Miền quê truyền thuyết
Trông thấy tôi, Quy bảo: “Cứ ngỡ anh hứa hão thế thôi, nào ngờ anh lại đến quê em”. Tôi nói: “Quân tử nhất ngôn. Hơn nữa, yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua… Nha Trang và Quảng Nam đâu có xa xôi? Ngồi xe gần một ngày đường là tới!”. Liếc nhìn tôi, em cười: “Dẻo miệng ghê!”. Về quê nghỉ hè, trước khi chuẩn bị trở lại thành phố biển, Quy gọi điện rủ tôi đến quê em chơi, rồi sau đó cả hai cùng vào Nha Trang. “Lòn bon - trái cây đặc sản quê em, mùa này đang chín rộ. Đến Tiên Phước anh sẽ được tận mắt nhìn thấy những chùm quả ngọt lúc lỉu bu bám đầy cành nhánh. Và anh tha hồ “ăn hoài mệt nghỉ” loài trái quý phương nam như lời một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý”. Em nói thêm. Tôi đồng ý ngay. Và bây giờ đây, tôi đã có mặt ở vùng trung du nhấp nhô đồi núi.
Ba mẹ Quy mới ngoài năm mươi. Cả hai đều thật thà chất phác. Sở hữu diện tích đất gò đồi trên dưới chục héc ta, ông bà đầu tư vốn liếng làm kinh tế trang trại theo mô hình VACR. Quy chỉ có hai chị em. Kha - tên cậu em trai, đang học trung học phổ thông, hai năm nữa mới vượt vũ môn để vào đại học.
Tôi không hiểu con sông Tiên hiền hòa thơ mộng có dòng chảy ngược từ đông sang tây ở ngay trước ngõ nhà Quy sẽ đi ra biển cả hướng nào? Bởi nó cứ xuôi về phía núi trập trùng. Lên chơi Tiên Phước đúng mùa trăng, Quy bảo tôi: “Lát nữa, em đưa anh lên cây cầu bê tông ngắm nhìn dòng sông như một dải lụa xanh màu lá dưới trăng. Và em sẽ kể cho anh nghe về sự tích dòng sông chảy ngược”. Cơm nước xong xuôi cũng là lúc màn đêm buông xuống và “trăng khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”. Em xin phép ba mẹ đưa tôi đi dạo. Làng quê yên ả. Cảnh quê dưới trăng đẹp như một bức tranh thủy mạc. Đứng trên cầu, tôi hết nhìn về phía thượng lưu lại ngó ngõ hạ lưu. Dòng sông lững lờ trôi. Tôi hỏi: “Vì sao con sông Tiên lại có dòng chảy ngược?”. Em cười: “À, đấy là chuyện cổ tích mà nội thường kể cho em nghe khi còn bé...”.
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, vị Sơn Thần ở thượng nguồn sông Tiên có cô con gái vừa xinh đẹp lại vừa nhân hậu. Dẫu địa vị cao sang nhưng nàng vẫn sống giản dị, hòa đồng với dân làng. Cha nàng được Ngọc Hoàng giao trọng trách cai quản kho vàng và quản lý nguồn nước mát để phân phát cho dân làng cấy cày làm ăn sinh sống. Người càng ngày càng đông. Họ tấn công rừng đầu nguồn, lấn chiếm đất đai, mở rộng làng mạc. Muông thú kêu ca. Chim chóc phàn nàn. Ngọc Hoàng phật ý. Lệnh nắng hạn kéo dài được ban ra. Và lệnh cho vị Sơn Thần khóa chặt nguồn nước mát cũng được thực thi. Sự trừng phạt khiến dân làng lâm vào cảnh sống dở chết dở. Ao hồ cạn khô. Ruộng đồng nứt nẻ. Cây cối héo úa. Vườn tược lụi tàn. Dân làng bị cơn khát giày vò hành hạ ngày đêm. Con gái vị Sơn Thần khẩn cầu cha cứu giúp mọi người nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu cương quyết. Biết không lay chuyển được trái tim sắt đá của cha, lợi dụng lúc vị Sơn Thần ngủ say, nàng lẻn tới hang núi khơi dòng nước mát chảy về hướng tây để ngày lên, mặt trời không phản chiếu đánh thức cha nàng dậy. Nàng đâu có hay, khi ngày tàn, ánh nắng soi nghiêng trên dòng nước mát và hắt ngược lên làm cha nàng tỉnh giấc. Kinh ngạc trước dòng nước mát ào ạt tuôn ra, vị Sơn Thần khuân vác đất đá chặn dòng nước lại. Đất đá hết. Sẵn có kho vàng gần đấy, vị Sơn Thần vội nhặt lấy ném xuống. Dòng nước mát vẫn tuôn ra ào ạt. Lo sợ Ngọc Hoàng trừng phạt, vị Sơn Thần gieo mình xuống dòng nước xiết. Làm xong công việc cứu giúp dân làng, con gái vị Sơn Thần quay về thượng nguồn, quá đau buồn trước cái chết của cha, nàng đã tự trầm…
Mắt nhìn xa xăm, Quy bất chợt hỏi tôi khi kể xong câu chuyện:
- Sự tích sông Tiên có cái kết buồn thương phải không anh?
