Nước vẫn chảy dưới chân cầu

LÊ TRÂM 22/02/2015 16:54

1. Ông Hà Nhuận chậm rãi đi tới đi lui dọc theo thành cầu. Thỉnh thoảng ông lại vỗ tay xuống những cái lan can xi măng xám xịt. Người ta bảo bắc qua con sông nhỏ này có đến ba chiếc cầu thuộc ba chế độ khác nhau (?). Một, do một tay kỹ sư người Pháp thiết kế, sau này thì cầu mang tên ông ta. Một, do hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng đúng vào những năm chiến sự xảy ra ác liệt nhất. Chiếc cầu ấy bị không quân Việt Nam Cộng hòa thả bom đánh sập một đầu cầu với hy vọng ngăn không cho xe tăng quân Giải phóng tiến vào thành phố tỉnh lỵ một ngày cuối tháng ba năm bảy lăm. Sau ngày giải phóng cầu được sửa chữa nhiều lần nhưng rồi cũng không trụ nổi với lượng xe ngày càng nhiều đến độ phải bắc thêm một chiếc cầu sắt nhằm chia bớt tải trọng, nằm song song chiếc cầu cũ. Là chiếc cầu ông đang đứng. Chiếc cầu của người kỹ sư Pháp đã chìm mất dưới đáy nước. Đã lâu, ông không thể nhớ nổi. Xa hơn một chút, về phía hạ lưu là chiếc cầu mới xây dựng theo con đường tránh vừa làm xong cách chừng non cây số so với cầu cũ. Bây giờ, thỉnh thoảng mới có xe đi lại con đường cũ. Chiếc cầu như một chứng nhân cũ kỹ của bao nỗi thăng trầm. Ông Hà Nhuận thuộc từng mét hành lang sát chân cầu. Từ phía này nhìn xuống, nước vẫn lặng lờ chảy xuôi như chưa hề có chuyện gì xảy ra trong suốt từng ấy tháng năm. Trôi đi, như bao phận người đã đến đây, ở lại, cả những người bỏ đi, như ông. Ông cố đoán nhưng vẫn không thể hình dung ra nơi Thủy Hương đã nhảy xuống. Nhảy xuống và mất tích như lời đồn đoán của thiên hạ. Hay là đúng cái nơi bọn trẻ con xóm ông hay ngồi câu cá thác lác mỗi chiều? Hay đúng cái đoạn ông thường lặn cá, chui sâu vào đám sắt vụn lẫn bê tông vụn nát của chiếc cầu thời Pháp thuộc còn sót lại? Người ta đồn rằng ông lặn cá rồi chết mất xác tạo nên câu chuyện lạ cho cư dân cả vùng bàn tán một thời gian dài. Sau này, ông nghe kể đủ điều về cái sự mất tích kỳ lạ của chính mình. Có người bảo từng tận mắt thấy ông ngồi chồm hổm nhe răng cười với người thợ lặn đúng ngay đoạn cầu sập ấy. Có người bảo ông bị “ma dú” giữa bụi tre xóm Mồ Côi tận ngoài cánh đồng vắng sát biền Hà Rầm phía dưới kia. Người thì bảo ông từng phải lòng rồi dẫn một bà góa chồng xinh đẹp ở Xóm Đồng trốn vào vùng kinh tế mới tận trên Đăk lăk. Không ai nghĩ ông đã cùng đám bạn học cũ lênh đênh ngoài biển mấy ngày trời trước khi được tàu nước ngoài cứu sống. Ông Hà Nhuận bất giác mỉm cười một mình. Thiên hạ cũng thiệt hay, toàn vô công rồi nghề, nghĩ toàn chuyện kỳ cục. Sao chẳng ai nhắc tới chuyện cụ thể là ông với Thủy Hương nhỉ?


