Phía cầu vồng

TƯỜNG LINH 26/07/2015 11:54

Lộc vừa nghỉ hưu. Anh dạy trường trung học phổ thông tại một huyện khác. Sau khi bàn giao xong công việc, Lộc về ở tại quê nhà. Vợ Lộc cũng là giáo viên tại trường trung học cơ sở tại xã. Nhà chỉ có hai vợ chồng. Đứa con trai đầu của họ đã làm việc tại thành phố, đứa con gái kế đang học năm thứ ba đại học cũng tại thành phố.

Về quê, Lộc nghe bà con than thở nhiều nhất là nạn đại hạn của năm này. Dòng sông trước nhà Lộc có quãng người ta chỉ lội chứ không cần bơi hay ngồi xuồng cũng qua lại được đôi bờ. Khe, hồ, bàu, đập cạn kiệt. Cây vườn chết. Hầu hết ruộng lúa không sản xuất kịp vụ hè thu…

Tình hình này Lộc đã biết xảy ra nhiều tỉnh, thiệt hại chung là rất lớn. Hạn nặng và dài ngày quá!

Quê Lộc lọt thỏm giữa các rặng núi bao quanh. Địa hình này xưa nay là cái lòng chảo hứng chịu hạn và lụt. Hai loại thiên tai này nhiều khi xảy ra cùng một năm. Theo trí nhớ của Lộc, hễ năm nào hạn nhiều thì năm ấy cũng lụt nhiều và lụt lớn.

Buổi chiều, khi Lộc đang ngồi tại nhà thì trời bỗng tối sầm, tiếng sấm báo hiệu đã rền phía rặng núi cao bên kia sông. Lộc biết lúc này mọi người tại cái rốn hạn này đang hy vọng sẽ có một cơn mưa. Mưa vào thời điểm này là mưa vàng mưa bạc. Nắng hạn đã hơn nửa năm rồi còn gì!

Nhưng trời chỉ chuyển ầm ĩ vậy chứ vẫn chưa thấy hạt mưa nào rơi xuống.

Bỗng ngoài ngõ có tiếng đám trẻ la lớn:

- Trời nổi mống.

Địa phương Lộc gọi mống tức là cầu vồng. Lộc bước ra nhìn quanh vòng trời và thấy cầu vồng đang hiện bên phía phải của đỉnh núi Bàn Cờ. Tại phía đầu nguồn hướng tây rất xa ấy dường như vừa qua một cơn mưa nhỏ. Cơn mưa nguồn này nếu có cũng chưa thể cải thiện được gì tình trạng hạn hán đã qua tiết hạ chí khá lâu.

Cầu vồng mấy sắc lung linh hình cánh cung như gắn trên nền trời chiều xám.

Đám trẻ xúm lại bên Lộc. Chúng lễ phép gọi Lộc là thầy.

Cầu vồng hiện ra hơn mươi phút thì lặn. Vòm trời quê Lộc cũng sáng dần ra. Vẫn chưa có mưa. Một chú nhóc nói:

- Bà trời chuyển bụng nhưng chưa đẻ.

Lộc bật cười, hỏi:

- Cháu nghe ai nói thế?

- Dạ, bà nội nói.

- Vậy còn ông trời thì sao?

- Dạ, ổng quẹt diêm thắp đèn cho bà mụ thấy đường.

Ý chú nhóc nói ông trời quẹt diêm là những tia chớp.

Lộc và đám trẻ cười rân.

Lâu lắm rồi, chiều nay Lộc mới nhìn lên hòn Bàn Cờ xa tít. Hồi nhỏ, Lộc từng đứng bên cha nhìn về đỉnh núi ấy vào những chiều mong mưa. Cha anh thường nhìn cầu vồng hiện lên mà đoán thời tiết. Lộc nhớ cha nói rằng cầu vồng hiện phía phải của đỉnh núi Bàn Cờ thì trời chuyển chứ chưa mưa.

Chiều nay cầu vồng hiện đúng vị trí ấy.

Cũng theo lời cha Lộc, hễ cầu vồng bắc cong ngay bên trên đỉnh Bàn Cờ thì sắp có mưa lớn diện rộng. Nếu cầu vồng hiện tiếp hai buổi chiều như thế là sắp có lụt to. Lộc nhớ lại nhiều lần cha đoán thường đúng. Tất nhiên anh khẳng định đấy là theo kinh nghiệm dân gian bởi họ thường lo âu về thiên tai ở cái thời chưa có dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thủy văn như ngày nay.

