Hồi âm biển
Biển vắng, khách sạn Đại Dương mùa này ít người. Trời đã se se lạnh. Phòng của tôi ở gần phòng của hai bố con họa sĩ. Ông bố có mái tóc lượn, ốp dài đến ngang vai bềnh bồng trông rất nghệ sĩ. Đứa con có khuôn mặt đẹp như bức tượng nổi tiếng tôi đã từng xem đâu đó, đôi má bầu bĩnh, mái tóc xoăn trước trán toát lên một vẻ đẹp cổ điển. Nhiều lần tôi thấy chú bé làm mẫu cho bố vẽ. Những lần gặp nhau ở nhà ăn chú bé chỉ nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Hai bố con ngồi ở một bàn phía trong lặng lẽ như hai cái bóng. Ăn xong họ dắt tay nhau đi dạo chơi dọc biển. Hỏi ra tôi mới biết cậu bé bị câm bẩm sinh. Họa sĩ kể, khi sinh cậu là một ca đẻ khó. Mẹ cậu đã vật vã từ chiều đến nửa đêm vỡ ối mà cái thai vẫn không chịu ra. Bà Hiểu – bà mụ trong xóm đã dùng nhiều bí quyết gia truyền, nhưng chú bé vẫn bướng bỉnh không quay đầu được.
Họa sĩ ngước mắt lên bắt gặp cái tù và sừng trâu treo trên vách tường mà lần đi vẽ ở Tây Nguyên được một già làng tặng. Già làng bảo: Lúc nào con thầy bí bách trong người thì mang tù và của ta ra thổi sẽ có các vị thần linh giúp đỡ. Chiếc sừng trâu ấy nước da đen bóng, đã lâu ông không dùng đến, chỉ treo như một vật trang trí trong nhà. Họa sĩ bước ra ngoài sân và đưa tù và lên thổi. Tiếng tù và thoạt đầu nghe nghèn nghẹn phù phù sau đó như được mở toang cánh cửa phát ra tiếng: Oa… Sản phụ cố gồng mình cũng thét lên tiếng: oa … như một khao khát chờ tiếng khóc của đứa trẻ. Sau tiếng kêu thất thanh ấy cái thai nhi bé bỏng được đẩy ra ngoài như có một lực co bóp mạnh từ phía trong. Bà Hiểu nâng chú bé trên tay và phát vào mông chú mấy cái với tiếng dỗ dành: “Khóc đi cháu – khóc đi nào”. Nhưng chú bé mắt vẫn nhắm nghiền mặt tái mét không một tiếng khóc bật ra như những đứa bé bình thường khác. Mẹ chú mệt lã đuối sức dần chỉ kịp trở mình giơ hai tay chới với như muốn ôm chú vào lòng và tắt thở. Chú bé lặng câm từ đó…
Tranh của họa sĩ vẽ ở biển nhưng phần lớn là tĩnh vật, những bình hoa, chùm quả, chiếc ghế... có vẻ thiêu thiếu cô đơn làm lệch hẳn cả một góc tranh. Và rất nhiều hình tù và sừng trâu như một sự ám ảnh. Hình như chính sự yên tĩnh bình lặng của căn phòng cùng sự dữ dội hoang dã của biển cả giữ cho ông một nỗi niềm canh cánh. Một sớm, họa sĩ sang phòng tôi và nhờ tôi tìm cho ông một mẫu người ngư dân thổi tù và. Tôi vốn quen nhiều người ngư dân ở vùng biển này. Họ có thân hình gồ ghề, bắp tay, vồng ngực cuồn cuộn. Trong số thực khách hay lên uống rượu ở đây tôi để ý đến lão Hóa. Nghe nói lão sống một mình và rất khéo tay. Ngoài những ngày đi biển đến mùa mưa bão, khi lên đất liền căn phòng nhỏ của lão thành một xưởng thủ công mỹ nghệ. Những chiếc ri đô làm bằng vỏ ốc nhỏ treo lên thật bắt mắt, mỗi khi gió lay như nghe cả tiếng rì rào của sóng biển. Rồi những chiếc thuyền buồm được làm bằng vỏ ốc. Những cánh san hô được gắn kết thành những khu vườn hoa đá sặc sỡ sắc màu. Tôi cùng bố con họa sĩ như lạc vào một thế giới khác.
Lão Hóa thổi vào những vỏ ốc, vỏ sò, vỏ trai đã chết một linh hồn sống mới. Chú bé tò mò và thích thú nâng trên tay những vỏ ốc tù và đủ các kiểu. Chú thổi nhưng không một âm thanh nào thoát ra. Có một sự bí ẩn về kỹ thuật nào đó chăng hay hơi thở của chú yếu? Nghe nói những người ở bộ lạc trong rừng có một ngôn ngữ riêng khi úp hai bàn tay rồi hú gọi để liên lạc với nhau. Lão Hóa mời chúng tôi những chén rượu sóng sánh đựng trong những chiếc cốc làm bằng vỏ ốc. Lão bảo rượu tự nấu lấy ngâm với bào ngư, hải sâm, mới nhấp môi đã rạo rực. Các đường gân mạch máu trong người tôi chảy râm ran. Biển thấm vào người cứ lâng lâng, dào dạt rồi đầm đậm lan tỏa và nghiêng ngả lúc nào không hay. Họa sĩ cứ xuýt xoa: “Thấy cả con thuyền chìm vào trong đáy cốc”. Từ hôm gặp lão Hóa, chú bé như một con người khác hẳn. Chú chạy nhảy chân trần trên bãi cát, hai bàn tay dang rộng trước không gian bao la của đại dương như muốn khao khát một điều gì đó. Nhiều lần tôi bắt gặp chú bé và lão Hóa rủ rỉ với nhau. Thì ra lão đang kể những bí ẩn biển cả mà chỉ có riêng chú bé mới hiểu được qua tiếng rì rầm của lão Hóa như tiếng sóng biển rì rầm ở ngoài kia…
Lão Hóa có biệt tài nghe được tiếng cá. Nhiều thuyền mời lão đi để “nghe cá”. Ra đến ngư trường, lão đã ngà ngà say đánh một giấc ngủ sâu, ngáy kéo gỗ rung cả sạp thuyền, mặc ai làm gì xung quanh cũng không đánh thức lão được. Lão nằm nghiêng một tai áp vào mạn thuyền. Trong tiếng máy đẩy nổ giòn, thuyền xé sóng lướt đi trắng xóa, đột nhiên lão trở mình bật dậy như một cái lò xo rồi ngồi bất động. Các bạn thuyền phút giây ấy lặng phắc và chăm chú nhìn lão. Hình như các đường gân, múi thịt của lão cũng căng lên, động đậy và cuộn như sợi dây neo siết chặt. Lão “khà” một tiếng thật to và thủng thẳng nói: “Ở làn Rạo này có cá”. Có lần tôi nghe đám ngư dân kể lão còn rất tinh mắt, những hôm đẹp trời biển lặng, lão leo lên cột buồm, căn cứ vào sắc màu biến đổi của nước biển mà đoán được có làn cá gì. Lão bảo: “Có khi muốn xác định chính xác phải nhảy xuống nước cách be thuyền khoảng nửa mét. Dưới nước đôi tai thính nhạy của lão có thể nghe được âm thanh truyền đi dăm cây số. Có cá hướng nào thì nước chảy mạnh theo hướng đó. Cá Sóc kêu cụp… cụp. Cá Sóc trắng kêu tọc… tọc. Cá Ngao vàng đuôi kêu lục đục… lục đục. Và để xác định rạn san hô ẩn dưới biển lão chỉ nghe tiếng rì rào thì biết đó là rạn thấp, còn rạn cao phát ra tiếng nổ lách tách liên tục như khi ta rang bắp.
Sắp đến ngày về, họa sĩ nhờ tôi mời lão Hóa làm mẫu để vẽ. Bức hình có chủ đề về lão ngư đang thổi tù và báo tin cho thuyền câu về tránh bão. Lão Hóa đánh một chiếc quần lửng may bằng vải buồm màu nâu. Thật lạ, lão chỉ thích mặc loại vải nhuộm củ nâu thô nhám này, vừa bền vừa như nghe được tiếng sột soạt của gió và hằn những nếp gấp màu muối của nước biển. Lão cởi trần, vồng ngực đỏ au được nhuộm bằng hơi men rượu, mái tóc bạc cước như được dựng lên, lông mày của lão cũng bạc vị mặn của biển. Lão bảo muối chính là máu của biển. Lão là đứa con hoang bị biển bỏ rơi. Và mẹ biển cho lão cái tài ngửi được tiếng cá để tìm về bầu vú sữa của mẹ. Ráng chiều hắt màu mỡ gà xuống biển. Hình như sắp có bão – lão bảo thế. Cơ thể của lão báo sự thay đổi của thời tiết.
Họa sĩ căng toan chọn một vị trí ông ưng ý để có ánh sáng chéo góc tạo cho mẫu một hình khối đặc biệt. Lão Hóa chọn cái tù và lâu nay lão cất cẩn thận trong cái rương gỗ hình vuông chằn chặn bọc một lớp vải đỏ. Cái rương này ngày trước lão chuyên đựng dụng cụ câu cá, trong đó có ngăn ra nhiều ô đựng các loại cước và lưỡi câu, hòn chì to nhỏ khác nhau. Thật lạ, không biết chiếc rương làm bằng gỗ gì mà không bao giờ mối mọt, ở trên thuyền có thể đặt làm cái ghế để ngồi câu hàng giờ không mỏi. Rơi xuống nước, gỗ tự nhiên nở ra khít chặt lại các mối ngăn như được gắn một lớp keo, nổi bềnh bồng thành cái phao cứu sinh, khoác dây vào người thì đố sóng nào có thể đánh bật ra được. Trong đó chỉ cần để chai nước khoáng, vài phong lương khô là đủ sống vài ngày trên biển khi bị lật thuyền. Chiếc tù và của lão là vỏ một con ốc khá to nhưng lão để nguyên vẻ xù xì thô rám của nó. Chú bé khi bắt gặp chiếc vỏ ốc tù và thì thân hình bé nhỏ rung lên. Hình như có một sức hút nào đó truyền từ cái vỏ ốc sang người chú. Ráng chiều lấp lánh ánh bạc bắt với màu xà cừ của vỏ ốc tạo nên một gam màu phản quang rạng ngời hiếm thấy – họa sĩ bảo thế.
Đôi tay lực lượng quen kéo neo, kéo lưới cuộn sóng của lão Hóa giơ cái tù và lên ngang tầm khuôn mặt đỏ au nhuộm rượu, nhuộm nắng, nhuộm biển để họa sĩ bắt đâu đưa những nét cọ tạo hình. Cả thân hình lão nhoài ra biển đứng bất động như một pho tượng đã đổ khuôn. Chú bé mở to đôi mắt thường ngày lặng buồn giờ sáng lên chấp chới, hai tay chú cũng giơ lên theo tư thế của lão Hóa. Hai bóng người, một già, một trẻ cùng kiểu dáng đổ xuống cát chiều mịn còn ấm nóng hơi người, hơi biển. Đôi mắt chú bé nhìn lão Hóa không chớp như có vẻ cầu khẩn điều gì đó. Họa sĩ mải mê vẽ, còn tôi như dán mắt vào từng cử chỉ bất thường của chú bé. Lão Hóa quay sang chú bé và mỉm cười. Đây là lần đầu tiên tôi thấy lão cười làm cho khuôn mặt rạng rỡ trẻ lại mấy chục tuổi. Lão đưa tù và lên hít một hơi dài thổi căng lồng ngực. Tiếng tù và bật ra: “Oa, oa, oa...” vang vọng ngân xa như chưa bao giờ tôi được nghe thấy. Tiếng tù và xoắn lòng, xoắn ruột, xoắn những dòng âm thanh theo tiếng sóng vọng lại. Bất ngờ chú bé bật lên tiếng kêu hòa âm: “Oa, oa, oa...”. Họa sĩ sửng sốt đánh rơi cây bút lông và giơ hai tay giang rộng chạy lại ôm choàng lấy chú bé quay một vòng tròn, giọng lắp bắp như líu lưỡi: “Con... con tôi nói được rồi”. Nước mắt ông trào ra. Cả hai bố con chạy ùa ra giang rộng vòng tay mình vào lòng biển cả. Tiếng tù và của lão Hóa vẫn không dứt: oa... oa... oa. Tiếng sóng biển dội lại: Oa... oa... oa... Tiếng vọng biển khơi hòa vào những âm thanh như mới được vỡ ra từ chú bé : Ba… ba… ba...
NGUYỄN NGỌC PHÚ