2. Xóm Chợ Cũ nằm ở phía nam cây cầu cũ kỹ. Gọi là Chợ Cũ vì Chợ Mới bây giờ đã được đưa lên phía trên đường cái, đang ngày thêm sầm uất, khác xa cái u trầm, buồn bã, điêu tàn của khu lều chợ từng một thời danh tiếng. Ở đó có hiệu thuốc Khách Lìn của cha ông như một điểm nhấn đắc địa của thời gian khắc lên sự phát triển một thời lừng lẫy của khu thị tứ già nua. Hiệu thuốc như một cái vẫy tay buồn bã vào quá khứ. Lai lịch của người đàn ông làm nghề bốc thuốc họ Lý xa lạ cộng thêm lò võ Vịnh Xuân cha ông lập nên tạo thành nét khác biệt của khu thị tứ so với nhiều nơi khác quanh vùng. Càng lạ so với nghề chằm nón mà ông thường hay đùa với Thủy Hương - nghề “xỏ lá”, phía xóm Nhà thờ. Và, như một điều oan nghiệt, cha của Thủy Hương cũng mở lò võ như muốn tranh học trò với ông Khách Lìn. Là lò Kỳ Sơn, toàn dạy võ ta. Bao nhiêu lần, ông Khách Lìn, rồi sau đó đến đệ tử của ông thượng đài. Và cha Thủy Hương, rồi đến đệ tử của cha nàng cũng ngần ấy lần thượng đài. Mà lần nào phe của ông Khách Lìn cũng đều bại cả. Cha Thủy Hương thắng trận nào thì mối tình non tơ của ông cùng Thủy Hương thua ê chề trận đó. Mỗi trận thắng của cha Thủy Hương là một lần đẩy nàng ra xa tầm tay của ông hơn. Giang sơn thì chật hẹp mà lại có đến hai vua hỏi ai chịu đời cho thấu? Để mong trả hận, bao nhiêu lần cha ông Hà Nhuận muốn truyền hết ngón nghề cho đứa con trai cưng mà chẳng xong. Mỗi lần cha ông quyết tâm thực hiện ý định là một lần ông tìm cách tránh trớ. Cho nên có mỗi một thảo võ cơ bản mà ông luyện mãi không xong. Và càng ngày ông càng nghiệm ra, chuyện của ông và Thủy Hương dần dần chẳng khác chi Nữ Oa đội đá vá trời!

Thủy Hương một buổi đi học, một buổi ở nhà chằm nón nên da trắng như trứng gà bóc. Môi thì đỏ. Tóc dài mượt mà. Dáng điệu đà như công nương. Nên Thủy Hương vào vai Phàn Lê Huê trong vở tuồng “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê” vừa y sì sì. Cứ như là vai diễn ấy sắm ra là để dành cho Thủy Hương vậy. Cái giọng nhỏ nhẹ của nàng vào câu hát … ngọt còn hơn mía mật lùi trong tro bếp. Ngọt và ấm. Gánh hát bội xóm Nhà thờ có lệ hát hiến đúng ba ngày Tết. Không nhiều không ít. Không sớm không muộn hơn. Nói là hát hiến cho oai vậy thôi chứ đã bao giờ gánh hát đòi tiền của ai đâu mà chả hiến với tế? Ba ngày Tết là ba ngày đổi đời của dân xóm Nhà thờ. Dường như cái vẻ nghèo nàn, khốn khó của cư dân biến đi đâu mất. Thay vào đó là sự ồn ã của sênh phách, sinh tiền,... Là xanh xanh đỏ đỏ của áo mới quần mới. Là nỗi rạo rực của mỗi người. Là sự trào dâng của những trái tim đang yêu. Ông Hà Nhuận và Thủy Hương đã từng cuộn vào với cơn sóng tình dữ dội ấy. Nên mắt lúc nào cũng sóng sánh. Nên môi má lúc nào cũng au đỏ. Nhất là Thủy Hương…

Năm nào cũng vậy, hễ tiếng trống ở phía xóm Nhà thờ vang lên là lúc ông Hà Nhuận bỏ cả chày cối, thuốc men lẻn ra cửa sau.

Ông Hà Nhuận lại bất giác mỉm cười.

Vậy mà đã bao nhiêu năm rồi…

Bao nhiêu nước đã chảy qua chân cầu.
3. Ông nhớ, hồi ấy mới vừa xong lớp mười hai, thi hỏng đại học đôi lần. Mới xong lớp mười hai mà đã yêu Thủy Hương rồi. Sao mình yêu sớm thế nhỉ? Được yêu, ngày tháng cứ phơi phới. Chân bước, cứ như đặt vào khoảng không. Đầu óc thì để tận đẩu đâu. Ông chẳng nhớ chuyện gì khác ngoài việc chờ đến tối là tìm lên xóm Nhà thờ. Để được ôm cái thân hình mảnh mai, thơm ngát của nàng vào lòng. Ông Khách Lìn bảo với Hà Nhuận rằng hãy cố gắng thi lại rồi đi học y khoa về thay ông, cứ bây giờ cái nghề bốc thuốc Bắc đã sắp hết thời rồi (?). Mà đúng như thế thật, chỉ vài năm sau ngày giải phóng cùng những khó khăn của thời hậu chiến, nghề bốc thuốc của ông Khách Lìn đi xuống ngó thấy. Cái lò võ Vịnh Xuân cũng rục rịch đóng cửa…

Thủy Hương vừa xong vai diễn của mình. Nàng để nguyên xiêm áo theo con đường vắng sau rạp lẻn ra phía chân cầu. Ông Nhuận đang đợi nàng ở đó. Đã mấy ngày không gặp được nhau cơ chừng cô nàng không chịu đựng nổi nữa. Nàng Phàn Lê Huê dù đang khoác bộ võ phục uy dũng cũng không thể nào giấu được trái tim đang muốn làm nổ tung lồng ngực của mình. Nàng lao vào người yêu cứ như là đang lao vào vòng tay rắn chắc của Tiết Đinh San trên sân khấu. Hai người cuộn vào nhau quên hết đất trời…

“Bốp! Bốp!”

“Thằng mất đậy! Đi về!”

“Cái đồ xướng ca vô loài!”

Ông Hà Nhuận sửng sốt.

Ông Khách Lìn tự đâu rơi xuống đứng trước hai đứa, mặt dữ dằn như hung thần.

Thủy Hương chôn chân một chỗ, đầu cúi thật thấp.

Ông Hà Nhuận hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cái chuyện khủng khiếp lâu nay ông mơ hồ cảm nhận bây giờ đã hiện rõ mồn một.

“Đừng, cha!...”

“Cha con gì với mày, đi về!”

Ông Khách Lìn nắm tay đứa con trai, giằng mạnh.

“Anh!...”. Thủy Hương hét lên, hai tay bưng lấy mặt. Nàng khóc ngất. Bộ võ tướng uy dũng của Phan Lê Huê cũng chẳng giúp gì cho nàng lúc này.

Như một gã đàn ông hèn nhát thật sự, ông Hà Nhuận bước theo cái kéo tay nghiệt ngã của người thầy thuốc kiêm võ sĩ già. Tuy tuổi đã cao nhưng ông Khách Lìn vẫn đủ sức khiến một gã trai trẻ ẻo lả là ông đi theo ý mình.

Nửa đêm hôm đó, ông Hà Nhuận bị dựng dậy. Rồi cả nhà đưa ông ra bến sông, ném ông vào chiếc thuyền nhỏ đang cập sẵn ở bến.Chưa đầy mươi phút sau, chiếc ghe lặng lẽ rời bến xuôi theo hướng Cửa. Rồi ra biển. Đi đến gần hết một đời người.
4. Nhà ông đã dựng chuyện ông lặn cá rồi mất tích để che giấu chuyến đi vượt biên trái phép. Ông Hà Nhuận nghe kể lại rằng sau đêm ấy Thủy Hương bị cha đánh một trận thừa sống thiếu chết. Nàng bị trói vào gốc cột, bị bỏ đói cả ngày trời. Đến tối hôm sau thì thoát được. Rồi người ta vớt được nàng phía hạ lưu con sông đoạn gần Xóm Hến. Người ta bảo rằng nàng vẫn chưa tẩy trang hết dấu vết của Phàn Lê Huê trên khuôn gương mặt mình…

Ông Luận bước tới bước lui mãi. Vẫn cứ không thể nào đoán ra nổi cái nơi xảy ra điều oan nghiệt với Thủy Hương. Và cho cả ông. Ông vừa bước đi chậm rãi vừa nghĩ đủ thứ. Cũng hai mấy năm rồi. Bao nhiêu chuyện dữ chuyện lành xảy ra trong ngần ấy ngày tháng. Hai người đàn ông từng làm thay đổi cuộc đời của ông và nàng cũng đã đi về với trời đất. Cũng chẳng có ai nhắn nhủ lại với ông điều gì. Bây giờ, khi đã có trong tay cả cơ ngơi đồ sộ, lòng ông nhiều lúc vẫn cảm thấy rỗng không. Bởi, cái thứ ông đánh mất lớn quá. Cái thứ không bao giờ tìm lại được. Và, không có gì bù đắp nổi.

Bây giờ, sau bao nhiêu năm lưu lạc, lặn lội, cô đơn nơi xứ người ông mới nhận ra thế nào là quê hương đất nước. Càng thấy quý cái nghĩa xóm tình làng của những ngày ông từng sống ở đây. Ừ, rồi ông cũng phải làm điều gì đó cho quê ông mới đúng đạo. Xây dựng, tu sửa cái gì đó. Khôi phục lại cái gánh hát bội chẳng hạn. Mà cũng gần thêm một cái Tết nữa rồi. Giá mà có được mấy đêm hát hiến… Cũng không còn bao nhiêu thời gian nữa, một đời người rồi cũng trôi qua mất thôi.

Ông Hà Nhuận bỗng phát hiện ra từ phía chân cầu này người ta đã đắp mới hai con đường lớn, một rẽ về phía Chợ Cũ, một rẽ về phía xóm Nhà thờ. Con đường nối Chợ Cũ - Xóm Nhà thờ thẳng như một sợi chỉ. Con đường này mà đi rước dâu thì còn gì bằng, Thủy Hương à!

Ông đứng lặng hồi lâu. Mắt vẫn đăm đăm nhìn xuống dòng nước trong ngăn ngắt.

Nước thì vẫn cứ chảy dưới chân cầu…

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM