Chiếc cầu mới xây
1. Nhà bà Phúc ở bên cạnh con sông. Con sông có cái tên giống như bản chất của nó: sông Trót. Sở dĩ người ta đặt tên cho nó như thế là vì nó thường cuốn trôi mọi thứ vào mùa lũ một cách trót lọt. Dòng nước đỏ au cuốn trôi mọi thứ một cách vô tình như chẳng có điều gì xảy ra. Tuy thế, vào mùa khô, con sông cũng đẹp lắm, hiền hòa lắm. Nhìn từ xa nó như một dải lụa uốn quanh giữa hai thôn.
Minh họa: VĂN TIN |
Thả từng bước chân chậm chạp trên chiếc cầu mới, bà Phúc vui lắm, niềm vui hiển hiện ngay trên nét mặt nhăn nheo của bà. Niềm vui như vỡ òa bởi sự canh cánh lo âu bao lâu nay đã tan biến. Bà đi lại đếm từng nhịp của chiếc cầu:
- Một, hai, ba, bốn….
Rồi bà sờ vào từng thanh sắt, đếm từng thanh, từng thanh trên cây cầu.
Ngày khánh thành cây cầu, bà đã lách chen qua biết bao người dân để nói lời cảm ơn Đảng, nhà nước bằng lời nói ngập ngừng nửa nghe nửa mất bởi sự nghẹn ngào. Giờ bà đã không ngần ngại chiếm hữu nó. Bà xem nó như chiếc cầu riêng dành cho mình. Đứng trên chiếc cầu nghĩ lại những ngày tháng đã qua, thật khủng khiếp, nhiều lúc bà tưởng như mình không thể gượng nổi, vậy mà giờ cũng đã qua bao nhiêu năm rồi. Bà chép miệng “thời gian là thế đấy, luôn vô tình như con nước chảy qua”. Hiển hiện đấy rồi tan biến đấy. Dù có lưu giữ nhưng cũng không quay lại được, lấy lại được. Duy chỉ có trái tim con người là cứ muốn níu kéo, muốn nghĩ rằng à, nó vừa mới còn ở đây đấy. Bà cũng thế, chuyện xảy ra cách đây đã hơn 50 mươi năm về trước, nhưng trong tim bà nó vẫn rõ mồn một, bà đâu thể nào quên được.
2. Mùa đông năm ấy, năm 1964. Bà đi qua nóc Ông Âu hái trầu đem về xuống dưới xuôi đổi gạo, mắm muối. Thường thì mẹ bà đi, không biết hôm nay trời xui đất khiến thế nào mà mẹ lại bảo bà đi. Bà thắc mắc, “mẹ vẫn chê mình chậm chạp hái không được nhiều mà sao hôm nay lại bảo mình đi” . Thắc mắc thế nhưng bà vẫn ngoan ngoãn cõng gùi lên đường.
Làng bà có cái tên làng Gúnh, nó nằm bên bờ bên kia sông Trót. Vì chiến tranh nên mọi người phải chuyển chỗ ở lia lịa, mỗi lần chuyển đi là phải sống đời tạm bợ. Khi địch phát hiện thì phải chuyển chỗ. Làng Gúnh và làng Ông Âu cách nhau bởi con sông này. Bởi vậy bà phải ở lại qua đêm bên nhà bà con bên làng Ông Âu. Đêm ấy, trời đổ mưa rất to, mưa lộp độp từng hạt nặng như cơn thịnh nộ của thiên nhiên trút xuống đầu của những con người vô tội. Dòng nước đục ngầu từng hồi cuốn đi cây cối bên đường. Mọi người bên làng Ông Âu đã phải nơm nớp lo sợ không biết dòng nước có lên đến chỗ họ không? Ai nấy đều không ngủ được và già làng phải tập hợp tất cả mọi người chuẩn bị chạy lên đồi Rú mỗi khi con nước dâng lên. Sự lo lắng cho mình là phần ít, điều mà họ lo lắng nhiều nhất là những người bên làng Gúnh, vì làng ấy nằm bên con suối lại không có đồi núi chở che. Nước lớn có thể dâng lên hết cả làng. Nửa đêm nghe tiếng đì đùng nổ bên tai, là tiếng của đất lở, đá trôi, là tiếng kêu, tiếng hét thất thanh của những người bên làng Gúnh, con nước đỏ au đã cuốn trôi mọi thứ chỉ trong phút chốc. Mà mới lúc chiều con nước còn bình thường lắm, vậy mà…
Bà phúc đã không thể gượng được khi trên đỉnh đồi nhìn xuống. Tâm can bà như bị dao đâm hàng ngàn lần. Bà đã trèo xuống đèo một mạch hòng cứu vớt một điều gì đó, mọi người bên làng Ông Âu đã phải vật lộn để giữ bà. Làm sao có thể không đau đớn được khi cả một làng phải biến mất một cách đột ngột? Làm sao có thể sống khi cha mẹ, anh em, mọi người đều bị nước lũ cuốn đi, làm sao có thể bình tĩnh khi cả làng mà chỉ còn một mình sống sót? Bà đã khóc mấy ngày mấy đêm, bà đã không ăn uống gì suốt những ngày ấy. Có lần bị máy bay thả bom ầm ầm trước mặt, ai cũng lo tìm hầm trú ẩn duy chỉ mình bà vẫn ngồi lặng lẽ. Bà ngồi lì đến khi ông Hạnh phải lôi bà vào hầm trú ẩn.
3. Ông Hạnh là con của già làng ở nóc Ông Âu. Gia đình ông đã cưu mang bà sau đó. Ông là chiến sĩ cách mạng. Ở với nhà ông, bà Phúc cũng tham gia cách mạng. Bà ở nhà ông Hạnh làm nương rẫy, cõng gạo thóc đem cho cách mạng đồng thời nuôi giấu cách mạng. Cùng chung chí hướng và thương bà hoàn cảnh éo le mà vẫn ngoan hiền lại có sự quyết tâm cao nên ông Hạnh đã đem lòng thương bà. Hai người trở thành vợ chồng, có với nhau được 5 người con. Trong một lần tập kích ông Hạnh bị giặc bắn bị thương, khi bơi ngang qua sông Trót, ông cũng gặp dòng nước lũ từ trên đổ xuống và bị dòng nước cuốn đi. Từ đấy, bà hận con sông này. Khi hòa bình lập lại bà đã không một lần bén mảng đến bờ sông và bà cấm những đứa con của mình không một ai được đến bên bờ sông này để tắm, vui đùa hay để mò cua bắt ốc.
4. Nhà bà có mảnh đất gần bờ sông do ông bà nội để lại, mỗi khi đến đấy trồng khoai, trồng sắn bà thường chừa một khoảng khá xa giữa bờ sông và rẫy khoai. Bà không muốn nhìn thấy con nước chảy, bà sợ quá khứ lặp lại. Mỗi khi mùa đông đến, lòng bà lại thấp thỏm lo âu, lo cho mấy đứa con, mấy đứa cháu, và lo cho cả làng khi ngang qua sông. Bà mong lắm có một cây cầu bắc ngang qua, để cho quá khứ được ngủ yên, để nỗi lo không còn hiện hữu. Một hôm, bà nghe phong thanh rằng, Đảng và nhà nước chuẩn bị xây cây cầu to và đẹp bắc qua sông. Chỉ mới nghe thôi mà bà đã mừng rơn, mừng đến cả chảy nước mắt: “Cuối cùng điều mình mong muốn cũng gần thành hiện thực”. Mấy ngày sau, có mấy bên ủy ban xã xuống nhà bà, họ vận động bà hiến mảnh đất bên bờ sông để làm cầu. Họ bảo, bây chừ Đảng và nhà nước đang thực hiện chương trình nông thôn mới nên những xã, huyện còn nghèo sẽ được làm cầu, làm đường cho dân đi. Mà để thực hiện chương trình này thì cần có sự chung tay góp sức của toàn dân, toàn Đảng, toàn nhà nước. Bà đã gật đầu đồng ý không một chút do dự. Với bà cây cầu là mong ước đã lâu lắm rồi.
Ngày khánh thành, chiếc cầu thật nhộn nhịp. Có các huyện, các xã về tham dự. Những chiếc xe hơi đỗ hàng dài, người dân ùn ùn đổ về xem. Ai nấy cũng tươi cười rạng rỡ. Bà Phúc càng vui hơn, lòng bà thanh thản hẳn. Bà nghĩ: “Từ nay về sau mình đã có thể ngủ ngon giấc mỗi khi mùa đông tới và câu chuyện năm xưa mình sẽ để nó chảy xiết theo dòng nước dưới chân cầu”.
NGUYỄN THỊ ĐƯƠNG