Đảo thiên đường

LÊ TRÂM 30/10/2016 07:43

Không biết bắt mối từ đâu mà đúng giữa trưa thằng Bổng ào vô nhà tôi thở hào hà hào hển rồi phán:

- Tuần sau đi Đảo thiên đường nghe mi!

Tôi vừa giựt mình khi nghe hắn thông báo vừa nghe thật đã lỗ tai. Chả là cụm cù lao gần như là chốn thiên đường vô cùng kỳ bí cứ lởn vởn trong đầu mấy đứa học trò mới lớn và ưa phiêu lưu bọn tôi. Nhiều lần đi tắm biển, tắm chán chê xong cả bọn lên bãi nằm soãi ra ngắm sóng biển. Những con sóng đuổi nhau, cưỡi lên nhau hết lớp này đến lớp khác không thấy mệt. Bọn hải âu chao liệng cứ chao chát trên mặt sóng không hề biết mệt. Giữa biển trời xanh ngắt những hòn đảo từ cụm cù lao in lên nền trời ở phía xa tít tắp sao mà quyến rũ đến thế. Ước chi có thể bơi ra được nơi ấy chắc tôi đã bơi ra mất rồi, đâu cần phải thèm thuồng đến thế! Giờ thằng Bổng bảo đi lao thì còn gì bằng! Tôi ngơ ngẩn hỏi nó:

- Tàu đâu mà đi?

- Bí mật!

- Có… cần nhiều tiền không?

Thằng Bổng lắc đầu, bảo mi cứ yên chí lo sắm đồ ăn đi, chuyện tàu ghe để tau lo cho. Đang đúng dịp nghỉ hè, lúc này dù có đi cả tháng cũng nhằm nhò gì. Có điều phải biết cụ thể để còn xin phép “phụ huynh” nữa chứ! Rồi cũng biết được kế hoạch của thằng Bổng vạch ra. Nó có bà con là một chủ tàu chuyên chở củi lao về bán, chỉ chuyên chở chứ không khai thác, mùa này củi bán chạy lại không có củi để mua nên ướm cho bọn học trò là bọn tôi đi củi lao về bán cho họ! Nó bảo cũng dư sức trả tiền đò. Nhưng báo kế hoạch với các “phụ huynh” e rằng không ổn nên sau mấy ngày “đàm phán” cả bọn thống nhất lý do: Rằng bác của thằng Bổng cho đi chơi lao một chuyến để thưởng nó… lên lớp mười một. Khi thằng Thuận đề xuất lý do này thằng Bổng nổi đóa liền: “Mi làm như tau ngu lắm không bằng! Không có chuyến đi này tức là tau sẽ… lưu ban hả?”. Cả bọn xúm vô dỗ một hồi nó mới chịu dằn cục tức xuống, vả lại cũng chẳng tìm ra lý do nào khác hợp lý hơn. Kế hoạch được vạch ra khá chi tiết. Chủ tàu bảo rằng họ sẽ chở ra lao, khoảng 7 - 8 ngày chi đó tàu lại ra đón về, nhận mua củi và khấu trừ vào tiền thuê tàu.

Sau một tuần vận động, được bảy thằng tham gia chuyến mạo hiểm. Mới sáng tinh mơ, bảy đứa chúng tôi cơm đùm cơm nắm, làm một cuộc ra đi có “không khí” kiểu Kinh Kha qua sông Dịch ngày xưa… Một giấc mơ vô cùng lãng mạn bày ra trước mắt hết sức lung linh. Một khúc sông từ chỗ Chiêm dinh ra Cửa Lớn hút lấy mấy thằng giang hồ vặt trong nỗi sướng mê người. Chẳng mấy chốc đã ra đến Cửa Lớn. Cảm giác lần đầu ra cửa biển thật kỳ lạ. Thằng Thuận bảo giống như một miếng “vô chiêu” của Trương Vô Kỵ đánh vào khoảng không vậy. Hẫng và ngợp. Một cảm giác vỡ òa. Tiếng máy tàu và tiếng chim hải âu chao chát trên đầu. Lũ cá chuồn nghe động đua nhau phóng lên trên mặt nước cao cả mét. Có mấy đứa chịu sóng không nổi bắt đầu mửa lộn nhào. Mặc kệ, kế hoạch cứ phải thực hiện. Mà chúng tôi đâu có đường nào để lùi nữa. Tàu thì đã thuê. Tiền thì không có. Chỉ có củi để đổi mà củi thì đang ở… ngoài biển khơi kia.

