Bạn cũ

TRẦN THỊ GIAO THỦY 15/03/2015 10:21

1.Thằng Đô đưa đôi mắt đỏ quạch vì thiếu ngủ nhìn từng đứa:

- Bọn mi ở lại! Khi mô có dịp, ra nhà tau chơi, hỉ!

Đôi mắt nó, thường ngày rất sáng và sinh động, hôm đó buồn thiu. Khuôn mặt ốm nhom như nhọn thêm. Dưới cằm, mấy sợi râu loe hoe chưa cạo, đâm lún phún…

Tôi thấy cay cay nơi khóe mắt, giả bộ ngó lơ ra ngoài cửa sổ. Thằng Huy điềm đạm:

- Ừa! Có tin gì nhớ báo, hỉ!

Thằng Nam chống cằm, nhìn chăm chăm chén cơm để trước mặt. Không khí như ngưng lại, đặc quánh…

Trên bàn, các món ăn còn nguyên. Ba con cá chiên rưới nước mắm ớt tỏi, thơm phức, nằm gọn lỏn trong cái dĩa nhựa. Tô canh chua óng ánh mỡ. Rổ xà lách mướt mát, mấy lát ớt đỏ au dập dềnh trong chén nước mắm…

Đây là bữa cơm cuối cùng của phòng chúng tôi. Bữa cơm chia tay thằng Đô.

 Bốn chúng tôi chung một phòng trọ. Tôi từ Nha Trang vô. Thằng Nam, từ Quảng “Ngã” (Quảng Ngãi) - như nó tự giới thiệu - là người thứ hai. Thằng Huy trên Đà Lạt xuống. Huy ít nói. Nhưng nói câu gì cũng có lý. Vì vậy, bọn tôi nhất trí bầu nó làm “trưởng phòng”.

Thằng Đô nhập bọn sau cùng. Giọng Quảng “Nôm” đặc sệt nghe thiệt vui. Nó đổi âm “a” thành âm “ô” rất tự nhiên, kiểu như cái “láp xe độp” (lốp xe đạp), đi “lồm” (làm)… Câu nào nó cũng thêm tiếng “hỉ”, rất chi là “Quảng Nôm”. Mỗi khi nó mở miệng, chúng tôi không nhịn được cười.

Cả phòng nhất trí “góp gạo thổi cơm chung” cho rẻ và tiết kiệm. “Thực đơn” thường là canh “toàn quốc”, nấu với cá tạp: canh chua, canh rau tập tàng, canh bí… và một dĩa muối dằm ớt. Bữa nào “đầu bếp” hào phóng, cho thêm chén mắm cà, thấy sang hết biết.

Một hôm, cả trường xôn xao về mưa và lũ lớn ở miền Trung. Hai đứa dân Quảng bồn chồn ra vô. Thằng Nam nhà ở chỗ cao, đỡ lo hơn. Nhà Đô, như nó kể, nằm bên bờ sông. Con sông Thu Bồn hiền lành là vậy mà giờ hung dữ như quái vật. Kiểu này, nhà Đô chắc bị lũ cuốn trôi hết. Những buổi chiều, nó ngồi bất động, mắt đăm đắm ngó đám keo lá tràm, đợi tin nhà. Đến bữa, nó trệu trạo hoài không hết chén cơm.

Đúng như Đô dự đoán, em nó báo tin, nhà cửa, đồ đạc và con đò, phương tiện kiếm sống duy nhất của cả nhà, đã bị lũ cuốn hết. Ba nó bị thương nặng khi cố cứu con đò…

Chẳng còn cách nào khác, Đô đành bỏ học. Giấc mơ ra trường có việc làm thay ba nuôi các em của nó mãi mãi chỉ là giấc mơ.

Hôm đó, chúng tôi lặng lẽ nhìn thằng Đô xếp đồ vô cái túi du lịch cũ rích: vài bộ quần áo bạc màu, cái khăn rằn ba nó cho hồi đậu đại học, và một lô sách cũ nó kiếm được đâu đó.

Huy quay sang tôi, dè dặt: “Hay là vầy! Từ nay, thằng Đô khỏi lo chuyện tiền ăn ở. Tụi mình chia nhau, chắc cũng đủ!”. Tôi gật: “Ừa ! Đáng nhiêu đâu!”. Nam phụ họa: “Được!”. Huy quay sang Đô, nhỏ nhẹ: “Mày ở lại đi ! Bọn tao bao mày ăn ở. Sắp tới, mày có học bổng mà!”. Tôi vỗ vai Đô: “Mày học giỏi, bỏ uổng lắm!”.

Miệng Đô méo xệch : “Hổng được! Tau phải về! Còn mấy đứa em nữa!

Thằng Huy bưng chén cơm, cầm đũa khoát một vòng:

- Thôi ! Ăn đi chúng mày! Thằng Đô còn phải ra Ngã Ba đón xe!

Những cái miệng trệu trạo há ra, ngậm vào, uể oải như nhai rơm. Hết một chén, thằng Nam đặt đũa, đứng dậy: “Tao chịu! Nuốt không vô!”.

Tôi và nốt miếng cơm, gác đũa. Bỗng thấy buồn chi lạ. Giá như chúng tôi có cách chi giúp Đô?

Ba con cá chiên vẫn còn nguyên trong dĩa. Chỉ có tô canh chua vơi bớt một nửa…

Nam có vẻ bồn chồn sao đó. Hai hàng lông mày thưa của nó hết nhíu lại rồi giãn ra. Nó đưa mắt nhìn Đô rồi lại nhìn chúng tôi, lần lượt từng đứa. Một lúc sau, nó lẳng lặng lục hòm, lấy ra năm tờ bạc một trăm, đưa cho Đô: “Cậu cầm tạm, hỉ!”. Tôi và Huy nhìn ra ngoài cửa, ngượng ngùng. Quá ít!

Nhưng tôi biết, “ngân sách” của phòng bây giờ cũng còn lại chừng đó. Mà hôm nay mới là ngày thứ hai của tháng.

Đô cúi mặt, mân mê mấy tờ bạc. Mắt nó rơm rớm…

2.Đó là chuyện của hơn 10 năm trước.

Từ đấy, chúng tôi không gặp Đô. Cũng bởi cuộc sống cứ cuốn đi, nào học hành, rồi tốt nghiệp, rồi lo công việc, nhà cửa, rồi gia đình, con cái v.v.

Đùng một cái, Đô xuất hiện ở nhà tôi, bất ngờ như từ trên trời rơi xuống

Sáng Chủ nhật, chiếc Innova màu xanh đen bóng lộn đậu xịch trước nhà tôi. Một người đàn ông dáng vẻ sang trọng, lịch lãm bước xuống, đưa tay bấm chuông.

Tôi ra mở cổng, tò mò nhìn khách. Sơ mi sọc xanh, cà vạt sọc tiệp màu, giày đen mũi vuông láng bóng… Cả cái xe biển trắng anh ta tự lái. Một doanh nhân thành đạt?

Khách nhìn tôi, nở nụ cười thân thiện. Tôi hơi sững lại. Có gì đó hết sức quen thuộc trong ánh mắt nhìn thẳng, đầy tự tin này. Tôi cố lục trí nhớ. Một đối tác?  Một khách hàng? Đại lý hay nhà thầu phụ?

- Thắng! Bộ mày không nhớ tao sao? Đô đây!

Tôi ngớ ra mấy giây rồi mới há miệng kêu to:

- Đô! Là mày sao?

Hai đứa lao vào nhau, ôm nhau nhảy tưng tưng như hai thằng điên, không để ý tới ánh mắt có phần lúng túng của vợ và ngạc nhiên của 2 đứa con.

Vợ tôi đặt lên bàn 2 ly nước trái cây. Tôi kéo nhẹ tay nàng, chỉ vào khách:

- Đây là anh Đô, bạn cùng phòng thời đại học của anh. Em thông cảm, đưa các con đi chơi công viên! Bữa khác anh sẽ đền cho ba mẹ con nhé!

Khuôn mặt vợ thoáng buồn pha lẫn thất vọng. Nhưng nàng nhanh chóng khỏa lấp bằng nụ cười bao dung:
- Dạ! Không sao! Mời anh và anh Đô dùng nước!

Đô khẽ nghiêng đầu, nhỏ nhẹ:

- Cám ơn em!

Tôi quan sát thằng bạn cũ. Không đen nhẻm, lòng khòng như ngày xưa mà béo tốt, trắng trẻo. Nhưng nhìn kỹ thì đúng là nó. Vẫn khuôn mặt đó, ánh mắt và nụ cười đó. Tôi sốt ruột:

- Nói đi! Mày lặn đâu hồi đó tới giờ? Rồi làm cách sao mà biến được thành thằng cha bảnh như vầy?

Đô chậm rãi cầm ly nước, từ tốn đưa lên miệng nhấp một hớp rồi nhẹ nhàng đặt xuống:

- Chỉ đơn giản là tao (chứ không phải “tau”, như ngày xưa) có chút may mắn!

Rồi, một cách thong thả, đôi lúc trầm tư trong hồi tưởng, Đô kể...

... Hồi đó, với số tiền “Hỗ trợ bão lụt”, Đô sửa lại nhà và mua một con đò, thay ba làm nghề “đưa khách sang sông”. Bận rộn là vậy, nhưng giấc mơ đại học vẫn nung nấu trong lòng. Những lúc không có khách, Đô nghiên cứu các giáo trình, tài liệu… Đô định, cố gắng dành dụm tiền, đăng ký học tại chức.

Do thỉnh thoảng phải chở, phải giao tiếp với những người khách nước ngoài ưa du lịch bụi hay đám “Tây balô”, Đô bắt đầu tự học tiếng Anh. Một lần, có ông khách người Anh tỏ ra tò mò khi thấy chồng sách đủ loại Đô để trên mũi ghe. Sau đó, ông ấy trở lại thăm Đô mấy lần và hứa sẽ giúp đỡ. Ít lâu sau, ông ta làm thủ tục nhận Đô làm con nuôi và đưa qua Anh sống cùng. Lấy xong bằng tiến sĩ, Đô trở thành giảng viên một trường đại học. Năm ngoái, ba nuôi Đô mất. Vì không có người thân nên ông ấy để lại tất cả tài sản cho Đô…

Tôi gật gù:

- Tuyệt! Không phải ai cũng may mắn thế! Mà này! Quên chưa hỏi! Mày về nước làm việc luôn hay thăm gia đình?

Đô có vẻ lưỡng lự:

- Công việc của tao bên đó đang ổn định!

Tôi thông cảm:

- Vậy, để tao gọi thằng Nam, thằng Huy. Chúng mình gặp nhau, ôn lại chuyện cũ, hỉ!

Mắt Đô sáng lên:

-  Chắc chắn rồi! Tao cũng có việc muốn nhờ...

Dù chưa biết chuyện gì, tôi vẫn hồ hởi:

- Được thôi! Tụi tao sẵn sàng! Mày nói đi! Việc gì?

Đô nhìn thẳng vào mắt tôi, nghiêm nghị:

- Tao muốn chuyển tiền về Việt Nam!

Tôi hơi chột dạ, hổng lẽ thằng bạn cũ muốn lợi dụng chúng tôi để… rửa tiền?

Vẻ thay đổi trên mặt tôi khiến Đô bật cười:

- Sao vậy? Mày nghĩ tao làm gì sai hả?

Tôi lắc đầu, xua tay:

- Ờ… Chuyển tiền hả? Mà sao không nhờ các em mày?

Đô đập tay lên vai tôi:

- Là vầy! Tao muốn tụi mày lập cái quỹ, kiểu như “Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo”... Đừng như tao hồi đó…
Những chữ cuối, giọng Đô nhỏ hẳn, như nghẹn.

Tôi thở ra một hơi, cười ngượng nghịu :

- Được rồi! Mày yên tâm! Tụi tao sẽ làm!

TRẦN THỊ GIAO THỦY

TRẦN THỊ GIAO THỦY