Chuyến đi cuối cùng
Dạo này sau khi quanh quẩn ngoài chuồng trại, ông Thà thường ngồi dưới gốc bưởi hồi tưởng mông lung. Ấy là khi cả cơ thể gầy gò vừa được tắm gội bằng nước giếng sâu, mát lịm. Mọi giác quan được thức tỉnh tươi mới như chưa từng già nua. Ông thấy mình bỗng biến thành đứa trẻ theo mẹ gánh gồng đi dự lễ hội Đền Hùng. Hai mẹ con ông đi từ mờ sớm khi những chú gà trống còn chưa kịp thức giấc để vươn chiếc cổ dài gáy réo gọi ban mai. Sương xuống lạnh vai áo mỏng cũng không làm vơi bớt niềm háo hức của đứa trẻ tám tuổi lần đầu được theo mẹ đi một chuyến xa. Mẹ con ông đi ngang qua những đồng lúa đòng đòng thơm ngát. Đi trên những con đường quanh co khúc khuỷu, đồi núi trập trùng. Đi vượt qua những bếp lửa hồng bập bùng hai bên đường. Nhập vào đoàn người cũng đang về trẩy hội. Trời nhập nhoạng không nhìn rõ mặt nhau chỉ nghe tiếng bước chân và giọng nói dính sương ướt sũng. Những đứa trẻ bằng tuổi ông khi đó, không biết bây giờ có khi nào ngồi nhớ chuyến đi xưa. Riêng ông thì chẳng bao giờ quên được ngày hội năm ấy. Len vào giữa đám đông xem đánh cờ người, nghe hát xoan đến quên cả chỗ mẹ ngồi bán hàng bên đôi quang gánh chứa bao loại bánh trái ngọt ngào. Ông vẫn ước ao được một lần thăm lại Đền Hùng. Quãng đường không xa mà sao chuyến đi này cứ lần khân mãi…
Ông Thà sống một mình đã nhiều năm nay. Thời trẻ ông bôn ba khắp nơi bằng những chuyến tàu. Không mảnh đất nào giữ được chân ông ở lại. Đi đến khi mỏi gối chồn chân ông lại tìm về quê cha đất tổ dựng một mái nhà nhỏ trên đồi bạch đàn kiếm kế sinh nhai. Ông trồng rừng, làm ruộng, chăn nuôi gà vịt và trồng cây ăn quả trong vườn. Nhờ đó, mảnh đất ông bà để lại vốn hoang hóa đã phủ đầy màu xanh. Mùa nào thức ấy chẳng phải lo thiếu thốn thứ gì. Ông lấy vợ, sinh được ba người con gái thì vợ chồng bỏ nhau. Cuộc hôn nhân không hề có mâu thuẫn gì lớn, chỉ đơn giản là vợ ông đã quá chán cuộc sống quanh quẩn với đồng rừng. Những người đàn bà đẹp thường không mấy ai chịu cam phận sống đơn điệu. Mà ông thì thừa biết cuộc sống rộng lớn ngoài kia không đủ bình yên nuôi dưỡng tâm hồn một người luôn đau đáu hướng tới quê hương. Thế nên ông nhận nuôi hai đứa con đầu và chấp nhận để vợ dắt theo đứa con út ra đi. Đằng đẵng những tháng năm về sau ông sống cảnh gà trống nuôi con. Những đứa trẻ lớn lên áo quần ngắn đi, sách vở nặng thêm và cơm cũng đầy lên tận miệng xoong. Đất đá sỏi bạc màu vì rễ xoan, bạch đàn hút cạn màu mỡ. Lại thêm những mùa hạn kéo dài khiến đất đai càng cằn cỗi. Cuộc mưu sinh vì thế mà nhọc nhằn thêm. Từ chàng trai vạm vỡ thuở nào chẳng mấy chốc ông đã trở nên gầy yếu. Một cơn gió mùa cũng có thể khiến xương khớp đau nhức, những cơn ho như rút cả ruột gan.