Chúng tôi mất gần buổi trời lênh đênh trên sóng mới thấy thấp thoáng bóng cù lao. Cứ ngỡ đã đến tận đảo Đào hoa của Hoàng lão tà trong “Anh hùng xạ điêu” của Kim Dung. Nhưng bóng dáng làng xóm mờ dần rồi khuất hẳn. Chủ tàu giải thích rằng phải ra phía “đằng sau lưng” đảo mới có củi. Phía bãi Làng ấy mà củi nỏ gì? Ra thế, phải đến tận “thâm sơn cùng cốc” mới tìm ra “bí kíp”! Sáu ngày ở “sau lưng” đảo chúng tôi tha hồ tắm biển, lặn ngắm san hô và leo núi kỳ thích. Và không quên nhiệm vụ chính: đốn củi trả nợ. Sáng ngày thứ 7 trời bắt đầu âm u. Đến xế thì “tố” lên dữ dội. Cả bọn xanh mặt nhìn nhau. Mấy ngày sau chúng tôi chỉ ăn mỗi thứ vú nàng và thỉnh thoảng có được vài con cua đá thay cơm. Mưa giăng mù mịt và sấm chớp cứ nhì nhằng... Ngày thứ 10 ở đảo. Đầu tiên là thằng Bổng, vừa thấy bóng dáng chiếc tàu hiện ra ngoài khơi xa lắc đã tung cao chiếc nồi lên tận trời xanh. “Tàu ra rồi! Tàu ra rồi!”. Cả bọn ào ra mép nước.

Không nhớ chuyến đi ấy lỗ bao nhiêu, chỉ biết rằng cù lao trở thành một dấu ấn khó quên suốt một thời trai trẻ. Thằng Bổng vỗ vai tôi, “mi nhớ chuyến đi hè năm lớp mười chứ?”. Thằng ni hỏi lạ, tới chết cũng còn nhớ nữa là! Mà sao? Tau định làm lại tuyến du lịch từ chỗ gần Chiêm dinh ra “phía sau đảo”, không biết có “ ăn” không? Nó ngả người ra ghế nhìn chằm chằm về phía Hòn Lá. “Hồi bọn mình đi Hòn Lá toàn lá nón, bây giờ chẳng còn gì, con người phá kinh thiệt! Tau sợ cho cả cái Hòn Lao này!”. Tôi không trả lời Bổng bởi hai đứa thừa biết mình nghĩ gì. Hắn đi làm thuyết minh cho bọn Tây kể từ ngày thành phố này “lên di sản”, nên hiểu nhiều biết rộng. Biết nhiều cái bọn Tây nghĩ và quý trọng. Nhiều người nói thẳng với nó, nói với chính phủ mày cố giữ, dễ mất lắm, để rồi mày xem. Đã mất không lấy lại được đâu! Thằng Bổng bảo mới nghe nó không tin nhưng rồi cứ thấy mất dần mất dần từng tí một, có cái không kịp nhận ra, bẵng đi vài năm nhìn lại bỗng giật mình. “Cái nhà hàng nổi kia, may mà kịp nhận ra! Nhưng sao không xóa mẹ nó luôn đi cho đỡ chướng mắt, nhỉ? Đảo này mà không giữ lại được cái hoang sơ của nó thì vứt, phải không?”. Có lúc tôi nghĩ hơi đâu đi lo bao đồng nhưng nó sửng cổ lên khi nghe tôi nói. “Chứ mi không thấy tao đang “ăn” nó đây sao? Không có những cái đặc trưng làm nên dấu ấn của xứ này tau đói bảy đời rồi”.

Nó nói đúng, bao nhiêu người khốn khó đã bỏ xứ ra đi, nay nhiều người quay trở lại, người khắp cả nước đã tụ về đây mua đất mua nhà, không lẽ lại thêm một lần ly tán nữa? Giờ thì tuổi cao, đã mỏi gối chồn chân, nó định co về làm “tua” nên “vời” tôi làm cố vấn. Nghĩa khí bạn bè vậy thôi, chứ nó thừa sức làm cái điều nó thích. Nó bảo hồi đó không có một đồng lận lưng bảy thằng còn sống đàng hoàng cả mười ngày trên đảo, sợ gì? Nhưng đó là tuổi trẻ! Bây giờ tau có kinh nghiệm. Và có tiền. Tiền của mi có thấm vào đâu so với thiên hạ. Thì… tau sẽ làm cái độc đáo! Cái độc đáo thì vẫn đang ở tận đâu đó trong đầu nó. Hay làm một cái Phu khẹt tại đây? Đó là chuyện của nhà nước, bọn mình tài hèn sức mọn. Mi thấy khu này như thế nào? “Một khu nghỉ dưỡng đẹp nhưng khá nóng. Ở biển mà không hưởng được gió biển là một thiệt thòi lớn. Nếu trang bị máy lạnh ở đây thì thật là khôi hài”. Phải nói vùng bãi biển này thật lý thú nhưng lại khuất sau một vòng cung của đảo nên không khí oi bức. Không dễ gì khắc phục. Ước chi nó ở đúng phía mặt trời mọc, phía gió biển kia! Thằng Bổng cười, vụ này mình đã “nhìn” ra từ mấy chục năm trước khi lần đầu “đổ bộ” lên đảo. “Hay tìm cách “rút ngắn” đường đi từ bờ ra đảo?”. “Cao tốc à? Thế thì còn thì giờ đâu để ngắm biển?”. “Có khi ý nghĩ của mình khác với thiên hạ. Cứ ra đây đã. Sau đó có cả ngày để ngắm biển, lặn ngụp với biển. Nhưng phải đi về phía đông của đảo, phía mặt trời mọc. Ở đó đầy gió biển. Để tau tính thử xem…”.

Đang dở chừng dự án thì Bổng bị tai nạn phải nằm một chỗ. Nó gần như điên lên. Một đống tiền đã đổ vào đó. Thêm một mớ tiền huy động từ các nhà đầu tư. Tôi cũng lo thay cho nó, tiếc cho nó mà nó thì một thân một mình, không vợ không con gì. Cái vụ này đã có một lần ai đó nhắc khéo, hay là hắn có vấn đề về giới tính? Rồi thôi, không ai nhắc tới nữa. Mãi đến tận khi một đống tuổi chất lên đầu nó…

Bổng đã về nhà. Nằm ngó ra đường như các sư trong mùa an cư kiết hạ. Hồi ở bệnh viện cũng có người bảo hay là cứ tìm người làm cộng sự. Nó bảo chuyện này không được, phải trực tiếp điều hành công việc, có chi phát sinh hay bất ổn thì điều chỉnh ngay. Thế thì gay cho dự án của nó quá! Hỏi về dự án, Bổng lắc đầu. Lúc đầu định chuyển sang cho mi nhưng sau tau nghĩ mi không đủ sức. Trước hết mi không “say” như tau. Cuối cùng thì sao? “Chắc tau phải bán cái dự án quá”. “Đã có ai hỏi chưa?”. “Có một tay người Thái ở Phu khẹt. Tau chẳng muốn tí nào... ”. Câu nói của Bổng kéo ra như một tiếng thở dài. Chẳng có bóng dáng của lần nó quyết định tổ chức cho bảy thằng học sinh lớp mười ra đảo đốn củi năm xưa chút nào.

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM