Giấc mơ
Alung phát chồi cây. Cảm thấy mỏi tay, nó lôi cái Nokia cùi bắp ra xem, đã 9 giờ rồi. Đói, mệt, khát nước. Nó nghỉ tay chốc lát, tựa lưng dưới gốc cây nghỉ ngơi. Cơn gió mát nhè nhẹ, chiếc lá xào xạc rơi. Những chú chim hót líu lo trên đầu. Đôi mắt nó lim dim...
- Mẹ ơi! Đừng bỏ con.
- Mẹ ơi!
Anh Non kéo tay tôi lại.
Đốt luôn cái mái nhà tranh khi biết mẹ có thai với một người đàn ông khác. Cha mất khi tôi vừa mới lọt lòng. Sự khổ đau tột cùng khiến anh không thể chịu đựng được. Và anh giành quyền nuôi tôi, mặc dù chỉ có hai anh em trong cái nhà tạm bợ mà hàng xóm vừa cất giùm.
Mẹ đau đớn nhưng đành chấp chận. Bà không còn mặt mũi nào giành tôi nữa. Hai mẹ con nghẹn ngào. “Con cần mẹ mà. Con muốn được sống với mẹ” - tôi nói trong tiếng nấc.
- Mày ở với tau chứ không được đi đâu hết.
Câu nói như đinh đóng cột. Cả tôi và mẹ đều sợ anh. Mẹ sợ anh với cảm giác tủi nhục. Anh luôn nhìn mẹ bằng ánh mắt hằn học. Tôi sợ không dám ngước nhìn anh huống hồ là xin được ở cạnh mẹ.
Tôi phải cố chịu với cảm giác thiếu vắng mẹ. Vì những lời dị nghị, vì sĩ diện anh không cho phép tôi gặp bà. Tôi nhớ bà da diết mặc dù bà vẫn sống cùng thôn với chúng tôi. Những buổi chiều, tôi lén lút, ngó trước, ngó sau như một tội đồ để được gặp mẹ. Nếu anh phát hiện thì chiếc roi mây sẽ in hằn vào từng thớ thịt của tôi. Tôi sợ anh ở cái roi mây ấy.
Mẹ vẫn thường lén lút gặp tôi. Mẹ cho tôi và anh rất nhiều thứ. Mẹ vẫn lo lắng quan tâm như thuở sống cùng nhà. Hiểu rõ tính cách của anh nên mẹ chưa một lần ghé chân qua hiên nhà anh em tôi.
Thời gian trôi. Nỗi đau thiếu vắng mẹ cũng dần nguôi ngoai. Dù gì đi nữa thì anh cũng rất thương tôi. Luôn quan tâm, lo lắng cho tôi như một người mẹ. Và tôi cũng phát hiện rằng anh cũng rất khổ tâm khi sống thiếu mẹ. Nửa đêm anh thường thức giấc và nức nở không thành lời. Nước mắt khiến cái gối mốc meo. Anh cũng không buồn phải giặt nó. Vì anh nghĩ mình đã lớn nên không thể tha thứ cho mẹ. Còn tôi, dù thế nào đi nữa tôi vẫn thương mẹ. Mẹ vẫn còn quá trẻ và đẹp.
Ánh mặt trời chiếu thẳng vào mắt. “Hóa ra mình đang mơ, nhưng sao giấc mơ ấy quen quen thế nhỉ”. Alung cố gắng nhớ lại. “Thì ra đó là những hoài ức về mẹ. Mẹ vẫn thường lui tới nhà mình đấy thôi. Tại sao mình lại mơ thấy chuyện quá khứ đau buồn ấy chứ? Phải chăng khi con người ta cô đơn, lạc lõng thì người mà ta nghĩ đến đầu tiên là mẹ? Và nếu như ngày đó mình sống với mẹ thì cuộc đời mình sẽ ra sao? Có tốt hơn bây giờ không?” - Alung bâng quơ nghĩ.
Muốn đứng dậy phát tiếp những chồi non nhởn nhơ, những dây leo quấn quanh ngọn keo. Nhưng tay chân rã rời. “Không lẽ vì đói” - Alung nghĩ. Nó muốn trốn chạy bởi rừng keo quạnh vắng này. Nó thật sự cảm thấy cô đơn. Nó ao ước được cùng anh phát hết những chồi non này.
Ngày xưa hai anh em sống rất vui vẻ, hòa thuận với nhau. Nhưng rồi anh cũng phải lập gia đình. Một người phụ nữ xuất hiện trong cái nhà lạnh ngắt của hai anh em. Cứ ngỡ rằng thêm một người là thêm một hơi ấm, một sự chia sẻ. Cứ ngỡ rằng người phụ nữ ấy sẽ yêu thương, chấp nhận nó như chấp nhận anh nó. Nhưng...
Khi đi làm về, câu đầu tiên chị dâu hỏi:
- Hôm nay chú Alung có đi làm không?
Alung quần quật không phút ngơi tay. Những khi quá mệt mỏi nó nghỉ một ngày thì chắc rằng ngày hôm ấy nó phải chịu cái nhìn hằn học, câu chửi bới không thương tiếc. Tới bữa ăn, nó e dè, sợ hãi. Muốn gắp miếng thịt hay lát cá thì phải nhìn vào mắt chị dâu. Khi ánh mắt ấy trợn ngược lên thì đồng nghĩa với việc nó phải buông đũa xuống.
Ngày xưa anh thương nó bao nhiêu thì bây giờ ghét bỏ bấy nhiêu. Không biết do nghe lời vợ hay là để trả thù mẹ? Nó không sao giải thích được. Đã nhiều lần anh chị đuổi nó ra khỏi nhà. Nó đau đớn: “Mình còn chỗ nào để đi. Về với mẹ ư? Đâu được. Mẹ đã khổ rồi. Mẹ còn phải chăm lo cho gia đình mẹ, cho những đứa em khác cha với mình. Bỏ làng ra đi ư? Mình đã quấn quýt với ngôi làng này bao nhiêu năm. Và mình rất thương cháu. Rồi thiên hạ sẽ nghĩ gì về anh mình. Ở lại? Mình sẽ phải chịu đựng tất cả”. Nó ngán ngẩm, thôi không suy nghĩ nữa.
Mặt trời càng lúc càng gắt. Nó muốn về nhà, lại lôi cái Nokia cùi bắp ra xem, mới hơn10 giờ. Nó đành ngồi bệt xuống dưới gốc cây. Nó lẩm nhẩm”: “Giờ này mà về nhà thế nào chẳng ăn chửi”. Mà cũng tại mình thôi, chị đã có ý đuổi mình đi nhiều lần rồi mà mình vẫn cứ sống ở đấy thì chị khó chịu là đúng rồi. Làm sao có thể trách chị được, khi mỗi bữa cơm vẫn bát lưng, bát đầy.
Nó buông một câu: “Sao mà giống truyện cổ tích Cây khế thế nhỉ? Chỉ khác ở chỗ mình chỉ có một mình”. Một thằng con trai 18 tuổi. Nó không dám nghĩ tới một người con gái. Đôi lúc nó cũng mơ hồ nghĩ đến nhưng với cuộc sống hiện tại nó lại quên bẵng đi. Và hình như người ta nghĩ nó ngẩn ngơ nên ở làng cũng chẳng có ai thèm để ý đến nó.
Tiếng diều hâu kêu nghe não nùng. Nó sợ quá chui vào gốc cây. Nền trời vẫn trong xanh. Cơn gió mát thi nhau thổi đến. Mấy con chèo bẻo lộn nhào tới tấp phía trên kia. Nó nhìn đến lim dim cả mắt.
Alung trong chiếc khố màu đen, áo cộc tay tiến đến cùng Nhái, một cô gái Co xinh xắn trong bộ trang phục rạng ngời của dân mình. Nhái trong bộ váy đen quấn quanh lưng cùng những hạt cườm và chiếc yếm màu trắng tinh khiết. Trên đầu là những hạt cườm trắng, vàng, tím,... Hai người tiến đến giữa làng thưa trình với bà con trong tiếng vỗ tay reo hò, tiếng cồng chiêng náo nức vui mừng của mọi người. Alung mỉm cười hạnh phúc. Cuối cùng thì anh cũng có cô ngoan hiền, xinh xắn như anh từng mơ ước. Và đặc biệt đám cưới được tổ chức theo phong tục của chính dân tộc Co. Mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng đó lại là điều Alung mong mỏi trong cuộc đời của mình. Alung thấy mình còn hạnh phúc hơn cả người em trong truyện Cây khế. Alung cười sung sướng.
- Mày đi làm đấy hả? Tiếng chị dâu như sấm đánh ngang tai.
Alung giật mình hoảng hốt. Lấy cái tay đập đập cái đầu, nó lẩm nhẩm: “Ôi trời mình lại ngủ và mơ”. Một giấc mơ đẹp. Nó tiếc nuối ngẩn ngơ.
- Mày lẩm nhẩm cái gì thế? Phát hết cái chòm này rồi hãy nghỉ.
Chị nó về, bỏ nó một mình với khu rừng hoang vắng. Lúc này nó mới nhận ra chỉ mình nó trên rẫy keo. Những ngày trước rất là đông vui. Nó lẩm nhẩm: “Hình như hôm nay là mùng 5 thì phải”. Và nó ngơ ngác không hiểu sự có mặt của chị dâu nó. Nó chậc lưỡi: “Thôi mặc kệ”.
Nó đứng dậy, cầm rựa, phát tiếp. Miệng mỉm cười với giấc mơ hạnh phúc.
NGUYỄN THỊ ĐƯƠNG