Đứa con gái đầu học xong cấp hai đi buôn thúng bán mẹt một vài năm thì lấy chồng. Ông phải bán cả đồi cây lâu năm mới đủ lo đám cưới và chút của hồi môn cho nó. Người ta đi buôn không lãi nhiều cũng gắng đủ ăn. Nó đi buôn chẳng biết đường tính toán nên ăn vào cụt gốc. Hai đứa cháu ngoại ốm đau quặt quẹo, tiền thuốc thang không biết bao nhiêu cho đủ. Thương vợ chồng nó nghèo ông lại đưa vai gồng gánh. Nay ít gạo, mai chút tiền, có gì ngon cũng nhịn miệng phần con cháu. Niềm vui của ông khi ấy là những ngày nhà rộn tiếng cười đùa trẻ nhỏ. Chúng khiến ông thấy lại hình bóng mình của những năm thơ ấu. Khi ấy mẹ ông còn trẻ, cây gạo cổ thụ ở đầu làng còn nhuộm đỏ trời chiều. Vùng đất này nhìn đâu cũng thấy rừng, chim muông khắp nơi kéo nhau về làm tổ. Mẹ ông ngày ấy hay gánh gồng lá chè xanh xuống thị xã bán cho người ta mua về đun nước uống. Những phiên chợ quê nghèo có mẹ góp vào một thúng bánh rán, mẹt kẹo vừng. Đôi bàn chân mẹ không biết mỏi, hết chợ gần đến chợ xa. Cứ chỗ nào đông đúc, nhộn nhịp là mẹ gánh gồng tìm đến bày hàng ra mời khách. Nên năm đó vào một ngày tháng ba âm lịch, mẹ hỏi ông có muốn đi lễ hội Đền Hùng? Còn gì vui hơn niềm háo hức của một đứa trẻ lần đầu tiên được đi xa ra khỏi thế giới bé nhỏ của mình. Những người già kể với nhau rằng lễ giỗ Tổ hàng năm đông lắm, vui lắm và cũng linh thiêng thiêng lắm. Qua những nụ cười móm mém ấy ông hiểu rằng nhiều người trong số họ đang kể câu chuyện bằng trí tưởng tượng phong phú của mình về một lễ hội lớn nhất năm. Bởi cả đời họ có khi cũng chưa được một lần đặt chân đến Đền Hùng. Họ mải miết với đói no thường nhật, những cánh đồng mùa hạn và đàn con khôn lớn mỗi ngày. Quãng đường mấy chục cây số xa như chân trời. Cả đời họ có khi chỉ đi từ đầu làng đến cuối làng cũng đã là hành trình xa nhất.
Mẹ dặn đừng chen vào đám đông dễ lạc. Nhưng cậu con trai nhỏ - là ông, đã vùng thoát khỏi cái níu tay của mẹ để hòa lẫn dòng người đang chen chúc đi xem các làng rước kiệu về chầu ở Đền Hùng. Mấy chục chiếc kiệu rực rỡ xếp hàng dài dưới chân núi. Trên kiệu bày hương hoa, đèn nến, trầu cau, mâm rượu, xôi, thủ lợn, bánh chưng. Lại có kiệu rước bài vị thành hoàng có lọng vàng che. Kiệu đi đến đâu là tiếng trống, tiếng chiêng vang lên thôi thúc. Theo sau là trai thanh, gái tú và các bô lão trang nghiêm bước theo hướng kiệu. Ông chưa bao giờ được trông thấy lễ hội nào rực rỡ sắc màu và náo nức đông vui đến vậy. Nên ông cứ thoắt ẩn thoắt hiện từ đám đông này đến đám đông khác. Hết xem ném còn lại theo dòng người lên dự lễ dâng bánh chưng, bánh dày. Những chiếc bánh dày trắng ngần, đứng xa thế cũng ngửi thấy mùi thơm của thứ gạo nếp được lựa chọn kỹ càng. Bánh chưng vuông vắn, màu lá xanh tượng trưng cho màu của đất trời được dâng lên các vua Hùng và tưởng nhớ Lang Liêu. Ở chỗ khác lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng hát ví xôn xao. Ông mải mê cho đến khi trời tối mới vội đi tìm mẹ. Đã tưởng như nghẹt thở khi chen ngược dòng người lên đền thượng mỗi lúc một đông. Tìm đến chỗ mẹ từng ngồi thì không thấy mẹ đâu. Cũng không còn gánh nước chè xanh, mẹt kẹo chè lam thơm mùi gừng, ngọt ngào vị mật. Cô bán hàng bên cạnh bảo mẹ đã vội đi tìm vì sợ con đi lạc. Ngồi co ro một góc ngó đám đông tìm dáng mẹ nhọc nhằn. Năm đó ông mặc chiếc áo màu đỏ, như ngọn lửa nhỏ leo lắt trong ngày hội…
Bao nhiêu năm trôi qua, đến tận bây giờ ông mới có thời gian ngồi ôn lại ký ức xưa. Con cháu trưởng thành đều đã rời quê hương đi lập nghiệp nơi xa. Vợ chồng đứa đầu kéo nhau vào Nam thuê rẫy trồng cà phê, tiêu, điều. Nghe nói làm ăn tuy vất vả nhưng cũng khá, không còn cảnh túng thiếu triền miên. Con cái cũng được học hành đến nơi đến chốn. Chỉ ngặt một nỗi công việc nhiều quá nên chúng không có thời gian về thăm quê. Chỉ thỉnh thoảng ra bến xe gửi về quê cho bố ít tiền với quần áo mới và đủ loại thuốc thang. Ông nhớ con cháu nhưng cũng không vào thăm được. Chuồng trại không nhờ được người trông nom lâu ngày. Cả chục đàn lợn không thể bỏ đó mà đi chơi cả tuần được. Giờ già cả lại thêm bệnh đau nhức xương khớp, đi tàu xe xa là cả một vấn đề. Vào đến đó chỉ sợ chẳng giúp được các con điều gì lại làm gánh nặng cho chúng thì phiền. Quanh quẩn ở nhà thì buồn, cả ngày vào ra chỉ thấy tiếng bước chân mình lẫn đâu đó trong tiếng lá rụng ngoài vườn. Thỉnh thoảng ông lại nhìn màn hình điện thoại mong ngóng một cuộc gọi từ nơi xa. Đứa con gái thứ hai đi xuất khẩu lao động đã nhiều năm, cứ hết hợp đồng lại gia hạn ở thêm. Bao nhiêu năm nay bố con chẳng được gặp nhau. Chỉ nghe thấy tiếng nhau qua những cuộc điện thoại đường dài. Nhiều lúc ông nghĩ thà thiếu thốn mà bố con được gần nhau vẫn hơn đủ đầy mà xa cách.
