Người thổi kèn đám tang

TƯỜNG LINH 03/07/2016 10:34

Là một doanh nhân trẻ đang thành đạt nhưng Khanh vẫn còn độc thân. Phần vì anh lo chăm sóc mẹ, phần khác là vì anh đặt điều kiện với mẹ, đòi mẹ phải nói rõ về thân thế của mình như cha anh là ai, đang ở đâu, còn sống hay đã chết và tại sao mẹ bỏ quê nhà Quảng Nam để rồi chỉ có hai mẹ con ở tại đất Sài Gòn không một người bà con, thân thích. Tới lui với gia đình chỉ là những người Sài Gòn quen biết với mẹ và bạn bè, đồng nghiệp của anh thôi. Bao giờ mẹ chưa cho Khanh biết rõ những điều trên thì anh chưa lấy vợ.

Mẹ Khanh như có một điều trắc ẩn gì đó khó nói với đứa con duy nhất của mình nên bà cứ hẹn. Mỗi lần Khanh nêu câu hỏi và mẹ lại hẹn. Anh thấy mẹ khóc nên không nỡ hỏi nữa.

Khanh vẫn kiên nhẫn chờ.

Nhưng, anh không còn cơ hội nghe mẹ kể nữa. Bà vừa qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Cho đến giây phút cuối của cuộc đời bà vẫn tỉnh táo để dặn Khanh về nghi thức tang lễ của bà. Theo đó, tuy sống, và thác tại Sài Gòn nhưng bà bảo Khanh tổ chức tang lễ của bà theo đúng nghi thức truyền thống của quê nhà Quảng Nam, không rườm rà, phung phí nhưng nhạc tang lễ phải đủ kèn lá, đờn cò và trống nhỏ. Khanh tỏ vẻ ngơ ngác về điều này thì bà bảo cứ lên khu Bảy Hiền hỏi bà con đồng hương họ sẽ chỉ. Tại Sài Gòn chỉ có một ban nhạc như thế. Bà bảo con trai phải đăng cáo phó về sự từ trần của bà. Ngoài việc phải ghi đúng họ tên trên giấy tờ tùy thân, nhất thiết phải ghi rõ tên thường gọi của bà hồi trẻ ở quê nhà và tên làng cũ, xã nguyên quán…

Bà tắt hơi lúc bảy giờ tối.

Mờ sáng hôm sau có một ông cầm tờ báo trên tay đến nhà Khanh. Ông xưng là đồng hương, ngỏ lời chia buồn và đề nghị Khanh nhận ban nhạc kiểu Quảng Nam của ông phục vụ suốt mấy hôm tang lễ. Khanh mừng thầm vì chưa tìm đã gặp và nhận lời ngay.

Theo hợp đồng miệng của hai người thì số lần cử nhạc suốt ba ngày đêm tang lễ gồm: lúc nhập quan (tẩm liệm), những lần chào khách phúng điếu, lúc di quan, ngồi theo xe chở quan tài và lúc hạ huyệt.

Thật ra về khâu này do ông nọ nói với Khanh chứ anh đâu có biết. Ông cũng cho Khanh biết gọi là ban nhạc chứ chỉ có ba người là người thổi kèn lá, người đờn và người đánh trống nhỏ. Ban nhạc này rất gọn nhẹ, không giống như nhiều ban nhạc ở Sài Gòn sử dụng kèn tây, trống tây có độ âm thanh lớn, ầm ĩ.

Người thổi kèn lá chính là ông đã đến sớm gặp Khanh và ông cũng là trưởng của ban nhạc. Ông xin phép Khanh được vào nhìn mặt người quá cố khi chưa liệm để tỏ tình nghĩa đồng hương. Khanh dẫn ông đi. Ông nhẹ tay lật tấm vải trắng che mặt người quá cố rồi gọi khẽ: cô út Hậu! Cô út Hậu…

Khanh ngạc nhiên hỏi:

- Sao ông biết tên ấy của mẹ tôi vì đây là tên mẹ hồi còn trẻ ở quê nhà thường gọi thôi.

- Ờ…ờ… tôi vừa đọc cáo phó trên tờ báo này.

Rồi ông nói tiếp:

- Nghe cậu nói, theo di huấn của bà thì đám tang theo nghi thức ở quê nhà, cậu từ bé tới nay chưa về ngoài mình nên không rành. Vậy thì, với tư cách đồng hương, tôi sẽ góp ý với cậu.

Khanh lại mừng và cảm ơn ông.

Xong mọi nghi thức thì nhạc tang bắt đầu trỗi. Tiếng kèn lá, tiếng đờn cò và trống nhỏ quyện vào nhau. Thứ âm thanh hỗn hợp này rất lạ với những người hiện diện hầu hết là cư dân Sài Gòn.

Lúc gần đậy nắp ván thiên chỉ còn mỗi tiếng kèn lá nỉ non, não nùng, bi thiết, lúc nghe như lời than tiếc, nhắn nhủ giây phút tiễn đưa, vĩnh biệt. Tiếng kèn thật sự gây xúc động mạnh với mọi người. Khanh khóc lớn, nước mắt ràn rụa và không ngớt lời gào mẹ ơi, mẹ ơi…

Nhạc chào khách điếu tang đang hành lễ chỉ có một điệu giống nhau. Những lúc vắng khách không phải trỗi nhạc, ông thổi kèn tiếp tục đốt nhang, khấn, xá rồi ngồi lim dim mắt như buồn ngủ nhưng thật ra ông đang nhớ về một quá khứ trong đó có một con người…

Từ mấy thế hệ trước, hai gia đình ở gần nhau, hai ngôi nhà cũng giống nhau với ba gian hai chái, lợp ngói âm dương và cùng nhìn ra đường, bên kia đường là dòng sông cái. Người hai nhà qua lại nhau phải ra đường rồi vào cổng chính. Ngăn đôi hai nhà là một hàng chè tàu luôn rậm, xanh mướt. Giữa hàng rào ấy có một lỗ trống, người ta gọi vui là “lỗ chó” vì chỉ để cho chó rúc. Chú bé của nhà bên này vẫn vô tư chui tọt qua cái lỗ ấy để chơi với cô bé nhà bên kia. Hai cô cậu bé này chơi thân nhau từ khi còn rất nhỏ.

Làng có gánh hát bội nổi tiếng khắp tỉnh. Ngoài số đào kép hay, gánh hát còn có ban nhạc trứ danh sử dụng toàn nhạc cụ cổ truyền. Trưởng ban nhạc này là ông Tư Sang giữ cây kèn lá. Ông thổi những bài kinh điển đã hay mà còn sáng tác nhiều bài kèn chỉ riêng gánh hát này có. Khán giả ngưỡng mộ gánh hát này thêm phần ưu ái dành cho ban nhạc của gánh đến nỗi trước khi mua vé vào xem hát họ còn hỏi: bữa nay có ông Tư Sang thổi kèn không?

Kèn lá là loại kèn thuần Việt làm bằng một ống trúc có khoét các lỗ theo ngũ cung. Miệng kèn nơi người ngậm thổi có gắn một mảnh lá kè khô gọi là lưỡi gà, cuối cây kèn có loa gỗ hình chiếc bát úp. Tiếng kèn trầm bổng, nỉ non do ngón tay người thổi bấm vào các lỗ khoét dọc theo ống trúc.

Nghệ nhân Tư Sang có biệt tài thổi kèn theo từng âm điệu của từng loại hát bội: điệu tẩu mã bài kèn phải nhanh; điệu hát khách phải ung dung, nắn nót; điệu nam bình phải thiết tha, trong sáng; điệu nam ai phải nỉ non, não nùng… Đêm hát càng về khuya, khán giả càng nín lặng gửi hồn theo từng điệu kèn lá của ông Tư Sang, thời điểm cao trào của đêm hát như chỉ còn ba phần gắn kết nhau là khán giả, người hát và điệu kèn.

Người cực kỳ ngưỡng mộ tài thổi kèn lá của ông Tư Sang là chú bé ưa chui “lỗ chó” hàng rào chè tàu sang chơi với cô bé láng giềng.

Từ tuổi học lớp ba, chú bé thường đến nhà ông Tư để học kèn. Lên đến tiểu học thì chú đã giỏi về nghệ thuật thổi kèn lá, tài nghệ không kém sư phụ bao nhiêu. Ông Tư thương và tự hào về kẻ hậu sinh kế nghiệp ông.

Rồi ông Tư qua đời. Gánh hát bội của làng như bị một lỗ hổng quá lớn. Ông chủ gánh hát nhiều lần đến năn nỉ cha mẹ chú bé xin cho chú thay ông Tư Sang để cứu nguy gánh hát nhưng không thành vì con của họ còn đi học. Gánh hát phải ngưng hoạt động khá lâu. Rồi vì kính mến sư phụ và yêu nghệ thuật, chú bé lén nhà gia nhập gánh hát. Cha mẹ chú biết ra thì sự đã rồi.

Chú bé được nổi tiếng và được hầu hết khán giả gần xa tán thưởng. Người cực kỳ ngưỡng mộ chú là cô bạn láng giềng. Hai người lúc này đã đến tuổi thanh niên, thiếu nữ. Sự đi lại, gần gũi của chàng trai với cô gái cũng đã khác trước, không còn hồn nhiên, vô tư như hồi còn nhỏ, nhất là không còn cái cảnh chú bé chui “lỗ chó”.

Tuy nhiên, mặt ngoài là thế nhưng bên trong đã đến hồi sâu sắc. Họ yêu nhau. Điều này không gây thắc mắc cho bất cứ ai trong xóm, trong làng vì họ đã biết rõ về đôi lứa đáng yêu này. Thế nhưng khi gia đình dạm hỏi thì cha cô bé nêu điều kiện chàng trai kia phải bỏ gánh hát mà ông cho là “xướng ca vô loại”. Điều này là bất khả thi với chàng trai cập tuổi hai mươi và cũng không làm cho cha cô gái đổi ý.

Phần cô gái chỉ biết khóc ròng. Cha của cô còn đem dây tơ hồng thả trên hàng rào chè tàu, chỉ ít lâu sau tơ hồng phủ đầy, hai nhà không thể nhìn thấy nhau nữa.

Mọi tính toán ngăn trở tội nghiệp của ông đã không như ý ông nếu không muốn nói là đã quá muộn. Cô gái được tiếng nết na đã… mang thai. Người trong xóm, trong làng thừa biết tác giả của cái bào thai ấy nên chẳng ai có lời chê trách.

Riêng cô gái không chịu nổi sự giận dữ tột độ của cha mẹ, nhất là cha cô. Và một ngày sau đó không lâu, cô gái “chửa hoang” đã trốn khỏi làng.

Ba ngày sau hôm mai táng là lễ “mở cửa mả” mẹ của Khanh. Mọi thứ từ lễ vật, cách thức cúng tại mộ đều do ông thổi kèn chỉ vẽ chứ Khanh đâu có biết.

Lễ cúng vào lúc năm giờ chiều. Khi chiếc ô tô con do anh tài xế lái chở Khanh và lễ vật đến nơi thì thấy ông thổi kèn đang ngồi thổi kèn trước di ảnh của mẹ Khanh trên mộ bia, khói hương nghi ngút. Một vạt nắng chiều phủ buồn khắp ngôi mộ. Ông thổi kèn đã đến trước từ bao giờ và đang ngồi thổi kèn dưới màu nắng ấy. Khanh ra hiệu cho anh tài xế chạy xe chậm rồi dừng lại một quãng ngắn phía sau lưng ông thổi kèn. Ông vẫn miên man thổi không còn biết có người phía sau lưng và mọi thứ xung quanh. Tiếng kèn tha thiết, nỉ non kéo dài như một nỗi niềm tâm sự của một người kể với một người.

Ông ngừng thổi, nhìn đồng hồ tay rồi ngẩng lên thấy xe Khanh đang chờ. Anh tài xế rà xe đến gần ngôi mộ mới. Ba người soạn lễ vật ra chiếc mâm nhôm rồi đặt lên bệ trước khung cắm nhang cố định.

Khanh thắp nhang mới và lạy bốn lạy. Ông nhắc Khanh từng lời khấn và bảo anh tài xế đốt cả bó nhang đi cắm tại các ngôi mộ “láng giềng”. Rồi ông cầm một đầu dây dắt con gà trống tơ đi quanh ngôi mộ đủ chín vòng “nam thất nữ cửu”. Ông nói với Khanh rằng mọi lễ mở cửa mả “ngoài mình” đều làm như thế. Ông dặn Khanh hãy nuôi con gà này chu đáo, khi nó chết phải đem chôn cạnh mộ mẫu thân Khanh.

Nắng chiều đã tắt. Gió nhẹ. Khói nhang tỏa về một hướng. Trước di ảnh người quá cố mang tên thời trẻ là cô út Hậu đang có hai người ngồi sát nhau. Khanh cứ nhìn ông thổi kèn như muốn hỏi và nghe một điều gì quan trọng nhất đời anh.

Câu chuyện được người đàn ông luống tuổi kể lại từ đầu.

TƯỜNG LINH

TƯỜNG LINH