Người quê Lộc có giữ một truyền thuyết liên quan đến đỉnh núi Bàn Cờ. Chuyện kể rằng ngày xưa tại quê Lộc có một tiều phu cơm gói muối đùm luồn lách mãi lên núi này để tìm trầm. Thuở ấy núi này chưa có tên. Ngày nọ ông tiều lên tận đỉnh núi thấy một phiến đá thật bằng phẳng trên đó có hai tiên ông đang chăm chú đánh cờ. Ông tiều lót cán rìu ngồi xem say sưa. Hai ông tiên tỏ ra không biết gì về sự xuất hiện của ông tiều. Phần ông tiều thì cực kỳ hưng phấn bởi thấy hai tiên đi những nước cờ hết sức cao thâm. Thấy có dĩa đào ngon lành đặt bên bàn cờ, ông tiều nhón một quả ăn ngay, hai tiên vẫn không để ý.

Tan cuộc cờ, hai tiên biến mất. Ông tiều đứng lên nhặt cây rìu thì cán rìu bằng gỗ đã mục. Ông trở về quê nhà với đầu tóc và hàm râu dài, rậm quá cỡ. Bà con cho biết ông đi đã ba năm, gia đình nghĩ là ông đã chết trên dãy núi cao ấy. Ông tiều nhớ lại mình nhờ ăn quả đào trộm của hai tiên nên mới sống qua thời gian khá dài. Đào tiên có khác.

Từ đó núi mới có tên Bàn Cờ. Và sau ngày trở về, ông tiều phu nổi tiếng cao cờ, khắp vùng không một kỳ thủ nào địch nổi.

Cái rốn thiên tai quê Lộc có lắm truyền thuyết tương tự. Hồi nhỏ Lộc rất thích nghe người lớn kể. Khi đang nghe kể những chuyện tuy đậm tính hoang đường mà có người phá ngang bằng quan điểm khoa học, suy luận thì Lộc và các bạn nhỏ bất bình lắm. Khi khôn lớn, Lộc nghĩ truyền thuyết thì có hại ai đâu? Đừng nên đưa cái hữu lý và vô lý để mổ xẻ. Chính những chi tiết cho là vô lý của truyền thuyết mới hấp dẫn. Một địa phương nghèo truyền thuyết, giai thoại xem như không có hồn chẳng khác một đất nước thiếu chuyện cổ tích. Ở một nơi dân cư sống lâu đời, rừng sâu núi thẳm bao quanh, năm nào cũng nắng hạn, lụt lội như quê Lộc lại càng giàu truyền thuyết. Đời trước truyền đời sau, người ta kể cho nhau nghe vào những chiều cùng ngồi mong mưa mùa hạn, những đêm chung đụng trên gác thăm dò từng “chớn” nước lụt mùa đông.

Về chuyện bão lụt, người nào ở quê Lộc cũng nhớ chuyện lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1904. Cũng là truyền thuyết trên nền sự thật. Họ kể rằng vài ngày trước khi trận lụt quá lớn xảy ra có một nhà sư chống phương trượng từ đâu phía đường truông cuối làng đi lên. Gặp mọi người, ông cho biết sắp có trận lụt rất lớn, hãy lo chống chằng nhà cửa. Khi thấy trời bắt đầu đổ mưa, mọi người mau dời tài sản, gia súc lên các đồi cao che lều tạm lánh nạn.

Vị sư già đi lên theo quan lộ bên sông nhưng không ai thấy ông trở xuống. Hỏi các chùa mấy làng trên đều không chùa nào có vị sư như thế.

Trận lụt kinh khủng ấy đã xảy ra thật, nhưng không có người chết.

Sáu mươi năm sau, cũng đúng năm Giáp Thìn (1964), một trận lụt rất lớn tái diễn. Quê Lộc và các làng phía trên có nhiều người tử nạn. Vì vậy, người ở đây có thành ngữ “bão lụt năm Thìn”.

Về ở lại quê nhà, Lộc nghĩ đến mấy việc phải làm. Anh sẽ tổ chức một thư viện nhỏ ngay tại nhà anh cho bà con và học sinh đọc sách. Mọi việc từ huy động sách và chăm nom thư viện bỏ túi này đều do vợ chồng Lộc đảm trách.

Việc thứ hai là Lộc sẽ đạo đạt với chính quyền huyện, xã thực hiện thêm phương cách phòng chống lũ lụt.

Cưỡi xe máy đi quan sát khắp mấy xã ven sông, Lộc thấy chính quyền huyện xây các đường cho dân chạy tránh trú lụt rất tốt. Nhưng đó mới là phần cứu người, còn thiếu phần cứu nhà cửa. Theo ý của Lộc, bên trong con đường chính dọc bên sông nên đào hào trồng tre. Một thời gian tre lớn lên, măng tre mọc nhiều, tre sẽ ken thật dày thành lũy tre. Gặp những cơn lụt lớn, khi nước khỏa vào khu dân cư thường chảy rất mạnh. Nhờ hệ thống lũy tre cản, nước lụt sẽ bớt dữ dằn, nhà cửa chỉ bị ngập chứ không trôi.

Hết hạn công tác giáo dục, về với gia đình, Lộc đóng góp cho quê nhà hai ý định khả thi trên.

Về phần mình, lúc này Lộc đã có thì giờ để viết tiếp cho hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ ba của anh. Cuốn này Lộc lấy không gian là tỉnh nhà trong đó có lồng ghép một số truyền thuyết thú vị của nơi quê sinh tác giả.

Đám trẻ lại tụ đến nhà Lộc. Chúng đang nghỉ hè. Nghe Lộc sắp mở thư viện nhỏ tại nhà, cô bé cậu bé nào cũng vui mừng.

Lộc hỏi tên từng cháu và là con cháu những ai. Thì ra tất cả các nhóc đều là con cháu những người thân cùng xóm, cùng thôn với Lộc cả.

Lộc và đám trẻ ra sân. Như hầu hết nhà gạch ở đây, nhà của Lộc cũng đổ nền cao để hạn chế nước lụt ngập. Mặt trước nhà hướng ra sông phía đường lớn, từ sân lên nhà có bậc tam cấp.

Lộc và lũ trẻ cùng ngồi trên bậc tam cấp trò chuyện. Xế chiều, bầu trời vần vũ. Sấm vẫn rền phía rặng núi bên kia sông. Gió Lào còn thổi, thứ gió này càng thổi càng nóng hầm hập, người dầm mình trong nước sông vẫn không thấy mát.

Có mấy người lớn trong xóm đi ngang đều lần lượt ghé vào cùng ngồi trên bậc tam cấp với Lộc. Đám trẻ tản hết. Một cụ già hỏi:

- Chiều hôm kia thầy Lộc có thấy mống nổi không?

- Dạ có thấy, ở bên phải đỉnh Bàn Cờ.

- Cầu vồng hiện ở góc đó thì chưa nhờ được gì.

Một bác lão nông hướng mắt về phía tây rồi reo lên:

- Đã có mưa nguồn. A, mà có mống nổi lên nữa kìa!

Mọi người cùng nhìn về hướng ấy. Dường như lượng mưa trên nguồn xa có khá hơn chiều hôm kia. Điều quan trọng với mọi người là vị trí của cầu vồng để đoán thời tiết theo kinh nghiệm của họ.

Lúc này cầu vồng đang uốn cánh cung ngay trên  đầu đỉnh núi Bàn Cờ. Bác già nhất đưa ngang bàn tay lên trán, nheo mắt nhìn rồi nói:

- Lạy trời mống đừng hiện tiếp hai buổi chiều. Chúng tôi đang mong mưa chứ không trông lụt lớn. Hết hạn tới lụt ai chịu nổi!

Mọi người đều không nói gì. Họ đang vừa mong vừa lo.

Lộc khuyên họ:

- Kinh nghiệm chỉ nên để tham khảo thôi, mấy chú mấy bác nên theo dõi tin tức thời tiết trên đài.

Nói vậy nhưng Lộc biết chắc chiều mai những người lớn tuổi ở đây đều chong mắt về đỉnh Bàn Cờ.

TƯỜNG LINH

TƯỜNG LINH