Ông đang chìm đắm trong dòng suy tư hồi tưởng thì nghe thấy tiếng ai gọi mình dưới cổng. Hóa ra là ông trưởng khu vào thông báo xã tài trợ cho mỗi hộ sản xuất kinh doanh giỏi một suất đi hội Đền Hùng. Ông mới chỉ nghe thôi đã thấy lòng vui như lễ hội. Mấy năm gần đây sức khỏe yếu ông không còn làm ruộng nữa. Nhưng mấy héc ta rừng đều được phủ xanh bằng các loại cây lâu năm. Ông cũng đã xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn và vài trăm con gà đẻ. Chăn nuôi bây giờ đỡ vất vả hơn xưa vì đã có cám bã sẵn nhưng cũng phải dồn tâm sức mới mong đạt hiệu quả cao. Ông tuy đã già nhưng con cháu đi xa nên không có niềm vui gì hơn bằng niềm vui lao động. Giờ được đoàn thể động viên lại còn tổ chức cho một chuyến đi hội thì đúng là chẳng gì bằng. Đã bao năm nay ông mong muốn được về dự ngày Giỗ tổ. Người ta ở tận miền Nam, cách xa cả vài nghìn cây số mà hàng năm còn về nguồn được. Đằng này mình sống trên đất Tổ, cách xa Đền Hùng có mấy chục cây mà muốn đi lại cứ dùng dằng mãi. Lúc trẻ lang bạt tứ phương, đến khi có gia đình thì thời gian và kinh tế không cho phép. Đến lúc có điều kiện định đi thì đứa con gái thứ hai điện về bảo “bố chờ con về rồi hai bố con mình cùng đi hội”. Nhưng ông đã chờ từ mùa hội này đến mùa hội khác mà con gái chưa về. Ông cũng muốn được dẫn con đi hội Đền Hùng như ngày xưa mẹ dẫn ông đi. Để thử xem có thể tìm lại được niềm háo hức khi xưa trên môi mắt con mình. Chỉ có điều con ông đã lớn khôn và chúng thuộc về chân trời rộng lớn, những vùng đất lạ xa. Đến một lúc nào đó chúng sẽ quay trở về khi đã nhận ra mình không thể thiếu quê hương. Nhưng ông đã không kịp chờ đến ngày đó. Cũng không kịp cùng con gái về dự ngày Giỗ tổ.
Ông Thà mất vào một ngày nắng bừng lên sau đợt mưa phùn ủ ê. Hàng xóm sang chơi thấy ông ngồi tựa vào gốc bưởi ngủ giấc ngàn thu. Trên đầu ông còn vương vài cánh hoa bưởi rụng. Người thì nói có lẽ ông bị trúng gió, người lại bảo ông đã chọn một ngày đẹp trời để bình thản nhắm mắt xuôi tay. Hai ngày sau các con ông mới có mặt tại nhà. Chuyến xe tang lễ đưa ông Thà đến đài hóa thân ở Ba Vì nhẽ ra cứ chạy thẳng đường lớn. Nhưng con gái ông yêu cầu xe đổi tuyến đường để có thể đưa ông qua cổng Đền Hùng. Đây là chuyến đi cuối cùng đưa ông về đất mẹ. Ở đó chắc hẳn ông sẽ gặp lại người mẹ tần tảo của mình với thúng quà thơm thảo. Sẽ biến thành đứa trẻ len lỏi giữa dòng người đang náo nức đổ về dự ngày Giỗ tổ năm nay. Những người đưa tiễn ông hôm ấy đều ngửi thấy mùi hoa bưởi thoang thoảng đâu đó trên suốt chặng đường dài…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG