Ngã ba cây cốc

TƯỜNG LINH 10/05/2015 10:28

Năm tôi lên bảy tuổi thì cô Bốn của tôi đi lấy chồng. Có hai gia đình xin cưới cô, một đám tới trước, một đám tới sau. Cô làm dâu đám tới sau là một nhà khá giả tại huyện miền xuôi phía tả ngạn dòng sông chung với quê tôi.

Ông bà nội tôi chỉ sinh được một gái là cô. Vì vậy cô được gia đình và bà con nội ngoại rất cưng quý. Thời trước năm 1945, giới nữ ở quê tôi được học xong đệ Tứ niên Trung học rất hiếm. Do được cưng quý và có chút tài sắc nên việc lấy chồng của cô được gia đình tôi chọn rất kỹ. Đầu tiên, một vị quan hưu cuối triều Nguyễn nhờ mai mối dạm hỏi cô tôi cho người con trai đầu. Họ đã lên nhà tôi “coi mắt” cô tôi và ngỏ lời về việc này. Sau khi tiễn khách ra về, ông tôi nói với cả nhà:

- Nhà họ còn quan cách rườm rà khuôn khổ lắm. Con mình về làm dâu sẽ rất khổ, không thể gả được.

Mọi thành viên trong gia đình tôi đều tán thành vì không ai muốn cô tôi chịu khổ. Ông mai của đám này là người ở làng tôi. Cha tôi cho ông biết quyết định trên để ông nói lại với đàng trai. Đám thứ nhất không thành. Thế nhưng cô tôi lại tỏ vẻ không vui. Thì ra cô với con trai vị hưu quan kia đã quen biết nhau từ mấy năm hai người cùng ở học tại Hội An, chắc đã hợp nhãn, hợp tính nhau. Nhưng thời còn phong kiến, việc cưới vợ lấy chồng thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, áo không mặc quá đầu. Thế nên cô tôi phải bằng lòng với đám tới sau.

Trớ trêu thay, nhà của đám trước bại, đám sau thành cùng ở chung làng có một chỗ gọi là “Ngã ba cây cốc”. Quê tôi là một thung lũng giữa các rặng núi bao quanh. Hồi ấy chưa có đường ô tô. Người ở đây khi cần đi tới các phủ huyện khác nhất thiết phải lội bộ qua truông hoặc đèo tùy theo hướng đi. Phương tiện giao thông duy nhất là đò dọc với thủy trình hạn hẹp qua những làng mạc ở đôi bờ sông.

Cô tôi đã về nhà chồng.

Mỗi lần lên thăm gia đình tôi, cô dượng phải ngồi đò dọc. Bận về cũng thế. Có lần vào dịp nghỉ hè, tôi được cô dượng dẫn theo xuống nhà chơi. Đò dọc ghé bến, Chúng tôi còn phải đi bộ hơn cây số nữa mới tới một ngã ba đường làng. Đây là Ngã ba cây cốc. Tại đây có một cây cốc to, cao, cành lá sum sê đứng phía tay phải ngã ba. Từ đây, cũng đi về phía tay phải vài chục mét là đến nhà cô dượng tôi.

Hai năm sau ngày cô Bốn tôi an bề gia thất thì thân phụ của dượng từ trần. Khi quan tài của thân phụ dượng tôi đặt lên linh sàng để bắt đầu tang lễ thì có một phụ nữ dẫn theo đứa con đến xin cho hai mẹ con thọ tang cha chồng và ông nội. Đứa bé gái ba tuổi. Người mẹ thưa với đông đảo tộc nhân đang có mặt rằng đứa bé là con của dượng tôi, còn bà ta phải là chánh thất của dượng. Mọi người sửng sốt nhìn nhau rồi bao nhiêu cặp mắt đều dồn về phía dượng. Đang mặc áo mũ đại tang, dượng cứ đứng yên như bị trời trồng rồi cúi mặt nhìn xuống đất không nói được lời nào. Xong hậu sự của người quá cố, cô tôi vào phòng riêng khóa trái cửa lại. Cô nằm mãi trong phòng, không chịu tiếp bất cứ ai. Hôm sau, bà chị cả của dượng có chồng tại làng trên đến gõ cửa, xưng tên, đòi vào phòng.  Cô tiếp bà ta vì ít nhất cũng để cho một người biết thái độ và quyết định của cô.

Bà này đã không có một lời khuyên giải nào mà còn nói như kết tội cô tôi. Bà nói rằng đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp, rằng cô tôi lấy chồng đã hai năm mà không chửa đẻ như vậy là tròng vào cổ em trai bà cái tội “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Cô tôi không đáp một lời nào. Sáng sớm hôm sau, cô ra khỏi phòng gặp dượng. Cô soạn trả lại dượng đồ sính lễ gồm kiềng, xuyến, nhẫn, bông tai vàng, rồi chỉ nói với chồng một câu chắc nịch:

- Từ phút này anh và tôi ly dị nhau.

Dượng sửng sốt đến độ cứ huơ hai tay trước mặt và miệng chỉ lắp bắp: em… em…

Cô xách bọc đồ dùng riêng đi ra ngõ. Dượng tất tả đi theo sau và cứ lắp bắp em… em…

Đến ngã ba cây cốc, cô dừng lại chỉ tay vào cây cổ thụ này và nói:

- Tôi thề suốt đời không bao giờ trở lại hay đi ngang ngã ba này!

Đó là câu nói thứ hai của cô với chồng kể từ sau lúc sự cố tiền hôn thú của dượng bị bạch hóa. Cô đón đò dọc trở về sống với gia đình tôi. Cả nhà tôi và bà con ai cũng buồn, mọi người lớn đều khuyên giải cô tôi nhưng vô hiệu. Một hôm tôi ngồi học bài bên cạnh bàn mẹ và cô tôi đang trò chuyện. Mẹ nói khá nhiều, nội dung vẫn là khuyên cô tôi nên chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành… để trở lại với dượng. Tôi nghe cô nói:

- Có hai lẽ em phải chia tay ảnh. Thứ nhất là ảnh không thành thật với em, đã cố tình giấu em về chuyện lăng nhăng của ảnh. Ăn ở với người ta có con mà bỏ. Đã vậy còn xin cưới để lừa em làm gì? Ảnh đã lừa hai người đàn bà. Thật lòng, em chỉ thương mẹ con bà ấy chứ không hề có mảy may ghen ghét. Lẽ thứ hai là em đã thề với ngã ba cây cốc hôm ấy, tức là gián tiếp thề với ảnh. Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Một lời đã nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp. Chỉ một lời nói bình thường đã như thế, đằng này còn quan trọng hơn vì em đã thề.

Mẹ tôi chỉ lắc đầu chứ không nói thêm gì được nữa. Mấy lần dượng lên nhà khóc lóc với ông nội và cha mẹ tôi, vừa khóc vừa năn nỉ với cô tôi để xin cô trở lại. Có lần dượng còn nhờ ông trưởng tộc cùng đi để cầu khẩn với gia đình tôi, chủ yếu là với cô tôi. Tất cả đều không kết quả. Bề gia thất của cô dượng đã thật sự tan vỡ.

Hai năm sau, người con trai đầu của vị hưu quan, bạn cũ của cô tôi, ở cùng làng có ngã ba cây cốc lên thăm gia đình tôi. Ông hưu quan đã từ trần, cả cơ ngơi lớn và vườn ruộng của ông bây giờ do người này quán xuyến. Bạn của cô tôi vẫn trẻ, hào hoa và vẫn chưa lập gia đình. Là người theo tân học, ông đã bãi bỏ hết những nếp gia phong quan cách cũ là cái lý do ngày trước ông không lấy được cô tôi.

Thưa chuyện với ông nội và cha mẹ tôi, ông nói rằng hơn hai năm trước đây ông đã theo dõi từng ngày cuộc sống của cô tôi tại nhà chồng với lòng chân thành cầu cho cô được hạnh phúc. Tất nhiên ông đã biết vợ chồng cô ly dị nhau. Rốt câu chuyện, là người tân học chuộng cải cách, không rào đón, úp mở, ông lễ phép ngỏ lời xin cưới cô tôi. Ông tôi tỏ ra khó xử. Ông nói bây giờ tuy đã hợp lý hợp tình nhưng biết đâu sẽ có lời dị nghị cho rằng cô Bốn tìm cách ly dị chồng vì muốn kết hôn với người tình cũ và người này cũng mong điều ấy xảy ra.

Cha tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo ông này nên hỏi thẳng cô tôi, hai người phải chung gánh trách nhiệm với nhau.

Trong lúc hai người ngồi cạnh bàn học của tôi để nói chuyện, tôi nghe ông nói một câu với cô tôi:

- Dù em có mấy đời chồng đi nữa thì bây giờ và bao giờ anh vẫn coi em là em nữ sinh áo trắng thời cùng học ở Hội An mà anh đã đặt hết cảm tình. Vì lẽ ấy, như em đã biết, anh không thể lấy người con gái nào khác được.

Cô tôi ngồi khóc.

Tôi nói lại câu ấy với cha mẹ tôi. Ông bà có vẻ vui. Mẹ nói với cha tôi:

- Đúng là tình cũ không rủ cũng tới. Đám sau thành mà bại, đám trước bại mà sắp thành. Nên mừng cho cô Bốn.

Đám cưới cử hành. Rước dâu cũng bằng thuyền như đám lần trước. Cô tôi yêu cầu đoàn thuyền không ghé bến đò để đi bộ đến nhà trai vì phải ngang qua ngã ba cây cốc. Thế là hai họ rước dâu, đưa dâu phải cho thuyền đi luôn xuống cuối làng rồi từ đó mọi người đi bộ ngược trở lên bằng đường bờ ruộng để tới nhà đàng trai. Lộ trình này xa gấp ba lần so với đoạn đường từ bến đò vào hướng ngã ba cây cốc.

Từ sau lễ cưới, cô và dượng cũng đi theo lộ trình nhiêu khê ấy để lên quê tôi hoặc trở về. Cô giữ đúng lời thề một cách tuyệt đối.

Tôi có thêm một ông dượng. Tôi thương cả hai ông vì ông nào cũng thương tôi. Để gọi và phân biệt khi nhắc, tôi đặt thứ cho hai dượng. Tôi gọi ông trước là dượng Một, ông sau là dượng Hai.

Dịp tết năm qua tôi về thăm quê. Chú con trai đầu của cô tôi và dượng Hai gọi điện mời tôi xuống nhà dự đám giỗ cô tôi.

Ngày nay tại quê tôi không còn cảnh ngồi đò dọc và lội bộ nữa. Tôi mượn chiếc mô tô của người bà con để đi. Trời tháng Giêng thật đẹp. Núi non, ruộng đồng, vườn tược liên hợp thành một đại cảnh dàn trải màu xanh mơn mởn, tươi rói. Đường cũ, đường mới hiện khắp nơi, tỉnh lộ thì mở rộng, trải nhựa, hương lộ đều bê tông hóa.

Tôi cho xe chạy qua cây cầu bắc ngang sông, quẹo trái ngược lên gặp ngã tư có con đường hồi tôi còn nhỏ đã từng đi để đến nhà dượng Một.

Tôi dừng xe ngay ngã ba cây cốc. Cây cổ thụ ấy không còn nữa. Tôi cố nhớ vị trí ngày xưa của nó. Chỗ này đã thành cổng vào của ngôi trường trung học cơ sở khang trang.

Tôi nhìn hơi lâu con đường ngắn từ ngã ba dẫn vào nhà dượng Một. Chẳng biết phía trong ấy nhà của dượng còn không, nếu còn thì ai đang ở…

Cảnh cũ đã đổi thay, bao người xưa không còn nữa. Cô tôi và hai ông dượng đều thành người thiên cổ.

Ngồi trên xe đi tiếp, lòng tôi ngùi ngùi nhiều nỗi. Trong mớ hoài niệm phức hợp chóng vánh ấy có bóng dáng cây cốc già và âm vang xa thẳm của một lời thề.

TƯỜNG LINH

TƯỜNG LINH