Kẹo chewing-gum ở quê

NGUYỄN TAM MỸ 20/08/2017 10:04

Thằng Hà đứng nơi đầu ngõ đá rêu dõi mắt nhìn theo cho đến khi ba nó cùng chiếc xe máy mất hút ở khúc quanh đường làng. Lúc rời phố thị về quê nội nó háo hức bao nhiêu thì bây giờ nó lại chán ngán bấy nhiêu! Ngồi bệt trên phiến đá ở bậc ngõ, nó nghĩ ngợi lan man… Nó nhận ra mình đã sai lầm khi chọn thời điểm chớm thu để về quê nội vui chơi. “Sau một tuần, ba sẽ đón con về lại phố thị để chuẩn bị bước vào năm học mới. Suốt thời gian đó, con tha hồ tung tăng chạy nhảy với bạn bè cùng trang lứa ở xóm Chùa. Sướng nhé?”. Ba nó bảo thế. Và nó vui vẻ gật đầu.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Thằng Hà đâu có nhớ mùa vụ ở quê. Bây giờ ngồi trên phiến đá bằng phẳng kê làm bậc ngõ nhà nội, nó mới hay rằng, chớm thu ở quê chẳng có gì hấp dẫn cả! Mùa sim chín đã qua, những cây sim cao lút đầu người trên đồi Mù U, cành nhánh lúc lỉu quả chỉ còn trơ những chiếc cuống héo khô. Hoa dủ dẻ tỏa mùi thơm dịu nhẹ, bọn trẻ xóm Chùa hái làm con vụ chơi trước hiên nhà cũng đã vãn mùa. Vườn nhà nội, các loại cây trái như sầu riêng, măng cụt, thanh trà, thơm, mít, ổi… đều đã thu hoạch hết rồi, còn đâu? Nó khẽ thở dài. Và nó sực nhớ trò chơi thả diều cũng không còn nữa bởi mùa hạ đã qua...
- Ơ…! Mày về khi nào vậy, Hà? - Thằng Nâu lùa con trâu Bĩnh ngang qua ngõ nhà trông thấy bạn, mừng rỡ hỏi.

- Ừ! Tao mới về lúc nãy - Thằng Hà chạy lại nói với giọng không vui - Sang thu, ở quê chẳng có trò gì để chơi…

- Nhầm rồi, Hà ơi! - Thằng Đen dắt con bò Bầy đi tới, cười - Không tin, cứ theo bọn tao rồi mày sẽ thấy…

Lấy từ túi áo ngực một lát gì đấy vừa mỏng vừa mềm, thằng Nâu đưa cho Hà: “Mày ăn đi! Ngon lắm đó!”. Cầm “vật lạ” trên tay, thằng Hà ngơ ngác hỏi: “Cái gì thế này?”. Thằng Đen bảo: “Kẹo “chewing-gum” của trẻ con ở quê. Nhấm nháp rồi mày sẽ mê tít thò lò cho coi!”. Cả ba đứng nói chuyện với nhau, lát sau thằng Nâu và Đen mới lùa trâu dắt bò về chuồng. Thằng Hà không còn buồn xo như trước nữa. Nó co cẳng nhảy chân sáo trên từng bậc tam cấp ngõ đá rêu vào nhà. Bà nội đang ngồi nhổ cỏ ở góc sân. Nó sà lại quàng tay ôm cổ nội, cười nói: “Chiều nay, nội cho cháu đi chơi với thằng Nâu, thằng Đen, thằng Ba, thằng Bảy, con Nhỏ, con Nhỡ, con Út…”. Nội chưa kịp trả lời, nó lại liến thoắng: “Cháu hứa, cháu không lại gần mép nước  Hồ Thơ, không lội bì bõm dưới ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, không xuống suối khe có đá tảng đầy rêu bu bám trơn trợt…”. Nội nhìn nó âu yếm: “Vậy là tốt! Nhưng trưa nay cháu phải ăn thật no, ngủ cho thật đẫy giấc rồi chiều mới được đi chơi”. Nó toét miệng cười: “Yét sơ!”.

Một tuần ở quê nội, thằng Hà theo đám bạn cùng trang lứa ở xóm Chùa rong chơi khắp nơi. Lên đồi Mù U, nó mới hay rằng, đến đầu thu ở quê vẫn còn lắm loại trái cây hoang dại dành cho trẻ con. Những chùm dủ dẻ vàng ươm, quả to bằng ngón tay út người lớn, nhấm nháp ngọt lịm. Những trái bùm sụm bé như đầu mút đũa con, khi chín lại có màu mật ong, nhai nghe sựt sựt thật là vui miệng. Còn những quả bông trang lại có màu đen bóng, ăn vừa ngọt vừa bùi. “Mé đồi bên kia có rất nhiều chà là. Quả chín đen ngó y hệt con ve bu bám trên thân trâu bò”. Thằng Bảy cho hay. “Ăn được không?”. Nó hỏi. “Sao lại không? Vỏ chà là chín vừa ngọt vừa thơm”. Thằng Ba trả lời thay cho thằng Bảy. “Hai đứa mày dẫn tao đến chỗ đó đi!”. Nó bảo. “Không được đâu! Mé đồi bên kia còn có những cây gai găng, sang đấy, mày lớ quớ, chân tay bị gai cào xước, rách việc!”. Thằng Nâu cự tuyệt. Biết thằng Hà cụt hứng nhưng đám bạn cùng trang lứa ở xóm Chùa vẫn kiên quyết từ chối không chịu dẫn nó đi khám phá rừng chà là ở bên kia mé đồi Mù U.

“Từ hôm về quê chơi tới giờ, mày khoái “món nào” nhất?” - thằng Đen vừa gỡ những cục đá sẫm nâu to bằng đầu gối người lớn để tìm kiếm cái gì đó vừa hỏi. “Ý mày là sao? Tao không hiểu” - thằng Hà hỏi. “Là mày thấy loại trái cây hoang nào ngon nhất?” - thằng Đen nói. Nó nhíu mày ra chiều nghĩ ngợi rất lung. Cuối cùng, nó bảo: “Trái cây hoang, mỗi loại có một hương vị riêng, không so sánh được! Mà tao thích nhất là cái lát gì đấy, bọn mày cho tao trưa hôm nọ…”. Thằng Đen cười tít mắt: “À, kẹo “chewing-gum” của trẻ con ở quê…”. Nó thắc mắc: “Nhưng kẹo ấy làm bằng thứ gì?”. Con Nhỏ và con Út ngồi cạnh, ngạc nhiên: “Mày không biết thật hả, Hà? Khoai chín đó! Có nơi còn gọi là khoai trụng…”. Nó bán tín bán nghi: “Khoai chín? Khoai trụng? Khoai, tại sao lại ăn ngon thế? Mềm. Dai. Lại ngọt. Nhai chíp chíp thật tuyệt!”. Đám bạn cùng trang lứa ở xóm Chùa cười ồ. “Mày ghiền món đó phải không? Khi nào mày về lại phố thị, bọn tao đem cho mày một túi đầy”. Con Nhỏ nói. “Mày ở phố ít có dịp được nhai khoai trụng nên khoái. Còn bọn tao ở quê ăn hoài phát ngán!”. Con Út cười nói.

Ngồi sát bụi mua tránh nắng, thằng Hà nhìn ngắm cảnh quê lúc xế tà.

Thằng Đen, thằng Nâu, thằng Ba, thằng Bảy vẫn loay hoay gỡ đá tìm kiếm thứ gì đó. Con Nhỏ và con Út mải mê với trò chơi oẳn tù tì. “Ở quê, người ta làm thế nào để có được món khoai chín?”. Thằng Hà hỏi trống không. Con Nhỏ tròn mắt: “Ơ… Mày không biết thật à?”. Và giống như một bà cụ non, con Út kể cho nó nghe về cách thức các gia đình ở xóm Chùa chế biến kẹo “chewing-gum” cho con trẻ ở quê… Theo lời con bé Út, khoai lang có nhiều giống khác nhau nhưng chỉ có giống khoai mật làm khoai chín ngon nhất. Củ thon dài. Vỏ màu đỏ tím. Ruột vàng ươm như nghệ. Đầu tháng 3 âm lịch là đến mùa đào khoai. Chọn những củ khoai lang mật to bằng ngón chân cái người lớn trở lên đem rửa sạch đất cát, cho vào nồi nhôm bự chảng đun nấu. Khi khoai chín, đổ ra rổ sảo để nguội. Củ lớn lột vỏ. Củ nhỏ cứ để nguyên như thế. Tất cả đem xắt thành lát mỏng theo chiều dọc củ khoai rồi sắp ra nong nia phơi nắng ít hôm là khô nỏ. Cho khoai chín vào ghè sành, bẻ vài nhánh thầu đâu bỏ lên trên rồi đậy nắp lại là xong. Suốt mùa đông, khi trong vườn cũng như ngoài đồi hoang không còn các loại trái cây, lúc bấy giờ bọn trẻ ở xóm Chùa mới lấy kẹo “chewing-gum” cất trong ghè sành nhét đầy túi quần túi áo để ăn chơi cho vui miệng khi đi chăn trâu thả bò…

- Ô! Tao tóm được con dế cụ to đùng!

- Tao cũng bắt được một chú dế siêu nhân!

Thằng Đen hét toáng lên. Thằng Nâu cười khoái chí. Thằng Ba và thằng Bảy nét mặt rạng ngời. Thì ra, từ nãy đến giờ bọn chúng loay hoay gỡ đá tìm bắt dế than để chơi trò đá dế. Bọn chúng giấu thằng Hà là muốn tạo sự bất ngờ cho nó. Có được những con dế than ưng ý, bọn chúng chọn vạt đất bằng phẳng, lấy que củi xẻ một cái rãnh dài và sâu hơn đốt ngón tay làm nơi tỷ thí của những con dế than. Thằng Nâu và thằng Đen, mỗi đứa chọn một con dế than to khỏe nhất trong bọc ni lông thả xuống cái rãnh sâu. Cả bọn cùng chấu đầu lại xem khi hai con dế chuẩn bị đánh nhau. Thằng Hà dán mắt hồi hộp theo dõi. Hai con dế rung râu múa càng. Rồi cả hai cùng cất tiếng gáy vang. Tiếng gáy của con này làm con kia “ngứa gan”. Và ngược lại… Cả hai thận trọng tiến lại gần nhau. Khi khoảng cách giữa hai con còn độ một ngón tay, chúng dừng lại vỗ cánh gáy uy hiếp đối phương. Chẳng có con nào khiếp sợ cả. Và thế là chúng lao vào nhau đá. Cuộc tỷ thí giữa “dế cụ” và “dế siêu nhân” bắt đầu. Cả bọn phấn khích hò reo cổ vũ.

Hung dữ và liều mạng, hai con dế không chần chừ do dự, giáp lá cà tấn công bằng những ngón đòn hiểm hóc. Chẳng mấy chốc cả hai đều bị trọng thương. Một con gãy cánh. Một con toạc bụng. Thằng Nâu và thằng Đen bắt cả hai cho vào bao ni lông. Thằng Ba và thằng Bảy thả hai con “dế chiến” của mình xuống rãnh sâu. Chúng vờn nhau một lúc lâu rồi mới thận trọng tung những cú đá sở trường để thăm dò đối phương. Cả bọn nín thở đợi chờ. Hình như hai đối thủ biết mình biết ta, ngang sức ngang tài, vì thế cả hai… quay đầu chạy xa. Thằng Ba và thằng Bảy lấy que củi dồn ép chúng xích lại gần nhau nhưng chúng đều tìm cách tránh né. “Dế chiến cái con khỉ! Nhát như con chi chi! Thôi, nhen lửa nướng xơi…”. Thằng Nâu thất vọng nói. Cả bọn nhất trí ngay. Mỗi đứa một tay. Đống lửa nhỏ được nhen lên. Những con dế cũng được trụi bằng que tre bé xíu nướng trên lửa than đỏ rực tỏa mùi thơm quyến rũ. Con Nhỏ, con Út nhểu nước miếng vì thèm khiến cả bọn không nhịn được cười.

Lần đầu tiên trong đời nhấm nháp những con dế than chấm muối ớt xanh, thằng Hà vô cùng thích thú. Béo. Bùi. Ngọt. Thơm… Nó cảm nhận và gật gù: “Ngon tuyệt!”. Thằng Đen bảo: “Ở quê, mùa nào thức nấy. Mày về chơi lúc nào cũng có lắm trò vui”. Thằng Nâu nói thêm: “Mùa xuân: Bứt những cọng rêu trên thảm rêu chơi đá gà. Mùa hạ: Thả diều trên quai đê Hồ Thơ. Mùa thu: Bắt dế than chơi đá dế đến chán chê thì nhen lửa nướng ăn. Mùa đông: Tụm ba tụm bảy vừa nhai kẹo “chewing-gum” vừa oẳn tù tì, đứa nào thua phải đi lùa trâu bò khi mặt trời gác núi…”. Thằng Hà cười: “Thế mà tao cứ tưởng…”. Vạt nắng cuối ngày nơi sườn núi Sấu sáng bừng lên rồi tím thẫm dần. Con trâu Bĩnh và con bò Bầy dẫn đàn trâu bò đã no cỏ cành hông đủng đỉnh rời khỏi Mù U. Kiểm tra đống lửa chỉ còn mớ tàn tro ấm nóng, thằng Nâu yên tâm giục cả bọn theo những con vật nuôi xuống đồi. Con Út vừa đi vừa nghêu ngao hát bài đồng dao vui phết.

Hết tuần. Y hẹn, ba thằng Hà chạy xe máy về quê. Nó ngồi trầm tư. Ba nó cười hỏi: “Một tuần ở quê buồn lắm hả?”. Nó chưa kịp trả lời, ba nó lại nói: “Ở quê lúc nào cũng thế, yên ắng, tĩnh lặng…”. “Dạ không, ba! Ở quê vui lắm…”. Nó định kể cho ba nó nghe những trò chơi của bọn trẻ xóm Chùa khi đi chăn thả trâu bò nhưng rồi lại thôi. Bởi thằng Nâu, thằng Đen, thằng Ba, thằng Bảy, con Nhỏ, con Út… đã rồng rắn đến nhà. Con Nhỏ ôm cái bọc ni lông khá to. Cả bọn ríu rít chào bà nội và ba nó. Rồi thằng Nâu khoanh tay lễ phép thưa: “Bọn con biết hôm nay Hà về phố thị, vì thế bọn con đem bọc kẹo “chewing-gum” của con trẻ ở quê tặng Hà…”. Ba nó ngớ ra. Nó cười: “Khoai chín đó, ba!”. Ba nó cũng cười: “Thì ra là vậy! Món ấy ăn ngon lắm. Hồi nhỏ ba rất thích…”. Rồi ba nó vừa mở túi xách lôi ra cả mớ kẹo bánh vừa nói với bọn trẻ xóm Chùa: “Chú cũng có quà cho các cháu đây! Hà, con! Cầm lấy quà chia cho các bạn…”.

Bóng nắng đã dịch chuyển dần ra giữa sân. Trời đã xế chiều. Thằng Hà vòng tay qua cổ ôm hôn bà nội: “Cháu phải theo ba về lại phố thị chuẩn bị cho năm học mới. Có thời gian rỗi, cháu sẽ về với nội”. Bà nội vuốt tóc nó, gật đầu. Ngồi sau xe ba chở, nó mỉm cười thầm nghĩ: “Bọc kẹo “chewing-gum” kia đem về chia cho mấy đứa bạn ở khu phố, nhất định chúng nó thích mê tơi…”.

NGUYỄN TAM MỸ

NGUYỄN TAM MỸ