- Đành rằng là thế! - Tôi nói - Nhưng để cứu dân làng không thể khác hơn…
- Con sông Tiên vẫn còn lưu giữ đến nay những dấu tích trong câu chuyện kể. Nơi vị Sơn Thần gieo mình gọi là Thác Bố. Còn chỗ vị Sơn Thần ném cả kho kim hoàn quý giá có địa danh Bãi Vàng.
Dưới ánh trăng như rắc bạc, tôi ngắm nhìn dòng sông giống như mái tóc xanh mềm mại lững lờ trôi. Và tôi tự hỏi, phải chăng đấy là mái tóc của người con gái vừa xinh đẹp lại vừa nhân hậu của vị Sơn Thần ngày xửa ngày xưa?
Cuối thu. Mùa lòn bon chín rộ. Quy dạo khắp vườn đồi nhà em. Quy nói về cây trái lòn bon như một chuyên gia thực thụ của loài cây đặc sản quê em. Rằng, trái lòn bon lành tính, khác hẳn trái dâu đất. Trái dâu đất ăn nhiều nặng bụng, người nôn nao khó chịu, nước miếng trong tứa ra và cảm thấy chân tay bải hoải. Ngược lại, trái lòn bon trẻ nhỏ có thể ăn no đến độ bỏ cơm mà vẫn không sao. Rằng, trái lòn bon Thái Lan bày bán nhan nhản ở các siêu thị không thể so bì với trái lòn bon Tiên Phước. Bởi trái lòn bon Thái Lan chỉ có vị ngọt đậm, còn trái lòn bon Tiên Phước vừa có vị thơm chua lại vừa có vị ngọt thanh đọng nơi đầu lưỡi… Tôi cười: “Em quảng cáo hay tuyệt!”. Em cũng cười: “Ngành đó, em mày mò tự học. Kết quả bước đầu rất khả quan. Đã có một anh chàng ngố từ phương xa tới, gã tỏ ra thích thú khi nghe em tiếp thị, cứ dỏng tai nghe hoài nghe mãi…”.
Mái đồi thoai thoải trải rộng mênh mông. Và tôi nghĩ, đấy không phải là vườn lòn bon mà là rừng lòn bon. Tán lá vươn cao, ken dày. Cây nào cây nấy đầy quả chín vàng. Những bờ đá núi sẫm màu thời gian được chất khéo léo, kỳ công, trông thật đẹp mắt, tạo thành từng tầng ngăn đất khỏi bị mưa lũ xói trôi. “Gần hai mươi năm miệt mài lao động một nắng hai sương, ba em mới có được khu vườn này”. Quy cho tôi hay. “Lòn bon đã chín vàng, tại sao nhà mình vẫn chưa hái bán?”. Tôi hỏi. Em không trả lời, với tay hái hai chùm quả. Một có màu vàng sậm. Một có màu vàng nhạt. “Ăn hai chùm quả này, anh sẽ hiểu vì sao…”. Em nói. Thấy tôi bóc tách vỏ trái lòn bon từ đầu cuống, em cười rũ. Rồi em bảo: “Lấy móng tay cái ấn mạnh vào đáy quả, vỏ sẽ bung ra dễ dàng. Còn lột từ cuống quả, vỏ bị xé rách vừa dính mủ vừa giữ lớp lụa mỏng ngăn chia từng múi, ăn không ngon”. Thì ra là thế! Lặng lẽ nhấm nháp hai chùm quả vàng thu, tôi nhận thấy chùm quả màu vàng nhạt có hương vị tuyệt vời hơn. Em bật mí: “Khi vỏ có màu vàng nhạt hoặc màu trắng ngà, ấy là lúc lòn bon thực sự chín cây, vì vậy bán mới được giá”. Tha thẩn trong vườn lòn bon và nghe chim hót véo von đâu đó, tôi có cảm giác như lạc vào cõi tiên ở chốn hồng trần.
Mỏi chân. Em và tôi cùng ngồi bên nhau dựa lưng vào bờ đá mọc đầy cỏ đá.
Cầm chùm quả lòn bon ngắm nhìn, tôi lấy làm lạ khi thấy quả nào cũng có dấu bấm ngón tay hằn in trên vỏ. Hỏi, em cười: “Đó là câu chuyện dài có liên quan đến vua Gia Long Nguyễn Ánh và trái Nam trân, tên gọi khác của trái lòn bon”. “Có thật không đấy, hay là em bịa?”. Tôi ngờ vực hỏi. “Em không bịa! Đấy là truyền thuyết…”. “Vậy em kể đi!”. “Anh không tin thì kể làm gì?”. Tôi xoay người ghì chặt Quy vào lòng, năn nỉ. “Kể thì kể! Nhưng anh nới lỏng tay, riết người ta đau quá!”. Tôi cười biết lỗi.
…Hồi còn bé em cũng đã từng thắc mắc với nội, tại sao trên mỗi trái lòn bon đều có dấu tay người? Nội bảo, đó là dấu tay vua bấm thử trái lòn bon cách đây đã mấy trăm năm… Và nội kể rằng, trong một lần xung trận, đội quân của Nguyễn Ánh đã bị đội quân Tây Sơn đánh tan tác. May mắn thoát chết, Nguyễn Ánh dẫn các thuộc hạ và đám tàn quân lẩn trốn ở miền tây xứ Quảng. Họ lạc vào rừng lòn bon. Không còn lương ăn, họ thấy trái cây rừng to bằng ngón chân cái có màu vàng sậm bèn hái nếm thử. Loại trái cây rừng ấy không những ăn rất ngon mà còn thay thế được cơm. Nguyễn Ánh bày cho các thuộc hạ và đám tàn quân bấm lựa trái chín hái ăn nhằm tránh phí phạm của trời cho. Từ đó, trái lòn bon hằn in dấu tay Nguyễn Ánh. Khi giành được cả giang sơn xã tắc, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long. Không quên trái cây rừng ở miền tây xứ Quảng đã cứu mạng mình thuở hàn vi, vua Gia Long đã tặng cho trái lòn bon tên chữ nam trân, có nghĩa là trái quý phương nam…
Thấy tôi làm thinh, Quy nói: “Câu chuyện dài, em tóm tắt lại như thế! Mà anh có nghe không đấy?”. Tôi cười: “Sao lại không? Quê em phong cảnh nên thơ hữu tình. Và mỗi dòng sông ngọn suối, mỗi ngọn núi bờ khe, mỗi loài cây ăn quả… đều gắn liền với bao truyền thuyết. Anh nhất quyết phải lấy vợ xứ này…”. Em cười: “Có thật không đấy? Hay là lời nói gió bay…”. Tôi phạt cái tội hoài nghi vô cớ của em bằng một nụ hôn đắm đuối. Gỡ mấy sợi tóc rối, em bảo với tôi: “Ba mẹ và cả Kha nữa, rất quý mến anh”. “Còn mẹ anh cũng rất thương em. Đó là thuận lợi để chúng mình cưới nhau…”. Em giãy nãy: “Em đâu đã học xong?”. Tôi cười: “Thì anh sẽ chờ đợi!”. Đâu đó có tiếng chim bìm bịp đổ hồi xa vẳng. Ánh nắng cuối ngày hắt lên sườn núi phía bên kia sông Tiên làm bừng sáng cả một vùng rộng lớn.
NGUYỄN TAM MỸ