhộn. Thằng Kít cười khoái chí. Thằng Đô hỏi: “Sắp tới bọn mình thả nó ra hay là tiếp tục nuôi?”. Thằng Tum nói: “Nuôi thì phải nhốt nó lại. Như thế có khác chi giam nó trong lồng? Mà thả nó ra kể cũng tiếc thật. Nó hót hay quá!”. Thằng Kít khẽ thở dài: “Biết vậy, nhưng đây là con chim trống, dưới viền mắt nó có một vệt lông vàng như nghệ trông đẹp mê tơi. Thả nó về Gò Mè để nó đánh đuổi loài tu hú độc ác. Bọn mình đã thống nhất với nhau rồi cơ mà!”. Thằng Tum và thằng Đô cùng cười: “Ừ há!”.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Con cà cưỡng được bọn trẻ tình cờ nhặt được vào một buổi chiều cuối xuân. Hôm đó, thằng Kít, thằng Đô và thằng Tum lên Gò Mè rồi men theo sườn đồi xuống dưới thung sâu tìm hái trái gắm. Còn non. Độ hơn một tháng nữa mới chín. Cả ba tiu nghỉu quay về. Khi ngang qua cây rõi cổ thụ cành lá sum sê, bọn trẻ ghé lại ngồi nghỉ chân. Thằng Tum chợt nghe thấy có tiếng kêu “ruýt… ruýt…” ở đâu đó rất gần. Thằng Đô dáo dác nhìn quanh, phát hiện tổ chim trên nhánh cây gai găng trước mặt. Cả ba xúm lại dòm ngó. Và thằng Kít nhặt được con chim non bị rơi khỏi tổ nằm trên mớ lá khô cố kêu cha gọi mẹ bằng tiếng kêu yếu ớt: “Ruýt! Ruýt!”. Không đứa nào biết đó là con chim gì vì nó còn đỏ hỏn, chỉ có ít lông tơ phủ che thân thể. Cây gai găng đầy gai nhọn, lại cao hơn nửa cây sào dài, cả ba không thể thả con chim non tội nghiệp trở lại tổ. “Làm sao bây giờ?”. Thằng Đô hỏi. “Đem nó về nuôi chung. Khi nào nó đủ lông đủ cánh, khôn lớn trưởng thành, hẵng thả nó ra”. Thằng Tum bảo. “Ừ há! Nhà tao có chiếc lồng tre xinh xắn bỏ không…”. Thằng Kít nói.

Với thức ăn được bọn trẻ bón đút hằng ngày là những hạt gạo nhai sống, những con cào cào, những con cá cấn…, con chim non lớn nhanh như thổi. Lớp lông tơ đã được thay thế bằng lớp lông vũ. Ức và bụng màu trắng ngà. Hai cánh và đuôi màu đen. Chiếc mỏ chuyển từ hồng nhạt sang xám nâu. Đôi chân bé như que tăm từ chỗ xám bạc đổi qua xám mốc. Thoạt trông nó không khác gì con sáo sậu nhưng nhìn lâu nó lại có hình dáng từa tựa con chìa vôi. Con chim non trở thành đề tài cho bọn trẻ gân cổ lên cãi nhau bất phân thắng bại. “Đợi nó lớn thêm chút nữa, biết ngay đấy là chim gì!”. Thằng Đô bảo. “Nói thế thì nói làm chi!”. Thằng Tum không đồng ý. “Thôi thì khi nào xách lồng đi bắt cào cào cho nó ăn, nhân tiện đem tới nhà ông Hai Trường hỏi, khắc rõ!”. Thằng Kít dàn hòa. “Ừ há!”. Cả ba nhất trí. Ông Hai Trường là người am hiểu tường tận các loài chim rừng ở làng Lâm Bình. Bởi ông từng có một thời sống bằng nghề bẫy chim đem bán cho những kẻ ở phố thích nuôi chim. Bây giờ ông đã giải nghệ vì nhận ra quê kiểng ngày càng vắng vẻ tiếng chim, lỗi một phần do ông.

Bóng nắng đã dịch chuyển ra cuối sân, chạm tới đầu ngõ.

Thằng Đô ngó cánh đồng làng đã chuyển sang màu vàng nhạt. Còn non tháng nữa là đến mùa gặt. “Không sớm mà cũng chẳng muộn. Chừ ra bờ ruộng dạo bắt cào cào cho con chim gì đấy là hợp lý”. Nghĩ vậy, hắn xin phép nội đi chơi rồi chạy vù sang nhà thằng Tum để rủ hắn tới nhà thằng Kít. Không ngờ thằng Tum cũng nhìn bóng nắng, chuẩn bị xỏ dép định qua nhà thằng Đô. Hai đứa vừa trò chuyện với nhau vừa đi tới nhà thằng Kít. Cả ba xách lồng nuôi nhốt con chim gì đấy ra cánh đồng làng. Thằng Kít bắt được con cào cào nào là vặt cánh vặt chân cho chim ăn. Còn thằng Đô và thằng Tum bứt cọng cỏ đuôi chồn xỏ xâu những con cào cào chộp được để dành cho con chim gì đấy ăn dần. Nó ăn rất khỏe. Đút mồi bao nhiêu nó xơi bấy nhiêu. Thằng Kít vớ được con nhái bén to bằng ngón tay út người lớn. Hắn lén thằng Tum và thằng Đô cho nó ăn thử. Nó ngoác cái mồm rộng ra nuốt gọn. “Được hai xâu đầy cào cào rồi! - Thằng Tum và thằng Đô cùng toét miệng cười nói - Thôi, tới hỏi ông Hai Trường, nó là con chim gì?”. “Nhất trí!”. Thằng Kít gật đầu.

Con Đốm Nâu cất tiếng sủa gâu gâu. Đang ngồi trước hiên nhà vót nan đan rế, thấy bọn trẻ e ngại con chó không dám bước vào sân, ông Hai Trường hắng giọng. Hiểu ý chủ, con Đốm Nâu lại gốc cây vú sữa nằm gác mõm lên hai chân trước lim dim như ngủ.

- Mấy chú nhóc đến chơi à? - Ông Hai Trường cười hỏi.

- Ông ơi! Con chim này là con chim gì, hả ông?

- Nó vừa giống sáo sậu lại vừa từa tựa chìa vôi…

Bọn trẻ nói liến thoắng. Thằng Kít xách chiếc lồng đặt trước mặt ông Hai Trường. Ông ngắm nhìn và hỏi: “Mấy chú nhóc bắt được nó ở đâu vậy?”. Bọn trẻ kể lại mọi chuyện. “Đây là con cà cưỡng. Cà cưỡng nuôi con tu hú…” - Ông Hai Trường túc tắc giảng giải. Bọn trẻ ngớ người. Tại sao cà cưỡng lại nuôi con tu hú? “Mấy chú nhóc đã trông thấy chim tu hú chưa?” - Vừa vót nan, ông Hai Trường vừa hỏi. “Dạ, chưa! Bọn cháu chỉ nghe tu hu kêu vào lúc giao mùa giữa xuân và hạ, chứ chưa nhìn thấy nó bao giờ!” - Thằng Kít nói. “Mà ông ơi! Người ta bảo “tu hú cá chuồn” nghĩa là sao, hả ông?” - Thằng Đô hỏi. Ông Hai Trường nhìn bọn trẻ cười. Rồi ông cho hay, cuối xuân đầu hạ là khoảng thời gian chim tu hú vào mùa giao phối, tìm kiếm bạn tình, kêu vang núi đồi. Đấy cũng là lúc trời yên biển lặng, ngư dân miền biển vươn khơi đánh bắt cá chuồn đem lên nguồn bán dạo ở các làng quê. Vì thế mới có câu tu hú cá chuồn… Bọn trẻ nhìn nhau thầm khâm phục sự hiểu biết của ông Hai Trường.

- Cà cưỡng nuôi con tu hú… Tại sao lại thế, hả ông? - Thằng Tum thắc mắc.

- Chắc mấy chú nhóc tò mò muốn biết lắm phải không? - Ông Hai Trường cười hỏi.

Bọn trẻ đồng thanh:

- Vâng ạ!

- Kể ra, chuyện hơi dài dòng…

Ông Hai Trường ngừng vót nan, với tay cầm ấm tích rót nước chè xanh đầy bát, uống cạn một hơi. Rồi ông nhìn bọn trẻ và thủng thẳng kể… Chim tu hú có thân hình to xấp xỉ chim cà cưỡng nhưng dáng vẻ bề ngoài lại hoàn toàn khác nhau. Chim cà cưỡng có bộ cánh khá bắt mắt: đầu trắng, cổ đen, ức trắng, cánh đen. Mí mắt dưới có vệt lông vàng như nghệ. Con trống có vệt lông ấy dài hơn con mái. Nó có giọng hót đa thanh nghe thật vui tai. Ngược lại, chim tu hú có lông đuôi dài hơn, toàn thân màu xám đen điểm những chấm trắng lốm đốm. Có tiếng kêu vang vọng khắp núi đồi nhưng nó là loài chim biết ẩn mình trong tán lá xanh um, khó phát hiện ra. Và nó cũng là loài chim gian ác nhất trong các loài chim. Thằng Kít hỏi: “Có thật vậy không, ông?”. “Im, để nghe ông kể…” - Thằng Tum khẽ nhắc. Ông Hai Trường mỉm cười độ lượng. “Ông có một thời gian dài sống bằng nghề bẫy chim. Và ông không lạ gì giống chim tu hú. Nó ma mãnh. Nó xảo trá. Nó ác độc ngay từ khi mới nở. Ông đã từng nhiều lần chứng kiến hành vi man rợ của nó…”. Ông Hai Trường khẽ thở dài. Thằng Đô mấp máy môi định hỏi gì đó nhưng thằng Kít và thằng Tum bấm nhẹ vào tay hắn ra hiệu im lặng.

Chuyên ăn các loài sâu bọ cực độc, chim tu hú trưởng thành mới có đủ khả năng đề kháng để tồn tại. Ông Hai Trường lại thủng thẳng kể. Vì thế, chim non xơi là chết. Để duy trì nòi giống, chim tu hú mái giở trò gian ác. Nó tìm kiếm tổ chim cà cưỡng. Nấp trong tán lá rình rập, đợi chờ chim cà cưỡng bay khỏi tổ, nó lẻn tới. Với chiếc mỏ sắc nhọn, nó mổ ăn một quả trứng chim cà cưỡng. Sau đó, nó đẻ một quả trứng vào tổ, thay thế. Trứng chim tu hú và trứng chim cà cưỡng khá giống nhau. Cả hai đều có màu xanh ngọc điểm những chấm xám nâu. Đâu có hay biết mọi chuyện xảy ra khi rời xa tổ, cà cưỡng cứ ngỡ đó là hai quả trứng do mình đẻ ra. Cả vợ lẫn chồng thay phiên nhau ấp. Khi trứng nở, công việc đầu tiên của tu hú non là vận dụng cơ bắp ẩy cà cưỡng non rơi khỏi tổ để độc chiếm nguồn thức ăn béo bổ do vợ chồng cà cưỡng cung cấp. Rồi một ngày đủ lông đủ cánh, nó bay đi không một lời tạm biệt. “Nó giết cà cưỡng non. Nó vắt kiệt sức lực của cha mẹ nuôi. Nó lạnh lùng vỗ cánh bay đi khi ra ràng…”. Ông Hai Trường kết thúc câu chuyện bằng cái chép miệng thở ra.

- Con cà cưỡng mới nở mà bọn cháu tình cờ nhặt được là do con tu hú non cố ý ẩy rớt ra ngoài? - Thằng Kít ngập ngừng hỏi.

Ông Hai Trường cười:

- Đúng vậy! Và nó may mắn được mấy chú nhóc nhặt nuôi, nếu không nó làm mồi cho kiến rồi…

Mặt trời chiều đã nghiêng hẳn xuống dãy núi phía tây, cánh đồng làng thiếu nắng, tối dần. Thằng Kít, thằng Đô và thằng Tum chào ông Hai Trường, ra về. Bọn trẻ không ngờ loài chim tu hú lại là kẻ gian ác đến vậy.

Những ngày hè thoải mái vui chơi sắp sửa trôi qua. Và mùa thu đang đến gần. Nắng đã bớt chói chang gay gắt. Gió heo may thi thoảng lại quay về đùa giỡn với cây lá trong vườn. Chẳng còn bao lâu nữa, bọn trẻ sẽ tựu trường, bắt đầu một năm học mới. Con cà cưỡng cũng đã trưởng thành, đổi giọng hót líu lo suốt ngày. Thằng Tum và thằng Đô cảm thấy tiếc khi phải thả con cà cưỡng ra… Nó hót hay quá! Thằng Kít nhắc lại lời “nguyện ước” của ba đứa lúc tình cờ nhặt được nó dưới gốc cây gai găng. “Thả nó ra để nó đánh đuổi loài tu hú xấu xa và bảo vệ tổ cho chim mái. Vả lại, sắp tới bọn mình bận học hành, không chăm sóc nó được đâu!”. Thằng Kít bảo. “Thì tao với thằng Đô cũng nhất trí thôi, chỉ có điều hơi tiếc…”. Thằng Tum chống chế. “Tao cũng thế, nhưng không thể…”. Thằng Kít phân trần. “Bao giờ thả nó ra?”. Thằng Đô hỏi. “Cuối tuần này! - Thằng Kít nói - Hai đứa mày đồng ý không?”. “Sao lại không? Bọn mình cùng nhặt nó, cùng nuôi nó và cùng thả nó ra!”. Thằng Tum và thằng Đô toét miệng cười.

Giữ đúng lời hứa, cuối tuần, thằng Kít, thằng Đô và thằng Tum xách lồng chim cà cưỡng lên đồi Gò Mè. Ngày đang lên ngập tràn sắc nắng vàng tươi. Cả ba vừa cho con cà cưỡng ăn, vừa ngắm nhìn nó lần cuối. Rồi cả ba mở cửa lồng, bắt con cà cưỡng tung lên cao và nói: “Bay đi chim ơi! Hãy về với thiên nhiên, với bầu trời cao rộng, với rừng Gò Mè mênh mông cây lá…”. Con chim cà cưỡng vỗ cánh lượn một vòng và cất tiếng kêu “Tuýt! Tuýt! Ch’ruýt tuýt tuýt…” trước khi mất hút giữa rừng xanh.

NGUYỄN TAM MỸ

NGUYỄN TAM MỸ